Hôm nay,  

Ba Ngày Ở New York

02/05/201400:00:00(Xem: 3196)
Rời khỏi Philadelphia vào sáng sớm ngày Thứ Hai 28 tháng Tư bằng xe bus Greyhound, tôi đã tới khu trung tâm New York vào hồi 9.30 sáng. Và tiếp theo là đi xe điện ngầm (subway) để tới nhà Dick Hughes ở phía bắc thành phố. Như Dick đã cho biết trước qua email, tôi được bố trí đến ở căn hộ của Sherry là người bạn đời của anh. Căn hộ này chỉ cách xa nhà của Dick có vài trăm mét mà thôi. Căn hộ đang bỏ trống vì lúc này Sherry phải về giúp lo chăm sóc bà mẹ già yếu ở Pennsylvania. Sherry vốn là một cô giáo nay mới nghỉ hưu, nên căn hộ thật là gọn gàng lớp lang thứ tự và sạch sẽ thóang mát với đủ tiện nghi về phòng ngủ, phòng khách, nhà bếp, nhà vệ sinh… Như thế, thì kể ra đã là quá tươm tất cho một gã vốn xưa nay được tiếng là hay đi “Lang Thang Bụi Đời” như tôi.

Dick là một trong số các bạn người Mỹ thân thiết nhất của tôi từ trên 40 năm nay, vì chúng tôi cùng họat động sát cánh với nhau trong Chương trình Giúp đỡ các Trẻ em Đánh giày chuyên sống lang thang nơi các hè phố (mà bà con thường gọi là Trẻ Bụi Đời – Dust of Life) tại Việt nam hồi những năm 1968 trở đi cho đến khi bị đóng cửa sau năm 1975. Chương trình này trong tiếng Mỹ, thì có tên gọi là “Shoeshine Boys Foundation” (SBF).

Vào năm 1990, khi hai anh em chúng tôi là anh Đỗ Ngọc Long và tôi – cùng ở trong Ban Quản Trị SBF- bị công an cộng sản bắt giam và bị gán cho tội làm”gián điệp”, thì Dick Hughes đã tận tình vận động khắp nơi để giải cứu cho chúng tôi. Chiến dịch giải cứu này đã thành công và cả hai người chúng tôi “Long và Liêm” được trả tự do và hiện cùng gia đình định cư tại Mỹ. Chuyện này báo chí Mỹ cũng như báo Việt ngữ tại hải ngọai đều đã đăng tải đày đủ chi tiết vào hồi đó, tức là từ 1990 đến 1996 lúc tôi bị bắt giữ và lúc tôi ra tù. Vì thế, tôi nghĩ cũng chẳng cần dài dòng viết lại thêm ở đây nữa.

Mà điều tôi muốn ghi ra ở đây chính là cái tình bạn thân thương gắn bó giữa Dick và tôi, thì đã kéo dài đến trên 45 năm nay rồi. Đến nỗi mà trong nhà các con tôi phải nói rằng: “Thật là ít có mối tình nào mà lại thân thiết keo sơn bền chặt như tình anh em giữa chú Dick và bố đấy”. Vì thế, mà từ trên 14 năm nay, tôi thường hay đến New York để gặp gỡ chuyện trò trao đổi tâm sự với Dick. Năm 2014 này, tôi dành ra 3 ngày để đến ở với Dick và nhân tiện cũng thăm viếng một vài người bạn khác nữa tại New York.

Và trong bài viết này, tôi sẽ tường thuật ngắn gọn về mấy ngày sinh họat tại New York với Dick Hughes và về cuộc gặp gỡ với chị Dinah Pokempner là một chuyên gia cố vấn của tổ chức Human Rights Watch có trụ sở chính đặt tại Empire State Building ở khu trung tâm thành phố New York (HRW = Theo Dõi Nhân Quyền).

I – Chuyện trò tâm sự với Dick.

