Trận động đất tại Tứ Xuyên Trung Quốc đã gây ra một thảm họa rất lớn. Sức mạnh địa chấn hôm thứ hai đo được 7.9 và liên tiếp trong hai ngày có hơn 30 hậu chấn từ 4 đến 6 điểm địa chấn kế, khiến số người chết trong riêng tỉnh Tứ Xuyên đã lên đến 15,000 người và còn tiếp tục lên nữa vì chưa tìm kiếm hết xác, trong khi 26,000 người còn bị chôn vùi dưới những đống gạch vụn ở một thị trấn sát bên Thành Đô. Đây là trận động đất lớn thứ hai ở Trung Quốc, sau trận địa chấn năm 1976 ở gần Bắc Kinh làm 300,000 người thiệt mạng. Thật ra động đất ở bên Tầu hơi hiếm so với những nơi khác ở Á châu, như Nhật Bản hay Indonesia ở Thái Bình Dương. Tứ Xuyên ở sát Tây Tạng bắc Hy Mã Lạp Sơn, thường được được coi là mái nhà của Trái Đất, điểm cao nhất và ở xa biển, vậy mà cũng bị bà Thần Đất hỏi thăm kể cũng là chuyện lạ. Theo các nhà địa chấn, đất ở vùng cao bị động gây ảnh hưởng rộng, hậu quả có thể còn lan đến Pakistan, Bắc Ấn, Miến Điện, Bắc Thái Lan và cả Bắc Việt Nam.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá lạ lùng, động đất Tứ Xuyên xẩy ra vào thời điểm chỉ còn 3 tháng nữa đến Thế Vận hội Bắc Kinh, một dịp các nhà cầm quyền coi rất quan trọng để biểu dương cho Thế giới thấy nước Tầu hiện đại đã phát triển và tiến bộ đến độ nào. Có thể động đất không ảnh hưởng đến tổ chức Thế vận, nhưng lúc này việc Trung Quốc đối phó ra sao với thiên tai mới xẩy ra cũng là điều đáng chú ý. Bắc Kinh có lẽ đã tiên liệu con mắt soi bói của thế giới nên Bộ Quốc phòng loan tin đã huy động 20,000 quân đội và cảnh sát trong khu vực thiên tai, và đưa thêm 30,000 nữa đến bằng phi cơ, xe lửa, xe vận tải và cả đi bộ đến dự phần tiếp cứu. Tình hình thật bi đát, khoảng 1,000 học sinh và thầy giáo đã chết ở một thị trấn vì một tòa nhà 6 tầng sập. Ở một thị trấn khác 900 học sinh cũng chết thảm, trong khi Cảnh sát khiêng tử thi các em ra ngoài đống gạch dân chúng đã thắp hương cầu nguyện và đốt pháo để xua đuổi tà ma theo tục lệ địa phương.
Bắc Kinh đã tuyên bố hoan nghênh sự viện trợ từ bên ngoài. Nga đã đưa một chuyến phi cơ đầu tiên chở nhân viên và phẩm vật cứu trợ đến vùng thiên tai. Có thể nhiều nước khác kể cả LHQ sẽ gửi người và phẩm vật đến cấp cứu. Nhưng theo lời Wang Zhenyao, Giám đốc Nha Cứu trợ Thiên tai trong Bộ Dân sự vụ Trung Quốc, những nhân viên cứu trợ từ ngoại quốc sẽ không được phép đến vùng thiên tai. Tứ Xuyên là một tỉnh giáp ranh Tây Tạng có nhiều dân gốc Tây Tạng sinh sống, nên đã từng xẩy ra những cuộc biểu tình từ hai tháng qua khi có phong trào phản đối Bắc Kinh xâm chiếm Tây Tạng. Họ đã bị Cảnh sát Trung Quốc đàn áp dữ dội. Đầu tuần này khi có tin Tứ Xuyên động đất, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Bắc Ấn đã ngỏ ý sẵn sàng làm lễ cầu nguyện cho các nạn nhân ở Tứ Xuyên. Lời tuyên bố của họ Wang khiến người ta hiểu Bắc Kinh sợ hãi cái gì nhất.
