Nhu Cầu Pháp Trị
Trần Khải
Đất nước không phải cai trị bởi công an, mà phải bằng pháp luật; và do vậy, đừng bao giờ làm cho người dân phải sợ dùi cui và còng số 8, mà phải để người dân (và cả công an) ý thức về lòng yêu thương và tôn trọng một trật tự -- và cũng là để đất nước và toàn dân có thể phát triển.
Như thế, nguyên tắc cao tận cùng, là pháp trị.
Đất nước không phải cai trị bởi sự nổi hứng riêng của một cá nhân nào, mà phải bằng những quy định của luật pháp; và khi được toàn dân (và cả quan quyền) ý thức như thế, sẽ không bao giờ có những lạm quyền như hiện nay, khi nhân viên cả sở phải liên tục tới nhà quan chức gánh vác, chung sức lo cho đám cưới con gái của quan chức.
Nhưng làm sao để có pháp trị" Trước tiên là phải tôn trọng Hiến Pháp, nơi các điều khoản (tuy được soạn ra trong tinh thần của cái gọi là ngọn cờ định hướng xã hội chủ nghĩa) đã ghi rõ là phải cho mọi người dân bình đẳng trước pháp luật, và ghi rõ là phải tôn trọng các quyền tự do căn bản, như quyền ngôn luận, quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền đi lại, và vân vân.
Do vậy, điều cực kỳ khó hiểu là khi có một đại biểu Quốc Hội lớn tiếng bác bỏ quyền biểu tình của người dân. Cũng vậy, cực kỳ khó hiểu là có đaị biểu đưa ra Luật Nhà Văn (dự kiến sau này sẽ đổi tên cho dễ nghe hơn, và sẽ phải hoàn tất trước năm 2015) để bắt khoan, bắt nhặt những người cầm bút, bất kể rằng nhà văn và nhà thơ dưới mắt pháp luật cũng chỉ là những người dân bình thường và cùng bình đẳng trước pháp luật như mọi người dân khác.
Thực tế xã hội đã cho thấy rằng vị quan chức -- Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.Sài Gòn), người lớn tiếng chụp mũ Biểu tình là để chống lại chính phủ nước mình và đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này... - đã vi hiến trầm trọng.
Không chỉ ông Phước đã vi hiến trầm trọng, mà còn chụp mũ các vị trí thức biểu tình ở Sài Gòn và Hà Nội là làm ô danh đất nước... và là chống chính phủ.
Cần thấy rằng, trong tuần lễ ông Phước lớn tiếng chụp mũ như thế, đã có hai cuộc biểu tình đáng lưu ý: cuộc biểu tình của 200 linh mục và giáó dân Thái Hà đòi trả lại một cơ sở địa ốc (nguyên là nhà nguyện của Dòng Chúa Cứu Thế), và cuộc biểu tình của ba phụ nữ đòi công lý vì có người thân bị công an đánh chết (chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền có chồng là anh Nguyễn Công Nhựt bị công an Bình Dương đánh chết, cùng mẹ ra Hà Nội khiếu kiện; trong khi cô Trịnh Kim Tiến biểu tình đòi tòa xử chuyện công an đánh chết cha cô là ông Trịnh Xuân Tùng).
Những cuộc biểu tình như thế đã xảy ra, và diễn ra ngay tại Hà Nội. Có thể đạị biểu Hoàng Hữu Phước không biết, vì báo chí và truyền hình nhà nước không đăng tải (đây là điểu để thấy cần có nhu cầu tự do báo chí và tự do phát biểu), nhưng ít nhất, như thế đã cho thấy ông Phước không hiểu rõ những gì trong Hiến Pháp đã nói, hoặc có hiểu nhưng không muốn tôn trọng.
Trong khi đó, lẽ ra những chuyện biểu tình vừa nói trên có thể giải quyết theo luật pháp. Thứ nhất, nhu cầu về một Luật Đất Đai sẽ giúp chính phủ thương lượng được với Giáo Xứ Thái Hà (vì không lẽ, chính phủ không muốn đối thoại mà chỉ muốn dùng những phương tiện bạo lực đã cũ") và tìm giải pháp bồi thường thỏa đáng nếu Bệnh Viện Đống Đa muốn giữ đất của Giáo Xứ Thái Hà.
Và tương tự, nhu cầu cần kíp là ngăn chặn sự lạm quyền, đó là nhu cầu để soạn ra một Luật Đạọ Đức Cán Bộ, để sẽ không bao giờ xảy ra chuyện công an đánh chết dân, hay chuyện nhân viên cả sở phaỉ tới giúp thực hiện đám cưới con quan chức.
