Maartje Duin
(Maartje Duin là nhà báo Hòa Lan - cộng tác báo chí và đài vô tuyến truyền thanh ở Amsterdam - bản dịch của ông Tam Hợp *)
Việt Nam truy bức có hệ thống những nhà văn và những bloggers có tư tưởng phê phán.
Trên cơ sở chiến dịch gửi thư của Văn Bút, Maartje Duin đến thăm họ.
Số là tháng mười một năm rồi, tôi nhận được một lá thư bảo mật với những chỉ dẫn rất nghiêm ngặt của Văn Bút Hòa Lan, thuộc Văn Bút Quốc Tế (PEN International), đây là một tổ chức bảo vệ những nhà văn bị áp bức trên khắp thế giới.
Lá thư có kèm theo một danh sách chỉ phổ biến hạn chế với tên tuổi và địa chỉ của những nhà văn bị cầm tù khắp nơi, từ Bahrein hay Tây Ban Nha cho đến Cameroun. Với lời yêu cầu tôi gửi cho những người này một thiệp Giáng sinh. Nhưng xin nhớ là đừng gửi thiệp có ảnh hang đá hay những biểu tượng tôn giáo, vì có một số nhà văn bị cầm tù lý do tôn giáo. Chỉ một lời thăm hỏi ngắn là đủ lắm rồi.
Ở Việt Nam có nhiều bloggers bị truy bức. Trong khi ở quốc gia này có 34 phần trăm người dân sử dụng internet và con số này sẽ còn tăng nhanh.
Danh sách của Việt Nam rõ ràng là dài. Tôi chú ý đến điều này, một phần là vì mình có ý định du lịch Việt Nam. Hơn nữa, tôi ít được biết đến là có sự hạn chế về quyền tự do tư tưởng ở Việt Nam.
Trên danh sách, tôi đếm được 24 người ở Việt Nam. Họ là những nhà thơ, nhà văn, nhà báo và những bloggers đã bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước. Nhiều linh mục, một nhà sư. Và một nhạc sĩ chịu án tử hình nhưng được giảm xuống còn tù chung thân, rồi bị mù và điếc trong trại giam*.
Dù gửi thư là một hành động phản đối bình thường; nhưng tôi cũng bỏ sức đi gửi thư. Những bưu thiếp có ảnh cối xay gió phủ đầy tuyết trắng, với dòng chữ ngắn chúc cho nhà văn được khỏe mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng liệu những dòng chữ này có đến tay họ không? Liệu có làm thay đổi được điều gì không?
Khi chuyến đi Việt Nam gần kề, tôi yêu cầu Hội Văn Bút Quốc Tế giúp cho tôi đến thăm một đồng nghiệp bị cầm tù. Vì tôi biết là mấy năm gần đây, chính phủ Việt Nam tạo áp lực với các nhà bất đồng chính kiến. Tháng chín năm 2012 đã có ba người bị cầm tù tổng cộng lên đến 26 năm; đến tháng giêng năm nay lại có thêm mười bốn người chịu án tù. Đối tượng của sự truy bức này thường là các bloggers. Trong khi ở Việt Nam có đến 34 phần trăm người dân sử dụng internet và con số này sẽ còn tăng nhanh. Chính quyền không biết đối xử ra sao với sự nới rộng không gian công cộng này. Người ta ngày càng bàn luận công khai hơn về những đề tài chính trị cấm kỵ; Điều này có thể dễ dàng thấy trên Facebook. Trong một quốc gia cộng sản thì các bloggers biết sử dụng lợi thế của họ, trong vai trò là những người duy nhất viết báo độc lập. Họ viết về nạn tham nhũng trong ngành công an, về tranh chấp đất đai và về mộng bá quyền của Trung Quốc. Cho đến nay thì những sự phê phán này chưa làm nao núng quyền lực của đảng Cộng sản: Việt Nam chưa có đối lập có tổ chức ở trong nước. Tuy thế, chính quyền muốn cho chắc ăn. Họ hạn chế Facebook, sử dụng mã độc để phá các trang mạng, sử dụng các dư luận viên để phá thối các thảo luận trên diễn đàn. Nếu chưa bắt được, thì họ cho người theo dõi, chèn xe, câu lưu thẩm vấn, thậm chí cả hành hung các bloggers.
