Tác giả: Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Bài số 2705-16208776- vb682109
CamLi Nguyễn Thị Mỹ Thanh
Cảm tác theo câu chuyện thật:
http://www.kmph.com/Global/story.asp"S=10860695
1
- Ông John ơi! Hôm nay ông khỏe không ạ"
- Cám ơn bé Tú. Ông khỏe. Bé thế nào"
- Dạ cháu khỏe ạ.
Ấy là tôi dịch lại theo kiểu tiếng Việt cho đúng cách ấy thôi, chứ nói chuyện
với ông John tôi chỉ gọi ông bằng tên John, không có chữ “ông” và không có
“thưa, ạ” chi cả. Tuy vậy, tôi vẫn tỏ ra được cái lễ phép và kính trọng đối với
người lớn tuổi. Còn ông John thì hay gọi tôi là “Little Two”, bởi vì tên tôi là
Tú.
Từ ngày gia đình chúng tôi dọn về đây – chưa đến một tuần, người hàng xóm mà
chúng tôi gặp mặt thường xuyên hơn cả là ông John. Hình như ông cụ sống một
mình trong căn nhà khá rộng. Nhà của chúng tôi cũng na ná như vậy, căn nhà ba
phòng ngủ, nhưng gia đình chúng tôi thì đông vui lắm. Ông bà nội của tôi, ba má
tôi, và tôi - như thế cũng đủ là một gia đình đông đúc. Vì tôi hay đùa nghịch,
nên nhà của tôi rộn ràng luôn luôn. Ông bà nội hay chơi với tôi khi ba má tôi
đi làm. Và khi nào tôi đi học thì ông bà nội sẽ có những việc khác: bà thì tụng
kinh, dọn dẹp nhà cửa, ông thì đọc sách hoặc soạn bài, viết lách chi đó.
Nhà ông John cách nhà chúng tôi bằng một vách rào thấp phía sân sau, còn phía
trước thì ngăn cách bởi bốn cây hoa hồng xen kẽ với ba cây Thu-già. Tôi không
nhắc đến nhà bên kia vì cũng na ná như vậy – và mọi căn nhà của cả cái khu
“xóm” nho nhỏ trong ngõ cụt (court) này hầu như đều đồng một dạng xây cất, cũng
như sân vườn đều gần giống nhau. Tôi để ý đến nhà ông John nhiều hơn. Nhưng,
tôi xin nhắc một chút xíu về mấy cây Thu-già trước đã.
Hồi mới về đây, cái đầu tiên đập vào mắt tôi không phải là ngôi nhà, mà là ba
cái cây cao ơi là cao ấy. Đối với một chú bé lên mười như tôi, ba cái cây đó
quả thật đã gợi cho tôi nhiều điều tưởng tượng. Chúng vừa cao mà lại vừa ẻo lả
mềm mại. Mỗi khi có gió thổi qua, tôi thấy như ba cây này uốn éo theo điệu nhạc
trông thật là hay. Tôi hỏi ba tôi tên của cây này, ba tôi cho biết tên nó là
Thu-già. Cái tên nghe cũng gợi hình nữa. Ông tôi thì bảo chúng giống như cây
“Lá thuộc bài”. Thế là có một cuộc bàn bạc giữa ông và ba tôi. Ba tôi vốn là
nhà sinh học nên cây cỏ hầu như rất quen thuộc với ba. Ba tôi bảo cây ấy có tên
khoa học là “Thuja”, có loại cây cao ngất như cây trước nhà tôi, còn có loại
chỉ thấp bé bằng tôi thôi, và lá của chúng chính là “lá thuộc bài” của thời ba
tôi còn đi học, ngày xa xưa khi còn ở Việt Nam. Ba tôi còn kể nhiều mẩu chuyện
thời học sinh gắn liền với những cây cỏ, vật dụng rất ngộ. Nhưng tôi có vẻ hào
hứng với cái tên Thuja nên tôi đã nói trại ra là cây Thu-già. Tôi cũng hiểu
nhiều tiếng Việt, tôi còn viết được tiếng Việt nữa, cho nên tôi hiểu nghĩa chữ
“Thu” và chữ “già”. Rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy mình thật thân với ba cây
Thu-già ấy, như thể đó cũng là những người cao tuổi đã từng sống và sẽ sống ở
nơi đây.
