Đảng Cộng Sản VN sẽ chấp nhận cải cách? Nếu có cơ may đồng ý cải cách, những
thay đổi sẽ có thể đi xa tới mức nào? Chỉ thay đổi duy nhất về lĩnh vực kinh tế
để có thể xin được công nhận là nền kinh tế thị trường và vừa đủ để gia nhập Hiệp
định TPP, hay sẽ đi xa thêm để chấp nhận cho công nhân quyền lập công đoàn và một
phần thiết lập xã hội dân sự tại Việt Nam? Hay rồi sẽ chỉ cố thủ trong hàng rào
kẽm gai của chủ nghĩa Mác-Lê-Mao?
Có quá nhiều câu hỏi để nêu ra trong khi Đảng CSVN đang họp Hội nghị Trung
ương.
Báo Tuổi Trẻ đăng bản tin tựa đề “Trung ương Đảng thảo luận tình hình kinh tế
xã hội” hôm 3-10-2013, trong đó ghi nhận:
“Chiều 3-10, Hội nghị trung Ương Đảng lần thứ 8 tiếp tục làm việc ngày thứ tư.
Dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng,
Hội nghị trung ương Đảng lần thứ 8 đã chia tổ thảo luận về tình hình kinh tế -
xã hội năm 2013, nhiệm vụ năm 2014 và đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại
hội XI của Đảng về kinh tế - xã hội, đặc biệt là ba khâu đột phá chiến lược gắn
với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...”(hết trích)
Chỉ thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2013, về nhiệm vụ năm 2014, về ba khâu đột
phá... thôi sao? Không nói gì về những quan tâm lớn mà nhiều người quan tâm,
như quyền sở hữu đất, như việc thiết lập xã hội dân sự... và vân vân?
Nhà văn Nguyễn Khắc Mai mới đây có bài viết trên mạng Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự, tựa
đề “Cha nó lú, có chú nó khôn!” trong đó ông cho biết “Tôi viết những dòng này
để tặng những người còn có lương tri trong ĐCSVN, nhân Hội nghị TW8.”
Bài viết của Nguyễn Khắc Mai có mấy đoạn sau:
“...Ngót cả thế kỷ vẫn duy trì một mô hình thể chế chính trị mà càng cải cách
càng “hành dân”, thủ tục càng rườm rà, nhiều điều phi lý. Một mô hình mà hệ tư
duy là duy vật máy móc, lý tưởng và mục tiêu là ảo tưởng, duy ý chí, tinh thần
là sao chép vọng ngoại, triết lý đầy những mâu thuẫn lô gich…Còn về thân xác vật
chất, tức nguồn nhân lực, là nhân cách con người thì đầy những lỗ hổng trí tuệ
và phẩm chất đạo đức. Một thiết chế chính trị không làm nền được cho phát triển
bền vững, không biết tiếp nhận năng lượng mới của nhân loại, không đủ sức nhạy
cảm để tim ra nguyên nhân của lạc hậu trì trệ, không nâng được trên vai trách
nhiệm của mình để tôn vinh nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển trí
sáng tạo, thậm chí cũng không làm theo tư duy của Hồ Chí Minh “làm cho dân dùng
được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm”. Nghe theo luận
điểm của Lê nin một cách mù quáng, chuyên chính vô sản là bà đỡ của chế độ mới,
ĐCSVN, thực sự làm luôn “bà đẻ”.
