Vì sao trí thức và nhà giàu lại chủ hoà"
Trong dịp lễ Chiến sĩ Trận vong vừa qua tại Hoa Kỳ, chúng ta có chứng kiến một chuyện hơi lạ.
Đó là đa số các cựu chiến binh đều thuộc thành phần bình dân, từ các gia đình lao động hoặc có lợi tức thấp. Với tinh thần miệt thị hay hời hợt, người ta có thể gọi đó là dân "Mỹ ruộng". Thật ra, họ là thành phần tiêu biểu cho nước Mỹ thâm sâu đơn giản, có lập trường khá dứt khoát với chuyện chiến hoà. Họ chủ trương sử dụng sức mạnh và đa số chủ chiến, sẵn sàng tòng quân ra trận. Chiều hướng ấy đã được thấy từ khá lâu, kể cả trong thời chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến có kết quả nhục nhã cho các cựu chiến binh. Và càng thấy rõ trong thời chiến tranh Iraq ngày nay.
Chuyện hơi lạ thứ nhì là hôm sau, một cựu chiến binh và đương kim Nghị sĩ đang tranh cử Tổng thống là John McCain đã bị một số người phản chiến phản đối khi ông đọc diễn văn vận động.
Thành phần chủ hòa hay phản chiến này thường là những người trẻ, có học, có đầu óc hay lý luận tinh vi hơn đám "Mỹ ruộng" chủ chiến. (Cần nói thêm rằng ta ít thấy người chủ chiến phá rối các cuộc vận động chính trị của đảng Dân Chủ hay thành phần chủ hoà.) Đằng sau các "cán bộ phản chiến" - những tay activists khá trẻ - là sự ủng hộ của các tài phiệt hay tỷ phú cầm đầu nhiều doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ. Georges Soros không là người duy nhất. Và cổ võ cho lập trường đó là giới trí thức trong đại học, truyền thông, và đa số nghệ sĩ của Hollywood .
Hai sự kiện rất bên lề đó phản ảnh một trào lưu có ý nghĩa trong cuộc tranh cử tổng thống tại Mỹ:
Nghị sĩ John McCain được sự ủng hộ rất mạnh của xu hướng bảo thủ về an ninh (chủ chiến vì lý do chiến lược). Nghị sĩ Hillary Clinton cũng được thành phần lao động và ít học ủng hộ; đa số lại có lập trường diều hâu và tán đồng quan điểm khá cứng rắn của bà về mặt đối ngoại. Còn lại, Nghị sĩ Barack Obama được hậu thuẫn của các tỷ phú, tài phiệt, giới nghệ sĩ, trí thức - và đa số truyền thông thiên tả - cùng các thành phần sinh viên trẻ.
Nếu nhìn lại từ một viễn cảnh xa hơn và không bị chi phối bởi những thiện cảm hay ác cảm dễ có với từng ứng viên, ta có thể thấy ra nhiều quy luật sâu xa trong xã hội. Những quy luật này thật ra cũng áp dụng cho cả Âu châu: đa số dân chúng Âu châu thiên về đảng Dân Chủ hơn là đảng Cộng Hoà tại Mỹ. Và trong đảng Dân Chủ, đa số ủng hộ Obama hơn là Hillary.
Những quy luật ấy có thể tóm gọn trong phản ứng khác biệt của từng thành phần về sự sợ hãi - hay nỗi khát khao thịnh vượng.
Thứ nhất, con người ta, dù bất cứ ai, cũng bị chi phối bởi xuất xứ và nơi sinh sống của mình. Những yếu tố bàng bạc ấy dẫn tới phản ứng dễ hiểu là tinh thần liên đới hoặc đoàn kết trong một cộng đồng - địa phương hay dân tộc hay quốc gia. Chúng ta tin những người thân, người làng hay đồng hương, đồng bào hơn là những người "khác", hoặc những người ở xa hơn.
Chủ nghĩa Cộng sản và khắc tinh của nó là chủ nghĩa kinh tế tự do đã lầm tưởng rằng có những quy luật khác còn lớn mạnh hơn để chi phối hoặc áp đảo tinh thần liên đới ấy.
Chủ nghĩa Mác xít thì tin rằng giai cấp mới là yếu tố quyết định và sự đoàn kết giữa cùng một giai cấp trong các quốc gia sẽ dẫn tới tinh thần quốc tế, một xoá bỏ của tinh thần và chủ nghĩa quốc gia dân tộc. (Cho đến giờ này, người ta còn tranh luận xem Hồ Chí Minh là cán bộ quốc tế hay con người quốc gia và đa số trí thức Tây phương thì tin rằng Hồ là người quốc gia nhưng theo cộng sản như một phương tiện mà thôi!)
Ngược lại, tưởng như là một tư tưởng "chống cộng", chủ nghĩa kinh tế tự do hoặc tư bản thì cho rằng lòng tham, hay khát khao thịnh vượng và quy luật khách quan của thị trường cũng sẽ dẫn tới tinh thần quốc tế - gọi là toàn cầu hóa - và mặc nhiên cũng sẽ xoá bỏ chủ nghĩa quốc gia dân tộc.
