Một Cách Nhìn Lại 1975
Nguyễn Xuân Nghĩa
Việt Nam nằm trên tuyến đầu và bị rủi ro nhiều nhất...
Việc Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam thật ra đã trải qua nhiều mốc thời gian đáng chú ý là 1945, 1955, 1975 - và 1995 là khi nước Mỹ bang giao với chế độ Cộng sản mà chính Hoa Kỳ đòi ngăn chặn từ 1945 đến 1975.... Nhưng có lẽ chúng ta phải trở ngược lên xa xưa hơn. Như năm 1862 là khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông là Biên Hoà, Gia Định và Định Tường và cả Côn Đảo của Lục tỉnh Nam kỳ và Phan Thanh Giản phải ký hòa ước Nhâm Tuất. Hoặc khi Pháp tấn công tiếp ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên vào năm 1867 khiến Phan Thanh Giản phải trao thành rồi tự tử vào tháng Tám năm đó. Sau đấy, Pháp tấn công Bắc Kỳ rồi đặt chế độ thuộc địa trên nước ta từ Hiệp định Giáp Thân 1884, và ngày càng xiết chặt hơn sự kiểm soát của họ....
Chúng ta không quên Nam kỳ Lục tỉnh là đất mới của nước Đại Nam do các Chúa Nguyễn rất anh hùng đã mở mang trước đó. Thế rồi, khi tiến vào bán đảo Đông Dương từ miền Nam lên, thực tâm của Pháp là muốn tìm đường vào Trung Quốc và họ không chỉ tấn công nước Nam mà còn nhắm vào xứ Cao Miên hay Chân Lạp theo tên gọi cũ. Nếu Thực dân Pháp vào Nam Vang và thỏa thuận với Vương quốc Cao Miên là sẽ đòi ba tỉnh miền Tây của chúng ta trả lại cho họ để chấp nhận chế độ thuộc địa thì sau này miền Nam của ta còn lại những gì"
Cụ Phan Thanh Giản cứ bị Cộng sản tố cáo là bán nước, nhưng có khi chính là việc nhượng đất ấy lại giữ được sự toàn vẹn lãnh thổ cho Nam Kỳ Thuộc địa, Khi Pháp rút năm 1955, lãnh thổ ấy vẫn là của Quốc gia Việt Nam. Một nhà ái quốc và sáng suốt như Phan Thanh Giản có thể đã hiểu ra lẽ ấy. Cụ không thể lùi được thì phải cân nhắc chuyện lợi hại về dài và tự tử vì không giữ được thành, nhưng nước Nam không mất đất.
Bây giờ, nhìn lại chuyện nước Nam mà xem.
Những gì Cộng sản nhượng cho Trung Quốc thì bao giờ chúng ta đòi lại được"
Lý do là vì khác với Pháp ở xa và có ngày phải đi, Trung Quốc là cường quốc láng giềng đã từng cai trị Việt Nam cả ngàn năm và còn tiếp tục ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ ta gọi là độc lập. Ngày nay, sau khi Cộng sản nhượng đất, ta có thấy một ông đảng viên cao cấp nào của Hà Nội uống độc dược quyên sinh như cụ Phan không" Vì vậy, ta cần nhìn lại lịch sử nước nhà từ quan hệ gọi là Hoa-Việt và sự hiện diện của một cường quốc thứ ba, là Pháp hoặc Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ. Cường quốc thứ ba đó có thể cân bằng được thế lực quá mạnh của Trung Quốc, nhất là sau khi Mao Trạch Đông kiểm soát được Hoa Lục năm 1949.
Đây là một cách nhìn khác, có tính chất địa dư chiến lược hơn... Từ đó trở lại chuyện Mỹ-Việt, ta thấy Hoa Kỳ đã gặp một chuỗi mâu thuẫn kéo dài từ 1945 cho đến 1975, rồi từ 1995 cho tới ngày nay.
Trong thế chiến II, Hoa Kỳ cần đánh bại Phát xít Nhật khi ấy đang chiếm bán đảo Triều Tiên và một phần của Trung Quốc rồi bành trướng xuống Đông Nam Á - vào thời đó lại do các đế quốc thực dân của Âu Châu chi phối. Mâu thuẫn đầu tiên của Mỹ sau khi đánh bại Nhật Bản là bỏ rơi lực lượng Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch vào năm 1947, mặc nhiên cho Cộng sản Trung Hoa thắng thế.
Mâu thuẫn thứ hai là Chính quyền Roosevelt đề cao lý tưởng giải thực là muốn các nước thuộc địa Âu Châu chấm dứt chế độ thực dân và trao trả độc lập cho các thuộc địa, nhưng vẫn phải chiều lòng một đồng minh là nước Anh. Vì vậy, Anh mới giúp Pháp trở lại Đông Dương. Sau khi Rooselvelt tạ thế năm 1945, Tổng thống Truman lại gặp mâu thuẫn khác là muốn Pháp trả lại độc lập cho Đông Dương nhưng cũng cần Pháp bảo vệ tiền đồn của khối tự do trong cuộc Chiến tranh lạnh nên vừa giúp vừa chặn nước Pháp trong khi Mao Trạch Đông đã làm chủ Hoa lục năm 1949.
Đến thời Tổng thống Eisenhower cũng thế, Hoa Kỳ gặp mâu thuẫn là muốn Pháp ra khỏi Đông Dương mà cũng cần Pháp ủng hộ việc tái võ trang Đức đề cùng bảo vệ Âu Châu trong kế hoạch gọi là Cộng đồng Phòng thủ Âu Châu, Communauté Européenne de Défense (CED). Vì vậy mà Mỹ không dứt khoát trong trận Điện Biên Phủ do Trung Quốc thực hiện tại miền Bắc và gây hiềm khích rất nặng với Pháp - mà sau này miền Nam phải trả giá khi nơi hoà đàm lại là Paris, do Mỹ chọn!
Qua thời Tổng thống Kennedy, Hoa Kỳ chỉ gửi 16.000 cố vấn vào miền Nam để giúp Việt Nam Cộng Hoà xây dựng tiền đồn cho thế giới tự do. Nhưng Mỹ cũng lại gặp mâu thuẫn về mục tiêu khi muốn xây dựng dân chủ và phê phán Việt Nam Cộng Hoà từ giác độ dân chủ cao hay thấp dù khi đó miền Nam đã gặp chiến tranh và mới ra khỏi 70 năm của chế độ thuộc địa.