Hôm nay,  

Đoàn Thị Điểm, Chúa Liễu Hạnh và Tín Ngưỡng Tứ Phủ

21/10/201400:00:00(Xem: 5228)

Bài viết này không có ý đả kích hay giảm thiểu ảnh hưởng đức tin về bà chúa Liễu Hạnh trong tín ngưỡng bổn địa của dân gian. Bài chỉ có mục đích đặt lại đúng chỗ và đúng lúc địa vị của Bà trong truyền thống Việt Đạo, để “trả lại cho Việt Đạo ý nghĩa đẹp đẻ của tâm thức dân tộc” mà theo đó, trong bài trước, chúng tôi đã tuyên bố: chúa Liễu Hạnh không có thể và không bao giờ có thể là một trong Tứ Bất Tử.

Sự tích của Liễu Hạnh chỉ được biết đến sau khi tác phẩm Vân Cát thần nữ truyện xuất hiện trong tập Truyền kỳ tân phả, do Đoàn thị Điểm (1705-1748) biên soạn. Theo Tứ Bất Tử của Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh mà chúng tôi xử dụng làm tài liệu tham cứu, thì sau Vân Cát thần nữ truyện, còn có một loạt các tư liệu khác về Liễu Hạnh, tuy nhiên, tất cả đều xuất hiện sau tác phẩm này, cho nên ở đây không cần bàn tới.

Ta đã biết, Đoàn thị Điểm và Hồ Xuân Hương là hai tác gia lớn thuộc nữ lưu trong văn đàn Việt Nam, hai người sống hầu như đồng thời với nhau, nhưng lại biểu trưng cho hai khuynh hướng đạo đức đối lập nhau. Trong khi thi ca của Hồ Xuân Hương hàm ý lã lơi với những hình ảnh khiêu gợi dâm tính thì trái lại, của Đoàn thị Điểm lại nghiêm trang, mẩu mực, trịnh trọng. Nhưng đó là biểu hiện bên ngoài. Khi viết Vân Cát thần nữ, có phải chăng con người trang trọng đó đã gởi gấm tâm sự thầm kín của một phụ nữ – bị trói buộc, bị gò bó bởi những kích thước đạo đức hời hợt giả tạo của Khổng Nho vốn không xem trọng phụ nữ –, vào trong mãnh lực ảo hóa hư cấu của văn chương, của thi ca, để làm một cuộc cách mạng mà có lẽ vì những khuôn khổ sĩ diện của cá nhân và gia đình, nên không dám trắng trợn đả phá như Hồ Xuân Hương?

Muốn đả phá, mà không dám, cho nên con người thật Đoàn thị Điểm mới phải tạo ra hư ảnh Liễu Hạnh, một mẫu người lý tưởng thật là người, tức là dám sống cuộc sống thật của mình, với đầy đủ thất tình lục dục được bộc lộ một cách vừa bình thường lại vừa thăng hoa giữa bối cảnh huyền ảo nửa người nửa tiên của Liễu Hạnh; là tiên, bà bị đày xuống trần gian; là người, bà có chồng con, hết hạn đày được trở về trời, rồi lại nhớ trần gian bèn giáng trần lần nữa để sống lại nếp đời làm vợ và làm mẹ, với những tình tự dám khẳng khái bộc lộ của một người đàn bà dám sống. Dám đến nổi Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng đành phải nhượng bộ, đành phải cho xuống thế, không phải chỉ một lần, mà đến những ba lần, chỉ vì một điều duy nhất là con người này quá trần tục, quá say đắm trong dục tình, nên bất chấp tất cả những thú vui tiên giới để mà nhất định phải hạ sanh làm người – làm một người đàn bà không thuần thục, không đoan trang, một người đàn bà thích chọc phá, thích trên bộc trong dâu, thích khêu gợi đùa bởn với bọn đàn ông háo sắc. Một người như thế, đối với luân lý Khổng Nho, không thế nào được chấp nhận, nói gì là được xưng danh, trái lại còn bị phỉ nhổ, bị lên án, là đàng khác.

Ay vậy mà Liễu Hạnh lại được tôn xưng là Chúa, là Mẫu. Chỉ vì có thể là tận cùng đáy vực của những người đàn bà được mệnh danh là đoan trang thuần thục theo tiêu chuẩn Khổng Nho đó, có một ẩn ức muốn nổi loạn muốn bộc lộ những thèm khát liên hệ đến dục tính vốn là thường tình của con người; họ thèm khát mà không dám biểu lộ, chỉ có Đoàn thị Điểm là dám, nên bà đã thành công khi nói lên tiếng nói của những thèm khát đó, không quá lộ liễu, không quá trực diện như Hồ Xuân Hương, mà hàm tàng ẩn hiện qua thái độ phóng khoáng của huyền thoại nửa người nửa tiên Liễu Hạnh. Vì huyền ẩn, siêu lịch sử, đánh trúng tâm lý quần chúng của số đông phụ nữ bị áp bức về mặt tinh thần và lễ giáo đương thời, cho nên Đoàn thị Điểm đã thành công, đã thần tượng hóa được con người lý tưởng cho tất cả những phụ nữ này.

Ta thấy ở đây một sức sống của người phụ nữ kiên quyết vươn lên, và vươn lên được, bất chấp mọi chướng ngại, đến nổi Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng phải chịu thua luôn. Ta thấy cái khát vọng âm thầm của Đoàn thị Điểm quả thật là độc đáo, quả thật là siêu việt, như ngay chính con người siêu việt Liễu Hanh do chính bà tạo dựng nên.