Ông tôi hay ra sân tập thể dục mỗi buổi sáng. Và ông kết bạn với ông John trước
tiên. Hai ông cụ cũng không có nhiều thời gian ngồi chung với nhau, vì sau khi
tập thể dục thì ông John ra sau nhà để làm vườn, còn ông tôi lại thích đọc sách
và viết bài. Có khi ông tôi đi cùng những người bạn, ông bảo ông đi họp. Nhưng đến
một hôm, vào buổi ăn tối, ông tôi nói với cả nhà:
- Bà và các con biết không, có một chuyện mà tôi rất thắc mắc, nhưng không dám
nói với ông John.
Bà tôi vừa gắp thức ăn bỏ vào chén cho ông, vừa hỏi:
- Chuyện gì thế ông"
- Mọi người có để ý thấy lá cờ bên sân nhà ông John không"
Bà tôi nói:
- Tôi ít khi ra phía trước, không để ý.
Ba mẹ tôi cũng không. Còn tôi vì hay ra sân nên có thấy lá cờ, nhưng thường tôi
hay lo những chuyện vui chơi nên cũng không để ý có gì lạ. Ông tôi nói với vẻ
thắc mắc:
- Cái lá cờ rách.
- Ô, vậy sao" – Bà tôi thốt lên.
- Phải, lá cờ rách.
Ba tôi nhíu mày:
- Ồ, chẳng lẽ ông cụ không thể thay một lá cờ mới"
Mẹ tôi thì đoán:
- Chắc là ông cụ không thể đi mua.
Ông tôi lắc đầu:
- Không hẳn thế. Ba thấy ông John vẫn lái xe đi mà. Ông cũng tương đối khỏe
mạnh đấy! Ông ấy ngoài bảy mươi, cũng như ba thôi.
Tôi tham gia:
- Hay là ông John không có tiền"
Cả nhà cười vang. Mọi người dễ quên câu chuyện đó ngay, bởi vì má tôi đang bưng
ra một món đặc biệt của Việt Nam
: món canh chua.
2
Thế nhưng tôi không dễ quên. Ngày nghỉ cuối tuần tôi đã mon men chạy qua sân
nhà ông John. Ông đang tưới luống hoa hồng vàng. Tôi lên tiếng – dĩ nhiên là
bằng tiếng Anh:
- Chào ông John buổi sáng. Ông khỏe không"
- Chào bé Tú. Hôm nay cháu làm gì" Có đi chơi với ba mẹ không"
- Dạ không. Cháu muốn sang giúp ông. Ông đang làm gì đó"
- Ông tưới cây. Tưới đàng trước rồi ra tưới đàng sau. Bé Tú có thích ăn trái
cây không"
- Dạ cháu thích.
- Thế thì tha hồ bé Tú ăn các trái cây ông trồng.
- Cám ơn ông. Thích quá!
Ông John ngừng tay, nheo mắt tránh tia mặt trời buổi sáng đang chiếu chói lọi.
- Thế ông của bé Tú đâu"
- Dạ ông của cháu sắp đi họp. Cứ cuối tuần là ông đi họp ạ.
- Hay quá! Chắc là ông của bé Tú có một hội giải trí vui vẻ.
- Cháu không biết. Nhưng chắc là ông vui.
- Vậy bé Tú ở đây chơi, muốn làm gì thì làm nhé!
Tôi đưa mắt nhìn lên cây cột cờ cao. Sáng nay gió nhiều, tôi đã thấy lá cờ tung
bay phất phới trông vui lắm. Nhưng bây giờ tôi cũng thấy đúng như lời ông tôi
nói, lá cờ ấy rách vài đường theo chiều của những sọc ngang, có lẽ những đường
chỉ may đã bị mục. Chưa hết, màu cờ đã đổi, không còn giống một lá cờ kiểu mẫu.
Tuy là vẫn còn rõ nét những ngôi sao và những đường sọc nhưng màu sắc trông tái
nhợt. Tự nhiên tôi có một cảm giác rất khó tả. Tôi muốn hỏi ông John một câu gì
đó nhưng khó mở lời. Ồ, chắc là ông tôi cũng đã khó mở lời như vậy.
