Không những cho riêng ông, nhưng cho cả Israen, Đức Yêsu trả lời rằng điều răn đứng đầu, tức lớn nhất, là mến Chúa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, và hết sức lực ngươi."
Bạn để ý, Đức Yêsu đã nhấn mạnh 4 lần trạng từ "hết", có nghĩa là "tất cả", "trọn vẹn", "toàn thân". Thụ tạo phải yêu mến Đấng Hóa Công "hết", chứ không chỉ yêu mến với giới hạn, chừng mực nào đó, tùy theo sự chọn lựa của mình. Tiếp theo, Đức Yêsu đề cập tới điều răn thứ hai: "Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình." Rồi Ngài kết luận: "Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."
Truyện kể có một thầy dòng đã phạm tội, bị bề trên đuổi ra khỏi tu viện. Nhưng cha Bessarion đứng dậy cùng đi ra với thầy ấy, và nói rằng: Cả tôi nữa cũng là một kẻ tội lỗi. Câu chuyện được trích từ kho tàng "Minh Triết Sa Mạc" hùng hồn diễn tả thế nào là "yêu người". Đó là sự khiêm nhường, không kết án ai, không "đuổi" ai, biết cảm thông, tuy không đồng lõa, với thân phận yếu đuối của nhân sinh phàm hèn.
Trong thế kỷ XX vừa qua, Mẹ Têrêsa Calcutta (Ấn Độ) đã nổi bật lên như một vị thánh sống về lòng mến Chúa và yêu người của mình. Mẹ đã đặt Đức Yêsu trên hết, đã yêu mến Đấng Tình Quân hơn hết, và Mẹ cũng đã thương người với lòng mẹ bao la. Mẹ đã viết một câu thời danh, tóm lược cả cuộc đời tuân giữ giới răn hàng đầu của Thượng Đế: "Hãy yêu cho đến khi bạn bị đau đớn" (Love until it hurts).
Năm ngoái, trước khi bước vào tân thiên niên kỷ, ĐGH Yoan-Phaolô II đã kêu gọi nhân loại chấm dứt nền văn hóa sự chết, để xây dựng nền văn minh tình thương. Nhưng trong suốt Năm Đại Thánh hồng ân 2000, văn minh tình thương chưa ló rạng ở nhiều nơi trên mặt đất. Những xung đột tôn giáo giết người đang xảy ra, ngay trên chính mảnh đất, nơi Đức Yêsu đã rao giảng giới luật yêu thương.
Trong quyền năng và sức mạnh của Thượng Đế, mỗi người chúng ta hôm nay được mời gọi và thách đố trở nên chứng nhân tình yêu cho thế gian đầy hận thù, chia rẽ này. Nếu chúng ta không giữ hai giới răn hàng đầu là "mến Chúa yêu người" một cách tuyệt đối, chúng ta không thể được chấp nhận vào Nước Trời.
(Tu Viện Clêmentê, Houston, TX, 10-29-00)