Giữa muôn ngàn những huyền thoại thiêu đốt tâm can nhân loại trong thời gian hai ngàn năm qua ta không thể không kể đến những huyền thoại về sự mất tích một vương quốc mênh mông lớn hơn cả vùng bắc của Mỹ Châu và vùng Tiểu Á cộng lại có tên Atlantis do chính triết gia lừng danh của Hy Lạp cổ đại tên là Plato đề cập đến cách đây hơn hai ngàn năm về trước.
Trong thời gian hơn hai ngàn năm qua, các nhà khoa học, các nhà khảo cổ học, các nhà thám hiểm cũng như những nhà nghiên cứu dã sử đã không ngừng tìm tòi về những điều hư thực quanh câu chuyện của nhà triết gia cổ đại Plato trong mục đích tìm hiểu chân diện của vương quốc Atlantis.
Tuy nhiên, đến nay người ta vẫn không có những bằng chứng chính xác chứng tỏ sự hiện hữu của vương quốc mênh mông này. Mặc dù đã có những luận cứ cho rằng vương quốc này nằm trong phạm vi Địa Trung Hải nhưng cũng có những bằng cứ cho rằng vương quốc này trước đây từng nằm giữa Đại Tây Dương.
Kho tàng kiến thức của nhân loại ghi nhận cho đến nay đã có hơn 2000 tác phẩm cũng như công trình nghiên cứu khác nhau của khoa học gia, sử gia, nhà khảo cổ... về sự hiện hữu của vương quốc Atlantis. Nhưng ngày nay những tò mò, những thắc mắc, những nghiên cứu về vương quốc Atlantis vẫn ngày càng chồng chất và tiếp tục ám ảnh trong tâm trí của nhân loại.
Ai ai cũng băn khoăn và ngạc nhiên khi thấy phần đông những nhân vật được mô tả là minh triết và thông thái của thế giới Tây Phương lại dành quá nhiều thời gian tìm kiếm một thế giới huyền hoặc không biết là có hay là không. Và nếu như thế giới đó có có đi chăng nữa thì thế giới đó cũng đã chìm sâu trong biển cả như những lời kể của triết gia Plato.
Tuy nhiên nếu tìm hiểu một cách cặn kẽ những động cơ khác nhau của những khoa học gia chúng ta sẽ thấy bên cạnh việc tìm tòi nhằm minh chứng một huyền thoại trong quá khứ, những khoa học gia này còn có một tâm tưởng đi tìm một thế giới, hay nói đúng hơn là một nền văn mình từng thịnh vượng một thời trong quá khứ.
Theo như những sử liệu để lại thì chính triết gia Plato đã mô tả về vương quốc Atlantis như là một đế quốc hùng cường chiếm trọn một hòn đảo khổng lồ có diện tích tương đương một châu lục nằm bên ngoài The Pillars of Herules.
Căn cứ vào những truyền thuyết của Hy Lạp thì The Pillar of Hercules chính là địa danh của người Hy Lạp ám chỉ eo biển Gibranta. Và như vậy chúng ta có thể tin tưởng theo lời của Plato thì vương quốc Atlantis này nằm ngay trên biển Đại Tây Dương khoảng giữa của hai châu lục là Mỹ Châu và Âu Châu.
Cũng theo như lời của Plato thì trên hòn đảo có tên Atlantis này không những có một đế quốc mênh mông và hùng cường mà trên đó còn có không biết cơ man nào là vàng bạc và châu báu của thế giới cổ đại được tích lũy.Dựa vào những sử liệu của Hy Lạp cổ đại có từ ngàn xưa, ta nhận biết được toàn bộ những huyền thoại liên quan đến vương quốc Atlantis được chính thức đề cập đến lần đầu trong lịch sử nhân loại qua những công trình khảo cứu của chính triết gia Plato mang tên Plato's Dialogues.