Thêm một điều nữa là nội dung tập Truyền kỳ tân phả của Đoàn thị Điểm ghi chép các nữ nhân xuất sắc ở nước ta như Nguyễn thị Bích Châu, vợ vua Trần Duệ tông, bà Phan thị, vợ Đinh Nho Hoàn, v.v. cho thấy Đoàn thị Điểm đã có ý muốn đưa vai trò quan trọng của người phụ nữ vào trong bối cảnh Nho giáo bấy giờ đang thịnh hành và đang tàn hủy những giá trị đóng góp của phái nữ trong công cuộc duy trì nền văn hoá Việt nam đương thời. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh những phụ nữ có thật này, Đoàn thị Điểm lại hư cấu thêm một nhân vật nữ nữa, ảo ảo hóa hóa, vừa mang đầy đủ bản tính của một người trần tục lại vừa có nhiều quyền phép linh thông để cải biến thực tế hạn cuộc phủ phàng thành những siêu việt mà những ước mơ thầm kín muốn đạt đến.

Bởi vậy cho nên, Đoàn thị Điểm đã đập đến tan tành những quan niệm trung trinh tiết liệt của người đàn bà Nho giáo, qua sự kiện Liễu Hạnh có đến ba đời chồng, mà vẫn giữ thói trêu đùa bởn cợt với đàn ông, không cần giữ gìn cái gọi là lễ giáo gì cả. Truyền thuyết cho rằng bà là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi, bị đày xuống trần gian, làm con nhà họ Lê, năm 18 tuổi gả chồng là Đào Lang; ba năm sau, hết kỳ hạn, được (hay bị) gọi về Trời. Nhưng nàng nhớ chồng con, Ngọc Hoàng lại phải cho trở xuống hạ giới; lần này, nàng lại không chịu an bề gia thất, mà chỉ sắp đặt cửa nhà yên ổn xong thì bắt đầu vân du mọi nơi, giở trò trêu ghẹo người, có lẽ cũng phải vài mươi năm, rồi mới ghé vào Nghệ An kết duyên với một thư sinh nguyên là hậu thân của chồng cũ Đào Lang ngày trước. Chồng thi đỗ làm quan, Liễu Hạnh về trời lần nữa. Rồi cũng một lần nữa, Bà giáng sinh cùng hai thị nữ (do đó mà có tục thờ Tam tòa thánh mẫu) về Phố Cát, Thanh Hóa, lại trêu ghẹo quấy phá và trừng phạt những tên nam giới đa tình. Có phải chăng Đoàn thị Điểm cũng muốn vạch mặt phô bày cái giả dối của những anh chàng nho sinh ngụy quân tử, bề ngoài ra chiều chánh nhân kiểu “khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai” mà rốt lại cũng chỉ là hạng lã lơi ong bướm, sàm sở đa tình?

Ta thấy truyện Vân Cát thần nữ này nói lên tánh cách quá “người”, không phải của Liễu Hạnh, mà chính là của Ngọc Hoàng Thượng Đế; té ra Ngài cũng không được công tâm như Bao Thanh Thiên, cho nên cũng thiên vị chở che con gái, cũng xiêu lòng cho đứa con vòi vĩnh xuống hạ giới để tác oai tác quái với người trần tục. Nhưng mà phép Tiên vẫn phải thua phép Phật, cho nên trong khi đấu phép, Liễu Hạnh đã bị Bát Bộ Kim Cương bắt giữ, rồi Bà được Phật Tổ hiện đến để xin vua không những tha tội cho người con gái Ngọc Hoàng này mà còn phong thánh cho. Trước đó, Bát Bộ Kim Cương đấu phép lần đầu, thua Bà, phải xin mượn cái đảy của Quán Am Bồ tát (Phật Bà), mới thâu phục được Liễu Hạnh.

Trận chiến giữa chúa Liễu và các vị Kim Cương này, cũng như sự tích trong Thiền Uyển Tập Anh về nhà sư Giác Hải và đạo gia Thông Huyền, phải chăng là một cách thức mô tả những tranh chấp đụng độ giữa Phật giáo và Lão giáo (theo quan niệm Trung hoa) hay Đạo giáo của Việt Nam trong thời kỳ đó? Trong khi truyện Giác Hải và Thông Huyền cho thấy cả hai đức tin đều giữ thế quân bình, thì chuyện Liễu Hạnh bộc lộ ưu thế của Phật giáo, nhất là khi truyền thuyết còn cho rằng hai đứa con của bà đều gửi nhờ nhà chùa nuôi dưỡng.

Tóm lại một câu, Liễu Hạnh chỉ được biết đến sau khi được Đoàn thị Điểm sáng tạo, rồi người sau dàn dựng thật khéo léo, thật tài tình, đúng thời đúng cách, để đưa Bà từ là một hư cấu của văn chương trở thành là một đối tượng thực tế để tôn thờ, kéo theo sau cả một phong trào tín ngưỡng được mệnh danh là Tam Phủ trong hệ thống Tứ Phủ thật ồ ạt mà ảnh hưởng thật sâu sắc khiến bao nhiêu người bị lôi cuốn vào trong đó, để rồi họ phải ra công tìm đủ mọi pháp tắc biện chứng để lý giải cho sự bị mê hoặc của mình.