Trước khi lên đường, tôi nhân được tin từ một nhà thơ Việt Nam tỵ nạn và cũng là một hội viên danh dự của Hội Văn Bút. Ông đã liên lạc được với một số nhà bất đồng chính kiến. Tôi đã đăng bài phóng sự về những cuộc tiếp xúc giữa tôi với họ trên báo Volkskrant và trong chương trình phát thanh đài VPRO, xin vào xem ở trang www.maartjeduin.nl.
Khi nói đến Hội Văn Bút Quốc Tế, thì nhà văn nào cũng biết đến tổ chức này!
Tôi muốn nói lên hai điều ở đây. Trước nhất là khi nhắc đến Hội Văn Bút, thì các nhà văn đều biết là tổ chức nào! Và những bưu thiếp chúng ta gửi đi có tác dụng đấy! Một trong những nhà văn đã nói với tôi là chính nhờ vậy mà ông biết được là mình không bị chìm vào quên lãng, điều này khiến tôi sung sướng quá!
Thứ đến, tôi muốn nói ra ở đây về nhà thơ và nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa. Tôi đã gặp con trai ông (ở một quán cà phê trong khu phố cổ Hà Nội, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Mỗi buổi sáng, nhiều người ra tập thể dục dọc theo bờ hồ, buổi tối thì đây là nơi mà các cặp tình nhân tay trong tay đi dạo bên dưới những hàng liễu rũ và hàng me xanh, trong khi hàng đoàn xe rồ máy lượn quanh đến điếc cả tai).
Thụy (25 tuổi) đeo một thánh giá, anh là một thanh niên hiền lành, vừa theo đạo Thiên chúa. Tuy nói tiếng Anh còn kém, nhưng anh sẵn lòng kể cho tôi nghe về cha anh. Một phần là vì anh không thể tâm sự điều này với các bạn cùng lứa. Anh than là họ chỉ nghĩ đến làm thế nào cho ra tiền. Họ nghĩ là các tù nhân chính trị muốn phá hoại đất nước. Tôi nói là cha tôi không hề chống lại tổ quốc, ông chỉ là người yêu chuộng tự do mà thôi. Đa số lớp trẻ còn không biết phân biệt thế nào là đảng, chính phủ và quốc hội.
Nguyễn Xuân Nghĩa muốn đem lại dân chủ cho Việt Nam, và dùng ngòi bút làm phương tiện. Điều này khiến cho ông càng ngày càng gặp nhiều khó khăn. Vào năm 2003, ông bị cho thôi việc, vì là nhà báo ăn lương chính phủ mà ông lại viết bài quá phê phán. Ông lại còn đi biểu tình và còn hợp tác viết lời kêu gọi đa đảng, đây là một hành động gây tranh cãi. Hôm 11 tháng 9 năm 2008, vào lúc vừa quá nửa khua, công an đã đến nhà lôi ông đi. Phải hơn một năm sau, họ mới đưa ông ra tòa, nhưng phiên xử chỉ kéo dài vài giờ. Họ sử dụng 57 bài thơ, truyện ngắn và bài viết của ông làm bằng chứng buộc tội là Nguyễn Xuân Nghĩa đã phỉ báng đảng Cộng sản. Ông bị kêu án tù sáu năm và ba năm quản chế.