Mấy ngày tôi ở đây, thì lại gặp lúc Dick thật bận rộn với chuyện khai thuế với đủ mọi lọai giấy tờ, biên nhận lủng củng làm mất thì giờ, rồi còn phải lo uống thuốc để mà đi soi ruột nữa. Biết tôi phải chịu mổ để cắt một phần ruột già (colon surgery) hồi 5 tháng trước, mà nay đã bình phục ổn định lại khá rồi, Dick thật vui mừng cho tôi. Dick hỏi chi tiết về chuyện hậu giải phẫu đó ra sao (post-surgery), tôi trả lời là sau khi mổ, tôi bị rối lọan tiêu hóa, đi cầu hay bị ỉa tháo chảy (diarrhea), bị virus tấn công làm bải hỏai thân thể, lại còn bị trúng thực đến nôn mửa nữa v.v… Tình trạng rối lọan này kéo dài phải mất đến trên 3 tháng thì mới giảm bớt và thật là may mắn, đến nay chuyện tiêu hóa gần như đã trở lại bình thường rồi. Vì thế mà các con tôi mới chịu để cho tôi đi xa nhà chuyến này dự trù kéo dài đến 2 tháng trời đấy.

Chúng tôi miên man nói đủ mọi thứ chuyện với nhau, nhất là trao đổi tin tức về các người bạn cùng quen biết và cả về một số bạn đã ra đi từ giã cõi đời trong mấy năm gần đây. Dick nói thật tiếc thương anh bạn Tôn Thất Mạnh Tường, anh ấy mất ở Montréal Canada đã trên 10 năm. Dù là người phải dùng một cặp nạng mà di chuyển, anh Tường là người rất hăng hái tích cực trong nhiều công việc có ích lợi cho nhân quần xã hội. Đặc biệt, anh giúp rất nhiều trong việc vận động cứu thóat anh và anh Long ra khỏi tù ở Việt nam đấy. Năm 2013 vừa qua, thì chúng ta lại mất đi các bạn John Spragens ở Oregon, rồi Roger Rumpf chồng của Jackie Chagnon ở Missouri. Tôi nói đã mấy lần đến thăm Jackie và Roger tại nông trại của họ ở Missouri gần với Kansas City. Và có lẽ giờ này, thì Jackie đã nghỉ hưu không còn làm việc ở bên Lào nữa, v.v…

Tiếp đến là trao đổi tin tức về sinh họat gia đình của nhau. Dick cho biết cháu Tara năm nay đã 29 tuổi và đã có bạn trai cùng chung sống trong một trang trại rộng đến trên 10 acres ở vùng phía bắc tiểu bang New York. Còn tôi cho Dick biết là bà xã và các con các cháu vẫn mạnh khỏe bình thường và đều ở tại California. Đặc biệt, cháu ngọai của tôi đã có con, nên vợ chồng tôi đã lên chức “Ông Cố, Bà Cố” rồi. Và tôi thì năm nay 2014 thì vào đúng tuổi 80 rồi đấy. Dick vui cười lên tiếng chúc mừng cho cả gia đình chúng tôi. Anh nói: “Từ ngày đến thăm gia đình anh chị tại California vào năm 1996 khi anh mới được trả tự do, cho đến nay tôi chưa bao giờ có dịp trở lại bên đó nữa…”

Tôi kể cho Dick nghe chuyện này có thật mà rất tức cười xảy ra vào giữa năm 2013 mới đây tại Saigon. Đó là có một ông cũng có trùng một tên và họ với tôi là Đoàn Thanh Liêm cư ngụ tại San Jose California. Ông vừa xuống máy bay tại phi trường Tân Sơn Nhất, thì bị công an giữ lại đem vào một phòng để xét hỏi. Họ đưa cho ông ta coi một số hình ảnh và rất nhiều các bài báo do “Đòan Thanh Liêm viết đăng ở hải ngọai” và hạch sách rằng:”Ông là một thành phần phản động chuyên viết bài chống phá nhà nước cách mạng, chúng tôi không thể cho phép ông về thăm bà con ở Việt nam được…” Ông ta cương quyết phản đối, nói rắng:“ Đích thật tên tôi là Đòan Thanh Liêm, nhưng tôi không phải là người có hình ảnh và bài viết mà các ông đưa ra ở đây. Đó là một sự trùng tên, trùng họ và trùng cả chữ đệm nữa. Mà tôi cũng chẳng hề quen biết, cũng chưa bao giờ gặp gỡ với cái ông ấy nữa. Đây này, tôi mới có 60 tuổi, còn cái ông có hình ảnh ở đây là một ông già tóc bạc trắng cỡ xấp xỉ 80 tuổi rồi. Làm sao mà lại bảo tôi là cùng một người như ông ấy được cơ chứ?” Và rút cuộc, công an đã phải để yên cho ông “Đòan Thanh Liêm” này vào Saigon.

