Bản tin ghi rằng, hôm 05/06/2014, Việt Nam lại mở họp báo quốc tế để một lần nữa lên án Trung Quốc tiếp tục có những hành vi «hung hăng», liên tục vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam, hơn một tháng sau khi đặt giàn khoan trong khu vực mà theo Hà Nội thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tham gia cuộc họp báo, ngoài phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, còn có các đại diện của Ủy ban Biên giới quốc gia, Cảnh sát biển và Cục Kiểm ngư.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia cho biết là trong thời gian qua Việt Nam đã ba lần gởi công hàm yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và đàm phán với Hà Nội, nhưng Bắc Kinh vẫn không trả lời. Việt Nam kêu gọi quốc tế tiếp tục phản đối hành động «sai trái» của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, các quan chức Việt Nam đã nhắc lại những vụ tàu Trung Quốc liên tục phun nước, đâm vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, gây hư hỏng tổng cộng 24 chiếc. Đặc biệt ngày 26/05, tàu cá Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng.
Hôm Thứ Tư, đài truyền hình Nhà nước Việt Nam đã chiếu một đoạn video do một ngư dân khác quay được, cho thấy cảnh tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc tiến lại gần và đâm tàu cá của ngư dân Đà Nẳng, khiến tàu này bị lập úp hoàn toàn và sau đó chìm hẳn.
Trước đó, Trung Quốc phủ nhận vụ đâm chìm tàu này và khẳng định rằng chính tàu cá Việt Nam đã tự lật sau khi cố tình đâm vào tàu Trung Quốc.
Bản tin VietnamNet ghi rằng:
“VN đã 3 lần gửi công hàm yêu cầu TQ chấm dứt ngay các hoạt động vi phạm chủ quyền nhưng TQ đáp lại sự kiên trì của VN bằng sự lảng tránh, không trả lời. Thái độ ở thực địa của TQ ngày càng hung hăng.”
Báo Một Thế Giới ghi lời Đại tá Ngô Ngọc Thu:
“Kể từ khi hạ đặt giàn khoan trái phép cho đến nay, các tàu Trung Quốc đã đâm va gây hư hỏng cho tổng số 24 tàu chấp pháp của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư và 5 tàu cảnh sát biển.”
Trong khi đó, bản tin RFA cho biết, hai sĩ quan Philippines không nêu danh tính nói với hãng tin AP rằng các tàu nạo vét của TQ đang khai phá các rạn san hô mà họ chiếm giữ trong quần đảo Trường sa.
Thông tin này cũng nói là tổng thống Philippines cũng lo lắng về chuyện này.
Quần đảo Trường sa nơi được cho là có khả năng chứa nhiều dầu khí là nơi tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Đài loan.
Quần đảo Trường sa hiện phần lớn do hải quân VN chiếm giữ. Một số đảo do Phi và Malaysia chiếm đóng. Năm 1988 TQ đã dùng vũ lực để đánh chiếm đảo Garma sau khi giết chết hàng chục thủy thủ Việt nam.
- Từ khóa :
- Trung Quốc
- ,
- VietnamNet
- ,
- Việt Nam
Gửi ý kiến của bạn