Tư duy ơi hỡi tư duy!
Phan Kiến Quốc
(LTS: Phan Kiến Quốc bây giờ chính là tù nhân lương tâm Phạm Minh Hoàng. Xin trân trọng gửi đến độc giả bài viết vào tháng 10/2004 của nhà hoạt động dân chủ này.)
Báo Công An TPHCM ngày 16/10/2004 trong mục Gia đình & Xã Hội đã trích đăng những bài văn học sinh trung học dưới tựa đề "Đọc văn học trò mà muốn khóc". Đây là những lời văn ngây ngô, ngớ ngẩn về tư duy và thấp kém về văn phạm. Và quả thực đó là những câu văn "phát khóc đi được".
Bài 1: Phát biểu cảm nghĩ của em về Nguyễn Du và tác phẩm Kiều.
Một em lớp 11 ở Cái Bè viết: "Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù lão tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công "Vương Thúy Liều" hay còn gọi là "Đoạn trường thất thanh". Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm thất điên bát đảo cả giới hậu bối chúng ta..."
Bài 2: Trong các tác phẩm em đã đọc, em thích tác phẩm nào nhất" Vì sao"
Một em lớp 10 đã viết: Em rất thích tác phẩm "Tắt đèn" vì nó đã thể hiện tinh thần chống lại sự bóc lột phụ nữ của chế độ phong kiến. Chứng tỏ chị đã bán con và chó để thể hiện tinh thần kiên quyết đó.
Bài 3: Cũng về những cảm nghĩ về cuộc đời và thân phận Kiều, một em lớp 9 ở Huế đã viết:
"Thúy Kiều là người con gái tài sách vẹn toàn, song nàng đã bị chế độ phong kiến vùi dập vào chốn bùn nhơ. Đến nỗi nàng đã nhảy xuống sông Tiền Giang tự vẫn, may thay lúc đó có một bà đảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó Kiều giác ngộ và đi theo con đường cách mạng..."
Trên đây chỉ là ba trong nhiều "áng văn" đã gây kinh ngạc không chỉ cho giáo viên mà cho mọi người. Có lẽ chúng ta không cần phải bàn gì thêm về chất lượng dạy và học văn ngày nay. Trước năm 1975, cho dù văn chương không được coi trọng như các môn khoa học thuần túy khác, cho dù số người biết chữ cũng ít hơn, cho dù hoàn cảnh chiến tranh cũng giới hạn phần nào chất lượng giáo dục nhưng có lẽ chưa bao giờ người ta có được những "tuyệt tác võ lâm" như những bài trên.
Nhà trường: Nhân bản vô tính.
Phân tích những bài này ta có thể dễ dàng đi đến kết luận đơn thuần chỉ là vì không thuộc bài nên các em tự tiện "phăng" ra như thế để khỏi nộp giấy trắng. Tuy nhiên có hàng trăm hàng ngàn ý tưởng để phăng tại sao các em cứ phải phăng theo một chiều là chiều "Bác và Đảng" thôi" Tôi còn nhớ cách đây vài năm, một giáo viên tiểu học đả phản ảnh trên báo về sự uốn nắn tư tưởng này. Hôm ấy cô vẽ một ngôi sao lên bảng và nói các em viết cảm tưởng của mình. Đại đa số các em đều nói đó là lá cờ đỏ sao vàng. Cô khen nhưng nói thầm: "sao các em không nghĩ đến đó là một lồng đèn trung thu hoặc một bầu trời lấp lánh"".
Một thí dụ khác: Đề bài tập làm văn: "Nhân dịp sinh nhật mẹ, em đã làm gì để mừng mẹ".
Bài thứ nhất có nội dung đại khái: "Từ sáng sớm em ra vườn và tìm một bông hoa hồng đẹp nhất để hái tặng mẹ. Mẹ rất sung sướng hôn em, khen em ngoan và biết thương mẹ". Bài văn được phê nghèo nàn, thiếu thể hiện thái độ của mình.
Bài thứ hai có nội dung: "Em đã đưa mẹ xem quyển sổ liên lạc với nhiều điểm 9, 10 để mừng cho mẹ. Em hứa là sẽ cố gắng giành nhiều điểm 10, phấn đấu thành học sinh giỏi và cháu ngoan Bác Hồ". Bài được khen có ý nghĩa và đặc biệt có nhiều em đã làm giống như vậy...