Giả thiết trên còn có thể được cường điệu thêm qua sự tích kể là chúa Liễu Hạnh có gặp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đến những hai lần, ở Lạng Sơn và rồi ở Tây Hồ, Hà nội, và Trạng Quỳnh, những nhân vật lịch sử tiếng tăm trong văn học giới. Vậy, là chúa Liễu Hạnh đấu tài đấu trí với họ hay chính Đoàn thị Điểm là người đương đầu với họ? Nên nhớ, theo sự tích, Liễu Hanh không phải là người có học thức cao, trong lúc Đoàn thị Điểm là một tài hoa được hai vị kia kính nể. Ta thấy ở đây, thực tế và huyền thoại đã ôm quyện lấy nhau một cách ảo hóa thực thực hư hư khiến cho giấc mơ nổi loạn của con người mẫu mực đã trở thành sự thật được siêu việt thành thần tượng, mà có lẽ ngay chính Đoàn thị Điểm cũng không thể nào ngờ tới. Ngay chính hai tác giả Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh chắc chắn cũng đã đồng ý với chúng tôi trên quan điểm này, mặc dầu họ chỉ mới nêu lên vấn đề, mà chưa dám giải quyết.

Do vậy mà ở đây cần đặt lại vấn đề: Liễu Hạnh có phải là một trong Tứ Bất Tử theo truyền thuyết dân gian hay theo quan điểm Việt Đạo hay không? Câu trả lời dứt khoát của chúng tôi là: Liễu Hạnh không có thể và không bao giờ có thể là một trong Tứ Bất Tử. Trước khi đi đến dứt điểm này, ta bắt đầu bằng hiện tượng Liễu Hạnh được tôn thánh, được thờ làm Chúa, dân gian gọi nôm na là Bà Chúa Liễu Hạnh.

Trong truyền thuyết dân gian có rất nhiều Chúa, như bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, bà Chúa núi Đen Tây Ninh (gọi là Chúa Bà Đen, còn gọi là Linh Sơn thánh mẫu), bà Chúa Thiên Y A-na những vùng miền trung Trung phần, vv. Ngoài ra, dân chúng còn phải tôn xưng các nhà lãnh đạo trên bình diện chánh trị là chúa, như Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Chúa Sãi, bà Chúa Chè, bà Chúa Ba, v.v. Ngay cả công chúa huyền thoại Ngọc Hoa (còn gọi là Mỵ nương) mà Sơn Tinh cưới được trong trận tranh dành với Thủy Tinh cũng được gọi là “Chúa Gái”. Cho nên vị được gọi là Chúa Trời của tôn giáo Tây phương Hy-La vừa mới du nhập bằng vũ lực và quân đội của thực dân Pháp chẳng qua cũng chỉ là một trong hằng hà sa số các vị Chúa trong tín ngưỡng dân gian của người Việt mà thôi. Không có gì khác hơn.

Một điều đáng cho ta chú ý là có một sự trùng hợp hơi lạ kỳ trong thời điểm xưng Chúa của những thế kỷ 15-18 trở về sau. Trước thế kỷ 15, hình như không có tư liệu nào nói đến phong tục tôn chúa, cả về mặt chánh trị lẫn mặt tín ngưỡng, nhất là về mặt tín ngưỡng, của dân ta. Chỉ khi có sự kiện Nam Bắc phân tranh, đồng lúc vào thời điểm tôn giáo Tây phương Hy-La xâm nhập Việt Nam, đả kích bài bác triệt hạ đức tin đa thần của người dân bổn địa để truyền bá cái gọi là độc thần làm chúa trên trời của họ, thì tín ngưỡng tôn chúa của dân ta mới bắt đầu mãnh liệt và lan tràn khắp nơi, nhất là tại miền Bắc, vùng đất nước bốn ngàn năm văn hiến đang bị thực dân Pháp thôn tính.

Tôn giáo Tây phương này có một hệ thống tổ chức qui mô với mục đích thực dân, bành trướng, xâm lược và ý đồ tàn diệt các tín ngưỡng bổn địa, có những thừa sai được đào luyện đầy kỷ luật để thống trị bằng mồi nhử, bằng hăm dọa, bằng hứa hẹn, ấy vậy mà vẫn không thể tàn diệt được đức tin bổn địa của người dân Việt nam như họ đã từng tàn diệt ở Nam Mỹ hơn năm trăm trước. Trong khi đó, tục lệ tôn Chúa của người Việt nam vẫn nghiễm nhiên tồn tại trong lòng dân gian, trong đức tin dân tộc, mặc dầu qua thời gian đã bị suy đồi quá đáng. Cho nên, chính những tục lệ tôn Chúa, tôn Thánh, tôn Thần này đã là chất liệu gắn bó con người với đất nước, dân tộc và quốc gia Việt nam. Phải chăng tín ngưỡng tôn Chúa này là một trong những thái độ chống đối, bài bác, bất phục của người dân nhược tiểu, không có các vũ khí tân tiến để bảo vệ đất nước quê hương trong cơn quốc biến?

