Nữ ký giả người Ý Oriana Fallaci nổi tiếng từ cuối thập niên 1960 với những bài
phỏng vấn lãnh đạo các quốc gia như: Indira Gandhi, Willy Brandt, Robert
Kennedy, Đặng Tiểu Bình, Golda Meir, Yasir Arafat, Ali Bhutto, Henry Kissinger,
Nguyễn Văn Thiệu, v.v…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dành cho Fallaci một cuộc phỏng vấn tại Hà Nội
vào tháng 2-1969, khi cuộc chiến Việt Nam ở vào cao điểm với sự can dự của người
Mỹ lên đến hơn nửa triệu lính đang chiến đấu tại Việt Nam. Đó cũng là thời điểm
một năm sau cuộc Tổng Tấn công Tết Mậu Thân và hòa đàm Paris đang diễn ra.
Trong tác phẩm Interview with History (Nxb Liveright, 1976) Fallaci đã viết về
lần gặp Tướng Giáp với nhiều chi tiết đáng chú ý.
Theo giới chức Việt Nam sắp xếp cho cuộc gặp thì đây là buổi mạn đàm với Tướng
Giáp, không phải một cuộc phỏng vấn. Khi Fallaci và phái đoàn được gặp, Tướng
Giáp không muốn người nữ ký giả dùng máy ghi âm. Ông cũng nói: “Đây chỉ là cuộc
mạn đàm giữa chúng ta”.
Buổi gặp kéo dài 45 phút, Tướng Giáp nói tiếng Pháp. Là một ký giả với tay nghề
cao, Fallaci đã biến “buổi diễn thuyết” của ông thành cuộc phỏng vấn. Có những
lần nữ ký giả muốn ngắt lời để hỏi sâu thêm thì Tướng Giáp trả lời: “Hãy Kiên
nhẫn. Đừng ngắt lời tôi”.
Ký giả Fallaci đến Hà Nội cùng với ba phụ nữ Ý khác, trong đó hai người thuộc Đảng
Cộng sản và một theo Đảng Xã hội. Yêu cầu gặp Tướng Giáp chỉ được chấp thuận
lúc họ sắp rời Việt Nam. Ngoài bốn phụ nữ Ý, trong buổi gặp còn có người hướng
dẫn, thông dịch và vài nhân viên người Việt khác.
Những phát biểu chính của Tướng Giáp trong cuộc gặp đó như sau:
Số thương vong của Mỹ, Tướng Giáp nói đã tiêu diệt được 54 nghìn, vượt quá con
số lính Mỹ hy sinh trong chiến tranh Triều Tiên, người nữ ký giả đặt vấn đề.
Oriana Fallaci: Con số người Mỹ đưa ra là 34 nghìn tử vong, thưa Đại tướng.
Võ Nguyên Giáp: Tôi nói ít nhất là gấp đôi. Người Mỹ luôn đưa ra con số thấp
hơn sự thực: khi chúng thích hợp với họ, ba thay vì năm. Họ không thể đã có 34
nghìn tử vong. Khi mà chúng tôi đã bắn hạ hơn 3 nghìn 200 máy bay của họ. Khi
mà họ thừa nhận rằng cứ 5 máy bay đã có một bị bắn rớt! Nhìn xem: trong năm năm
chiến tranh họ chắc chắn đã mất không ít hơn 70 nghìn lính. Và con số đó có lẽ
còn quá thấp.
Bìa sách Interview with History.
OF: Thưa Đại tướng, người Mỹ cũng nói rằng ông đã mất nửa triệu quân.
VNG: Con số chính xác.
Về Tết Mậu Thân, nhận định của Tướng Giáp là trước khi có biến cố này thì người
Mỹ tin là họ đang thắng. Cuộc tổng tấn công xảy ra là điều cho thấy Lực lượng
Giải phóng có thể tấn công bất cứ khi nào họ muốn và vào bất cứ đâu, kể cả Sài
Gòn.
OF: Thưa Đại tướng. Mọi người đồng ý Tổng Tấn công Tết là thắng lợi tâm lý to lớn.
Nhưng từ góc nhìn quân sự, ông có nghĩ đó là một thất bại?
VNG: Thất bại?
OF: Tôi cho là như thế, thưa Đại tướng.
VNG: Bà hãy nói điều này với, hay nên hỏi, Mặt trận Giải phóng.
OF: Trước hết tôi muốn hỏi Đại tướng.