Nhà báo Bùi Tín, trên blog riêng ở Đài VOA, qua bài viết Những luật nào là cần nhất" đăng trong ngày 16-11-2011 đã viết, trích:
Một vấn đề cực kỳ hệ trọng và cấp bách là Luật về đất đai mới. Luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của 2 khóa,trước, nhưng Quốc hội cứ lần lữa, trì hoãn mãi, tránh né một khát vọng cháy bỏng của nông dân, lực lượng chiếm gần 70 % dân số nước ta, là trả lại cho họ quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, một quyền vốn có từ xa xưa. Không có lý do gì quyền sở hữu tư nhân đã được trả lại đầy đủ cho thợ thủ công, cho nhà kinh doanh thương nghiệp, công nghiệp, mà riêng nông dân vẫn còn là kẻ làm thuê trên chính đồng ruộng của mình.
Gần đây, ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường và hiện là giáo sư Đại học Hà Nội và cố vấn Tổng cục Quản lý Đất đai,có đăng trên Vietnam Net một bài báo đặc biệt có tựa đề là «Mối nguy địa chủ thời hiện đại». Trong bài báo này, ông nói thẳng, biết rằng «trung ngôn nghịch nhĩ», mạnh tay vạch mặt những tên đại địa chủ và đại điền chủ - tư sản đỏ xuất hiện nhan nhản khắp nơi, lũng đoạn kinh tế xã hội nước ta, nấp sau cái lập luận tai ác «ruộng đất thuộc quyền sở hữu của toàn dân», một khái niệm chỉ còn có ở đất nước ta.
Cho nên Luật sửa chữa, bổ sung về Luật đất đai hay Luật về sở hữu ruộng đất là đạo luật cần kíp nhất, cấp bách nhất, là món nợ lớn của đảng CS và nhà nước đối với bà con nông dân, cần giải quyết ngay trong năm nay. Quốc hội và chính phủ phải đặt luật này vào hàng ưu tiên cao nhất trong số 21 Luật sẽ được soạn thảo trong năm nay cũng như trong số hơn một trăm luật dự kiến cho 5 năm tới. Sau đó mới đến các Luật về tư do báo chí, về Luật về trưng cầu dân ý, Luật về biểu tình, Luật về biển, và Luật về đạo đức cán bộ, tuy nhiên các luật này cũng phải được dành ưu tiên cao. (hết trích)
Như thế, biết thiết lập nền pháp trị, những quyền căn bản của dân đều sẽ được tôn trọng, và những tranh chấp pháp lý đều có cơ sở để giải quyết thuận tình, thuận lý; trong khi đó Luật Đạọ Đức Cán Bộ sẽ hy vọng kết thúc những trường hợp công an đánh dân, hay giám đốc sở ép nhân viên tới nhà riêng làm chuyện của gia nhân.
Như thế, sẽ không bao giờ có chuyện xảy ra ngoài phố kiểu như, khi bị công an chận xe liền hù dọa rằng bản thân mình là cháu Tướng Nhanh và hù dọa sẽ cho các công an giao thông này nghỉ việc.
Một bản tin ngày 21-11-2011 trên báo VietnamNet kể chuyện:
Vi phạm còn gọi báo tướng Nhanh đuổi cảnh sát
- Một đối tượng đi cùng Hùng đã lớn tiếng đe dọa, xúc phạm lực lượng cảnh sát. Đối tượng còn gọi điện cho người thân, nhờ thông báo cho "bác Nhanh" (Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - GĐ Công an HN) để cho một số cảnh sát nghỉ việc...
Như thế, cần kíp là: Luật Đất Đai, Luật Đạo Đức Cán Bộ. Nhưng trước tiên là cần có tinh thần và cơ chế pháp trị.
Nghĩa là, ngay sau khi Đaị biểu Hoàng Hữu Phước đòi loạị bỏ Luật Biểu Tình và Luật Lập Hội, thì Viện Kiểm Sát Trung Ương nên ngay tức khắc đưa ra bản văn lên án các ngôn ngữ vi hiến như thế.
Ít nhất, Viện Kiểm Sát phải là nơi giữ gìn Hiến Pháp, tuy rằng nhà nước này không có bao nhiêu thiện chí để làm cho cán bộ hiểu rõ và tôn trọng Hiến Pháp.
Thế mới lạ, ngay như Viện Kiểm Sát Trung Ương cũng không thấy cần có nhu cầu pháp trị hay sao"