Bởi vì, qua thời gian, qua lịch sử, một hệ thống tôn xưng Chúa tràn lan như thế đã tạo nên một bức tường thành, tuy yếu ớt lỏng lẻo, nhưng cũng đủ sức chận đứng một phần nào thế lực cường địch, vừa quân sự vừa tôn giáo, đang ồ ạt xâm lăng nước ta, khiến cho thế lực đó không thể nào biến nước Việt nam thành hoàn toàn là một nước theo đức tin Chúa trên Trời độc tôn của họ. Bức tường thành đó đã đưa huyền thoại Liễu Hạnh lên hàng tiên phong, đúng hơn là chức vị nguyên soái, vượt trên tất cả những ông chúa bà chúa khác, để từ một người đàn bà trần tục bình thường, có chồng con, lẳng lơ, hoa nguyệt, Liễu Hạnh cũng đã nghiễm nhiên bước lên thần điện Việt nam để làm Chúa. Bức tường thành đó, do thành công phần lớn trong đám đông quần chúng, qua hiện tượng Bà Chúa Liễu Hạnh, cho nên cũng lập nên được một phong trào gọi là Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo, một hiện tượng phóng khí của Đạo giáo Việt nam, và vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Cũng chính phong trào Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo này đã dang tay tiếp nhận, hay đúng hơn là tạo nên, để từ là một bà Chúa, Liễu Hạnh lại bước lên một nấc cao thêm nữa để nghiễm nhiên trở thành là một Mẫu, Mẫu Địa phủ, trong khái niệm Tứ Phủ của họ. Tứ Phủ, theo truyền thống của phong trào này, gồm có Thiên phủ, Thoải (Thủy) phủ, Phủ thượng ngàn (Nhạc phủ), và Địa phủ; mỗi phủ đứng đầu là một Mẫu. Cũng theo truyền thống này thì Cữu Thiên Huyền Nữ là Mẫu của Thiên phủ hay Mẫu Cữu trùng, còn gọi là Mẫu Thượng Thiên, đứng đầu các Mẫu khác. Mẫu Thoải (Thủy phủ) thì chưa có nhiều huyền thoại. Riêng Địa phủ lại rất nhiều, có lẽ vì liên hệ đến con người, như là Chúa Liễu Hạnh, hoặc Thiên Y A Na, hay Linh Sơn thánh mẫu tức Chúa Bà Đen ở Tây Ninh, Chúa Xứ núi Sam, v.v. Như thế, Liễu Hạnh chỉ là một bà chúa trong nhiều chúa thuộc Mẫu Địa, một Mẫu của Tứ Phủ, vai vế ngang hành với các vị kia, và còn dưới Mẫu Địa một cấp. Thế nhưng, làm sao mà Bà Chúa này lại còn được xem là một trong Tứ Bất Tử?

Vấn đề rất đơn giản, là do từ một chữ “Tứ” mà ra. Mà chắc chắn sự nhầm lẫn giữa Tứ Bất Tử và Tứ Phủ bắt nguồn từ nơi Thanh Hòa tử, người chủ biên Hội Chân biên, in vào năm thứ 7 thời Thiệu Trị, tức 1847. Đáng tiếc chúng tôi không có bản copy của tác phẩm này, cũng không có được bản dịch ra Pháp văn của tiến sĩ Nguyễn văn Huyên, để tìm hiểu trực tiếp nội dung của nó, nhưng dựa theo Tứ Bất Tử của Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh thì chính Hội Chân biên đã liệt thánh mẫu Liễu Hạnh ngang hàng với Đức Thánh Tản, Chử Đạo Tổ và Đức Thánh Gióng. Theo tên hiệu, Thanh Hòa tử là một người tu theo đạo tiên, hay Đạo giáo Việt Nam, và có thể là một người đàn bà, một đạo cô, cho nên đã nương theo đà phát triển của phong trào tôn chúa xưng mẫu, một phong trào tuy rầm rộ nhưng cũng chỉ quanh quẩn những vùng Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Hà nội, v.v. mà thôi, để đưa Liễu Hanh vào địa vị bất tử của Tứ Bất Tử một cách vô trách nhiệm.

Có thể là vì quan niệm cần có một thần tính nữ (female divine) để thăng bằng với những nam thần, thần tính nam (male divine), như Lạc Long Quân, Thánh Gióng, Thánh Tản và Chử Đồng Tử, – bốn vị Tứ Bất Tử thật sự của toàn thể dân tộc Việt Nam, mà Việt Đạo tôn thờ –, cho nên Tiên Thiên thánh mẫu giáo mới thiết lập hệ thống Tứ Phủ, (một hóa thân của Tam Phủ của Nội Đạo giáo mà chúng tôi sẽ bàn sau), để rồi từ đó, người ta – hay Thanh Hòa tử – đã đặt Bà lên thần điện ngang hàng với bốn vị Tứ Bất Tử kia một cách ngáo ộp và phi lý, mặc dầu ngay chính thời nay cũng còn có nhiều cố gắng gượng ép để lý giải, – tuy rằng nội dung của sự lý giải rất thích đáng –, lý giải biện chứng cho sự đặt Bà vào nơi không phải chỗ đó.