VNG: Bà phải hiểu đó là một câu hỏi tế nhị, mà tôi không thể đưa ra những phán
đoán, tôi không thể xen vào việc của Mặt trận. Đó là điều tế nhị… rất tế nhị…
Dù sao, bà đã làm tôi ngạc nhiên, vì cả thế giới đã thừa nhận rằng, nhìn từ
quan điểm quân sự và chính trị, Tổng Tấn công Tết…
OF: Thưa Đại tướng, ngay cả nhìn từ quan điểm chính trị, đó không phải là một
thắng lợi to lớn. Dân chúng đã không nổi dậy, và sau hai tuần người Mỹ đã giành
lại kiểm soát. Chỉ ở Huế chúng ta đã thấy cuộc chiến kéo dài một tháng. Tại Huế,
nơi có bộ đội miền Bắc.
VNG: Tôi không biết nếu Mặt trận đã có tiên liệu hay mong đợi dân nổi dậy, mặc
dù tôi nghĩ rằng nếu không có giúp đỡ của quần chúng thì các lực lượng của Mặt
trận sẽ không thể vào thành phố. Và tôi sẽ không bàn về Tổng Tấn công Tết, nó
không tùy thuộc vào tôi, không tùy thuộc vào chúng tôi; nó được chỉ đạo bởi Mặt
trận…
Trận chiến tại Khe Sanh, Tướng Giáp không coi đó là một Điện Biên Phủ thứ hai.
Đối với ông Khe Sanh không quá quan trọng.
Về hòa đàm Paris, nhận định của Tướng Giáp là sẽ kéo dài lâu. Miền Bắc sẽ không
từ bỏ những đòi hỏi và sẽ không vội, sẽ kiên nhẫn. Trong khi những phái đoàn thảo
luận ở Paris, chúng tôi tiếp tục chiến tranh. Bắc Việt muốn người Mỹ rút hết khỏi
Việt Nam. Ông nói: “Bất cứ thoả hiệp nào đều là đe dọa của sự nô lệ. Chúng tôi
thà chết chứ không làm nô lệ.”
Khi hỏi sẽ kéo dài chiến tranh đến bao lâu, Tướng Giáp trả lời: “Kéo dài nếu cần.
10, 15, 20, 50 năm. Cho đến khi đạt thắng lợi toàn vẹn, như Chủ tịch Hồ Chí
Minh của chúng tôi đã nói. Đúng vậy. Cho dù 20 năm, ngay cả 50 năm! Chúng tôi
không vội. Chúng tôi không sợ.”
Sau khi đoàn phụ nữ Ý được Đại tướng Giáp tiếp, về khách sạn họ chép lại chi tiết
những gì đã ghi được trong buổi gặp gỡ.
Điều lý thú là ngày hôm sau, An The, người phụ nữ Việt hướng dẫn phái đoàn, đã
đến khách sạn và đưa cho Oriana Fallaci ba trang giấy mỏng đánh máy bài trả lời
của Tướng Giáp. An The nói đây là văn bản chính thức nội dung cuộc nói chuyện của
Tướng Giáp ngày hôm qua, chỉ những gì trong đó mới là phát biểu của Tướng Giáp
tại buổi gặp.
Theo ký giả Fallaci nội dung trong những trang giấy đó khác với những gì bà đã
nghe được vào chiều hôm qua.
Fallaci viết: “Không có câu trả lời của ông về Tổng Tấn công Tết, không có câu
trả lời về hoà đàm Paris và ngay cả về việc chấm dứt chiến tranh. Không có gì
ngoài một loạt những câu nói mơ hồ, hoa mỹ - hay nhất chỉ có trong một buổi mít
tinh chính trị.”
Về Ý, Fallaci phổ biến cuộc phỏng vấn như đã ghi được, chứ không phải văn bản từ
phía Việt Nam đưa cho.
Bà viết trong sách Inteview with History: “Giáp không bao giờ tha thứ cho tôi,
và những người Bắc Việt đã cho tôi vi-sa thì càng không. Độc lập trong nhận định,
như chúng ta biết, là một mẫu mực đạo đức mà nhiều người cộng sản không thích.
Họ chỉ thích nó trong những trường hợp mà bạn được ra đề tài để viết những gì
có lợi cho họ.”
Sau khi nội dung cuộc phỏng vấn được phổ biến, giới lãnh đạo Bắc Việt đã sỉ nhục
Fallaci, gọi bà bằng những cái tên ngu xuẩn, gán ghép cho bà là người của CIA.
44 năm đã qua, đọc lại câu chuyện Oriana Fallaci gặp Đại tướng Giáp, rồi nghĩ đến
những phát biểu của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay, cũng như trong
quá khứ, và cả những văn bản họ để lại, không biết trong đó chứa đựng được bao
nhiêu sự thực.
© 2013 Buivanphu.wordpress.com