Đâm ra, hai luồng tư tưởng cứ như đối nghịch thực ra lại đồng quy: cùng dẫn tới một lý luận rằng sự hận thù hay đấu tranh giai cấp (cộng sản), hoặc quy luật lời lãi về kinh tế (tư bản) sẽ phá vỡ các biên vực ngăn cách, từ một làng xã cho tới một quốc gia.
Lý luận ấy đã bị thực tế phủ nhận, ở hai nơi khá gần gũi với bạn đọc: 1) không dựa vào (lợi dụng) tinh thần quốc gia dân tộc, Cộng sản đã không thể thắng tại Việt Nam; 2) sau khi đã vận động tự do ngoại thương tới tối đa, tư bản Mỹ nay đang nói tới việc điều tiết lại thị trường bằng chế độ bảo hộ mậu dịch hầu bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ (lập trường của đa số đảng viên Dân chủ và đạo luật Canh nông Farm Bill 2007 vừa cho thấy điều ấy).
Chúng ta đang chứng kiến một sự thể chình ình trước mắt mà ít người nhận ra: tinh thần liên đới trong một cộng đồng, trong một quần thể (lớn là quốc gia hay nhỏ là địa phương) vẫn còn tồn tại. Và nó mặc nhiên chi phối phản ứng của chúng ta. Một minh diễn rất nhỏ của hiện tượng ấy là khi cộng đồng người Việt rỉ rai nhau là nên đoàn kết và đừng chia phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương, kẻo "họ" sẽ thắng. "Họ" ở đây có thể là cộng đồng gốc Latino hay dân Mỹ trắng, những người Mỹ có lẽ còn... Mỹ hơn chúng ta!
Khởi đầu vẫn là sự sợ hãi, tương tự như sự sợ hãi khi ta ở bên cạnh Trung Hoa, hay sợ hãi thế lực kinh tế của người Hoa ở nhà, hoặc các chủ chợ người Hoa ở tại Mỹ. Dân chúng Cam Bốt hay người Lào cũng nhìn chúng ta như vậy. Một sự sợ hãi bàng bạc, không minh nhiên mà cũng khó giải thích!
Nhìn rộng ra, một cộng đồng có thể được thành hình khi chia sẻ một nỗi lo chung, lớn nhất là nỗi lo bị ngoại xâm, và chiến tranh thường xảy ra không vì nhu cầu tranh giành quyền lợi kinh tế mà vì nỗi lo sợ đó. Lo sợ đến nỗi phải quyết định.. "tiên hạ thủ", đánh phủ đầu để trừ hậu hoạ!
Phản ứng với sự sợ hãi ấy thật ra khá phổ biến và đang chi phối cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ (xin kiên nhẫn, chúng ta sẽ trở lại lập trường chiến hoà sau khi nói rõ hơn về xã hội Mỹ!)
Trong sự tiến hoá của nhân loại từ mấy chục năm trở lại đây, chúng ta thấy xuất hiện một thành phần đã tách rời khỏi phản ứng liên đới và nỗi sợ những khác biệt. Đó là những "công dân của thế giới" đã thoát khỏi biên cương quốc gia - không nhất thiết là do hiện tượng "toàn cầu hoá".
Một thí dụ chói lọi mà không phải bất thường là ông Carlos Ghosn.
Sinh tại Brazil, ông ta là công dân Pháp đã có những văn bằng ưu tú nhất của Pháp, nhưng là người Pháp gốc Lebanon. Ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng quản trị CEO của hai công ty sản xuất xe hơi là Renault gốc Pháp và Nissan gốc Nhật. Hai công ty này thật ra là một tổ hợp sau khi được sát nhập vốn vào năm 2002.
Là một nhà quản trị đại tài, Carlos Ghosn có hai văn phòng và hai hồ sơ riêng cho hai hãng xe được sử dụng luân phiên tới chóng mặt. Trong hoàn cảnh ấy, đâu là hồ sơ riêng về căn tánh, sự liên đới hay tinh thần đoàn kết với một "cộng đồng gốc", Lebanon, Pháp hay Nhật" Với Carlos Ghosn, hỏi điều ấy là lạc quẻ. Ông ta là một thiểu số ưu tú đang sống trong một thế giới vô cương.
Những người như vậy, và giới tài chánh, ngân hàng, điều hành các tổ hợp đa quốc hay các tổ chức quốc tế, những nhân vật hàng năm vẫn dự Thượng đỉnh Kinh tế Thế giới WEF tại Davo bên Thụy sĩ, hoặc các tỷ phú Georges Soros hay Warren Buffet, suy nghĩ như những công dân quốc tế và thấy liên đới với nhau nhiều hơn là với gia đình hàng xóm, vốn cũng ở trong những khu vực an toàn và đắt tiền.
Và họ cùng chia sẻ một nhân sinh quan dễ hiểu: thế giới không nên có chiến tranh, vừa khó làm ăn vừa gây tai hoạ cho người khác.