Bởi vì, nếu cần phải tạo dựng một thần tính nữ xứng đáng để ngồi ngang hàng với bốn vị Tứ Bất Tử kia, chắc chắn không ai có thể vượt qua được công đức của Quốc Mẫu Âu Cơ, hoặc của Man Nương hiện vẫn còn được thờ tại Chùa Dâu, và nhất là của Hai Bà Trưng, hai người đàn bà đầu tiên trong thời mẫu hệ, đã làm cho quân Hán bay hồn hoảng viá, đã chiếm lĩnh lại 65 thành trì để dành lại những đất đai đã mất cho Việt Nam theo truyền thống Thánh Tản và Thánh Gióng. Riêng Hai Bà Trưng lại còn đầy đủ thời gian tính – mất năm 43 sdl, tức đã hai ngàn năm lịch sử – để có thể đường hoàng bước lên đi vào thần điện Việt Đạo một cách quang minh rạng rỡ. Có thể nói toàn thể dân tộc Việt Nam không ai là không tôn xưng Hai Bà, nếu còn là người Việt Nam biết tự hào với truyền thống bất khuất của dân tộc; đến ngày kỵ giổ, là ngày mà các vị lãnh đạo đất nước cũng phải đến tế lễ, ấy thế mà Hai Bà cũng vẫn chỉ là những vị thượng đẳng linh thần, như đức Thánh Trần (Hưng Đạo) mà thôi. Cho nên, nếu cần thiết phải có một thần tính nữ trên bàn thần điện để thăng bằng với các thần tính nam kia, thì ngoài Quốc Mẫu Âu Cơ không còn ai có thể xứng đáng hơn Hai Bà Trưng cả. Còn chúa Liễu Hạnh có những công lao gì với đất nước và dân tộc để có thể vượt qua mặt Hai Bà?

Có lẽ cũng chính vì phải gượng ép trong việc đi tìm đủ mọi lý do để chứng minh chúa Liễu là một trong Tứ Bất Tử cho nên Đạo giáo Việt Nam, đáng lẽ phải là một tín lý uyên thâm, thì phải bị lẩn quẩn trong vòng ảnh hưởng của hiện tượng những ông đồng bà cốt quàng xiêng mượn danh chúa Liễu để mị dân và che mắt thánh, xuất hiện từ sau thời phong trào tôn chúa mà ngay chính những người kêu gào phải “trả lại cho Đạo giáo những tinh hoa của nó“ cũng không thể nào giải quyết nổi. Bởi vì chính họ cũng bị sa lầy trong nhầm lẫn tai hại giữa khái niệm Tứ Bất Tử và chúa Liễu Hạnh của Tứ Phủ rồi.

Tóm lại, chẳng qua chỉ vì một lầm lẫn tai hại giữa hai “Tứ”, Tứ Bất Tử và Tứ Phủ, mà bao nhiêu người đã cố công nhào nặn những lý lẽ phi lý để biện minh cho một hiện tượng cũng thật phi lý vô cùng. Phi lý này lại tăng thêm cấp độ tai hại lần nữa do vì, không những chỉ có sự lầm lẫn giữa hệ Tứ Bất Tử và hệ Tứ Phủ, lại còn có cả một điên đảo giữa Tứ Phủ và Tam Phủ nữa.

Quan niệm hiện thời thì chúa Liễu Hanh là Mẫu của Địa Phủ; xin lập lại lần nữa rằng Địa là đất đai, là những gì sanh sôi nẩy nở trên mặt đất này; địa phủ ở đây không phải là âm phủ, là nơi giam giữ và trừng phạt linh hồn những kẻ gian ác trên trần gian. Vậy, nếu Liễu Hạnh là con gái của Ngọc Hoàng, đọa xuống trần gian làm người tai phàm mắt thịt, thì Bà là một nhân thần, bà là con Người giáng sanh để làm gạch nối giữa Trời và Đất, theo quan niệm Tam Tài (thiên, địa, nhân), cho nên, bà phải là Mẫu của Nhân phủ, chứ không phải của Địa phủ. Nhân thần thì có thể là Mẫu của Nhân phủ, chứ làm thế nào để có thể “đồng nhất với Mẫu địa”? Quả thêm một lần phi lý!

Trong cuộc sống tại trần gian với những quyền phép của một tiên nữ trên trời, Liễu Hạnh không làm gì cho đất đai cả, – không phải như Mẹ Au Cơ gắn liền với đất đai dân tộc bằng cách hiện thân trong tinh linh của lúa rồi dạy con người làm nương, trồng luá, trồng dâu, …, – Liễu Hạnh chỉ nổi loạn cho con người, người phụ nữ, có một chỗ đứng trong xã hội và từ đó trong thần điện Việt giáo mà thôi. Chỗ đứng đó được biểu trưng qua hiện tượng bà là Mẫu của Nhân phủ, Một trong Tam Phủ (Thiên phủ, Địa phủ và Nhân phủ), theo triết lý Tam Tài và nhân sinh quan của Việt Đạo; trong khi Tứ Phủ theo vũ trụ quan thì gồm có hạo khí linh thiêng của Trời (Thiên), Đất (Địa), Sông (và Biển, tức Thủy hay Thoải), và Núi (Nhạc) mà thôi, không có con người.

Nhiều tác giả đã dùng thuật biện chứng để gượng ép đặt câu “từ cuộc sống thật trần gian, Liễu Hạnh đã đi vào cõi bất tử”, rằng, tuy bà gia nhập vào điện thần muộn màng hơn cả, nhưng lại có nguồn cội xa xưa, vì bà là Mẫu, là hiện thân của Địa Mẫu (theo Tứ Phủ). Vâng, bà có thể là hiện thân của Địa Mẫu, nhưng từ khi Lạc Long Quân khai sáng đất nước, Thánh Gióng và Thánh Tản đã giữ gìn và mở mang bờ cõi trãi dài hơn bốn ngàn năm của đất nước Việt nam hùng vĩ, tiếp theo là bao nhiêu anh hùng bao nhiêu nữ tướng bao nhiêu quân sĩ vô danh đã liệt oanh hiến mình hy sinh dùng thân xác ngã xuống để làm phân bón cho tổ quốc vẫn mãi tồn tại cho đến giữa thế kỷ 18, khi Đoàn thị Điểm viết Vân Cát thần nữ truyện, thì Mẫu ở đâu, hiển thánh khi nào, linh ứng ra sao? Không thấy văn bản nào, trước đó, nói tới. Các tư liệu liệt kê trong Tứ Bất Tử cho thấy sự thật quá muộn màng của chúa Liễu Hạnh để cho phép Bà nhảy lên ngồi ngang hàng với những vị Tứ Bất Tử kia được. Ngay cả bản văn gọi là Địa Mẫu chân kinh, mà những điện thờ mẫu thường dùng, cũng mới xuất hiện tại Trung hoa gần đây thôi, và cũng không phải để diễn tả công lao của Liễu Hạnh đối với dân tộc và đất nước Việt nam, thì bà “bất tử” cách nào?

