- Có mắt không dám nhìn ai, có miệng không dám thốt nên lời, đó là hậu quả do khổ cực mà ra. Thiệt là đau đớn!
Mục nhìn vào mắt mẹ, ôn tồn đáp:
- Có nhiều việc xảy đến cho con người, thế tất phải chịu. Không nên gượng gạo ngược lại chuyển biến của giòng đời. Huống chi con đang trong lứa tuổi thanh xuân, thì sao biết được tương lai hồng hay héo"
Rồi mạnh dạn nói:
- Mình tuy nghèo, nhưng làm việc gì cũng làm một cách đàng hoàng, minh bạch, thì cho dù thiên hạ có rẽ khinh, cũng không mất phần nhân cách.
Ngày nọ, trời sắp hết đông, Mục được họ Khương kêu tới dọn dẹp sân vườn để chuẩn bị cho mùa xuân đang tới. Lúc sửa soạn ra đi, mẹ có dặn rằng:
- Họ Khương ở làng ta nổi tiếng giàu có lại dư thừa nhân nghĩa, nên khi đến đó con phải chú tâm gìn giữ tư cách của mình. Chớ đừng vì một chút dục vọng tham lam, mà… lề cũng tan tành bay theo giấy!
Mục gật đầu vâng dạ, đã vậy lúc quảy bị ra đi, còn níu lấy tay mẹ. Tha thiết nói:
- Người vì tiền mà chết. Chim vì mồi mà chết. Nay con chỉ mở mắt với tiền lương của con, mà nhắm mắt với tiền tươi ở ngoài - thì nỗi lo của mẹ yêu - sẽ… mất xác từ trong trứng nước.
Lúc đến nhà họ Khương, Mục được giao cho một góc của nhà kho để làm nơi ngủ nghỉ. Ngặt một nỗi thời tiết đổi thay, nên đã sang xuân mà tiết trời se lạnh, khiến quần áo mang theo, không đủ phủ che cho người thêm ấm áp.
Chiều nọ, sau khi cơm nước xong, Mục vơ vội vài cành củi khô, rồi đốt lửa lên mà sưởi, trong bụng nghĩ thầm: "Ta chịu cực nơi đây, là để có tiền lo cho mẹ lúc tuổi già bóng xế, nên dẫu có rét lạnh căm căm, hay nóng tràn như đổ lửa, cũng vui lòng cam chịu. Chớ một chút vất vả này, còn không chịu được, thì ít nữa có vợ rồi. Chịu được hay sao"". Đoạn bỏ thêm củi vào trong đống lửa. Lẩm bẩm nói:
- Ta còn trẻ, tương lai còn dài. Hưởng thụ còn chờ thôi vô số, nên phải giữ lấy sức khỏe của mình. Chớ không thể vì khổ cực giăng giăng, mà tinh thần suy thoái!
Rồi miên man đắm chìm trong suy nghĩ, bất chợt có tiếng nói:
- Ngồi bên đống lửa mà co ro kiểu này, thì không cần chấm số Tử vi, cũng biết khí hàn đang xông tới.
Mục giật mình quay lại, thời thấy hai thiếu nữ đang đứng ở cửa nhìn vào, bèn thảng thốt nói:
- Trai đơn gái chiếc e thiên hạ xì xào. Có đường đột quá chăng"
Thiếu nữ trang phục áo màu thiên thanh, cười to đáp:
- Bên ta hai người. Bên đó chỉ có một. Chắc làm gì được nhau" Hà cớ chi lại lo nhiều đến thế"
Mục sượng sùng nói:
- Lời mẹ dặn cứ vang vang trong tâm tưởng, khiến tiểu sinh không kịp nghĩ suy, nên lỡ lời thất thố.
Đoạn, cúi đầu nhìn xuống đất, nên không thấy hai thiếu nữ đưa mắt nhìn nhau. Cô mặc áo màu thiên thanh nhỏ giọng nói:
- Lời mẹ mà nhớ như vậy, thì lời vợ còn kính cẩn tới đâu. Thiệt là quá đã.
