Chuyện Dài Dài Ngành Thẩm Mỹ: Nón Lá Che Nghiêng Mặt...
Trương Ngọc Bảo Xuân
Tuấn hỏi khơi khơi:
- Có ai biết chuyện lạ này từ Ấn Độ không"
Không đợi ai trả lời, Tuấn nói luôn:
- Người ta mới cứu mạng một em bé gái, chuyện này có liên quan tới chúng ta đấy các anh chị em ơi.
Chị Ngà thủng thỉnh nhìn ra ngoài trời hiu quạnh, hỏi lơ là:
- Chuyện gì mà từ Ấn Độ lại có liên quan tới mình vậy, hoàng tử internet.
Thanh nói:
- Chắc cũng là ba cái chuyện tiếu lâm chớ gì" mấy ông vô internet là chuyên môn mở mấy cái chương trình có chuyện tiếu lâm, chuyện bậy bạ, hình ảnh gái đẹp này nọ ra coi rồi kể cho nhau nghe rồi cười hô hố chớ gì. Nếu chuyện tiếu lâm tục tiểu thì đừng có kể ra nghe ông.
Thu cười hì hì:
- Thôi, cho xin, đừng có làm bộ, hổng phải lúc trước bà khoái nghe ba cái chuyện tiếu lâm sao"
Thanh quay qua Thu, nạt:
- Hứ. Suy bụng ta ra bụng người. Bà mới là người ưa chuyện tiếu lâm. Đợi ai kể là cười hả họng híp mắt. Hứ. Còn ông Tuấn này, chuyện gì nói đại ra đi, làm màu kéo dài câu giờ vậy ông.
Tuấn nói:
- Chuyện gì thời cũng phải rao như rao hàng, mới gây sự chú ý của người chứ.
Thanh cười:
- Thì nãy giờ rao đủ rồi, kể đi cha nội.
Tuấn tới bàn lật cuốn sổ hẹn giờ của khách ra coi, vừa coi vừa nói:
- À, chiều nay tôi có đến những ba người khách, mà khách nhuộm tóc, sao thế" ai lấy hẹn thế, ác quá, chắc chắn hôm nay tôi phải làm đến tối mới xong. Phải cô Sương trả thù tôi chuyện hôm trước không"
Chị Ngà nói:
- Tui đó. Tui hẹn khách đó. Tuấn nói Tuấn làm như chơi mà. Ba cái đầu một cái uốn trước nhuộm sau, Láng làm tiếp cho còn hai cái kia Tuấn chỉ highlight thôi, lẹ mà.
Thanh nói:
- Được rồi được rồi. Kể chuyện Ấn Độ đi, khách gần vô rồi.
Tuấn hắng giọng:
- Ừm. Bên xứ Ấn Độ có cô bé nhà kia ở quê, rất nghèo. Gia đình không hiểu tại sao cô cứ than đau bụng. Khi cô lớn lớn một chút bác sĩ rọi kiếng nói không tìm thấy gì và cũng không biết cô bịnh gì. Thế là người ta bảo có lẻ cô không hạp với loại thức ăn nào đó. Cứ như thế mấy năm trôi qua, cho đến lúc đau quá cô không thể ăn uống gì được, tối ngày cứ ôm bụng, người càng ngày càng khô héo, bụng thì phình ra như người ăn no.
Chuyện đến tai một ông bác sĩ ở bịnh viện lớn, cô được ông bảo trợ cho ra thành phố để tìm hiểu bịnh lạ và điều trị. Sau khi người ta chụp hình cho cô, phát hiện ra bao tử của cô đầy nhóc vật gì đấy. Không còn cách nào khác, họ quyết định phải giải phẫu. Khi mổ cái bao tử của cô ra thì ối giời ơi, TÓC. Trong ấy toàn là tóc. Tóc này đã quấn lại, bện lại, phải là từ nhiều năm, kết với nhau ôm tròn theo hình dạng của bao tử, vì vậy mà rọi kiếng không thể thấy gì lạ, tóc trở thành như cái bao tử, đầy nhóc, đến độ không còn một chỗ nào cho thức ăn lọt vô.
