Tuần qua lễ kỷ niệm 100 năm thành lập liên bang đã được tổ chức tại Melbourne. Thủ tướng John Howard trở thành một chính khách may mắn đang tại vị nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày lập quốc. Tuy nhiên lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập liên bang cũng làm nổi bật những yếu kém về mặt chính trị của thủ tướng John Howard cũng như của chính phủ liên đảng.
Tại tòa nhà Exibition Building, một lần nữa khung cảnh lịch sử của quốc hội đầu tiên ngày 9.5.1901 được thể hiện trong bức tranh nổi tiếng của Tom Roberts, đã được tái hiện trong không khí nghiêm trang và cảm động. 100 năm đã trôi qua kể từ ngày thế giới chứng kiến sự hình thành của một quốc gia mới đầy lòng tự hào là Commonwealth Of Australia. Tuy nhiên nước Úc vào năm 1901 tỏ ra đoàn kết hơn, có những định hướng về tương lai rõ rệt hơn so với nước Úc năm 2001 của chúng ta ngày hôm nay. Phải chăng đó là một sự thụt lùi đáng xấu hổ"
Thế hệ người Úc năm 1901 là một thế hệ đầy tự hào, đầy tham vọng và hoài bão tuy nhiên cũng là một thế hệ đoàn kết gắn bó. Nhưng thế hệ người Úc năm 2001 lại là một thế hệ bị giằng xé giữa hiện tại và tương lai, một thế hệ bị chia rẽ với những tranh luận chưa được giải quyết như vấn đề một nước Úc cộng hòa, sự hòa giải với thổ dân và làm sao nước Úc tương lai vẫn giữ được những truyền thống riêng của mình mà vẫn có thể thành công trong một thế giới toàn cầu hóa.
Kỷ niệm 100 năm thành lập liên bang nước Úc chẳng hề có một thành tựu nào nổi bật cụ thể, không có một sự đoàn kết được khẳng định và cũng chẳng có một viễn kiến nào cho đất nước này trong tương lai. Trong bài diễn văn đọc tại lễ kỷ niêm 100 năm thành lập liên bang ở Melbourne vừa qua, thủ tướng John Howard không hề đưa ra một cái nhìn nào về tương lai, không một định hướng và cũng không có một hoài bão nào rõ rệt. Đọc diễn văn chào mừng 100 năm lập quốc là một cơ hội lịch sử của ông Howard. Thay vì sẽ đi vào lịch sử như một chính trị gia sáng chói đã nhân dịp kỷ niệm ngày lập quốc, chỉ ra cho nước Úc một con đường tươi sáng đi vào tương lai, thì ông Howard và chính phủ liên đảng chỉ biết ca ngợi quá khứ của những người đi trước mà không hề diễn dịch những truyền thống của nước Úc thành một định hướng mới cho tương lai.
Ngay trong dịp này, người ta cũng thấy rõ sự đối lập nghiêm trọng giữa chính phủ của chính phủ liên đảng do thủ tướng Howard lãnh đạo theo khuynh hướng bảo thủ và những người Úc cấp tiến đang kêu gọi một sự thay đổi cần thiết. Một diễn giả trẻ tuổi người Úc tên là Hayley Eves đã phát biểu quan điểm của mình, được coi như là một tuyên ngôn của một nước Úc mới, một thế hệ người Úc mới trong tương lai: "Tôi là một người trẻ tuổi, tôi là một phụ nữ và tôi cũng là một người Úc gốc Á Châu". Theo Eves thì cô mong chờ một nước Úc cộng hòa và trong thâm tâm cô tin tưởng rằng mọi người Úc đều muốn hòa giải với thổ dân và muốn có một môi trường tốt đẹp hơn. Người nghe những lời tuyên bố đó trong bối cảnh Victoria là một tiểu bang của đảng Lao động, có cảm tưởng như đó cũng chính là tuyên ngôn chính trị của đảng Lao động và cũng là định hướng của đảng Lao động sẽ dẫn dưa nước Úc đi vào tương lai.
