Lần đầu tiên trong suốt 55 lịch sử cộng sản ở Nam Tư, người dân đã ngang nhiên vùng lên biểu tình phản kháng, bất chấp nanh vuốt của cảnh sát chìm nổi và sức mạnh của quân đội do kẻ độc tài nắm quyền tối cao. Milosevic là một lãnh tụ cộng sản thoát xác, nhưng ông ta chỉ đổi giọng chớ không đổi dạ. Trước sự sụp đổ của Liên Sô và các chế độ cộng sản Đông Âu đầu thập niên 90, đảng Cộng sản Nam Tư đã tự lột da để đội nón mới, đảng Xã hội trở thành một chính đảng mạnh nhất. Đảng này do vợ Milosevic thao túng để dùng nó như một đại tổ hợp công ty quốc doanh. Trong khi đó Milosevic dùng các thủ đoạn cũ của cộng sản để lấn chiếm quyền hành độc đoán. Chế độ chấp nhận đa nguyên đa đảng, nhưng ngấm ngầm đàn áp và kiềm chế đối lập. Milosevic gây ra những cuộc chiến rũ sạch chủng tộc ngoài biên giới và cả trong nước tại Kosovo, thổi phồng chủ nghĩa quốc gia cực đoan của dân Serb, tóm thâu quyền hành độc đoán, nắm quân đội và cảnh sát trong tay, báo chí nhà nước được củng cố trong khi các cơ quan ngôn luận đối lập hay độc lập bị bóp nghẹt. Và đến cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 24-9, Milosevic kém vế định dùng thủ đoạn trì hoãn để thay đổi kết quả. Dân chúng Nam Tư đã bỏ lá phiếu bầu, họ cũng bỏ phiếu bằng cả hai chân để bênh vực lá phiếu của họ. Và họ đã thắng.
Vì sao họ thắng" Tôi nhìn thấy ở đây những bài học kinh nghiệm quý giá cho mọi cuộc đấu tranh chống độc tài đảng trị. Dân Nam Tư thắng vì họ biểu tình ào ạt nhưng rất ôn hòa, họ tránh được bạo động, không làm mất trật tự công cộng, họ đã lấy đi mất một cái cớ duy nhất để Milosevic vin vào mà ra tay đàn áp. Họ đã thắng vì tự họ làm lấy chớ không mong chờ để dựa vào sức mạnh quân sự nào từ bên ngoài. Họ đòi hỏi đa nguyên đa đảng, tự do dân chủ, kinh tế thị trường, nhưng không vì thế mà phải quỵ lụy một nước Tây phương nào, kể cả Mỹ. Cố nhiên sự yểm trợ của dư luận quốc tế là cần cho cuộc đấu tranh vì dân chủ, nhưng đó chỉ là sự yểm trợ tinh thần chớ không phải một sự can thiệp trực tiếp. Nếu nhờ LHQ hay nhờ NATO, rút cuộc họ chỉ có một chính quyền tuân lệnh những thế lực quốc tế và những thế lực này kinh nghiệm cho thấy rất mong manh, lúc có lúc không, thường khi bất lực chỉ vì chia rẽ. Trong những giờ phút căng thẳng ở Belgrade, các ký giả Mỹ hỏi Tổng Thống Clinton: “Mỹ có can thiệp bằng quân sự không"” Ông đã dứt khoát trả lời: “Không! Mọi hành động, mọi lời nói trong lúc này chỉ giúp cho Milosevic mạnh tay đàn áp biểu tình”. Sự thật dù Mỹ có đem quân đến cũng vô ích nếu người dân Nam Tư không đứng lên tự quyết định lấy tương lai vận mệnh của mình.
Người ta đã nói đến sức mạnh của nửa triệu người biểu tình, tôi nhìn thấy một sức mạnh khác chỉ vỏn vẹn có khoảng 100 người, nhưng có tầm quan trọng không kém. Đó là sức mạnh của nhà báo, của các ký giả Nam Tư. Ở đây có một bài học nữa được rút tỉa từ kinh nghiệm Belgrade. Sau khi chiếm được Quốc hội, các đoàn người biểu tình đã chia nhau đi chiếm đài TV toàn quốc và thông tấn xã Tanjug, hai cơ quan cột trụ tuyên truyền của Milosevic. Chỉ vài giờ sau, người ta thấy thông tấn xã nhà nước phát hành bản tin chào mừng tân Tổng Thống đắc cử Kostunica, dưới ký tên “Những ký giả của Tanjug được giải phóng”. Tôi đọc bản tin quốc tế thấy mấy chữ “được giải phóng” mà muốn nghẹn ngào. Không phải vì tôi đã từng làm thông tấn xã, mà vì hai chữ “giải phóng” làm tôi nhớ ngày cộng quân tiến vào Saigon năm xưa. Lúc đó một số ký giả của miền Nam cũng nhẩy ra đường mừng rỡ hô “giải phóng”. Đó là những người “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”. Nay “ma” đến, tự nhiên họ phải “nhập ma”. Nhập ma rồi chỉ ít lâu sau họ thấy bị “tẩu hỏa”. Bởi vì cái “Saigon Giải Phóng” đã biến thành nhà tù ngòi bút của họ. Buồn thay.
Ký giả là những người có lương tri sắc bén, họ có thể nhầm lẫn trong một thời gian. Nhưng khi có cơ hội, họ bùng lên rất mau lẹ. Sau khi được giải phóng, các ký giả nhà nước Nam Tư đã nói lên lời xin lỗi quốc dân vì trước đây họ làm tay sai cho Milosevic. Đó mới là “giải phóng” thứ thiệt, trái ngược với ký giả “Saigon Giải phóng” để vào tù. Chính nhờ sự tiếp tay của các ký giả được giải phóng nên cuộc biểu tình Nam Tư mới thành công mau lẹ để củng cố thế đắc cử của Vojislav Kostunica và buộc Milosevic phải chịu thua. Kostunica, cựu giáo sư luật hiến pháp, là người có tinh thần dân tộc rất cao nhưng không phải là kẻ sát nhân. Ông cũng không phải là người nhắm mắt thân Mỹ, thân Nga, hay thân Âu Châu. Khi NATO dội bom làm tan nát Nam Tư, ông là một người đối lập đầu tiên lên tiếng phản đối và chỉ trích gắt gao.
Kostunica đã tuyên thệ tựu chức Tổng Thống, nhưng Milosevic vẫn còn tự do “nghỉ ngơi” ở Nam Tư với ý định sẽ trở lại cầm đầu đảng Xã hội. Tình thế Nam Tư sẽ ra sao" Tôi nghĩ một cuộc biểu tình không thể nào tạo ra dân chủ như một phép lạ. Tiến trình dân chủ là một con đường dài và chật vật. Nhưng thời thế đã đổi thay. Không thể có cách mạng bạo lực hay cách mạng gây đổ máu bằng nội chiến.
Ngày nay cách mạng là “do dân chủ, bởi dân chủ và vì dân chủ”.