BS Nguyễn Ý Đức.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Kính chào bác sĩ,
Thưa bác sĩ, tôi năm nay là 78 tuổi, hiện cư ngụ tại
thành phốHouston. xin có vài câu hỏi xin
bác sĩ chỉ dẫn dùm:
1) Ngày 28/3/2013 tôi phải chở cứu cấp vô nhà thương, ở đây người ta tìm ra là tôi bị pneumonia. Sau khi nằm 9 ngày thì được xuất viện, nhưng sức khỏe của tôi vẫn còn rất yếu, họ nói là phải mất nhiều tháng sức khỏe mới trở lại như cũ, Liệu sau này tôi có bị tái phát không?
2) Tôi có nhận được email nói là mỗi buổi tối nên uống một viên ASPIRINE 81 mg để tránh được việc bị tai biến mạch máu não, như vậy có đúng không?
Xin bác sĩ vui lòng chỉ dẫn cho.
Xin trân trọng cám ơn bác sĩ, kính chúc bác sĩ và bửu quyến được vạn sự như ý muốn.
Nguyên Đặng
*
Kính chào Đặng tiên sinh,
Chúng tôi xin phúc đáp mấy thắc mắc của tiên sinh.
1- Pneumonia là tên tiếng Anh của bệnh Viêm phổi.
Bệnh do các loại vi khuần, virus hoặc nấm xâm nhập cơ thể, nhất là ở những người mà sức đề kháng đã suy yếu, như quý vị cao niên hoặc đang mắc những bệnh mãn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch.
Dấu hiệu triệu chứng của bệnh thường gồm có nóng sốt, ho, hụt hơi thở, đổ mồ hôi, đôi khi run lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi.
Với người khỏe mạnh và được điều trị đúng cách với thuốc kháng sinh, bệnh thường qua khỏi mà không gây biến chứng gì. Tuy nhiên khi cơ thể vốn suy yếu mà không chữa tới nơi tới chốn, bệnh nhân có thể bị hậu quả trầm trọng như vi khuẩn xâm nhập máu, viêm nhiễm màng phổi…có thể đưa tới tử vong.
Chẩn đoán bệnh dựa trên việc bác sĩ khám hỏi bệnh rồi làm các xét nghiệm như thử máu tìm tác nhân gây bệnh, chụp hình x-quang phổi, thử đàm tìm máu và vi khuẩn.
Điều trị tùy theo tình trạng bệnh và tình trạng sức khỏe, tuổi tác, nguyên nhân gây bệnh.
Nếu bệnh do vi khuẩn thì dùng kháng sinh. Có nhiều loại kháng sinh khác nhau, nếu một loại không giải quyết được vấn đề thì bác sĩ cho loại khác.
Với virus thì có một vài loại thuốc chuyên trị virus chứ kháng sinh không có công hiệu.
Ngoài ra cũng uống thuốc giảm nhiệt độ, thuốc ho. Tuy nhiên trước khi uống thuốc ho, nên hỏi ý kiến bác sĩ, vì ho cũng là cách để loại bỏ chất nhờn từ đường hô hấp ra khỏi cơ thể.
Nếu nóng sốt nhiều, quá suy nhược, ho liên tục thì cần được điều trị tại bệnh viện, đặc biệt là với quý vị cao tuổi và các cháu bé.
Bệnh nhân cũng cần tự chăm sóc để mau phục hồi, như là: nghỉ ngơi đầy đủ thoải mái; nghỉ ở nhà cho tới khi khỏe hẳn hết sốt mới đi làm đi học; uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và giữ hẹn tái khám. Nhớ uống nhiều nước để làm lỏng đàm nhớt dễ loại ra khỏi cơ thể.
Phòng ngừa bệnh cũng cần thiết.
Vì bệnh cúm có thể đưa tới Viêm phổi, cho nên hàng năm cần chích ngừa cúm vào tháng 9 tháng 10.
Với viêm phổi gây ra do loại vi khuẩn Pneumococcus thì các bác sĩ khuyên chích một lần bảo vệ suốt đời cho những ai trên 65 tuổi hoặc người hút thuốc lá, có bệnh tim mạch, suy tính miễn dịch.
Trẻ em cũng cần chích ngừa với loại vaccin khác với vaccin người lớn, cho nên các bà mẹ nên hỏi bác sĩ gia đình.
Viêm phổi cũng lây lan sang người khác.
Khi người bệnh ho, tác nhân gây bệnh bắn ra lẫn trong không khí. Người khác hít phải là tác nhân gây bệnh vào mũi rồi xuống phổi. Bệnh cũng lây lan khi cầm đồ dùng của người bệnh rồi đưa tay lên mũi.
Trở lại với câu hỏi của ông là liệu bệnh có tái phát không, thì xin thưa rằng ông có thể bị bệnh trở lại nếu ông không chích ngừa và ông hít phải tác nhân gây bệnh. Chúng tôi đề nghị là ông đến bác sĩ gia đình để hỏi về chuyện chích ngừa này.
2- Nhận được email nói uống aspirin để tránh tai biến não.
Xin đề nghị với ông hỏi ý kiến bác sĩ gia đình trước khi dùng thuốc này, vì chỉ có vị này mới đủ thẩm quyền quyết định việc dùng thuốc cho ông, chứ không phải email.