Một thí dụ khác là các tài tử điện ảnh, những người vừa tham dự Đại hội Điện ảnh tại Cannes của Pháp. Họ sống trong một thế giới vô cương như thành phần ta gọi là WEF vừa nói ở trên. Thế giới của họ không phải là các biệt thự vĩ đại trong khu vực Beverly Hills gần Hollywood, mà là thế giới của nghệ thuật và nghệ thuật vốn không có biên giới, họ liên đới với nhau nhiều hơn là với cộng đồng còn lại, của địa phương hay tiểu bang, hay quốc gia.
Thành phần này, từ George Soros tới Barbra Streisand, là công dân quốc tế đã thoái khỏi nỗi sợ hại lẩm cẩm của những người còn phải bám lấy đất lấy sở để mà sống. Kinh tế có suy sụp, thuế khoá có tăng, băng đảng trộm cướp có hoành hành, họ vẫn không bị hề hấn. Ở trên thượng tầng về uy tín và tài sản, họ có thừa khả năng nói đến chuyện hy sinh để cứu giúp dân nghèo.
Một thành phần thứ ba trong giới "quý tộc quốc tế" ấy là trí thức, nhất là giới trí thức khoa bảng. Họ sống trong thế giới của các phạm trù trừu tượng và tin vào khả năng cảm hoá của tư tưởng nên dễ tách khỏi nỗi lo cơm áo hoặc bị mất việc của giới lao động. Vốn dĩ lạc quan và cực đoan tin tưởng vào sức mạnh của tư tưởng đại đồng, họ chủ hoà đến độ quá khích.
Và tất nhiên, các thành phần nói trên đều chống chiến tranh, chủ trương hoà giải qua đàm phán. Họ thực sự chống lại tinh thần quốc gia dân tộc "hẹp hòi" và những phản ứng chủ chiến vì họ không biết sợ. Chẳng phải vì lòng can đảm mà nhờ họ đã vượt qua mọi sự đe dọa như mất nhà mất việc hay mất đất. Nếu không thương thuyết với Việt Nam về việc khai thác dầu khí tại khu vực Trường Sa thì họ sẽ nói chuyện với Trung Quốc về cùng một giếng dầu đó. Xứ này có dại dột thi hành chánh sách kinh tế bất lợi thì họ chuyển tài sản qua đầu tư tại một xứ khác. Hà cớ chi lại gây hấn về những chuyện cỏn con như vậy"
Chúng ta bắt đầu nhìn xuống dưới, nhìn qua cõi khác.
Một quốc gia cần cù và thông minh như Israel lại không có đất lùi nên chẳng thể thử nghiệm một giải pháp hoà giải trong thế yếu. Là một ốc đảo dân chủ giữa một đại dương Á Rập Hồi giáo, với những lời hăm chết người, Israel bị mang tiếng là chủ chiến. Nguyên Tổng thống Jimmy Carter mới vừa tố cáo rằng họ đã có ít ra là 150 trái bom nguyên tử. Sống trong một hải đảo bát ngát là Hoa Kỳ, được bảo vệ vì cách ngỡ bởi hai đại dương, Carter có quan niệm khác với dân Do Thái về sự an toàn và sợ hãi.
Chứ nếu lãnh đạo Israel tính lầm như Carter đã tính lầm về Iran thì dân Do Thái sẽ ra biển.
Những thành phần lao động bình dân tại Mỹ cũng vậy.
Lạc quan lắm thì tài sản tiết kiệm của họ chỉ đủ sống trong sáu tháng và gia đình sẽ khốn đốn nếu gia trưởng mất việc. Con cái họ cũng sống trong một môi trường bất an và có đầy cám dỗ. Nỗi sợ hãi ấy khiến họ có lập trường bảo thủ - vì phải thủ thế - về rất nhiều vấn đề. Từ việc nguyện cầu tôn giáo tới quyền mang súng, và nhất là quyền bảo vệ quê hương và lãnh thổ. Thành phần này đi lễ nhà thờ nhiều hơn dân chúng tại các đô thị lớn và tòng quân đi lính cũng nhiều hơn những người khá giả.
Họ có những tính toán xuất phát từ nỗi âu lo hàng ngày, sự sợ hãi trước mối nguy chiến tranh và tinh thần bi quan về kết quả của ngoại giao, đàm phán. Họ chủ trương tự vệ bằng sức mạnh.
Nếu nhìn lại, ta thấy rằng một quốc gia, một cộng đồng hay một cá nhân, mỗi thành phần lại phản ứng một khác vì vị trí địa dư hay kinh tế của mình. Nhưng với từng cá nhân, thành phần thượng lưu có thể nhìn ra chân trời toàn cầu và những lý tưởng hướng thượng cho một tương lai rất xa vời, chứ thành phần bình dân phải nhìn vào những đe dọa trước mắt.
Bảo rằng toàn cầu hóa là trào lưu có lợi cho mọi người trong trường kỳ, họ sẽ trả lời là trong trường kỳ thì họ đã mất việc chục lần và con cái họ sẽ mất hy vọng leo lên tầng trên của xã hội thượng lưu!
Và họ bỏ phiếu căn cứ trên những tính toán đó. Điều ấy có thể giải thích ngược các lập trường tranh cử của ba Nghị sĩ Hillary Clinton, Barack Obama và John McCain (080527).