Tuy nhiên, ta có thể biện giải rằng, vì bà là con người, cho nên bà là nhân thần, được tôn xưng là chúa của loài người, Nhân phủ, gắn bó với con người, là một Nhân mẫu của tín ngưỡng bổn địa Việt nam, thì bà cũng là bất tử. Rất đúng. Bất tử trong ý nghĩa là các Mẫu của Thiên phủ, Địa phủ, và Nhân phủ thuộc hệ Tam Phủ hay của Địa phủ thuộc hệ Tứ Phủ, cũng là bất tử. Có nghĩa là các Mẫu của hệ Tam Phủ hay hệ Tứ Phủ này cũng đều là bất tử, bất tử vì là linh khí hạo nhiên như tiên thánh trong trời đất, nhưng tất nhiên không thể và không phải là Tứ Bất Tử của Việt Đạo.

Thế nhưng, vấn đề ở đây là giải quyết sự nhầm lẫn giữa hai “Tứ”, cho nên ta tạm gát Tam Phủ lại, và tạm chấp nhận là Liễu Hạnh là một mẫu của Tứ Phủ để tìm hiểu lý do tại sao Bà không thể và không bao giờ có thể là một trong Tứ Bất Tử.

“Tứ Bất Tử tiêu biểu cho những tấm gương tiêu biểu nhất, sáng chói nhất của một dân tộc khẳng định sự tồn tại của mình”, theo vậy, thì Liễu Hạnh không thể nào đủ tiêu chuẩn được, bởi vì bà không tiêu biểu hoàn toàn được cho những đức tánh cao quý nhất của người phụ nữ Việt nam, đừng nói chi là của toàn thể dân tộc Việt nam. Chẳng lẽ toàn thể phụ nữ Việt nam đều có đến 3, 4 đời chồng, mà lại vẫn còn lẵng lơ, đều chỉ biết trêu chọc đàn ông, tuy là bọn đàn ông háo sắc đáng ghét, cả ư? Bao nhiêu mẫu chuyện chung thủy của người đàn bà Việt nam, nhất là trong thời chiến tranh, đợi chờ người đi trở lại, chờ đợi cho đến bạc đầu, trong văn chương cũng như trên thực tế, thật không bút mực nào tả xiết, tổng hợp có thể hơn trăm vạn lần những tư liệu về Liễu Hạnh, như thế sẽ được giải quyết như thế nào?

Bốn vị Tứ Bất Tử kia, được toàn thể dân tộc, cả nam giới lẫn nữ giới, già trẻ bé lớn, mọi tín ngưỡng, đều kính thờ. Trong khi đó thì chúa Liễu Hanh chỉ có thể gây ảnh hưởng với một nhóm phụ nữ, – không phải toàn thể phụ nữ –, chỉ một nhóm nào đó cùng đồng tình và đồng tâm trạng với Chúa, và rất hạn chế trong một vài vùng như Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Hà nội, v.v., mà thôi. Những điều gượng ép khác, cho rằng Liễu Hạnh là hoá thân của những hạo khí xuất hiện từ thời khai thiên lập địa để đưa Bà vào điện thần Tứ Bất Tử cũng không đứng vững, vì trước khi có hiện tượng Liễu Hạnh, trong truyền thuyết dân gian không có ghi lại những thần nữ nào có những tính nết ngang cuồng như Liễu Hạnh. Trong khi đó, bốn vị Tứ Bất Tử kia, đều có những linh hiển xuyên suốt thời gian, thí dụ như Thánh Tản, ứng hiện giúp Triệu Quang Phục tại đầm Dạ Trạch và sau này dẫn đường cho Nguyễn Trải và Trần Nguyên Hản tìm ra minh chúa Lê Lợi, hoặc đã nhổ bọt miếng vào cổ Cao Biền khiến tên quan lại phong kiến này thôi không dùng phép thuật để trấn yểm dân Nam.

Có cố gắng tìm hiểu xã hội Việt nam thế mấy đi nữa, chúng ta cũng không quên được một sự thật rất giản dị là Liễu Hạnh và tục thờ Mẫu chỉ mới xuất hiện vào thế kỷ thứ 18 (theo tác phẩm của Đoàn thị Điểm), hay cũng có thể là sau 1847 nhờ vào công trình của Thanh Hòa tử, trong khi Việt nam đã có đến trên bốn ngàn năm văn hiến; ngay cả thần tính nam Chử Đạo Tổ xuất hiện (khoảng thế kỷ 2-3 tdl), tuy sau ba vị Bất Tử kia rất lâu, cũng đã được hơn hai ngàn năm nay rồi.