Thấy tôi cứ nhìn mãi lên ngọn cờ, ông John vui vẻ hỏi:
- Sao bé Tú, cháu nhìn cái gì đó"
- Cháu nhìn… cháu nhìn lá cờ…
- Có gì lạ không cháu"
Tôi cảm thấy có thể hỏi được rồi, tôi hỏi:
- Ông John ơi, cái lá cờ ấy… ông treo… đã bao lâu rồi hở ông"
- Từ tháng chín năm ngoái bé ạ!
Tôi ngập ngừng:
- Có bao giờ ông mang xuống không hở ông"
- Không.
- Thế… thế lúc ông treo, nó… có lành lặn không hở ông"
- Có, có chứ!
- Thế…
Tôi bí rồi! Biết hỏi gì nữa bây giờ"
Tôi không muốn hỏi tại sao cái lá cờ ấy lại rách như thế, vì mọi đứa trẻ thông
minh đều có thể tự trả lời là bao nhiêu nắng mưa sương gió trong một năm đã làm
cho nó ra như vậy. Tôi đang lựa lời để nói thì ông John lại hỏi tôi:
- Thế bây giờ ông đố bé Tú tại sao mà ông lại cứ treo lá cờ rách ấy"
Tôi cắn môi. Ái chà, câu mà tôi muốn hỏi ông, bây giờ ông lại đố tôi. Tôi chưa
nói được gì thêm thì có tiếng chuông điện thoại vang trong nhà. Ông John chạy
vào nghe điện thoại, khi ông ra, nét mặt của ông lộ vẻ không vui. Tôi cũng chưa
kịp nói gì thì có một bà cụ mũi cao, da trắng, đứng dừng ở trước cổng nhà ông.
Bà cụ lên tiếng:
- Xin lỗi, cho tôi gặp ông John…
- Dạ, chào bà Ann. Có việc gì thế thưa bà"
Bà cụ bước vào thêm bên trong sân, chỉ tay lên lá cờ:
- Xin ông thứ lỗi cho, nhưng tôi không thể không nói. Ông có thể thay một lá cờ
mới không ạ" Tôi đã thấy nó rách từ cả tháng nay, chẳng lẽ ông không quan tâm"
- Thưa bà, tôi quan tâm lắm chứ!
- Vậy thì… là một người hàng xóm của ông, tôi khuyên ông nên thay một lá cờ mới
đi. Con cái chúng tôi cũng thắc mắc lắm, nhất là các cháu học sinh, cháu còn
nói rằng ở nhà trường có dạy là chúng ta phải tôn quý lá cờ của đất nước ạ!
Ông John vẫn bình thản:
- Thưa bà, tôi rất tôn quý lá cờ đấy ạ!
Bà cụ Ann lộ vẻ mất kiên nhẫn, giọng bả hơi cao lên:
- Nhưng… ồ… nhưng ông treo lá cờ rách bạc màu…
- Thưa bà không sao đâu, tôi vẫn quý lá cờ ấy lắm!
Bà cụ lắc đầu như tỏ ý không hài lòng. Bà nói nhanh:
- Tôi quý ông nên có mấy lời. Tôi chỉ mong ông mau thay lá cờ mới để cho lối
xóm được yên tâm. Xin kiếu ông.
Bà cụ vừa khuất sau khúc quanh, ông John cười nói với tôi:
- Bà ấy hiện chưa yên tâm.
Tôi không cười theo ông. Ông nói như phân trần với tôi:
- Bé Tú thấy đấy, không phải chỉ bà cụ này đâu nhé! Mỗi ngày ông phải nói
chuyện với ít nhất là năm người hàng xóm hoặc người đi đường, chưa hết, lại còn
vài cú điện thoại giống như cú điện thoại hồi nãy đấy.
- Rồi ông trả lời họ ra sao hở ông"
- Họ không bắt ông giải thích, nên ông đâu có giải thích làm gì. Họ chỉ đề nghị
ông treo lá cờ mới, thì ông bảo là ông sẽ thay.
