Nền khoa học công nghệ của Việt Nam sẽ đi những bước thế nào cho kịp
thế giới?
Báo Tuổi Trẻ ghi lời một Bộ Trưởng than phiền rằng VN có tới 64.000
Tiến sĩ, Phó Giáo Sư, Thạc sĩ nhưng bài đăng ở các tạp chí quốc tế
quá thấp.
Trong khi đó, báo Tiền Phong ghi rằng có một số lĩnh vực khoa học VN
có thể cạnh tranh với nước khác, như công nghệ thông tin và công nghệ
sinh học...
Bản tin báo Tuổi Trẻ ghi lời Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ
Nguyễn Quân trong buổi đối thoại với các tài năng trẻ Việt Nam chiều
23-12 tại Hà Nội: “Nền khoa học công nghệ chưa được coi trọng, kinh
phí giao cho hoạt động khoa học công nghệ chiếm 2% trong tổng chi ngân
sách nhà nước nhưng chưa được sử dụng đúng mức, hiệu quả kinh phí
đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ còn khiêm tốn”.
Ông Quân nhìn nhận rằng cán bộ khoa học Việt Nam là đối tượng chịu
nhiều thiệt thòi trong giới làm công ăn lương của nhà nước, ngoài lương
cơ bản không có thêm bất kỳ phụ cấp nào dẫn đến còn nhiều khó khăn.
Đặc biệt, bản tin ghi lời ông Bộ trưởng:
“Dẫn chứng về những tồn tại trong khoa học công nghệ, bộ trưởng
thống kê Việt Nam có 18.000 tiến sĩ, 10.000 phó giáo sư, hơn 36.000
thạc sĩ nhưng số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế về nghiên
cứu khoa học của ta chưa cao, còn thua nhiều nước.”
Trong khi đó, báo Tiền Phong ghi lời ông Quân rằng Việt Nam có thể đẩy
mạnh xuất khẩu phần mềm trong đó tập trung vào hai lĩnh vực gồm công
nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Ông Quân nói:
“Đây là hai lĩnh vực chúng ta có thể đầu tư ít mà hiệu quả cao. Dân
tộc Việt Nam thông minh, ở đâu có người Việt ở đó có thủ khoa. Thời
gian tới, chúng ta nên đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ sinh học như công
nghệ tạo giống, chế biến, nông sản, thực phẩm, vacxin, cây trồng biến
đổi gen... Tương tự như vậy, tôi tin ở lĩnh vực công nghệ tin học,
Việt Nam có thể cạnh tranh và xuất khẩu được...”