Hà Nội Đổi Thay: Thực Hay Giả"
Tính đến nay CS Hà nội vào Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) mới tròm trèm một tháng nhưng có vẻ lăng xăng làm nhiều chuyện đổi thay. Xin nhấn mạnh chữ "chuyện" vì mới đổi thay trên giấy tờ chớ chưa thành hiện thực trên phương diện thực tiễn của cuộc sống.
Nhiều chuyện lắm kể cả kiếm chuyện và vẽ chuyện chưa cần làm. Chuyện ra quyết định dân sự hóa Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa; chuyện ra quyết định giải tư một số lớn quốc doanh; chuyện Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đi diện kiến Giáo Hoàng Công Giáo La Mã; chuyện Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN sẽ xét không cho đảng, quân đội, và mặt trận tổ quốc làm kinh tế trong đại hội sắp tới; chuyện phát hành sách trắng về Tôn giáo và chánh sách tôn giáo tại VN.
Trước nhứt không bi quan và quá khích đến đổi nhìn cái gì ở nước nhà VN do CS Hà nội thống trị cũng "bê bối". Ở đời trong cái rủi thường có cái may; mề đai nào cũng hai mặt. Nếu chế độ chánh trị của Hà nội độc tài đảng tri toàn diện thì bây giờ cũng phải bớt toàn diện được rồi. Cũng có phong trào các tôn giáo, trí thức dũng cảm đứng lên đấu tranh cho tự do tôn giáo, tự do dân quyền và nhân quyền cho người dân Việt coi lịnh lạc của Hà nội như không có, thời kỳ bất tuân hành dân sự đã thành hình bước đầu. Phong trào của người dân Việt bị cường hào ác bá đỏ cậy quyền thế tham nhũng, cưỡng đoạt ruộng đất, nhà cửa đứng lên đấu tranh trực diện và ôn hòa, từ Bắc chí Nam. Nếu Hà nội không mở cửa cho ngoại quốc vào đầu tư, còn bắt dân ăn theo sổ gạo, ở theo hộ khẩu, thì đừng nói chuyện người Việt đòi hỏi, đấu tranh, Công an và Bộ đội bắt cho đi tù cải tạo mọt gông, không còn một mống.
Dù CS Hà nội vẫn không coi dân Việt ra gì, nhưng CS trong bụng cũng sợ Mỹ, Trung Cộng, Pháp, Anh, Nhựt. Kinh tế bây giờ là lẽ sống còn của Hà nội sau khi những chiêu bài độc lập dân tộc, thống nhứt lãnh thổ, thiên đàng Cộng sản trở thành huyền thoại đổ vỡ khi đế quốc Liên xô CS đột quị và Hà nội trải thảm đỏ cho "Mỹ đi rồi Mỹ lại về". Hà nội phải dồn hơi tàn lực tận để tăng trưởng kinh tế với bất cứ giá nào, tuyên truyền làm cho "dân giàu nước mạnh" để làm thế chính thống công quyền. Xin nhấn mạnh chỉ "tăng trưởng" kinh tế, chớ không phải thực sự phát triển kinh tế. CS chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên không "phát triển" kinh tế được, không làm cho dân giàu được, mà chỉ là cho "nước mạnh" mà CS đồng hóa với chế độ cai trị là CS. Chế độ thêm nhiều phương tiện kiểm soát người dân và đảng cầm quyền là những người hưởng lợi lộc nhiều nhứt. Đảng viên trở thành "tư bản đỏ" nhưng nắm vốn, nắm phương tiện mà không sản xuất chỉ hưởng thụ nên xảy ra những những biến tướng cá độ đá banh một tháng hai triệu Đô la ở Hà nội và xây "phủ thờ" cho gia đình ở Cà mau mà cả ấp vô ở cũng còn dư chỗ.
Trong khi đó hai tệ nạn của thời tư bản sơ khai hoang dã xảy ra mạnh ở chế độ kinh tế thị trường di tướng là theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Người dân nông thôn bị nhà cầm quyền bỏ rơi vì kỹ nghệ tập trung ở thành thị. Hố sâu ngăn cách nghèo giàu giữa thành thị và nông thôn, giữa thiểu số thống trị cấu kết với ngoại nhân nắm tài nguyên quốc gia phương tiện sản xuất ngày càng sâu rộng. Cấu kết để bóc lột đó là nguyên nhân của bao nhiêu cuộc đấu tranh của người dân đòi nhà đất bị cướp đoạt, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc và bảo hộ lao động.