Ông John cười thích thú. Tôi cũng thấy ông có lý.
Ông nhắc lại câu đố và cho tôi thời gian một ngày để suy nghĩ.
3
Cuối tuần trôi qua rồi, nhưng tôi chưa nghĩ ra lời giải. Trong những ngày ở nhà tôi thấy những người dừng chân nói chuyện với ông John, người da trắng có, người da đen có, người gốc Á có, người gốc Mỹ La-tinh có… nói chung là ai cũng bày tỏ sự quan tâm đối với lá cờ. Vài ba người tỏ vẻ khó tính. Nhưng ông John vẫn bình thản hứa với họ là ông sẽ thay lá cờ mới. Thế thôi!
Cho đến ngày thứ hai đầu tuần, khi ba má đón tôi đi học về, chúng tôi bước vào nhà thấy ông bà tôi đang chăm chú xem ti-vi. Ông bà gọi ba má và tôi lại cùng xem. Chúng tôi kêu “ồ” lên, kìa, ông cụ John xuất hiện trên màn hình! Người phụ trách tiết mục, trạc tuổi ba tôi, đang phỏng vấn ông John. Ông hỏi cái gì thì ông John trả lời cái nấy, cũng y như khi ông trả lời những người hàng xóm vậy. Ba tôi nói nhỏ:
- Ông cụ này có lẽ hơi gàn ba ạ! Con phục người phụ trách này thật kiên nhẫn.
Ông tôi nói:
- Này, nghe ông ấy giải thích kìa!
Trên màn ảnh ti-vi, ông cụ John trả lời:
- Tháng chín năm ngoái, khi con trai tôi là Joe từ giã tôi để đi qua chiến trường Iraq, hai cha con tôi đã cùng treo lá cờ lên cái cột cờ thật là cao trước sân nhà tôi, lá cờ quý vị đang thấy trong phim bối cảnh đó. Chúng tôi hứa với nhau là đợi khi Joe về hai cha con sẽ cùng thay một lá cờ mới. Thật ra, cái lá cờ này, ngay lúc được treo lên, nó cũng đã là một lá cờ cũ, nhưng còn lành lặn lắm. Đó là cái lá cờ mà khi tôi còn trẻ, tôi đi khắp nơi để làm nhiệm vụ một người lính, tôi đã mang theo bên mình. Đó là lá cờ mà cha tôi đã cho tôi. Lá cờ này mang tình thương của cha tôi, cũng là tình yêu của một công dân sống trong đất nước tự do này, đã che chở tôi trong suốt những cuộc hành quân. Giờ đây tôi vẫn tin là nó sẽ bảo vệ con trai tôi bình an, dù con tôi không mang theo, nhưng trong ý nghĩa tình yêu của tôi cho con trai, lá cờ cũng luôn ở bên nó, bảo vệ nó. Tôi sẽ cùng con tôi thay một lá cờ mới, vâng, tôi đã hứa với con tôi như thế, và chúng tôi sẽ giữ lời.
Tôi nhìn thấy gương mặt của ông bà và ba má tôi như giãn ra. Ai cũng như cất được gánh nặng. Riêng tôi, tôi không nén được, vỗ tay thật giòn, reo lên:
- Ông cụ John thật dễ thương!
Đêm hôm ấy, tôi thấy ông tôi ngồi một mình nơi phòng khách. Tôi ngạc nhiên, đi
đến gần ông. Tôi thấy ông cầm trên tay một lá cờ vàng. Lá cờ nền vàng với ba
sọc đỏ. Lá cờ này đối với tôi không lạ, vì tôi vẫn thấy trong những dịp lễ,
Tết, nơi những khu có người gốc Việt như chúng tôi sinh sống, những lá cờ vàng
được treo rất trang trọng và tung bay phất phới. Ông bà và ba má tôi thường bảo
với tôi đó là lá cờ của người Việt quốc gia. Tôi còn biết cả những điều khác
nữa. Đó là lá cờ được treo trong các trường học. Ba tôi khi còn học trung học,
có lần đã khóc nói với cô giáo người Mỹ xin hãy cho treo lá cờ vàng, bởi vì đó
là lá cờ mà những người Việt quốc gia đã giữ gìn và mang theo trên mọi nẻo
đường đi tìm tự do.
