Bản án như thế là đã định từ trên cao đưa xuống. Cái gọi là Tòa án
thành phố Hà Nội không xét gì tới những chứng từ hay các lý cớ do
Luật sư Hà Huy Sơn biện hộ cho Luật sư Lê Quốc Quân.
Phiên tòa này là gáo nước lạnh dập tắt các hy vọng về viễn ảnh
đổi mới của chế độ từ trên cao xuống. Cũng là dấu hiệu cho thấy
những người biểu lộ ngôn ngữ kình chống Trung Quốc sẽ bị trừng phạt
nặng nề.
Bản tin RFI hôm Thứ Tư cho biết, Tòa án thành phố Hà Nội hôm Thứ Tư
2/10/2013 tuyên án 30 tháng tù giam đối với luật sư Lê Quốc Quân, nhà
ly khai và blogger nổi tiếng, và “Chủ tòa phiên tòa, bà Lê Thị Hợp,
tuyên bố ông Lê Quốc Quân phạm tội «trốn thuế». Ngoài bản án tù, ông
còn bị phạt số tiền tương đương 59.000 đô la. Theo cáo trạng, vị luật
sư 42 tuổi bị buộc tội đã tìm cách trốn thuế 20.000 đô la cho công ty
mà ông đã thành lập vào năm 2001.”
Trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi về tiểu sử Luật sư Lê Quốc
Quân, với tóm lược trích như sau.
Lê Quốc Quân (sinh 1971) là một luật sư, một blogger và nhân vật bất
đồng chính kiến Việt Nam. Ông được xem là một nhà hoạt động xã hội
nhân quyền tại Việt Nam.
Trước năm 2007, ông là nhà tư vấn cho Ngân hàng Thế giới và Quỹ Phát
triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam. Là một tín đồ công giáo, ông
từng được hai tổ chức trên khen ngợi vì dám lên tiếng bảo vệ quyền
tự do tôn giáo và thể chế chính trị đa nguyên.
Ngày 8 tháng 3 năm 2007, sau khi tham gia một khóa học của tổ chức
Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) ở Mỹ, ông bị
bắt sau khi trở lại Việt Nam. Phản ứng trước sự kiện này, ứng cử
viên Tổng thống Mỹ John McCain, và nguyên ngoại trưởng Mỹ Madeline
Albright, đã viết thư phản đối, và tổ chức Amnesty International gọi
ông là Tù nhân lương tâm. Đại sứ Mỹ Michael Marine đã mời vợ ông tới
dùng trà tại tòa đại sứ nhưng bị ngăn trở.
Nhà cầm quyền Việt Nam buộc tội ông là đã có những hành động nhằm
lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng không chính thức mang ông ra tòa. Ba
tháng sau, ông được phóng thích.
Ngày 10 tháng 4 năm 2011, ông lại bị bắt cùng với Phạm Hồng Sơn khi
định tới quan sát vụ án xử Cù Huy Hà Vũ. Cả hai người bị giữ với
lý do là "phá hoại trật tự công cộng". Vợ ông Sơn, bà Vũ
Thu Hà, cho biết là ông Sơn đã bị công an dùng gậy đánh trước khi bị
bắt giam. Sau khi chính phủ Mỹ và các tổ chức nhân quyền kêu gọi thả
hai người, cả hai đã được cho về vào ngày 13 tháng 4.
Ngày 29 tháng 1 năm 2009, luật sư Quân tham dự cuộc diễn hành của một
số tín đồ Công giáo vào tại Nhà thờ Lớn Hà Nội nhằm yêu sách đòi
chính quyền Việt Nam trả lại khu đất mà họ cho là thuộc quyền sở
hữu của nhà thờ. Sau này ông kể lại cho các nhà phóng viên là ông
đã bị đánh đập bởi những người giữ trật tự trong cuộc diễn hành.
Tháng 7 năm 2012, trang Independent Catholic News tường thuật là ông đã
bị đe dọa bởi báo chí nhà nước vì những hoạt động của ông cho giáo
phận của mình. Công an đã lục xét văn phòng của ông và định mang ông
về đồn công an, nhưng bị ngăn chặn bởi những người ủng hộ ông.
Tháng 8 năm 2012, luật sư Quân bị tấn công bởi một nhóm người khi đang
trên đường trở về nhà ở Hà Nội vào khoảng 8 giờ tối. Ông cho biết
theo ông nghĩ cuộc tấn công này có liên hệ tới công an, bởi ông từng
đã bị gây phiền toái trước đó....
...Ngày 28 tháng 12 năm 2012, luật sư Quân bị bắt vì bị cáo buộc tội
danh trốn thuế... Trước khi bị bắt, luật sư Quân đã gửi một thư ngỏ
chia sẻ tâm tư và ước vọng của mình về tương lai dân tộc Việt Nam,
được trang web của đảng Việt Tân đăng tải lại...
Luật sư Quân được tuần báo Nouvel Observateurs vinh danh là 1 trong 50
người góp phần làm cho bộ mặt nhân loại thay đổi trong tương lai. 50
người này là những nhà chính trị, kỹ nghệ gia, nhà khoa học và
những nhà đấu tranh ở các quốc gia còn bị cai trị bởi những chế độ
hà khắc...
Một số thanh niên gốc Việt tại California, Hoa Kỳ ủng hộ việc làm
của luật sư Quân bằng cách thắp nến và cầu nguyện cho ông vào ngày 7
tháng 7 năm 2013 ở gốc đường Bolsa và đường Moran thuộc thành phố
Westminter của Nam California...