Nên do tiên thiên bất túc mà sinh quái thai, dị tật, có muốn cải tạo, hoàn thiện
cũng không thể được! Có một câu hỏi vừa khôi hài vừa cay đắng là cớ sao những
nhà cầm quyền đi nước ngoài vẫn van xin thiên hạ công nhận cho VN cơ chế thị
trường đầy đủ lại không xin nhân dân, không tạo mọi điều để cho nhân dân tự
mình làm ra kinh tế thị trường thật sự và đầy đủ. Nguyên một cái quyền sở hữu,
trong đó có sở hữu đất đai, vốn là một trong những điều kiện cơ bản của kinh tế
thị trường cũng đánh tráo khái niệm để tước mất cái cơ sở quan trọng để có thị
trường. Một thể chế chính trị đã xây dựng nên những quan hệ xã hội ở mọi lĩnh vực
đầy khuyết tật, lạc hậu, phản tiến hóa, đã làm cho đất nước ngày một tụt hậu xa
so với khu vực, đang hủy hoại môi trường, làm băng hoại xã hội, con người…không
thể không cải cách, chấn hưng, làm lại.” (hết trích)
Cũng góp ý trong khi các cấp cao nhất CSVN mở Hội nghị Trung ương, nhà báo Bùi
Tín trên blog riêng ở đài VOA có bài viết tựa đề “Sở hữu toàn dân là tội ác gốc,”
trong này cũng kêu gọi:
“...Điều hay nhất là trong các phiên họp này, Ban Chấp hành Trung ương đảng và
Quốc hội nên có những việc làm như sau:
Mặc niệm những nạn nhân gần đây nhất của chế độ «sở hữu toàn dân về đất đai»,
công dân Đặng Ngọc Viết và cán bộ Vũ Ngọc Dũng, cũng như tất cả những oan hồn
đã chết do bất công xã hội về ruộng đất, bị tước quyền sở hữu tư nhân về ruộng
đất tồn tại tự ngàn xưa.
Long trọng tuyên bố long trọng hủy bỏ chế độ «sở hữu toàn dân», thiết lập lại
chế độ sở hữu đa hình thức: sở hữu công, sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể. Hiến
pháp và luật pháp sẽ được sửa đổi theo tinh thần đó. Vì chính cái sở hữu toàn
dân do đảng CS tạo ra là kẻ giết người hàng loạt cần bị vạch mặt, kết tội và
xóa bỏ không thương tiếc.
Những bổ sung sửa chữa vụn vặt sẽ không có tác dụng gì, chỉ là xoa bóp căn bệnh
ung thư đã di căn...”(hết trích)
Trong khi đó, nhà báo Tống Văn Công, người có 50 năm tuổi đảng và nguyên là Tổng
biên tập báo Lao Động các năm 1989-1994, có bài viết đề ngày 30-9-2013 đăng
trên Bauxite VN, Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự và nhiều mạng khác, đã có lời nói thẳng
trong bài tựa đề “Kính gửi Hội nghị Trung ương 8: ĐẤT NƯỚC ĐÒI HỎI PHẢI ĐỔI MỚI
CHÍNH TRỊ!”
Nhà báo Tống văn Công viết, trích:
“...Từ năm 1930 cho đến trước Đổi mới, những người cộng sản Việt Nam luôn luôn
lấy khẩu hiệu đòi ngày làm 8 giờ để vận động công nhân. Tại sao ngày nay, sau
28 năm Đổi mới, trong khi Tổ chức Lao động quốc tế đòi ngày làm 7 giờ, tuần làm
5 ngày, tức 35 giờ/tuần thì Nhà nước Việt Nam lại có chính sách bảo trợ chủ
doanh nghiệp buộc công nhân làm thêm 300 giờ, nhưng thực tế còn cao hơn nhiều,
với đồng lương chết đói? Tại sao chúng ta thừa lao động, nhất là lao động giản
đơn mà không buộc các doanh nghiệp dệt may, da giày gia công là những ngành sử
dụng lao động giản đơn giá rẻ, nếu thiếu nhân công thì phải tuyển dụng thêm, cấm
họ buộc công nhân làm thêm giờ và đòi họ phải trả lương theo hợp đồng thỏa thuận
với người lao động?