Ông Howard thường hay nói rằng: "Có hàng triệu người Úc đã quá chán ngán với những luận điệu kiểu như nếu bạn không ủng hộ thể chế cộng hòa, nếu bạn không ủng hộ một lời xin lỗi chính thức với thổ dân, nếu bạn không chấp nhận quan điểm của cựu TT Paul Keating về mối quan hệ của Úc với Á Châu và Châu Âu lẫn Bắc Mỹ, thì điều đó có thể nói rằng bạn chẳng có một tầm nhìn chiến lược nào cho tương lai của nước Úc". Dĩ nhiên có hàng triệu người Úc đồng ý với lời phát biểu của ông Howard nhưng điều đó cũng không làm phai nhạt đi được quan điểm cho rằng ông Howard là một chính khách thiển cận, bảo thủ và không có cái nhìn xa vĩ đại mà nước Úc đang cần.
Trong khi ca ngợi định hướng ban đầu của những người lập quốc cách đây 100 năm, ông Howard lại không hề có một định hướng nào cho nước Úc trong 100 năm tới. Cả chính phủ liên đảng của ông cũng vậy. Trong bối cảnh nước Úc sẽ bước vào kỳ bầu cử liên bang vào cuối năm nay, sự đánh giá cá nhân thủ tướng John Howard và chính phủ liên đảng như những chính khách bảo thủ bất tài có thể đóng khung số phận chính trị của ông Howard và chính phủ liên đảng ngay từ hôm nay.
Trong khi đó đảng Lao động hiện ra một tập hợp của những chính khách sáng chói như Gough Whitlam, Bob Hawke, Paul Keating và Kim Beazley. Trong bài phát biểu của mình cựu thủ tướng Gough Whitlam 84 tuổi khi nói về nền kinh tế toàn cầu hóa đã phát biểu rằng: "Nếu chúng ta có một tình yêu thương nhân loại, nếu chúng ta có kỳ vọng rằng những thế hệ tương lai sẽ không gặp phải những thảm họa mà chúng ta đã chịu đựng trong 30 năm qua, thì chúng ta phải có niềm tin vào một nền kinh tế toàn cầu hóa". Ông Whitlam kêu gọi thủ lãnh đối lập Kim Beazley hãy thành lập một chính phủ Lao động gồm những thành viên có tư tưởng ủng hộ nền kinh tế toàn cầu hóa.
Cựu thủ tướng Bob Hawke 71 tuổi vẫn còn sắc sảo như ngày nào và người ta cứ tưởng ông đã quay trở lại chính trường sau một thời gian nghỉ hưu, để thông báo những chính sách mới của lãnh tụ đối lập Kim Beazley. Hơn ai hết cựu thủ tướng Paul Keating vẫn là một tay "đâm thọc" nguy hiểm nhất trong tất cả các nhân vật lớn của Lao động. Nhưng thủ lãnh Kim Beazley hơn ai hết cũng hiểu rằng thời đại của ông Keating đã trôi qua, và lắng nghe những ý kiến của ông Keating, không có nghĩa là ông Kim Beazley sẽ ứng dụng những tư tưởng của ông Keating vào các chính sách của đảng Lao động trong tương lai.
Cũng trong tuần qua ông Kim Beazley cũng đã phác thảo những chính sách chính của đảng Lao động trong tương lai. Ông Kim Beazley nói về chính sách hòa giải với thổ dân, nói về thể chế cộng hòa. Ông cũng nói về mối quan hệ của nước Úc với cộng đồng quốc tế, về chương trình "Kiến Thức Quốc Gia" và để kết luận ông nói về sự bình đẳng. Mặc dầu nói hơi dài và hơi cường điệu, ông Kim Beazley rõ ràng đang phác thảo những viễn cảnh tương lai cho nước Úc.
Đảng Lao động ngày hôm nay đang đoàn kết với quyết tâm chiến thắng trong kỳ bầu cử liên bang sắp đến. Không khí này hoàn toàn khác với không khí tuyệt vọng và bi thảm của năm 1996.
Kỷ niệm 100 năm thành lập liên bang là một sự kiện lớn trong lịch sử của nước Úc. Cũng trong dịp kỷ niệm lịch sử này, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy trào lưu chính trị của đảng Tự do đang nhanh chóng đi xuống để nhường đường lại cho sự hồi sinh của đảng Lao động liên bang.
Lê Thảo Minh