…” Và đến khi ông ta về lại Mỹ, thì kể lại cho bà con bạn hữu về chuyện này, trong số mấy người được nghe câu chuyện đó, thì có một người lại quen biết với tôi và thuật lại cho tôi cái sự việc thật là funny đó…” Nghe vâỵ, Dick cười ngặt nghẽo và nói: “Anh bạn của tôi được nhà nước Việt nam chiếu cố theo dõi hết mực tận tình đến như thế đó!”

Đại khái trong 3 ngày sống bên nhau, Dick và tôi chuyện trò tíu tít vui nhộn hết sức vô tư hồn nhiên như ngày nào. Vào chiều ngày 30, Dick dẫn tôi đến tiệm Phở Bằng ở khu Queens để gặp và cùng ăn tối với anh bạn Nguyễn Thế San xưa kia cùng cộng tác với SBF ở Saigon. Anh San vẫn còn làm việc với Sở Bưu Điện ở gần nhà. Mở đầu, tôi nhắc lại lời cảm ơn anh San vì đã giúp cho đứa cháu con người bạn bên California có chỗ ở để đi học tại New York mấy năm trước. Nay cháu đã ra trường, lập gia đình và đi dậy học ở Arizona. Và anh San lại cho biết vẫn nhận được thư từ và điện thọai của người cháu gái đó.

Cả ba chúng tôi Dick, San và tôi lại có dịp gợi lại những kỷ niệm vui buồn về sinh họat của SBF hồi trước năm 1975 tại Việt nam. Ngòai trời mưa tầm tã, nhưng bọn chúng tôi lại cảm thâý thật ấm cúng với cái tình bạn, tình anh em trong Đại Gia Đình Bụi Đời giữa cái thời còn trai trẻ cách nay đã đến trên 40 năm rồi đó.

II – Gặp lại chị Dinah Pokempner của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW).

Sáng ngày Thứ Ba 29 tháng Tư, đúng như Dianh đã hẹn qua email, tôi đã đến một quán bán café trên đường số 32 góc với Đại lộ số 5 để cùng ăn sáng và chuyện trò trao đổi với chị bạn là người đã làm việc với HRW đã trên 20 năm nay. Cùng đi với Dinah còn có cả anh bạn trẻ Henry Peck là người mới gia nhập HRW được mấy tháng nay và hiện là một trong các người phụ tá cho Dinah là General Counsel của HRW.

Dinah Pokempner là một luật sư năm nay mới có ngòai 50 tuổi. Chị là người đặc trách hồ sơ về tôi tại HRW kể từ ngày tôi bị bắt giữ vào năm 1990 ở Việt nam. Do đó mà Dinah biết rất rõ về vụ án “Tuyên truyền chông Chủ nghĩa Xã hội” với án phạt 12 năm tù giam của tôi do Tòa án Saigon xử vaò ngày 14/5/1992.

Khi đến New York vào năm 2000, tôi đã gặp Dinah và ngay trong buổi gặp mặt lần đầu tiên này, Dinah đã tỏ ra thân thiện và quý mến tôi như là một người bạn đã từng quen biết lâu năm. Và sau đó, mỗi lần đến New York thì tôi đều đến gặp chị tại trụ sở trong tòa nhà chọc trời nổi tiếng Empire State Building với chuyện kiểm sóat an ninh còn nghiêm ngặt hơn cả lối kiểm sóat ở các phi trường trên đất Mỹ. Có khi tôi còn ở lại để cùng ăn trưa ngay tại văn phòng làm việc với Dinah nữa.

Lần này, Dinah giới thiệu Henry xuất thân là một nhà báo và mới gia nhập HRW với nhiệm vụ phụ giúp Dinah trong lãnh vực truyền thông báo chí. Sau những trao đổi tin tức thông thường, tôi cho Dinah và Henry biết về sinh họat của tôi với tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam có trụ sở chính tại California (VN Human Rights Network). Và tôi cũng tham gia sinh họat với Amnesty International USA từ cấp cơ sở (at the grassroot level) với Nhóm ở thành phố Irvine California - tới Đại hội cấp Miền của 9 tiểu bang Miền Tây Hoa Kỳ (Western Regional) - cho đến Đại Hội Thường Niên (Annual General Meeting = AGM) cấp tòan quốc của Amnesty USA – mà AGM năm 2014 này vừa mới được tổ chức tại Chicago vào đầu tháng Tư.

