Mừng một biến cố lịch sử xẩy ra trên hai ngàn năm trước, nhưng vẫn
như mới xẩy ra hôm nào trong thời đại của chúng ta. Thật vậy, mỗi độ
Giáng Sinh về, nhất là ở vùng trời Âu này, khi ta có dịp đi ngang qua
một giáo đường, hay chính ngày lễ lớn, có dịp cùng với bạn hữu đi
dự lễ Giáng Sinh vào tối 24-12, bạn sẽ được chứng kiến một cảnh ngộ
rất thời thượng, một con người được sinh ra không phải ở trong một căn
hộ ấm áp có gường, có nệm, có lò sưởi với những tiện nghi, mà là
một hài nhì sinh ra trong cảnh nghèo hèn thiếu thốn mọi thứ, còn nơi
sinh là hang của chuồng bò, lừa trú lạnh ban đêm ở nơi cánh đồng
vắng nước Israel thủa trên hai ngàn năm trước. Vì các phòng trọ không
còn chỗ trống. Xin mời bạn theo tôi tìm lại lai lịch biến cố này qua
Thánh Sử Luca đoạn I từ câu 18 đến 25.
“Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Maria, mẹ Người, đã thành
hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có
thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công
chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín
đáo. Ông đang toan tính thư vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo
mộng cho ông rằng: này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà
Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh
Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su,
vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ. Tất cả sự
việc này đã xẩy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua
miệng ngôn sứ: Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,
người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở
cùng chúng ta”. Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dậy và
đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con
trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su”.
Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi.
Chúng ta nên đọc tiếp một đoạn nữa của Luca 2, từ câu 1 đến câu 6.
“Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị
vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi:
Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao
của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.
Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn
xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân
lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại
Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi,
hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của
Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn đắt Ít-ra-en dân ta sẽ ra
đời”.
Qua hai đoạn tin mừng chúng ta đã biết được biến cố về lễ Giáng
Sinh, một vị Thiên Chúa bởi trời mà xuống trần gian, trong hoàn cảnh
gia đình ông Giu-se và bà Maria, một gia đình nghèo, ông thì làm nghề
thợ mộc, bà thì lo việc nội trợ trong nhà. Nhân có cuộc làm lại sổ
hộ khẩu của nhà Vua Hê-rô-đê thời bấy giờ, mà ông bà ở nơi khác,
phải về quê hương của mình để khai sổ hộ khẩu; đường đi thì xa, không
có xe cộ như thời bây giờ, phải đi bộ, mà bà thì có mang gần đến
ngày sinh, nên ông phải cho bà ngồi trên lưng lừa và dong lừa đi. Về
đến quê hương thì chiều đã xuống, các nhà trọ cho mướn để qua đêm đã
không còn chỗ, ông bà đành phải ra ngoài cánh đồng vắng tìm đến nơi
trú thân của loài vật về đêm để ở tạm. Nào ngờ, giờ sinh đã đến
với bà trong hoàn cảnh ở giữa đồng vắng, không đèn, không hàng xóm,
không một phương tiện liên lạc như điện thoại, và thời đó cũng không
có xe cứu thương như thời nay.
Nhưng khi bà vừa hạ sinh hài nhi thì có tiếng hát của Thiên Thần ca
mừng rằng:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Lại có những người chăn giữ đàn vật ở đâu dó cũng đến tụ lại qùy
gối bái chào hài nhi và những con vật trú qua đêm ở căn chòi lá
cũng bu lại thở hơi ấm làm cho hài nhi bớt lạnh giá trong cảnh đêm
đông.
Thiên Chúa từ trời cao khi muốn xuống thế làm người, đã chọn sinh ra
trong cảnh ngộ thật nghèo khó. Nghèo khó đến nỗi không còn chỗ trọ,
để trú chân qua đêm. Cũng có thể vì Ngài mặc lấy thân phận rất
nghèo, cứ trông vẻ bề ngoài một người đàn ông dẫn theo bà vợ có bầu
không biết sẽ sinh giờ nào, tìm quan trọ thì chủ quán ai cũng ngại,
chưa kể những chủ quán giầu có, họ chỉ muốn cho mướn, cho trọ những
người giầu, có tiền. Chính vì cái cảnh nghèo đó mà ông bà bị từ
chối, nên đã phải tìm ra ngoài đồng, tìm vào trú chân trong những
lán lá người ta che mưa gió cho loài vật trú qua đêm.