Khi tìm hiểu sâu hơn nữa, người ta mới khám phá nguyên nhân và bịnh của cô. Chẳng là thế này, cô bé có mái tóc thật dài, từ bé cô có thói quen nắm chéo tóc ra gặm. Cô gặm, nhai đuôi tóc và nuốt tóc luôn vô bụng. Tóc không thể tiêu hoá, cứ đọng lại trong bao tử. Càng ngày tóc càng nhiều, đan quấn lại với nhau, vì vậy mà chụp quang tuyến không thể thấy được, họ tưởng đó chỉ là thành của bao tử mà thôi. Khi mổ lấy ra, là một bọc tóc hình dạng y như cái bao tử. Lạ chưa.
Thanh nhăn mặt:
- Trời. Chuyện lạ thiệt đó nghe. Hồi nhỏ nghe Má tui dặn hoài ăn uống ngoài đường ngoài sá phải coi chừng họ rớt tóc vô đồ ăn, mình nuốt tóc vô bụng sẽ bị quấn ruột mà đứt ruột chết, chưa từng nghe ai nói vụ tóc đọng lại trong bao tử hết á.
Chị Ngà chắt luỡi, nói:
- Chắc tại vì nhà nghèo, đói bụng không có gì ăn, nhai nhai tóc rồi nuốt luôn. Tội nghiệp quá. Đa số dân Ấn Độ nghèo lắm.
Nghe tới đây, Sương ứa nước mắt. Nàng nhớ tới quê nhà, những ngày đói khổ, những ngày cha thì bị tù đày, mẹ ôm bọc đồ bán chui, hai chân khẳng khiu chực chạy khi bị nhân viên chính quyền đuổi xô, mấy chị em nàng có gì mà ăn" mỗi chiều, có khi tới tối, đợi mẹ đem mớ gạo về trộn bo bo nấu cháo, mấy mẹ con húp cháo cho đở đói mà thôi. Có người còn đói tới độ đã bẻ lá lợp nhà mà nhai.
Sống ngoắc ngoải như thế đó, ngày này qua ngày khác, thời gian lâu lắm, Sương hiểu chữ đói nghĩa là gì mà. Nàng thấy tội nghiệp cho cô bé Ân Độ ấy quá. Nàng hỏi Tuấn:
- Rồi cổ còn sống hôn anh Tuấn"
Tuấn cười xòa, chọc:
- Ối giời ơi cô Sương, sao cô tình cảm thế. Nghe chuyện mà cũng sa nước mắt thế kia, sao mà lắm nước mắt thế" Cô ấy còn sống chứ. Sau khi lấy cái bọc tóc ấy ra, bao tử cô trống rổng, cô phải bắt đầu luyện bao tử lại bằng cách ăn rất ít, mẹ cô cắt mái tóc cô thật là ngắn, ngắn để cô không thể nào kéo đuôi tóc cho vào mồm nữa.
Láng nói:
- Nhớ hồi nhỏ tui cũng hay kéo đuôi tóc nhưng không có nhai tóc đâu.
Chị Ngà cười cười:
- Tui cũng vậy, khi nào gặp con trai thì kéo tóc che mặt.
Khải rống lên:
- Còn cái nón lá nữa, kéo vành nón che ngiêng ngiêng làm dáng...
Vinh nói:
- Thôi anh Khải ơi, còn đâu nữa nét thẹn thùng con gái khi xưa, thời bây giờ con gái gặp con trai thì ngó ngay mặt, còn con trai thì sợ quá ngó lơ qua chỗ khác, phải không mấy anh". Ở Mỹ đừng đụng tới đàn bà, ở Mỹ phái nữ là số một, nhớ cho đó. Ờ, hổng biết chuyện này có xảy ra tại Mỹ hông" cũng có người nghèo lang thang không nhà cửa...
Tuấn nói:
- Đừng lo bò trắng răng. Ở đây thức ăn thừa mứa, dù có nghèo cách gì đi nữa cũng chẳng ai kéo tóc mà nuốt đâu, đừng mong có chuyện như vậy xảy ra, cô bé ăn tóc Ấn Độ chắc chắn sẽ được ghi danh trong sổ Kỷ Lục Chuyện Lạ Thế Giới đó./.
Trương Ngọc Bảo Xuân