Nhiều bậc phụ huynh đã phản ánh trên báo chí về hiện tượng "khuôn mẫu" trong cung cách dạy và học ở Việt Nam, khiến các đầu óc non nớt không còn giữ được nét ngây thơ trong trắng, hồn nhiên, và hậu quả là sau này các em mất hết tư duy sáng tạo, trở thành những cỗ máy chỉ biết thi hành chứ không biết suy nghĩ, tự chủ, chứ đừng nói gì đến chuyện nói ngược lại cấp trên. Cũng một giáo viên khác đã kể lại, khi đề bài tập làm văn là "Hãy tả cô giáo của em", thì giáo viên ấy chỉ cần chấm lỗi chính tả vì 42 chân dung cô giáo đều "dong dỏng cao, da trắng, khuôn mặt trái xoan thanh tú..."
Ở bậc tiểu học đã thế, lên đến các cấp cao hơn bộ máy "nhân bản vô tính" cũng ngự trị và điều khiển hết suy nghĩ của các em sinh viên, thậm chí đến ngay cán bộ giảng dạy. Vào mỗi dịp hè, các giáo viên thường phải tham gia một khóa "bồi dưỡng chính trị". Sau khóa học mỗi người phải làm "bài thu hoạch" để đúc kết những gì mình đã học. Có lần đang khi các giáo viên đang loay hoay thì một ý kiến đưa ra: "đề nghị các thầy làm trước cho anh em mượn tham khảo". Ngay lập tức cả lớp đồng tình vỗ tay tán thưởng rào rào. Và cuối cùng một vài cán bộ được phân công về nhà làm bài thu hoạch trước và sau đó photocopy cho mỗi người một bản. Thế là mỗi người một kiểu, người thì chép nguyên văn, người thay đổi một vài câu chữ, người thì thêm thắt vài chi tiết và biến các bài thu hoạch "mẫu" thành các bài của mình và nộp báo cáo viên. Hỏi ra mới biết đó là "tiền lệ" và năm nào các giáo viên cũng đạt kết quả trên trung bình cả.
Cũng tại các trường đại học, vào mỗi đầu năm các tân sinh viên cũng phải qua một khóa tập huấn chính trị kéo dài từ 2 tuần đến một tháng, và sau đó cũng phải làm bản thu hoạch. Thôi thì bài nào cũng ca ngợi thành tựu của cách mạng Việt Nam, sự hy sinh của các chiến sĩ và đả kích mọi thế lực thù địch trong lẫn ngoài nước. Khi tôi hỏi cụ thể về các thế lực này thì em chỉ cười bẽn lẽn: "Bản thu hoạch mà thầy, làm thì phải làm chứ...".
Đúng là một trò hề nhưng chúng ta cũng phải công nhận là những khóa học này cũng có một tác dụng nhất thời vì trên 100 học viên ít ra cũng có một phần trăm nhất định nào đó thấm nhuần những chủ nghĩa giáo điều. Có thể ngay lúc ban đầu những người này bàng quan nhưng mưa dầm thấm đất, cộng thêm với những yếu tố bên ngoài như báo, đài... 500 tờ báo cùng hàng chục đài truyền hình, phát thanh đã dần biến họ trở thành những "chiến sĩ vô sản" lúc nào cũng chẳng hay và lúc ấy họ sẵn sàng bênh vực cho chế độ.
Ngoài thành phần "bôn-sê-vít" này, đại đa số học viên đều lạnh nhạt và nộp bài thu hoạch như trút được một gánh nặng. Và sau này có nói về thành quả thì đều là những câu nói, những tiếng cười mai mỉa. Nhưng cũng chính đó là thành công của người cộng sản khi đưa vào những khóa bồi dưỡng này vào chương trình đào tạo. Nó tạo ra tính thụ động, tinh thần chủ bại, cầu an và đó là cản lực lớn nhất cho việc dân chủ hóa đất nước.
Tuy nhiên, những điều lợi trước mắt kể trên cũng đang tạo ra những nguy cơ vô cùng lớn cho xã hội và đồng thời là những trở ngại cho công cuộc phát triển đất nước trong tương lai vì khi trường học đã thành nơi "nhân bản vô tính" tư duy của học sinh, sinh viên thì đừng trách tại sao ngày nay các em kém mạnh dạn, không có cá tính. Những quan điểm riêng không được khuyến khích, phát động dần dần, tạo nên bản tính rụt rè thụ động. Một sinh viên sẽ bị coi là ngạo mạn, kiêu căng khi dám đưa ra những bài giải khác với bài của thầy. Những em có cá tính mạnh sẽ nhanh chóng bị liệt vào "thành phần cá biệt". Phải chăng nhà trường chỉ muốn biểu dương những tấm gương ngoan ngoãn, vâng lời và rất ngại phải uốn nắn những tính cách mạnh mẽ.