Thấy tôi, ông vẫy tay, và kéo tôi lại ngồi gần ông. Tôi thấy trên mắt ông long
lanh giọt lệ. Tôi ngồi bên ông, lặng yên. Tôi đã mười tuổi, tôi biết chia sẻ là
như thế nào. Hai ông cháu cứ yên lặng như thế…
Tôi bỗng nghe tiếng ông tôi cất lên bên tai tôi, trầm trầm:
- Ông cụ John thật là hạnh phúc, phải không cháu"
- Dạ.
Ông tôi im lặng. Tôi hỏi:
- Sao nữa hở ông"
- Ông cụ John đã cùng con trai treo lá cờ trước sân nhà ông.
Tôi ngơ ngác:
- Ông cũng vẫn mang cờ ra treo trước sân. Cháu thấy ông treo cả cờ Mỹ và cờ
Việt.
- Đúng vậy.
- Ông có thấy hạnh phúc không"
Ồ, lần đầu tiên tôi dùng chữ “hạnh phúc”! Dù tôi là đứa trẻ nói giỏi tiếng
Việt, tôi cũng chưa từng nói như thế bao giờ. Tôi biết nói “vui”, “mừng”, thế
thôi; chữ “hạnh phúc” tôi hiểu nhưng không biết áp dụng. Bây giờ tôi nói theo
ông tôi một cách tình cờ, nhưng bỗng nhiên tôi thấy mình hiểu rõ ý nghĩa của
nó. Tôi hiểu rằng trong tâm trí của ông tôi đang khao khát một điều gì còn hơn
cả cái vui được sống bình an hằng ngày, bên vợ con cháu chắt.
4
Anh Joe con của ông cụ John đã bình an trở về. Ông John vui không thể tả. Dĩ
nhiên là những người hàng xóm, trong đó có nhà chúng tôi, đã đến chia vui cùng
ông. Những người sống lâu năm ở đây không xa lạ gì với anh Joe, nhưng câu
chuyện về lời hứa giữa hai cha con họ về lá cờ, qua cuộc phỏng vấn trên ti-vi
vừa rồi mọi người mới hiểu. Người cha cựu quân nhân và người con đang ở trong
quân đội, hôm nay có thể cùng nhau thay cái lá cờ cũ rách bằng một lá cờ mới
tinh. Ông John khoe với mọi người rằng lá cờ cũ kia sẽ được ông giữ gìn như một
báu vật.
Buổi chiều sau khi qua nhà ông John thăm hai cha con ông về, ông tôi rủ tôi
cùng đi bộ với ông vì bà tôi có bạn đến thăm nên bà không đi cùng với ông được
như thường ngày. Hai ông cháu đi qua những con đường sạch sẽ của khu “xóm”, hít
thở làn gió mát và ngắm nhìn những vườn hoa của từng nhà. Thỉnh thoảng chúng
tôi gặp những người đi ngược chiều lại – họ cũng đang đi bộ - và dù quen hay
không quen, họ và chúng tôi cũng vui vẻ chào nhau. Những lúc như vậy, tôi thấy
ông tôi cười thật tươi, nụ cười của một người không lo âu phiền muộn.
Xong cuộc đi bộ, hai ông cháu về đến sân nhà. Tôi lại còn tiếp tục những hoạt
động vui chơi của tôi trước khi đi tắm rửa và làm bài tập. Ông tôi ngồi lại nơi
chiếc ghế đá trong sân. Bỗng nhiên tôi nghe một tiếng động lạ vang lên, như có
một cái gì rơi. Tôi kịp bước đến và thấy ông tôi đã ngã trên nền gạch. Ông nằm
bất động. Tôi la lên thất thanh. Bà tôi hoảng hốt từ trong nhà chạy ra, rồi đến
ba má tôi. Một chiếc xe cứu thương được gọi đến ngay, đưa ông tôi vào bệnh
viện.