...Sau Đổi mới, nông dân đã đưa đất nước từ thiếu đói trở thành nước xuất khẩu
gạo thứ nhì thế giới. Nhưng có nghịch lý là từ đó đến nay cuộc sống của nông
dân ngày càng khốn khó. Đặc biệt là nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa
lúa lớn nhất nước, chưa bao giờ sống khổ như bây giờ: Được mùa rớt giá, càng
làm càng lỗ; mỗi năm buộc phải đóng từ 30 đến 40 loại phí; học vấn thấp nhất;
nhắm mắt xếp hàng cho người Đài Loan, Hàn Quốc chọn vợ để cứu gia đình; sang
Campuchia bán thân; đóng phí rất nặng để đi xuất khẩu lao động, bị đánh đập, cưỡng
hiếp. Mới đây, báo Tuổi Trẻ đăng tình cảnh lao động Việt Nam cư trú bất hợp
pháp ở Malaysia phải trốn chui trốn nhũi vô cùng thê thảm. Nhiều năm qua, nông
dân bị thu hồi đất không được đền bù thỏa đáng, phải cơm đùm cơm nắm đi khiếu
kiện lên quận, rồi lên tỉnh, lên Trung ương, nằm chờ chực ngoài vườn hoa, trên
vĩa hè và bị đuổi đánh tàn tệ.
...Tháng 4- 2012, chị Lê thị Ngọc Nhãn ở khóm 2, phường 1, TP Cà Mau, trước khi
tự tử đã gửi cho Trung tá Diện bức thư, có đoạn:” Sau khi cháu chết rồi, xin
chú giúp cho các con của cháu được vào cô nhi viện. Cháu xin đội ơn chú đời đời”.
Tháng 5-2013, chị Nguyễn thị Mỹ Nhân, 48 tuổi, ở xã An Xuyên, TP Cà Mau, trước
khi treo cổ, đã viết bức thư gửi chính quyền: “Xin các cấp chính quyền thấu hiểu
hoàn cảnh không có lối thoát của gia đình chúng tôi hiện nay, đồng ý cấp sổ hộ
nghèo cho chồng con tôi có thể sống những ngày còn lại”.
...Đến năm 1938, báo Dân chúng của Đảng cộng sản xuất bản không xin phép và được
nhà nước thực dân Pháp chấp nhận. Trong chế độ thuộc địa hà khắc, xã hội dân sự
Việt Nam vẫn len lỏi nảy nở.Từ năm 1920 đã có công hội của Tôn Đức Thắng. Từ
năm 1930 đã có các Đảng chính trị như Quốc dân Đảng, Đảng cộng sản Việt Nam và các
hội đoàn như Hội Ái hữu, Hướng đạo; từ năm 1934 có Tự lực văn đoàn một hội đoàn
hiện đại tạo ảnh hưởng rất lớn lao về văn học và xã hội; 1937 có Hội truyền bá
quốc ngữ… Trừ hai đảng chính trị, các hội đoàn đều công khai hoạt động. Chẳng lẽ
nhà nước Việt Nam cảnh giác đối với nhân dân đã trải qua 68 năm làm cách mạng của
mình hơn cả bọn thực dân Pháp! Chúng ta hãy nhìn ra thế giới văn minh, nhìn gần
hơn là các nước quanh vùng để thương cho dân mình và mau chóng thực hiện các
quyền tự do đã bị treo suốt 68 năm.
Xã hội dân sự bao trùm tất cả các mặt của đời sống xã hội cho nên nó vô cùng
quan trọng. Thời đại toàn cầu hóa cho thấy con đường văn minh của nhân loại có
những điểm chung giống nhau trong sự vận dụng các giá trị phổ quát, hình thành
mô hình xã hội tiến bộ, phát triển, gồm có “bộ ba” không thể thiếu một, đó là:
xã hội dân sự, kinh tế thị trường và nhà nước pháp quyền.
Ngày 30 -9-2013
T.V.C.”(hết trích)
Tất cả các lời góp ý trên đều là lời thật, từ trong khát vọng chân thật của người
dân... Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 sẽ nghe gì, sẽ nói gì? Sẽ có ai nêu
các lời nói thẳng trên trong Hội nghị kia hay không?
Nếu không muốn nghe lời thật, lời thẳng như thế... sẽ tới một lúc sẽ phải nghe
những tiếng nổ tương tự và sẽ lớn hơn từ những Đoàn Văn Vươn, từ những Đặng Ngọc
Viết tương lai.