Nhưng nếu nói một cách cụ thể và chính xác thì toàn bộ câu chuyện về vương quốc cũng như hòn đảo có tên Atlantis được chính thức đề cập đến trong hai đoạn đối thoại được ghi lại trong khoảng thời gian từ năm 350 trước Công Nguyên. Đoạn đối thoại thứ nhất nhan đề Timaeus và đoạn đối thoại thứ hai mang tên Critias.
Dựa vào những bằng chứng được ghi trong lịch sử Hy Lạp cổ đại thì đoạn đối thoại đầu tiên nhan đề Timaeus ghi những lời trò chuyện giữa thày dậy của Plato là triết gia Socrates cùng với ba đệ tử trong đó có Plato và Critias ở thời điểm năm 421 trước Công Nguyên.
Trong buổi trò chuyện hôm đó một đệ tử của Socrates tên là Critias có kể lại với thầy và những bạn học khác về một câu chuyện do chính ông của Critias, một chính trị gia nổi tiếng kiêm thi sĩ và đồng thời là một luật gia cừ khôi của Athen, tên là Solon kể lại. Theo lời kể của Critias thì trong chuyến viếng thăm Ai Cập, ông của Critias được hân hạnh trò chuyện với một giáo sĩ uyên bác tại thành phố Sais.
Giáo sĩ Ai Cập đã cho ông biết những tài liệu lịch sử của Ai Cập có đề cập đến một cuộc đại chiến trong thời lịch sử cổ đại giữa vương quốc hùng cường Athens với một "vương quốc cực kỳ thiện chiến nằm ngoài Đại Tây Dương có tên Atlantis". Cuộc chiến đã xảy ra vào khoảng năm 9600 trước Công Nguyên và vương quốc Atlantis đã tiến chiếm một cách nhanh chóng nhiều quốc gia tại Châu Âu.
Trong khi hàng loạt những quốc gia bị sụp đổ trước sức tiến công vũ bão của Atlantis thì chỉ có Hy Lạp là vương quốc duy nhất có đủ can đảm và khả năng đứng lên kháng chiến chống lại vó ngựa quân xâm lăng Atlantis một cách thành công. Sau đó, Hy Lạp đã giải phóng cho một loạt những quốc gia láng giềng trong vùng Địa Trung Hải. Tuy nhiên sau đó, những biến cố động đất cũng như lụt lội đã nhận chìm toàn bộ vương quốc Atlantis xuống đáy biển Đại Tây Dương.
Đó là toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện của thầy trò Socrates trong đó có lời kể của Critias được Plato ghi lại dưới nhan đề Timaeus. Trong một đoạn đối thoại kế tiếp nhan đề Critias, Plato có ghi lại một lần nữa những lời kể của Critias trong đó Critias miêu tả rõ hơn những chi tiết về vương quốc mang tên Atlantis.
Critias đã mô tả vương quốc Atlantis là một hòn đảo khổng lồ nằm ngoài Đại Tây Dương được bao bọc bởi một bờ biển với những vùng núi đá hiểm trở. Tuy nhiên bên trong của hòn đảo khổng lồ này là những vùng bình nguyên rộng lớn đất đai phì nhiêu, tươi tốt có đủ cây cối ăn trái quanh năm. Đời sống trên đảo không những văn minh tân kỳ mà còn có những biểu hiện tiên tiến của một nền khoa học cực kỳ hưng thịnh. Tại trung tâm của vương quốc là những đền đài cung điện nguy nga tráng lệ dấu vết vàng son của quyền lực và thịnh trị. Trên đảo Atlantis có một đền thờ duy nhất thờ phụng Thần Biển (Poseidon) là vị thần chuyên tuần tiễu đại dương và mang lại những an lành và thịnh vượng cho ngư phủ cũng như những thương thuyền đi lại trên biển cả. Trong đền thờ Thần Biển người ta chứng kiến những cảnh tượng nguy nga tráng lệ, sơn son thếp vàng và những đồ dùng tế tự được trang điểm lộng lẫy và cực kỳ tinh xảo bằng những thứ như vàng bạc, ngà voi hay những kim loại lóng lánh như có dấu vết lung linh của lửa...