Rồi cao hứng nói:
- Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân. Người thanh niên này chỉ cần đầu tư khoảng ba trăm, thì dẫu có ảnh đế ảnh vương cũng khó bề so sánh.
Cô kia cười cười hỏi:
- Làm sao ngươi biết"
Đáp:
- Mắt sáng, mặt chữ điền, vai nở rộng, cuồn cuộn bắp thịt tay chân. Nếu muốn… xấu thì thiệt khó hơn lên trời đó vậy.
Qua ngày mai, lúc Mục đang lui cui dọn dẹp, bỗng có người con gái bước vô, tay cầm bịch áo quần. Khoan thai nói:
- Trời lạnh mà công tử mặc không đủ ấm thời sẽ bị ho, mà một khi bị họ thì khó lòng mà ngủ được, mà một khi không ngủ được thì sức khỏe suy vi, mà sức khỏe suy vi thì làm sao mà lấy vợ, mà một khi không có vợ thì lúc bệnh hoạn ốm đau. Ai người lo thang thuốc"
Đoạn, đặt bịch quần áo lên chõng tre, thủng thẳng nói rằng:
- Tiểu thư tôi gởi một ít quần áo làm quà, những mong công tử vui lòng đón nhận. Chớ đừng gạt bỏ sang bên, kẻo nỗi bi ai không thể nào ngăn được…
Mục như trên trời rơi xuống. Lắp bắp nói:
- Tên chưa biết. Mặt chưa quen, mà xớn xác nhận quà. Có bậy quá chăng"
Cô gái từ tốn đáp:
- Kiếp này chưa quen nhưng… kiếp trước đã quen, thì sao lại ngại ngần cho tình kia bít lối"
Mục nghe vậy, trong lòng bớt sợ, toan đưa tay nhận lấy gói đồ, bất chợt nhớ đến lời mẹ dặn lúc ra đi, bèn ngúc ngoắc nói:
- Một khi tay đã nhúng chàm, thì cho dẫu có ăn năn, chàm nào rửa sạch" Tui chỉ sợ khi dính chấu rồi, thời trong lòng thấp thỏm không yên, chừng lúc đó mới chằng ăn trăn quấn!
Rồi cúi đầu xuống đất mà thở. Cô gái thấy vậy, mới nhỏ giọng nói:
- Người ta là phận gái, còn chưa biết sợ. Công tử là hảo hán đại trượng phu, mà chỉ mấy bộ đồ còn không dám nhận, thì mai này đặt bước vào chốn công nha. Mần răng dám… xiết"
Đoạn, quay mình bước đi một nước. Mấy ngày sau, lại ôm một túi đồ khá lớn mà nói rằng:
- Dẫu trời đã sang xuân nhưng cái lạnh vẫn còn lưu trú. Tiểu thư hiểu vậy, nên sai tôi mang mớ chăn nệm này - những mong giúp công tử bớt đi phần hiu quạnh - cũng như cái giường được ấm hơn, hầu có thêm sức khỏe đặng mai này tính tới.
Mục hết nhìn người, lại đảo mắt vào túi đồ khá bự, rồi hơ hãi nói:
- Dòng họ nhà tui ba đời đều cày sâu cuốc bẫm, làm bạn với liềm rựa muối mè với lại mo cau, thì sao lại cứ gọi tui là công tử. Chẳng bậy lắm ư"
Cô gái nghiêm mặt đáp:
- Con gái một bước lên bà. Con trai một phát lên cậu. Chuyện đó thế gian này chẳng hiếm. Nay cho dù gia cảnh của công tử không được ngon, nhưng khi dính chấu với nhau rồi, thì bọn nô tài dĩ nhiên phải hết mực cung kính, nhưng bây giờ chuyện chưa rõ ràng, nên đành gọi công tử thôi. Chớ ít nữa không biết phải xưng hô làm sao cho đúng!