Mỗi bệnh nhân có sức khỏe và bệnh tật khác nhau. Thuốc do người này dùng không thể chia sẻ cho người khác vì mỗi người có tình trạng bệnh khác nhau.
Viên aspirin có khả năng giảm rủi ro tai biến não, nhưng không phải cho bất cứ ai. Và ngay trong y giới, hướng dẫn về dùng aspirin để tránh rủi ro stroke và heart attack cũng không giống nhau và các hướng dẫn chỉ định cũng luôn luôn thay đổi.
Chúc tiên sinh vui mạnh.
*
"Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm".
Kính gửi Bác sĩ Nguyễn ý Đức
Đọc sách cũ, cháu thấy có câu nói, Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng 5.
Cháu không hiểu rõ ý nghĩa, xin bác sĩ giải thích. Xin cảm ơn bác sĩ.- Elise Kim.
Chào Elise,
Hai câu này nói tới những ngày có Rươi, một món ăn rất đặc biệt của vài tỉnh ở miền Bắc Việt Nam.
Rươi là gì.
Rươi là những sinh vật rất nhỏ nom giống con giun nhưng hai bên mình lại có nhiều lông và nhiều chất nhớt. Rươi tươi, màu hồng hoặc xám bạc, từng con rươi đều tăm tắp, bé chỉ bằng nửa cái đũa tre, dài chừng 5-7 cm. Lông là bộ phận dẫn đường cho rươi đực và cái tìm đến nhau.Tiếng Việt còn gọi rươi là Rồng Đất, vì hình thù nom tựa như con rồng, mà lại có trong đất. Khoa học phân biệt rươi ra tới hơn 40 chủng loại khác nhau. Ngoài Việt Nam, rươi cũng có ở Indonesia, các quần đảo Samoa, Fji.
Tại Việt Nam, rươi có nhiều ở các huyện Thanh Miện, Đông Triều tỉnh Hải Dương; một số địa phương ở Kiến An và Hải phòng, miền Nam thì vài địa phương như huyện Ba Động, Duyên Hải, Trà Vinh ở Trà Vinh cũng có rươi,; miền Trung thì tại hai xã Hưng Lợi và Hưng Nhân, tỉnh Nghệ An.
Thường thường rươi xuất hiện vào ban đêm của những ngày 20 tháng 9 và 10 tháng 5 âm lịch. Trứng rươi đẻ từ năm trước, nằm trong đất, tới khi nước thủy triều lên cao vào các ngày này thì nở ra con và nhô lên khỏi mặt đất. Dân chúng thường đốt đèn ban đêm, dùng một loại lưới làm bằng vải màn mà vớt. Rươi được cho vào thùng rồi gánh về thủ đô Hà Nội, thị trấn Hải Phòng, Hải Dương mà bán.Tại Hà Nội hiện nay vẫn còn một con đường nhỏ mang tên Phố Hàng Rươi, mà người Pháp trước đây gọi là Rue Des Vers Blancs, Đường của những con sâu mầu trắng.
Có nhiều cách để ăn rươi: hấp, rán, xào, chả rươi, mắm rươi.
Chả rươi gồm thịt nạc băm nhỏ, trứng đánh nhuyễn, thì là tươi xanh, vài miếng vỏ quýt thái nhỏ li ti, ướp với nước mắm, hạt tiêu trộn với rươi. Đổ vào chảo rán nhỏ lửa, chả rươi có một hương vị rất đặc biệt, thơm lừng ra tới hàng xóm.
Rươi hấp với mộc nhĩ, củ hành tươi, thì là, nước mắm vỏ quýt. Đây là món ăn thanh lịch, ngon lại có rất ít chất béo. Mắm rươi ăn với thịt he oba chỉ luộc kèm theo những ngọn rau thơm, rau riếp, thì ngon tuyệt trần gian.
Rươi là món ăn quý hiếm, chỉ có mỗi năm một lần và trong vài ngày nên quý nhau mới thết nhau một bữa ăn rươi. Muốn có rươi ăn, thường thì phải đặt trước, vì số lượng rươi thì giới hạn, mà khách sành điệu muốn ăn lại nhiều. Có điều là khi ăn thì quên đi hình ảnh con rươi lúc còn sống, thân hình đỏ hỏn mà lông lại nhiều, phủ kín thân, nom mà sờ sợ. Ấy vậy mà có người biệt xứ cả nửa thế kỷ, về Hà Nội được bạn bè khi xưa dành cho một đĩa chả rươi, thì cảm động biết mấy.
Rươi với văn học dân gian
Dân gian ta đã có câu vè đố nhau về rươi như sau:
Con gì bé tí tì ti?
Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời?
Một năm mấy bận đi chơi?
Đi thì lở đất long trời mới yên?
Hoặc các câu ca dao về rươi rất tình cảm như
Tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng,
Hoặc, Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy.
Tình tự quê hương là như vậy đấy, Elise ạ.
Chỉ tiếc một điều là quê hương mình bây giờ khác xưa quá nhiều, khác từ tình người tới chế độ, theo chiều hướng xấu nhiều hơn là tốt. Thật đáng buồn!
Bác rất xúc động khi thấy cháu tuy ở thế hệ sau mà còn tưởng nhớ tới quê hương.
Chúc cháu mọi sự bình an.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức.
www.bsnguyenyduc.com
http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/videos
Gửi ý kiến của bạn