Một thực tế cho thấy rằng, hiện tại nơi hải ngoại, tục thờ bà chúa Liễu vẫn không phổ biến bằng tục thờ bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, bởi vì một lý do thật giản dị là người dân miền Nam di tản ra nước ngoài nhiều hơn là người miền Bắc. Hàng năm, cộng đồng người Việt hải ngoại khắp nơi đều cùng chung làm lễ giổ Tổ Hùng Vương, lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng và Đức Thánh Trần thật rầm rộ, thật quang minh và thật tự hào; trong khi đó, chỉ có một số ông đồng bà cốt quy tụ năm bảy mươi người nhẹ dạ dễ tin về đền miếu của họ để thừa dịp diễn trò nhập xác lên đồng nhân danh bà chúa Liễu, quy tụ một cách cục bộ không dám phô trương, thì có gì xứng đáng để hảnh diện cho bà chúa Liễu vào hàng Tứ Bất Tử của toàn thể dân tộc Việt nam?

Nhân đây chúng tôi cũng cần nhắc lại là, trong khi phủ bác Tứ Phủ không dính dáng gì đến Tứ Bất Tử, trên bình diện nội dung, chúng tôi cũng ghi nhận rằng, tuy không dính dáng với nhau, nhưng cả hai Tứ này cũng đều cùng trong hệ thống Việt Đạo. Với Tứ Bất Tử là cao hơn hết, xuyên suốt thời gian và không gian ngay từ khi lập quốc cho đến vô tận vô cùng của ngàn năm sau, trong khi đó Tứ Phủ là tư tưởng vũ trụ quan của Đạo giáo Việt nam. Riêng Tam Phủ, với bà chúa Liễu Hạnh là Mẫu của Nhân phủ, chỉ là một nhân sinh quan đưa đến phong trào tín ngưỡng địa phương, giống như những phong trào tín ngưỡng khác như Bà Chúa Xứ Núi Sam Châu Đốc, Chúa Bà Đen Tây Ninh (tức Linh Sơn thánh mẫu), hoặc Thiên Y An-na miền trung Trung phần, Thiên Hậu nương nương, Hậu Thổ phu nhơn v.v., và cùng với những phong trào đó, là một hình thức phóng khí của Việt Đạo.

Tóm lại, đứng về phương diện thời gian tính, quốc gia tính, dân tộc tính, địa phương tính, nhân sinh quan và vũ trụ quan, bà chúa Liễu Hạnh chỉ có thể được ngồi hàng Tam tòa thánh mẫu, và hàng Mẫu Nhân phủ trong hệ Tam Phủ mà thôi. Ngày nay, chúng ta không thể tiếp tục bước theo vết chân dẫm bùn của kẻ đi trước, thật ra cũng chỉ đi trước không đến hai trăm năm nay, để mà cứ nhắm mắt tin tưởng mù quáng rằng Liễu Hanh là một trong bốn vị được tôn xưng là Tứ Bất Tử của nước Việt nam với gần năm ngàn năm văn hiến.

Đến đây, chúng tôi chánh thức lên tiếng kêu gọi những thức giả, những đạo gia Việt Đạo, những vị lưu tâm đến truyền thống dân tộc, những vị sưu tầm cổ tích Việt nam, v.v., hãy lên tiếng đáp ứng, dầu với thái độ tiêu cực phủ bác hay chống đối, với những điểm nêu trên để làm một cuộc đối thoại hay hội thảo, với mục đích đi tìm một lối thoát cho bế tắc giữa nhầm lẫn chúa Liễu là một trong Tứ Bất Tử này. Chỉ có một kết luận dứt điểm rằng chúa Liễu là một trong Tam Phủ, chứ không thể nào và không bao giờ có thể là một trong Tứ Bất Tử, lại cũng chẳng phải là một trong Tứ Phủ, chỉ một dứt điểm như thế mới có thể trả lại cho Việt Đạo cái tinh hoa của dân tộc Việt hào hùng, mà trên thần điện, sự hiện diện của Tứ Bất Tử gồm Lạc Long Quân, Thánh Tản, Thánh Gióng và Chử Đạo Tổ chính là biểu tượng.

Đây là những trọng điểm cần bàn thảo:

1. Tứ Bất Tử của Việt Đạo gồm có: Lạc Long Quân (hay họ Hồng Bàng, Hùng Vương), Thánh Tản (Viên), Thánh Gióng (Phù Đổng thiên vương) và Chử Đồng Tử;

2. Liễu Hạnh không phải là một trong Tứ Bất Tử;

3. Bà cũng không là một Mẫu trong Tứ Phủ;

4. Tứ Phủ gồm có Thiên phủ, Địa phủ, Nhạc phủ, Thuỷ (Thoải) phủ. Các phủ này là hạo khí uyên nguyên của vũ trụ, không có con người nào có thể đảm nhiệm;

5. Liễu Hạnh không phải là Mẫu của Địa phủ của hệ Tứ Phủ, mà là Mẫu của Nhân phủ trong hệ Tam Phủ. Tam Phủ gồm có Thiên phủ, Địa phủ và Nhân phủ theo triết lý Tam Tài của Đông phương.

6. Tứ Bất Tử, Tam Phủ và Tứ Phủ đều thuộc trong truyền thống thần điện của Việt Đạo. Tứ Bất Tử là căn bản đạo lý khơi nguồn, dựng nước, giữ nước và tinh thần hiếu đạo của dân tộc Viêt nam. Tứ Phủ là vũ trụ quan của Việt Đạo, trong khi Tam Phủ là nhân sinh quan và là hình thức phóng khí của Việt Đạo.