Mục! Không nhận thì dỡ, mà nhận thì cũng chẳng hay, nên đực mặt ra mà suy nghĩ. Mãi một lúc sau mới ấp úng nói:
- Nhận quà mà không một lời cám ơn là thiếu lễ. Người ta nghĩ tới mình mà mình vẫn lặng yên là thiếu nghĩa. Không biết tận dụng cơ hội trời cho để gần gũi với người ta là thiếu trí. Nhận quà của người ta mà lại tưởng đến người khác là thiếu trung. Không phân biệt được tấm chân tình của người ta để hồi báo cho đúng là thiếu tín. Tui tuy là hàng dân giả, ít học chữ Thánh hiền, nhưng cũng hiểu nam tử đại trượng phu, không thể… thiếu tùm lum như thế!
Rồi nắm chặt đôi bàn tay lại, mạnh dạn nói:
- Tui muốn viết vài hàng cho tiểu thư của cô. Có đặng hay chăng"
Cô gái hớn hở đáp:
- Bất kể lứa tuổi nào, tóc bạc hay còn xanh, mà nghe tới thư tình, thì bảo đảm hồn vía vụt lên mây, tha hồ sung sướng.
Mục nghe vậy, lòng yên được hơn nữa, bèn chạy tới đầu giường, lôi ra một cây bút chì và tập giấy vấn thuốc rê. Cắm cúi viết: " Từ ngày khôn lớn đến nay, tiểu sinh thường không lo lắng bởi chẳng có ai ràng ai buộc, nên tự tại an nhiên, đưa tiền cho má. Nhưng đến hôm nay, tấm lòng ấm áp của tiểu thư đã để lại trong tâm khảm của tiểu sinh nhiều điều trái ngược. Lớp thì mong gặp, lớp sợ bị chê, lớp lo bản thân không đáp ứng được lòng kỳ vọng của tiểu thư thì thiệt là không phải, nên hôm nay bấm gan mượn giòng chữ này, để trước là cám ơn, sau mong nối kết một nhịp cầu thông cảm. Thú thiệt với tiểu thư. Từ nào tới giờ, tiểu sinh không bao giờ tin, là: Bất luận việc gì xảy ra cho đời một con người, cũng có ông Trời ở trỏng, nhưng đến khi bất ngờ nhận được tấm chân tình của tiểu thư, mới quyết tin có Bà có Cậu. Tiểu sinh lại nghĩ rằng: Tiểu thư lòng dạ thương người, theo kiểu thi ân bất cầu báo, nên món ân tình lỡ nhận mà không trả chắc cũng chẳng sao, thành thử cứ mở lòng ra mà đón nhận, với ước mong được hội ngộ cùng nhau. Cho dẫu trước bàn thờ gia tiên không cùng nhau bái lạy, thì tự chốn thâm tâm tiểu sinh nguyện bái lạy trong lòng, để những ngày nơi trú tạm này đây, thấy hồn thêm ấm áp… ".
Nay nói về Quách Khương, là người từng trãi, thường làm chung với Mục ở vườn sau. Ngày nọ, Khương đến bên Mục mà nói rằng :
- Cuốc hờ hững. Tưới vu vơ. Hạt gieo ra ngoài hết cả, thì cho dù không phải là bác sĩ kỹ sư, cũng biết tâm hồn đang bối rối!
Đoạn, nhìn thẳng vào mắt Mục mà nói rằng:
- Tâm bệnh. Muốn hết thì phải thốt. Cầm bằng không thốt thì bệnh sẽ nặng hơn, thêm bao tử mỗi ngày đau mỗi tới.
Rồi nhướng mắt lên mà thúc giục. Mục thấy vậy, mới yếu ớt hỏi:
- Lấy vợ nghèo như mình, và lấy vợ giàu hơn mình. Khác nhau làm sao"
Khương lẹ miệng đáp:
- Con chim dù ở trong lồng son, vẫn nuối tiếc khung trời cũ, mà một khi nuối tiếc trỗi dậy trong lòng, thì cho dù có chả phượng nem công, cũng… xếp hàng bay biến!
Đoạn, ngừng một chút để thở, rồi quyết liệt nói:
- Lấy vợ giàu hơn mình, mà mong gia đình vợ nể phục tin yêu, thì cũng giống như muốn… bắt mặt trăng dưới đáy hồ trong vắt!