Tự do không chờ mà được, không xin mà có. Tự do phải đấu tranh mới
có. Có nhiều khi phải hy sinh như nhà đấu tranh Tom Paine nói “tự do
hay là chết’ và Mục sư Luther King Jr chết cho tự do, bình đẳng của
người dân ở Mỹ. Nhiều dấu chỉ cho thấy đồng bào Việt Nam trong nước
nhứt là lớp trẻ đã lãnh hội được tinh lý đấu tranh tự do đó, nên
càng ngày các cuộc đấu tranh cho tự do ở nước nhà VN càng có kết
quả thực tế. Điều này có thể thấy qua hai thời sự gần đây.
Một là đồng bào ở tỉnh Quảng Ngãi biểu tình đấu tranh trực diện
với nhà cầm quyền tỉnh và gián tiếp áp lực nhà cầm quyền trung
ương trong việc biểu tình chiếm lấy một phần làm gián đoạn giao thông
Quốc lộ 1 xuyên Việt, từ Bắc chí Nam đi qua tỉnh. Rắc rối ở địa
phương biến thành quốc gia đại sự, bí quá Bí Thư Tỉnh Uỷ Võ Văn
Thưởng và Chủ Tịch Uỷ Ban Tỉnh Cao Khoa của tỉnh Quảng Ngãi phải
chịu thua dân. Hai Ông phải xuất hiện trước hàng ngàn người dân của
làng chài Nghĩa An đang biểu tình để xin lỗi dân, hứa đền bồi thiệt
hại cho dân nạn nhân của Đảng Nhà Nước trong quyết định cho các nhà
thầu cát khai thác quá lạm trên sông. Báo chí của Đảng Nhà Nước
cũng phải loan tin đến cho dân biết vì đó là lời hứa của Đảng Nhà
Nước ở tỉnh để cuộc biểu tình không lan toả ra nữa.
Rút kinh nghiệm cán bộ đảng viên CS thường nói vậy mà không phải
vậy, người dân đòi hỏi phải có thời hạn. Và Uỷ Ban Tỉnh hứa trong
vòng 4 ngày, sẽ hoàn tất nạo vét, thông luồng khu vực Cửa Đại và
cửa sông Phú Thọ bị bồi lấp, để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân
ra khơi, và đóng cọc cừ làm đê, kè kiên cố chống sạt lở. Còn Bí Thư
Tỉnh Uỷ cam kết "bồi thường công bằng" cho các gia đình nuôi
tôm bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác cát của các công ty.
Như vậy đồng bào làng chài Nghĩa An bước đầu đã thành công trong
cuộc đấu tranh cho quyền lợi chánh đáng của mình. Thành công này có
là nhờ người dân đã kết hợp được ba mặt giáp công chống nhà cầm
quyền. Một là đấu tranh trực diện với nhà cầm quyền địa phương biểu
tình đông người, dẻo dai, kiên trì bám trụ, lấy quần chúng bao vây
lãnh tụ. Hai là đấu tranh gián tiếp với nhà cầm quyền trung ương
bằng cách chiếm quốc lộ, tạo bế tắc con đường huyết mạch từ Bắc
vào Nam. Ba là dùng tiến bộ khoa học kỹ thuật tin học phổ biến tin
tức, tạo thành một cuộc đấu tranh chấn động, khiến nhà cầm quyền
trung ương áp lực địa phương phải giải quyết.
Điều này cho thấy muốn thắng lợi, cuộc đấu tranh thì phải biết cách
vận dụng phương thức đấu tranh như những đồng bào bình dân đa số là
ngư dân của làng chài này rất thực tế biết biến khúc lộ, nghề đánh
cá, nuôi tôm của dân làng thành phương tiện đấu tranh.
Hai là đồng bào và các bloggers VN ba mặt giáp công khiến Tòa án Nhân
dân của Đảng Nhà Nước CS VN ở tỉnh Long An phải trả tự do tại chỗ
cho Anh Đinh Nhựt Uy, chỉ bị 15 tháng tù treo và 1 năm thử thách dù
bị truy tố với tội đại hình có thể bị tù năm bảy năm, theo điều 258
bộ Luật Hình sự Việt Nam về tội «lợi dụng các quyền tự do dân chủ
xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân».