Tiếp theo, tôi lấy laptop mở mấy bài tôi mới viết cho hai người xem. Đặc biệt, khi tôi mở bài “How I became a political prisoner in Vietnam in the 1990s”, thì Dinah rất chú ý đến bản văn “Năm Điểm” của tôi viết đầu năm 1990 – mà vì đó mà tôi bị xử án 12 năm tù giam với tội danh “Tuyên truyền chống Chủ nghĩa Xã hội” chiếu theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự. Dinah giải thích thêm cho Henry rằng; “Luật sư Liêm là một chuyên gia về Luật Hiến Pháp, nên ông mới viết ra một bản văn súc tích mà có cơ sở pháp lý vững chắc như thế này. HRW đánh giá cao về sự đóng góp chuyên môn pháp lý này – nhất là vì đó mà tác giả bị bản án 12 năm tù giam đấy…” Henry bèn hỏi xem tôi có thể gửi cho anh các bài viết này qua email được không. Tôi trả lời tôi sẵn sàng gửi các bài đó theo yêu cầu của bất kỳ ai – mà cụ thể thì đã có một số bài được phổ biến cả trên Google.com nữa rồi.

Sau chừng 45 phút, thì Dinah kiếu từ để đi tham dự một phiên họp khác và để Henry ở lại nói chuyện thêm với tôi. Henry cho biết có cả 2 quốc tịch Anh và Mỹ vì do mẹ là người Anh và cha là người Mỹ. Vì thế mà anh học chương trình tiểu học và trung học ở Anh và lại học đại học ở Mỹ.

Có sự trùng hợp là Henry cũng có học tiếng La tinh mấy năm ở bậc trung học giống như tôi, nên chúng tôi lại có dịp trao đổi về việc học tiếng La tinh, thật là ngộ nghĩnh. Tôi nói hồi trẻ cỡ 14 – 15 tuổi, tôi rất thích cuốn “De Bello Gallico” do Tướng César viết mô tả chi tiết về các trận đánh nhằm chinh phục xứ Gaul là nước Pháp bây giờ (Gaullic Wars). Rồi tôi cũng cho Henry biết là nhờ biết La ngữ mà tôi dễ đi sâu vào lãnh vực triết học và luật pháp. Và chính ông Cicero là nhân vật tôi ngưỡng mộ nên mới chọn theo học môn Triết học của Luật pháp đấy. Henry gật đầu tỏ ý thông cảm.

Sau đó, thì Henry xin phép trở lại HRW để tiếp tục công việc mà anh cho là phù hợp với lý tưởng của mình. Và tôi thì đến thăm lại Thư Viện Trung Tâm của New York trên đại lộ số 5 và đường 42. Bữa đó sao mà có đông khách đến tham quan với bao nhiêu phái đòan từ các nơi xa đến xem cuộc Triển lãm Holocaust do chế độ Phát Xít Hitler phát động để giết hại đến trên 5 triệu người Do Thái hồi Đệ Nhị Thế Chiến 1939 – 45.

Và cuối cùng tôi đến khách sạn Carter gần khu Times Square để gặp cháu Hồng Ân là ái nữ của ông bà Trần Đình Trường – người vẫn dành cho các phái đòan tham dự Ngày Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế vào tháng Sáu mỗi năm ở New York được cư ngụ miễn phí tại khách sạn. Tôi nhờ cháu Hồng Ân chuyển bức thư tôi viết để thăm mẹ cháu là Bà Trần Đình Trường nhũ danh Nguyễn Thị Sang.

Vì trời u ám có dấu hiệu chuyển mưa, nên tôi phải cấp tốc dùng xe điện ngầm để trở về nơi cư ngụ tại khu Inwood phía bắc Manhattan. Cơn mưa kéo dài suốt buổi chiều ngày 29 qua suốt ngày 30 đã làm cho tôi phải bỏ bớt đi một số cuộc thăm viếng khác nữa.

Dầu vậy qua các chuyện trao đổi thân tình với hai người bạn quý là Dick Hughes và Dinah Pokempner trong mấy ngày qua ở New York, tôi cũng đã thật hài lòng với chuyến viếng thăm ngắn ngủi năm nay tại thành phố có danh tiếng bậc nhất của nước Mỹ cũng như của thế giới ngày nay nữa vậy. /

New York, ngày mồng Một tháng Năm 2014

Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.