Đúng đêm 30 tết giờ khắc sắp bắt đầu bước sang một năm mới, gia đình
thân nhân Ls Lê Quốc Quân đã bồi hồi đọc nét chữ của người chồng,
người cha, người anh thương yêu của họ trên những mảnh giấy rời mà anh
cóp nhặt được ở trong tù. Anh viết: “Sự thực luôn có đường đi riêng
và lòng tốt thì có ở khắp mọi nơi”. Ls Quân còn nhắn rằng nếu như
những mảnh giấy ấy đến được với mọi người thì chúng ta có quyền hy
vọng về một chiến thắng của sự thật, của tự do và công lý. Mảnh
giấy mang theo niềm hy vọng của người tù nhân lương tâm đã rời trại
giam và đến được với đồng bào và đồng đội của anh.
Trong lúc ấy thì mẹ Ls Quân đã vượt ngàn dặm từ quê nhà, lặn lội
trong cái buốt lạnh của mùa đông Hoa Thịnh Đốn; rồi lại co ro, lạ
lẫm trong cơn mưa mù trời của Geneva để đi đòi công lý cho các con của
bà. Người phụ nữ Việt Nam này chắc không biết gì nhiều về hội thảo
UPR nhưng bà chắc chắn không quên được trong phiên toà sơ thẩm của con
trai. Bà đã không được phép có mặt. Hình ảnh bà một mình, thất
thần, ngồi sụp xuống bên ngoài hàng rào toà án còn ghi đậm trong ký
ức của nhiều người.
Thi ca Việt Nam thường hay ví von người mẹ là con cò. Con cò lặn lội
từ bờ sông đến nghìn câu lục bát. Mẹ của Lê Quốc Quân là hình ảnh
của con cò đó, chồng mất sớm, bà một mình nuôi dạy bảy người con.
Bà trông hiền hậu, thầm lặng nhưng lại đậm nét trong những câu thơ
của con trai. Trong một bài thơ của anh, Lê Quốc Quân cám ơn mẹ, anh
bảo bà là niềm an ủi và là động lực cho anh giữ vững lý tưởng của
mình. Anh nhắc lại lời mẹ dặn trong một buổi họp gia đình: “Vững tâm
đi, khổ đau các con chịu hôm nay vẫn thua xa ông bà mình hồi cải cách
nhiều”.
Đối diện với sự lừa dối trắng trợn về nhân quyền của nhà nước VN
trước Liên Hiệp Quốc là hình ảnh chân thật, can đảm của một người
mẹ. Bà không có hai mươi trang giấy viết sẵn như các quan chức VN nhưng
bà có ký ức đau thương của người dân miền bắc những năm cải cách.
Bà có thể kể cho mọi người nghe nỗi đau của một người dân, nỗi đau
của bao nhiêu người mẹ trước những gì đang xảy ra cho những đứa con
của họ trên khắp nước. Bốn lần Lê Quốc Quân bị đánh: một lần ở Tòa
Khâm Sứ, một lần đi biểu tình chống Trung Quốc, một lần khi đi đến
phiên xử Ls. Cù Huy Hà Vũ và một lần bị đánh nhừ tử nơi con hẻm
gần nhà. Đó là chưa kể đến lần anh tự lao đầu vào tường đến toé
máu trước mặt công an điều tra, trong lần bị bắt giam đầu tiên, sau
chuyến du học về từ Hoa Kỳ.
Điều gì đã làm cho Ls. Lê Quốc Quân hành xử như vậy? Là một người
trai đầy nhiệt huyết, anh luôn sẵn sàng lao mình vào những công tác
xã hội. Anh từng bỏ công sức, của cải để kết hợp, vận động nhóm
Dân Trí và các tổ chức, cá nhân khai triển mô hình “Tủ sách” cho
những vùng xa xôi, hẻo lánh. Tính ra đã có đến 29 tủ sách được
thành lập ở các tỉnh phía bắc. Văn phòng luật của anh đã từng cố
vấn pháp lý miễn phí cho rất nhiều dân oan bị chính quyền địa phương
cướp đất. Chính bản thân anh cũng đứng ra lo cho các nhà dân chủ,
giúp đỡ và lo lắng cho người dân nghèo ở Nghệ An. Và như bao nhiêu
thanh niên nặng lòng vì nước khác, anh tham gia vào hầu hết các cuộc
biểu tình chống Trung Quốc xâm lược. Anh làm tất cả những gì có thể
được trong khả năng của mình.