Một số giáo sĩ và tín hữu Công giáo đã tổ chức những buổi cầu
nguyện cho ông như tại giáo xứ Phúc Lộc (Nghệ An), nhà thờ Thái Hà
(Hà Nội), giáo xứ Thanh Xuân (Giáo phận Vinh).
Một số Dân Biểu Quốc Hội ở các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc và Pháp
đã gửi thư cho lãnh đạo chính quyền Việt Nam yêu cầu trả tự do cho
ông...
Một số nhà hoạt động dân chủ hôm 2-10-2013 đã lên tiếng bênh vực cho
LS Lê Quốc Quân.
Đặc biệt, nhà báo Phạm Chí Dũng nối kết các bản án tại VN với
các chuyến công du của các lãnh tụ CSVN.
Trên đài RFI, Phạm Chí Dũng ghi nhận:
“...Có một điểm trùng hợp giữa vụ Phương Uyên và vụ Lê Quốc Quân. Đó
là thời điểm thông báo về lịch xử án đối với Uyên xảy ra khá gần
với thông tin được công bố về chuyến đi của ông Trương Tấn Sang – chủ
tịch nước và là nhân vật số hai trong đảng – đến Washington để diện
kiến Tổng thống Barak Obama. Khá tương đồng, thời điểm thông báo về
lịch xử đối với Lê Quốc Quân cũng xảy ra gần như đồng thời với thông
báo về chuyến đi Paris và New York của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Sự trùng hợp này cho thấy điều gì? Phải chăng “án treo” đối với
Phương Uyên không phải là một ngoại lệ, và đến lượt “án nhẹ” Lê Quốc
Quân cũng như thế? Cả hai vụ xử án này lại đều diễn ra sau hai chuyến
công du nước ngoài của các chính khách cao cấp, và hẳn không nằm
ngoài thực đơn đối ngoại của Nhà nước ứng với từng hoàn cảnh và
“đối tượng” cụ thể...”(hết trích)
Nhà hoạt động dân chủ Mẹ Nấm viết trên Blog của đài RFA, bài có tưự
đề “Không thể lấy toà án làm công cụ bảo vệ chế độ,” trong đó, chị
viết:
“Trả lời trước diễn đàn quốc tế, chính quyền Việt Nam luôn cho rằng
“không có chuyện bắt giam những người bất đồng chính kiến tại Việt
Nam” bởi lý do bị bắt là “vi phạm pháp luật Việt Nam”. Đây không phải
lần đầu tội danh “trốn thuế” được sử dụng. Trước đó để bắt giam
blogger Điếu Cày với cáo buộc trốn nộp thuế thuê nhà và bỏ qua phần
đưa ra chứng cứ của hai luật sư tham gia bào chữa, để rồi sau hơn 30
tháng tù giam, không có lấy một ngày tự do, nhà nước Việt Nam lại
tiếp tục giam cầm blogger này với bản án nặng nề cùng tội danh vi
phạm điều 88 BLHS...
Chính quyền Việt Nam có thể sử dụng nhiều lý do để biện minh cho
việc bắt giữ những người bất đồng chính kiến. Nhưng rõ ràng là để
xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh (như báo chí thường
nói), để chứng minh uy tín trên đường gia nhập vào Hội đồng Nhân
quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam không thể lấy toà án và công an để
làm công cụ để bảo vệ chế độ như hôm nay.”(hết trích)
Nhưng, ai đã ra lệnh cho Tòa án đàn áp những người viết blog như thế?
Có phải là do cái đầu bảo thủ của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng?
Hay lệnh đàn áp này là từ Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang, người có
một thời xách động biểu tình ở Sài Gòn trước 1975 và bây giờ lo sợ
làn sóng dân chủ đang tiến vào Hà Nội? Hay Tòa án đã nhận chỉ thị
từ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có tài sản khổng lồ trong
nhiều lĩnh vực kinh doanh và bây giờ lo sợ tài sản sẽ bị sứt mẽ...?
Hay là cả 3 đã chung aty cắt máu ăn thề để sẽ bóp nghẹtd ân chủ tới
cùng?
Nhà văn Phạm Thị Hoài, trên mạng procontra.asia qua bài viết tưạ đề
“Lời thề” đã viết, trích:
“...Người ta nói đến Abenomics của Thủ tướng Nhật Abe Shinzo, Likonomics
của Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (Lí Khắc Cường) như những chương
trình cải cách sâu rộng hai nền kinh tế quốc dân này. Tôi nghĩ Thủ
tướng Việt Nam cũng có thể cống hiến một khái niệm, Duconomics, mà
nội dung là duy trì một nền kinh tế bí hiểm ở trong nước kết hợp
với phong cách cà-vạt diêm dúa và diễn văn xuất khẩu bay bướm ở
nước ngoài.
Trở lại với chuyện lời thề. Trái với dư luận dai dẳng và đôi khi
sốt hầm hập về tranh chấp ở tam giác thượng tầng chính trị Việt
Nam, càng ngày tôi càng có cảm giác rằng bộ ba ngự lâm Nguyễn Tấn
Dũng – Trương Tấn Sang – Nguyễn Phú Trọng là một khối bền vững, cùng
sống, cùng chết và cùng hết lòng phụng sự chiếc ngai vàng của Đảng
theo một phân công lao động hoàn hảo...”(hết trích)
Luật sư Lê Quốc Quân... Lịch sử đã có chỗ đặc biệt cho Luật sư Lê
Quốc Quân. Và Đảng CSVN đã trở thành những kẻ cấu kế hoàn hảo để
bám chặt ngai vàng...