Cũng chính nhờ cuộc đấu tranh của đồng bào và bloggers khiến chính
Toà này cũng phải trả tự do tại chỗ cho Nguyễn phương Uyên trong phiên
xử phúc thẩm, một điều lạ ít ai ngờ vì rất ít khi nếu không muốn
nói là chưa hề toà xử phúc thẩm của CS trả tự do trong phiên xử
phúc thẩm, thường là y án hay giảm chút đỉnh thôi.
Như đã biết Anh Đinh Nhật Uy là anh ruột của sinh viên Đinh Nguyên Kha,
người đã lãnh án 8 năm tù vào tháng 5 vừa qua về tội “tuyên truyền chống
Nhà nước”, bản án sau đó được giảm xuống thành 4 năm trong phiên xử
phúc thẩm vào tháng 8/2013, xử anh và Nguyễn phương Uyên.
Anh Đinh Nhật Uy bị công an CS bắt ngày 15/06/2013 tại Long An khi anh
bắt đầu một chiến dịch trên mạng xã hội Facebook đòi trả tự do cho
em trai Đinh Nguyên Kha. Anh là người đầu tiên bị công an bắt khi dùng
trang mạng xã hội Facebook nói lên ý nghĩ của mình và tranh đấu công
lý cho người em của mình. Trước phiên xử người ta lo ngại CSVN sẽ
dùng anh như “diễn hình tiên tiến” để răng đe giới sữ dụng Facebook,
điều mà chính Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng ra nghị định bịt miệng
những bloggers.
Nhưng qua cuộc đấu tranh của những người Việt trong ngoài nước, đấu
tranh toàn diện khiến CS phải nhượng bộ, trả tự do cho Anh với án
treo. Cả một cuộc quốc tế vận trước, trong và sau phiên xử. Qua nhiều
youtube, nhiều web, nhiều diễn đàn paltalk, v.v... phổ biến khắp hoàn
cầu, người ta thấy đồng bào ở bắc, ở trung, ở nam cơm ghe bè bạn,
vượt truông nhà Hồ đến Tân An ủng hộ tinh thần cho Anh Đinh Nhật Uy.
Công an bao vây toà, bắt thân mẫu của Anh không cho vào dự khán phiên
xử con bà. Đồng bào đấu lý quyết liệt, ngồi lì cho công an lôi kéo
đi để người khác chụp hình gởi đi thấy công an ác với dân, toà nói
xử công khai mà cấm dân vào dự khán. Bắt nhóm này lên xe chở đi thì
nhóm khác xông tới.
Còn đối ngoại thì hình ảnh đồng bào ủng hộ tinh thần cho Anh loan
truyền với tốc độ ánh sáng, đến các cơ quan truyền thông quốc tế,
các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do báo chí, và cho các
nghị sĩ dân biểu các nước thường ủng hộ cuộc đấu tranh cho tự do,
dân chủ, nhân quyền của người dân Việt.
Kết quả là, công luận quốc tế lên án CSVN. Các tổ chức bảo vệ nhân
quyền trên thế giới đồng loạt lên tiếng phản đối CSVN. Tổ chức Human
Rights Watch, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới tại Pháp, Ủy Ban Bảo
Vệ Ký Giả CPJ ở Mỹ nhất tề lên án CSVN. Đài RFA, VOA của Mỹ, BBC
của Anh, RFI của Pháp, chương trình tiếng Việt phỏng vấn, thông tin,
nghị luận liên hồi. Các trang mạng xã hội Twitter, Facebook loan tin,
chia xẻ nghị luận như mắc cưởi.
Ảnh hưởng của cuộc đấu tranh tâm lý, chánh trị, toàn dân, toàn diện
trên mạng đó tạo thành áp lực tinh thần khiến CSVN phải nhượng bộ
trong vụ Anh Đinh Nhật Uy.
Ba và sau cùng, một kinh nghiệm thấy rõ, tự do không ngồi chờ mà có,
không xin mà được, phải đấu tranh mới có./.(Vi Anh)