Thụy nói cha tôi yếu lắm. Nhà thơ mang bệnh, trong khi phòng khám ở trại giam chữa trị không nổi. Hàng đêm ông bị mất ngủ vì những cơn đau triền miên, ông ở chung phòng với hai mươi tù nhân khác. Họ phải ngủ đất và dùng chung một nhà xí. Ban ngày họ lao động sản xuất đồ tre; Nguyễn Xuân Nghĩa dạy cho các bạn tù tiếng Anh. Họ nấu ăn ngày hai bữa, nhưng mua thịt thì đắt, vả lại phẩm chất xấu, nên ăn không ngon miệng.
Cũng may là ở Nghệ An thì còn khá hơn ở nhà tù trước. Trước kia ở gần một nhà máy sản xuất gạch nên khói nhà máy đã phá đi hai lá phổi của ông. Ngoài ra, chế độ ở đó còn nghiệt ngã hơn nhiều. Nhà thơ bị sáu tháng biệt giam vì đã chỉ trích chế độ lao tù, sau đó ông còn chịu thêm ba tháng nữa. Phòng giam có diện tích chỉ bảy thước vuông, không có ánh sáng, chỉ có một lỗ hổng nhỏ để thông hơi, vì thế mà ông đã mấy lần nghĩ đến tự sát.
Ở Nghệ An thì ông được gia đình thăm viếng, một giờ mỗi tháng. Mẹ của Thụy phải mất hai ngày đường mới đến được biên giới Lào từ nhà ở Hải Phòng. Bà đem thức ăn, nước uống và sách cho ông đọc – nhưng chỉ được đem sách không có nội dung chính trị. Thụy nói là cũng khó nói chuyện, vì lúc nào cũng có một cán bộ trại giam ngồi bên cạnh. Nhưng lần vừa rồi, cha anh bảo là ông đã bắt đầu viết sách bằng cách ghi nhớ trong đầu. Ông viết về thời gian tù đày. Khi nào được thả, vào tháng chín năm 2014, thì ông sẽ viết ra giấy.
Con của nhà thơ nói với tôi là từ nay cho đến ngày ấy, thì mọi sự quan tâm từ nước ngoài sẽ làm cho cha anh phấn khởi. Cha anh không được phép gửi hay nhận thư, nhưng nếu thư gửi đến mẹ anh, thì bà sẽ chuyển lời đến ông. Văn Bút Hòa Lan có địa chỉ của nhà thơ – cũng như địa chỉ của những người khác cùng cảnh ngộ.
---------------
Lời kết: Mới gần đây, cơ quan an ninh đã đến nơi làm việc của Thanh Thụy. Do bị áp lực và đe dọa của an ninh, nên anh đã bị cơ quan đuổi việc. Thanh Thụy hiện nay bị thất nghiệp và cho biết là việc cơ quan an ninh gây khó khăn cho anh là một hành động phi pháp.
------
Ghi chú của LHNQVN-TS :
* Nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu (Bản Tin LHNQVN-TS ngày 28 tháng 3 năm 2013 - Văn Bút Quốc Tế đòi trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho nhà thơ Nguyễn Hữu Cầu).
Trong chuyến đi vừa qua, nữ ký giả Hòa Lan Maartje Duin muốn thăm viếng nhiều người nhưng bà rất tiếc không thực hiện được ý muốn đó. Những người thiếu vắng đó có thể là nhà thơ Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Hữu Cầu, nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, nhà báo Tạ Phong Tần, nhà báo Phan Thanh Hải, linh mục Nguyễn Văn Lý, các nhà dân chủ đối kháng Lư Văn Bảy, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức cùng nhiều văn thi hữu, nhà báo, nhạc sĩ và tác giả nhựt ký điện tử khác (đang bị giam trong các trại tù lao động cưỡng bách hoặc phạt tù quản chế).
* Bản dịch tiếng Việt của ông Tam Hợp được nữ ký giả Maartje Duin gởi cho nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, phó chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại (đặc trách Ủy ban Nhà Văn bị Cầm Tù) và thành viên Trung Tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong.
Gửi ý kiến của bạn