Thứ đến không quá lạc quan và dễ tin để nghĩ rằng Hà Nội sẽ "đổi mới" chánh trị theo chủ trương "chuyển hóa" (transformism) của TT Bush mà Ngoại Trường Condo Rice có lần diễn giải trong đường lối dân chủ hóa của Mỹ. Mỹ đã nương tay gỡ CPC cho CS Hà nội được rút tên khỏi sổ bìa đen nước cần được quan tâm đặc biệt do vi phạm tự do tôn giáo. Mỹ cấp PNTR để CS Hà nội được giao thương bình thường vĩnh viễn với Mỹ để Hà nội được hưởng những lợi ích và làm nghĩa vụ của hiệp ước WTO đối với Mỹ. Mỹ không có bạn muôn đời, thù muôn thuở, Mỹ chỉ có quyền lợi Mỹ là muôn năm thôi. Điều đó không có nghĩa là Hà nội được Mỹ buông lỏng về tôn giáo và nhân quyền.
Đằng sau những quyền lợi được trao đổi, ít nhiều Hà nội cũng có hứa hẹn chuyển hóa chánh trị. Nhưng bản chất của CS Hà nội khó mà thay đổi. Theo thói quen biến thành bản chất thứ hai, sau WTO người CS làm con thò lò hai mặt. Trên trên phương diện giấy tờ và ngoại giao CS "biểu diễn" nhiều thay đổi như những điều đã nói ở trên. Nhưng trên phương diện thực tiễn của cuộc sống, CS thực sự có những hành vi siết chặt tôn giáo, báo chí, những nhà đấu tranh dân chủ hơn vì CS biết tự do kinh tế muốn hay không muốn cũng lan qua tự do chánh trị.
Ai cũng biết từ việc ra pháp lịnh, đạo luật, nghị định, quyết định có tính pháp qui sang lãnh vực thi hành, cưỡng hành trong chế độ CS là một trời một vực. Phải có văn kiện hướng dẫn, chỉ thị thi hành, học tập "triển khai" thì mới được áp dụng. Đó là chưa nói đảng bộ địa phương, đảng đoàn của các "ban ngành đoàn thể" có thể không thi hành, sửa đổi, hay ngâm tôm, chiếu nguyên tắc "cấp ủy lãnh đạo". Chuyện lớn như dự thảo nghị quyết cấm đảng bô, đảng viên, quân đội, mặt trận làm kinh tế nói nghe cho "xôm tụ” chơi chơi, chớ "còn khuya" mới thực hiện được có bao giờ, đảng quyền và quân quyền chịu thua mấy anh "hành chánh sự nghiệp" của các cơ quan nhà nước. Việc bình thường hóa bang giao với Vatican Hà nội chỉ cần để chứng minh có tự do tôn giáo vơi quốc tế nhưng việc trả tài sản lại cho nhà chung, cho giáo hội tuyển và đào tạo chủng sinh, bổ nhiệm hàng giáo phẩm như chuyện nội bộ của giáo hội Công Giáo La Mã, CS sẽ kéo dài như hội đàm Paris. Chuyện dân sự hóa Nghĩa Trang Quân đội (Việt Nam Cộng Hòa), giao cho Ủy Ban tỉnh Bình Dương "quản lý" đừng tưởng bở, năm cơm bảy cháo, vào đôi ba cửa, đóng góp, đút lót nhiều thứ tiền người dân mới họa may vào trùng tu mồ mả được.
Dù biết Hà nội dàn dựng những hành động thay đổi biểu kiến nhưng không thực chất, người đấu tranh cho tư do, dân chủ, nhân quyền VN cũng không bi quan hay lạc quan, không khó tin hay dễ tin mà "dĩ bất biến ứng vạn biến" biểu kiến. Hành động thực tiễn và kiên trì theo con đường đấu tranh chánh trị của mình. Sử dụng gậy ông đập lưng ông. Chính những những thay đổi trên giấy tờ này của Hà nội sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để đấu tranh như những nhà đấu tranh cho tự do, tôn giáo và dân chủ đã thường làm, dựa vào hiến pháp bình phong dân chủ của CS Hà nội để biện mình cho mình, tranh luận với trước công an, và chứng tỏ cho đồng bào thấy CS lừa dối dân để vận động quần chúng tham gia bảo vệ quyến lợi bt khả tương nhượng của người dân. Hà nội cũng khó mà con mắt chánh quyền các nước vì bây giờ có tòa đại sứ, có tình báo đủ mọi ngành nghề ngụy trang, có báo chí ngoại quốc, chớ không như thời Hà nội đóng cửa rút cầu thời chiến nữa.
Sau cùng vào WTO Hà nội có lợi kinh tế, được tiếng trên trường ngoại giao và giao thương với nhiều nước trong tổ chức WTO. Nhưng về chánh trị hại nhiều hơn lợi. CS khó mà ngăn chận ánh sáng tự do, dân chủ, nhân quyền đi vào VN qua việc mở cửa cho WTO. Hà nội không thể không bị áp lực chánh trị trong kinh tế vì bản chất WTO là tự do kinh tế. Và kinh tế và chánh trị là môi với răng.