Và chính vì đã "triệt tiêu" những tư duy ngay từ ghế nhà trường nên mai này khi bước vào xã hội rất khó tìm lại được những gì đã mất. Chả thế mà gần đây các lãnh đạo nhà nước đã không ngừng gào thét một cách thống thiết để "cạy miệng" người dân, để khuyến khích đầu óc sáng tạo, để kêu gọi những lời phê bình... Gần đây nhất trong Đại hội Đại biểu Mặt Trận Tổ Quốc lần thứ 6 ngày 22/9/04, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã "giao trọng trách" cho Mặt Trận phải "chủ động dám nghĩ, dám đề xuất, dám làm, khắc phục hiện tượng thụ động né tránh, va chạm...". Lời phát biểu của ông Tổng bí thư được xuất hiện trên trang nhất các báo (như mọi khi) và để sau đó chìm vào quên lãng - như mọi khi.
Đâu là lối thoát"
Gần đây nhiều ý kiến của các học giả cũng đã đề cập đến hiện tượng "khuôn mẫu" trên cùng với những tác hại của nó khi đất nước bước vào một cuộc cạnh tranh, một cuộc chạy đua gay gắt. Hầu như tất cả những ý kiến đều cho rằng cần thiết phải có những cải tổ sâu rộng - thậm chí một cuộc cách mạng trong ngành giáo dục để khỏi bị tụt hậu trong cuộc chạy đua tri thức khốc liệt sắp tới. Theo một giáo sư thì những yếu tố quan trọng cần có được là:
- Con người của tương lai phải có lòng đam mê học hỏi, đào sâu nghiên cứu, chịu khó, bất chấp mọi khó khăn để đạt được những gì mình mong muốn. Sự giúp đỡ của người thầy, người đồng nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu có thể sẽ rất bổ ích nhưng không phải là quyết định. Nỗ lực của bản thân là quyết định.
- Con người của tương lai phải là người phải có tư duy hoàn toàn khác thường, chẳng giống ai, không suy nghĩ rập khuôn. Chính vì đó mới có những ý tưởng sáng tạo táo bạo, đưa ra những lý thuyết mới hoặc ứng dụng những lý thuyết và kỹ thuật cũ để làm ra những cái mà nếu suy nghĩ theo kiểu cũ sẽ không bao giờ làm được.
Trong tháng 8/04, giáo sư Hoàng Tụy cùng 22 nhân vật tên tuổi trong ngành giáo dục đã đệ trình một kiến nghị về cải cách giáo dục trong đó cũng nêu bật những điểm về tư duy con người:
"Trước hết phải đặt ra yêu cầu GD đào tạo ra con người hiện đại, có thể sống được trong thời hiện đại này, đóng góp vào công cuộc hiện đại hóa đất nước, thành công trong hội nhập quốc tế. Nên rà soát lại để dứt khoát từ bỏ đào tạo những mẫu người chỉ biết ngoan ngoãn chấp hành, quen được dẫn dắt, bao cấp cả về tư duy và hành động hơn là biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm.
Cần coi trọng rèn luyện các phẩm chất đạo đức cơ bản của con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn, và nhất là trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại.
Ngay từ nhỏ học sinh cần tập dần để biết suy nghĩ, ham thích tìm tòi, khám phá, sáng tạo từ dễ đến khó, tập phát hiện và giải quyết vấn đề, hạn chế học thuộc lòng, chống nhồi nhét kiến thức máy móc tuy không xem nhẹ rèn luyện trí nhớ. Giảm, bỏ hoặc thay đổi hẳn nội dung và phương pháp dạy những điều có tinh chất kinh kệ để tăng các kiến thức thiết thực, hoặc đòi hỏi vận dụng tư duy nhiều hơn."
* * *
Tất cả những "cao kiến" này nếu đem ra nói với một người Thái Lan hoặc Ấn Độ có lẽ họ sẽ cười vào lỗ mũi, vì những điều này đã được họ áp dụng cách đây cả nửa thế kỷ và theo họ có lẽ phải ngu xuẩn và ngoan cố lắm mới dám làm ngược lại.
Ấy vậy mà ở nước mình những cao kiến này cũng chỉ nằm ở giai đoạn "tiền dự án" và mãi mãi sẽ như thế.
"Đọc văn học trò mà muốn khóc", nhưng nói cho cùng thì tội nghiệp cho trẻ thơ nhưng lại ngậm ngùi khi nghĩ về nền giáo dục nước nhà.
Phan Kiến Quốc
(Sài Gòn, tháng 10/2004)