Ngồi chờ tin con.
Khi nhà nước độc tài làm dáng dân chủ, rêu rao, mời gọi người dân
trong và ngoài nước tham gia ứng cử vào Quốc Hội; dù đã từng bị
sách nhiễu, bị đánh đập, một Lê Quốc Quân trẻ tuổi, cứng cáp, vững
vàng vẫn sẵn sàng nhập cuộc. Anh nộp đơn ứng cử, anh bị họ từ chối
rồi bị đem ra phường đấu tố. Cuối cùng, sau những hoạt động tích
cực, hữu hiệu nhằm đẩy mạnh tiến trình dân chủ hoá đất nước của
anh, cái thể chế tự nhận là “tôn trọng nhân quyền” kia đã ném nhà
hoạt động trẻ, một luật sư, một trí thức mà cả thế giới biết tên
vào nhà tù với tội danh “trốn thuế”.
Nhưng sự thật vẫn có cách đi riêng của nó. Bức thư cuối năm của Lê
Quốc Quân gởi ra đầy ắp niềm tin, bởi anh biết anh không đi một mình.
Giữa vô vàn kìm kẹp, giữa kỳ thị và bao vây, anh cảm nhận rất rõ
tình yêu thương ấm áp của đồng bào trong và ngoài nước dành cho anh
và những anh chị em đang đứng lên vì hạnh phúc của nhiều người khác.
Một mình với nỗi cô độc của những ngày giáp tết, Lê Quốc Quân nhắn
với đồng bào và đồng đội của anh: "Tôi sẵn sàng ngồi tù cho
đến chết nếu điều đó là tốt đẹp hơn cho Tổ quốc và Nhân dân Việt
Nam anh hùng”.
Nhà văn Phạm Đình Trọng, trong một bài viết mới đây đã lập lại một
câu hỏi: Bao giờ thì dân tộc Việt Nam mới thoát khỏi họa Cộng sản
để lại trở về với chính mình, trở về với hồn cốt tinh hoa Việt
Nam? Nếu đây là câu hỏi thường trực của bất kỳ người Việt nào đang quan
tâm đến vận mệnh đất nước thì câu trả lời đã nằm sẵn ngay trước
mắt của chúng ta mỗi ngày. Hồn cốt tinh hoa của dân tộc đang thể
hiện trên mỗi lời nói, mỗi hành động, mỗi bước chân của những người
trẻ VN. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Á Châu Tự Do, blogger Lâm
Bình Duy Nhiên khẳng định: “Hơn ai hết, chỉ có chúng ta, những người
Việt mang trong mình dòng máu của một dân tộc can đảm và bất khuất,
mới có thể làm thay đổi vận mệnh của đất nước Việt Nam mà thôi”.
Bao giờ? Ngày nào dân tộc ta mới thoát khỏi hoạ Cộng Sản? Không ai
có thể trả lời câu hỏi đó một cách chính xác, bởi kết quả có lẽ
sẽ đến rất bất ngờ!
Hãy hành động cùng với Lâm Bình Duy Nhiên, hãy bước đi cùng với Lê
Quốc Quân. Mỗi bước đi của họ là một bước của hạnh phúc và yêu
thương. Bởi mỗi bước chân đó sẽ kéo gần hơn cái kết quả mà cả một
dân tộc đang mơ ước. Bỗng dưng tôi muốn gởi hai câu thơ của Lê Quốc Quân
đến với tuần báo “Le Nouvel Observateur”, một tuần báo nổi tiếng ở
Pháp đã nhìn sự dấn thân và hy sinh của tuổi trẻ như một đặc điểm
đem đến những đổi thay tích cực, và họ đã bầu chọn Ls. Lê Quốc Quân
là một trong 50 khuôn mặt sẽ làm thay đổi thế giới này.
Hai câu thơ của anh, một người tuổi trẻ VN, viết giữa bốn bức tường u
ám của tù ngục trong những ngày cuối năm:
Tôi mang nợ non sông
Món nợ có hình hài của nhiều triệu chàng trai đã khuất.
Ngô Mai Hương