Cảnh giầu và nghèo là hai gia cấp muôn thủa thời nào cũng có. Từ
thời lễ Giáng Sinh hơn hai ngàn năm trước, và trước nữa, cũng như cho
đến ngày nay. Người giầu chẳng có bao nhiêu, tỷ phú nước nào cũng
có nhưng chỉ đếm được bằng con số, không nhiều, số trăm thôi. Nhưng
thống trị thế giới lại là giới tỷ phú, có tiền, có quyền, nhưng
không phải là không có người nhận ra, nhiều người nghèo cũng biết. Do
đó họ muốn đem lại công bình cho thế giới, cho mọi người, nhưng gặp
thật nhiều trở ngại và khó khăn. Như một Tổng Thống siêu cường quốc
muốn cho người dân có bảo hiểm sức khỏe nhưng chưa làm được, và bao
đời tổng Thống nước Mỹ đã muốn làm. Giờ đến lượt tổng thống Obama
nhưng cũng còn gặp muôn vàn khó khăn và chống đối, không hiểu rồi ông
có thực hiện được hay không.
Là người công giáo, mặc nhiên thông cảm nỗi nghèo của người nghèo hơn
những người khác. Nhất là mỗi độ Giáng Sinh về, do đó họ dễ dàng
cảm nhận thân phận của người nghèo hơn ai hết, nên họ có mặt tích
cực ở môi trường xã hội, chính trị trước những người khác dựa vào
học thuyết xã hội công giáo:
“Trên thực tế, người ta có thể hành động, hoặc trong cuộc sống cá
nhân, gia đình, hoặc trong cách sinh hoạt cộng đồng. Trong lãnh vực tư,
nhiệm vụ căn bản là sống và cư xử theo lời dậy Phúc âm, và đừng
lùi bước trước những hy sinh và các đau khổ mà nhân đức Ki-tô giáo
đòi hỏi. Hơn nữa, tất cả phải yêu mến Giáo hội như là mẹ chung, tuân
lời, đề cao danh dự, bảo vệ quyền lợi và lo sao để những người dưới
trách niệm của mình biết kính nể và mến yêu Giáo hội trong tình
thảo ngay”. Trong lãnh vực công cộng, người công giáo cũng cần phải
tham gia vào công việc hành chánh địa phương một cách khôn ngoan, nhất
là nỗ lực thúc giục chính quyền cung ứng một nền giáo dục tôn giáo
và đạo đức cho giới trẻ, một điều mà Ki-tô hữu rất cần, và cũng
là lợi ích sinh tử của xã hội. Một cách chung, người công giáo nên
được khuyến khích để nới rộng hoạt động của mình vượt ra ngoài cả
những giới hạn còn chật hẹp này để dấn thân vào các phần vụ quan
trọng hơn của đất nước. Chúng tôi nói “một cách chung”, vì ở đây
chúng tôi muốn nói đến tất cả các nước. Tuy thế, cũng có khi, vì
những lý do quan trọng và chính đáng, tham gia vào chính sự và nhận
những chức vụ có thể không thích hợp. Nhưng luật chung, như chúng tôi
đã nêu trên đây, từ chối dấn thân vào việc nước có thể đáng trách
cứ như là chểnh mảng, thờ ơ với công ích, hơn thế nữa, giáo lý mà
người công giáo tuyên xưng lại buộc họ khải ngay chính chu toàn bổn
phận ấy. Và nếu họ trốn tránh việc nầy, thì giềng mối đất nước
sẽ dễ dàng rơi vào tay những kẻ có những ý kiến không mang lại
nhiều hy vọng tốt đẹp cho đất nước. Lúc ấy dù Ki-tô hữu có muốn hay
không, thì kẻ thù của Giáo hội sẽ có toàn quyền và người bênh vực
Giáo hội thì ở bên lề. Do vậy, người công giáo hẳn có lý do chính
đáng để dấn thân vào cuộc sống chính trị; vì họ làm và phải làm
chính trị, không phải để tán đồng những điều đáng trách cứ đang
hiện hữu có trong các cơ chế chính trị, nhưng để hết sức mình khai
triển công ích chân thật ngay trong các định chế nầy bằng cách cố đưa
vào trong guồng máy chính quyền nền đạo đức và ảnh hưởng của đạo
công giáo, như nhựa sống và như dòng máu cứu độ”.(Trích từ Một cái
nhìn mới về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo từ tủ sách Muối Đất Định
Hướng xuất bản năm 2000 nơi trang 28 và 29).