Ông tôi mê man vì bị đứt một mạch máu ở sâu trong não. Bác sĩ bảo tuổi già là
như vậy, và khuyên mọi người kiên nhẫn chờ đợi, hy vọng sau khi được cứu chữa
ông tôi sẽ hồi phục. Các bác, các cô của tôi từ những tiểu bang khác vội vàng
bay về thăm ông. Những người bạn của ông cũng đến. Có người tóc đã bạc phơ. Có
người còn khá trẻ so với ông. Qua câu chuyện trao đổi giữa họ với gia đình tôi,
tôi mới hay họ là những người đã từng cùng chiến đấu bên cạnh ông tôi trong
thời gian ông ở trong quân đội. Ôi, ông của tôi đã từng là một người lính. Một
người lính, danh từ thật tốt đẹp mà tôi đã biết. Ba tôi giải thích cho tôi nghe
những đoạn đời ông tôi đã trải qua, khi ông còn trẻ như ba tôi bây giờ. Ba tôi
kể cho tôi nghe như trò chuyện với một người lớn . Vâng, tôi lên mười, tôi đủ
hiểu hết mà!
Ông tôi nằm trên giường, trong phòng hồi sức. Khi mọi người được phép vào thăm,
ba tôi xin với y tá cho tôi được đến gần bên ông. Tôi rón rén bước tới. Ông tôi
còn phải thở bằng máy trợ hô hấp. Hơi thở của ông yếu ớt lắm. Ông trông khác
hẳn với con người hăng hái vui vẻ hàng ngày. Mái tóc của ông mới qua hai hôm mà
đã bạc thêm nhiều lắm. Đôi mắt ông nhắm nghiền. Qua vầng trán của ông, tôi hình
dung ra hình ảnh một thanh niên tuổi xuân phơi phới đang bước đều nhịp theo
điệu quân hành, giữa đoàn hùng binh oai dũng. Người thanh niên tốt nghiệp
trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, dấn thân vào những chiến trường gian khổ, nắng
sương nhuộm vai áo trận. Người thanh niên ấy chưa từng biết than thở, chưa từng
biết chùn chân. Cũng qua vầng trán của ông, tôi thấy một người trung niên đảm
đương trọng trách vừa nhà binh vừa dân sự ở những quận nghèo xứ Quảng, được sự
thương yêu và tin cậy của đồng đội và dân chúng. Cũng qua vầng trán của ông,
tôi thấy một người cầm súng chiến đấu đến giờ phút cuối cùng của cuộc chiến,
không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Người đó lặng lẽ đi vào những trại tù ở những
nơi núi cao, rừng sâu, suốt dọc từ nam ra bắc. Mười hai năm nhọc nhằn. Mười hai
năm bào mòn tuổi trẻ. Cũng qua vầng trán của ông, tôi thấy hình ảnh một người
cao tuổi đang dạy dỗ và truyền lại cho những người trẻ lòng tin và sự trung
thành đối với một quê hương. Ba tôi, người con trai út của ông, cũng như các
bác các cô của tôi, ai cũng dạy cho con cái họ nói, đọc và viết tiếng Việt. Tôi
mười tuổi, tôi hiểu mà!
Tôi rút từ trong cặp sách của tôi ra một vật và nhẹ đặt vào tay ông: lá cờ vàng
ba sọc đỏ mà ông đã giữ gìn và khoe với tôi đêm nọ, tôi đã xin ông cho tôi được
giữ. Tôi ước ao ông tôi có được cái điều mà ông gọi là “hạnh phúc”, thứ hạnh
phúc ông tôi thèm được có như ông cụ John và con trai của ông ấy. Hai cha con
họ đã đường hoàng treo lá cờ trên cột cờ trong sân nhà họ, trên mảnh đất của
họ, có thể ngẩng mặt giơ tay chào lá cờ đất nước của họ một cách hiên ngang.
Ông ơi! Ông sẽ cùng ba của con, và còn có con nữa, thằng cháu cưng của ông đây,
treo lá cờ vàng này trên quê nhà của ông, của chúng con, nhé ông! Ông can đảm,
ông dẻo dai như cây Thu-già trước nhà mình nhé ông! Ước mơ của ông chưa đạt
được, vậy xin ông hãy mở mắt. Xin ông hãy tỉnh dậy! Ông ơi! Ông ơi!...
CamLi Nguyễn Thị Mỹ Thanh