Phải chăng ở đây mấy chữ "thiên tai nhân tai cũng lại một vần"" Thiên tai là tai họa do thiên nhiên gây ra, còn nhân tai là tai họa do người gây ra. Thế nhưng tai họa do người gây ra lại lớn hơn rất nhiều. Động đất, núi lửa, bão lụt do thiên nhiên gây ra tuy thảm khốc đầy kịch tính nhưng vẫn hữu hạn trong thời gian. Tuy vậy thiên tai cũng có phần do chính con người gây ra, và còn lớn hơn trong một thời gian kéo dài vô hạn. Đó là nạn phá hoại môi sinh như đốt rừng, hoặc làm ô nhiễm bầu khí quyển vì xả khói ảnh hưởng đến vùng ozone trên thượng tầng không khí. Nhân tai dễ thấy nhất là nạn chiến tranh và sự tàn phá của nó. Tóm lại thiên tai nhân tai cùng một vần bởi vì nó phát sinh ra do sự tham lam và hận thù của con nguời với con người có khi kéo dài đến cả ngàn năm.
Chữ tham cũng không phải là nhỏ vì nó là gốc rễ của các nạn đế quốc, tham quyền làm bá chủ nhiều nước cũng như nạn độc tài cai trị ở một nước. Tham danh, tham ô, tham nhũng cũng từ đó mà ra. Và tệ hại hơn nữa, chính nó đang gây cản trở đến những sự cấp cứu do tình người, lòng nhân đạo quốc tế đem lại cho những vùng gặp tai họa. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Miến Điện đã gặp nạn bão lốc khủng khiếp nhất trong lịch sử từ hơn 10 ngày trước đây, nhưng trong suốt hơn một tuần bọn tướng lãnh cầm quyền độc tài nước này vẫn không chịu nhận sự tiếp tế từ bên ngoài, chỉ vì chúng không muốn thế giới nhìn thấy rõ cảnh khổ của người dân Miến, sợ làm lung lay đến chỗ ngồi của chúng. Phe quân phiệt ở Miến đã dùng vũ lực chiếm chính quyền từ năm 1962 và cai trị nước này bằng bàn tay sắt, diệt trừ mọi mầm mống đòi hỏi dân chủ và nhân quyền trong nước. Hiển nhiên bọn quân phiệt muốn giữ chỗ ngồi của chúng cho thật chắc với cái giá xương máu và nỗi thống khổ của toàn dân.
Cho đến đầu tuần này, nạn tử vong vì bão lốc ở Miến đã lên đến khoảng 100,000 người và hơn 1 triệu người không nhà. Trước những áp lực của dư luận quốc tế, cuối tuần qua phe quân phiệt bắt buộc phải nhận một chuyến phi cơ cấp cứu của Chương trình Thực phẩm Thế giới LHQ, nhưng chúng đã tịch thu luôn mọi thùng đồ tiếp tế, xé bỏ mọi dấu hiệu LHQ để dán vào đó tên của tướng Than Shwe lãnh tụ quân phiệt, rồi chúng đem đi tự tay phát cho dân. Sự thật người ta cũng không biết chúng đem đi đâu và bằng phương tiện nào vì vùng bị bão đánh nặng nhất lại là một vùng hiểm trở, giao thông khó khăn, cách thủ đô Rangoon khá xa. Đầu tuần này phe quân phiệt đã chịu nhận phi cơ tiếp tế của các nước, trong đó có chuyến phi cơ đầu tiên của Mỹ, mặc dù trước đó chúng cấm Mỹ đến. Nhưng mọi đồ tiếp tế vẫn do quân phiệt kiểm soát, không biết chúng đem đi đâu, phân phát ra sao.
Như vậy tiếp tế cho những nước độc tài độc đảng có ích gì" Chúng tôi muốn nhìn xa hơn những chuyện cá biệt để nghĩ đến toàn bộ đại cuộc chung của thời và thế. Các chế độ độc tài đang bị thời thế thúc bách phải mở cửa tiếp xúc với bên ngoài. Khi đã mở cửa vì bất cứ lý do nào, đó là cơ hội để người dân bị nhốt trong nhà giam kín có một cửa sổ nhìn ra bên ngoài. Các chế độ độc tài đang đi lần từng giai đoạn không thể tránh: khi đã mở cửa với bên ngoài, nhất là để giao thương làm giầu cho chế độ, trí tuệ người dân sẽ tăng trưởng. Và khi kiến thức người dân mở rộng, đó cũng là lúc bắt đầu của sự kết thúc. Cái khẩu hiệu thùng rỗng "muôn năm, muôn năm" đã hết thời.