Chỉ có một hệ thống đàng hoàng và hợp lý như trên, ta mới có thể trả lại cho Việt Đạo căn bản triết lý uyên nguyên hào hùng của dân tộc Việt, đồng thời dang tay tiếp nhận hình thức phóng khí, tín ngưỡng bình dân của những người tin thần, tôn thánh, lễ bái các “bậc khuất mặt khuất mày” như Chúa Liễu Hạnh, Chúa Xứ Núi Sam, Chúa Bà Đen, Thiên Ý An-na, Thiên Hậu nương nương, Hậu Thổ phu nhơn, v.v. Hình thức phóng khí này, tôn giáo lớn nào cũng có; như đạo Phật, ngoài pháp học uyên thâm của các triết thuyết căn bản như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Tam Tánh, v.v., hay tư tưởng Bát Nhã, Trung Quán, Duy Thức, Hoa Nghiêm, v.v. mà ngay cả Tây phương vẫn còn phải tham cứu, và pháp hành niệm Phật nhất tâm bất loạn hay thiền quán thâm mật, và ngoài những vị thánh tăng đạo cao đức trọng trong Tăng đoàn, ta vẫn có hiện tượng cúng kiến bùa phép của một số thầy tu chỉ chuyên luyện giọng hay để tụng kinh cầu siêu cầu đám, lấy nghề thầy cúng làm mục đích vụ lợi trong đời tu, v.v.; thì không thể trách Việt Đạo cũng đượm nhiều hình thái phóng khí qua sự hiện diện của những ông đồng bà cốt, làm hủy hoại đi những tinh hoa yếu nghĩa của Việt Đạo.

Cho nên đây là thời điểm phải gạn lọc lại, phải xây dựng lại những tinh yếu đã bị chôn vùi hay hiểu lầm đó, để trả lại cho Việt Đạo những gì mà lâu nay chúng ta đang cố gắng kêu gọi: “hãy trả lại cho Việt Đạo ý nghĩa đẹp đẻ của tâm thức dân tộc”, trả lại một cách dứt điểm, đường hoàng.

Ngọc Kinh Lang Hoàn

Việt Lịch, kỷ nguyên 4881

Phật Lịch 2546

Ngày 19 tháng Giêng, năm Nhâm Ngọ

2002

NOTE:

1. Tất cả chi tiết về bà chúa Liễu Hạnh và các vấn đề liên hệ đều dùng quyển Tứ Bất Tử của Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh, các trang 101-129, làm dữ kiện.

2. Tứ Bất Tử, tr. 117-121

3. Tứ Bất Tử, tr. 117

4. Hai câu trong bản văn Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, tả lúc Kiều Nguyệt Nga muốn ra khỏi kiệu để cảm tạ Lục Vân Tiên cứu nạn. Nêu thí dụ này chúng tôi cũng không có ý đả kích Nguyễn Đình Chiểu, mà chỉ muốn mượn một cốt chuyện và các câu thơ phổ biến thật rộng rãi trong dân gian để nêu lên một khía cạnh nhỏ của vấn đề quân tử mà thôi.

5. Tứ Bất Tử, tr. 104-106

6. Cả hai đều được vua ban khen.

7. Sự tích kể là Trạng Quỳnh gọi chúa Liễu là chị xưng em

8. Tứ Bất Tử, tr. 119

9. Tứ Bất Tử, tr. 40

10. Lịch sử càn quét tàn diệt các đức tin bổn địa bị bưng bít mấy trăm năm qua đã “được” ngay chính vị giáo chủ hiện tại của họ đứng ra “thành thật xin lỗi” với các dân tộc bổn địa và với toàn thể thế giới, và đã được ghi vào lịch sử.

11. Địa ở đây chỉ cho tất cả những sinh thể trên mặt đất, con người, thú vật, v.v., không phải địa phủ thuộc âm giới nơi giam cầm những linh hồn đã quá vãng.

12. Tứ Bất Tử, tr. 9

13. Tứ Bất Tử, tr. 114

14. Tứ Bất Tử, tr. 20-22 & 109-113

15. Điện thờ tại xã Hiền Lương, huyện Song Thao, tỉnh Vĩnh Phú.

16. Theo truyền thuyết Phật giáo Việt nam, người phụ nữ đầu tiên tồn tại khoảng đầu kỷ nguyên tây lịch với hiện tượng bốn ngôi chùa đầu tiên là Pháp Vân (chùa Dâu), Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện.

17. Tứ Bất Tử, tr. 25

18. Tứ Bất Tử, tr. 20

19. Tứ Bất Tử, tr. 20

20. Tứ Bất Tử, tr. 21

21. Tứ Bất Tử, tr. 109

22. Tứ Bất Tử, tr. 20.

Ý kiến bạn đọc
21/10/201418:26:47
Khách
Bài viết có ý đả kích giáo hội Công Giáo La Mã bằng những lý chứng hồ đồ, sai lịch sử. Tôi thiết nghĩ nó không xứng đáng được Việt Báo đăng. Nến văn minh của nhân loại đã tiến đến chỗ chấp nhận những khác biệt để sống hòa đồng, sự đả kích của bài viết có nét tương đồng với IS (Islamic State), lực lượng đang khủng bố toàn thế giới bằng những hoạt động tàn độc mà cả những người Hồi Giáo, đồng tôn giáo với họ không chấp nhận được.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.