Là người tin vào Chúa, phục tùng giáo hội của Ngài qua Đức Giáo
Hoàng nên tích cực tham gia vào các việc công ích, không thể thờ ơ
nghĩ rằng đã có kẻ khác làm, chúng ta không cần tham gia, không cần
làm. Thật vậy, nếu việc như ra ứng cử vào các hội đồng thị xã,
ứng cử vào tòa nhà lập pháp như quốc hội hạ viện, thượng viện,
người công giáo thờ ơ không tham gia, không có mặt thì làm cách nào
góp tiếng nói để sản sinh ra những luật lệ, mà luật lệ trong những
quốc gia pháp trị được áp dụng để đem lại công bằng cho hết mọi
người, nhất là những người nghèo. Nếu những người công nhân làm việc
trong các nhà máy, xưởng thợ mà không có công đoàn để bảo vệ những
quyền lợi như có đồng lương đủ nuôi sống gia đình, con cái được cắp
sách đến trường, có bảo hiểm sức khỏe, căn hộ đủ ấm vào mùa đông
thì làm sao người công nhân có đủ tâm trí tập trung vào sản xuất cho
ra những sản phẩm cho nhà máy. Cái nghèo của thời trước Giáng Sinh
và của ngày hôm nay cũng không khác nhau.
Nhưng mỗi người là một chủ thể, nhân loại càng đông thì càng có
nhiều chủ thể. Do vậy, người tham gia vào guồng máy công quyền, nhất
là những người trực tiếp làm ra những luật lệ như dân biểu hạ nghị
viện, dân biểu thượng viện, cần phải cân nhắc thật kỹ để giảm thiểu
đến mức tối đa những cá nhân không tôn trọng những lợi ích chung liên
quan đến tập thể như: trộm cắp, phá hoại những phương tiện sản xuất,
nhà máy, họ chỉ mưu cầu lợi ích riêng mà không quan tâm đến lợi ích
chung của kẻ khác, của cả một tập thể lớn. Người làm luật phải
tìm cách giảm thiểu được những cá nhân thiển cận này để công ích
được sáng, hầu căn nhà chung của thế giới không còn cảnh bất công và
nghèo khó.
Nhờ sự dấn thân của những người mang tầm nhìn của học thuyết xã
hội của giáo hội mà một số rất nhỏ quốc gia trên thế giới, khoảng
10 trong 224 nước hiện giờ trên thế giới, có được những luật căn bản
về “an sinh xã hội” như một số nước ở vùng Bắc Âu hay như Hòa Lan,
Thụy Sĩ; có một tổ chức xã hội thật lý tưởng đúng như giấc mơ của
Liên Hiệp Quốc từng mơ ước là: mỗi người có lương thực hành ngày,
có nhà ở và được sưởi ấm về mùa đông, con cái được đến trường,
mọi người đều có bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ đều bình đẳng khi
đến bác sĩ nhà, khi vào bệnh viện, và khi chết được an táng cách
bình thường. Được như vậy, là do mọi người không thờ ơ với việc
chung, nhất là thờ ơ với những sinh hoạt chính trị.
Nhìn vào máng cỏ, nơi Hài nhi Giê-su được sinh ra, cảnh khó nghèo của
trên hai ngàn năm trước không khác là bao với xã hội hôm nay, cảnh
giầu nghèo vẫn còn, một phần cũng do chúng ta còn thờ ơ, vẫn lạnh
lùng với người bên cạnh và hơn nữa thật thờ ơ khi không chịu góp sức
vào những công tác chung của xã hội, chung lòng với người bên cạnh
góp công sức để kiến tạo một xã hội công bằng, huynh đệ và yêu
thương./-