Chuyện Dài Dài Ngành Thẩm Mỹ: Cười Rung Rinh... Núi Lửa...
Trương Ngọc Bảo Xuân
Hôm nay cô Sương làm tóc cho người khách cũ của cô Láng. Cô Láng bị cảm nằm nhà mấy hôm rồi. Khi cô gọi điện thoại cho chị Ngà xin nghỉ một ngày, nghe cô vừa nói vừa ho sù sụ:
-Chị cho em nghỉ bữa nay nha…. Em bịnh cảm uống ba cái thuốc trụ sinh nó hành ngầy ngật trong mình quá trời… hổng uống thì hổng hết cứ trúng đi trúng lại hoài…
Chị Ngà rầy liền:
-Bịnh vậy ở nhà đi, chừng nào hết ho hả vô hông thôi bị khách chê đó nghe. Chị Ngà nói đúng. Bây giờ khách khó lắm, thợ nào mà bịnh bịnh vừa làm vừa ho là họ chê, đứng dậy bỏ đi liền đó. Thành ra, cô Láng nói thôi sẵn đây cho em nghỉ nguyên tuần luôn. Thế là mấy người thợ chia nhau lãnh hết khách quen của Láng.
Cô khách Sương làm hôm nay là một người Mỹ gốc Mễ. Nhưng nói cô là Mễ cô cự liền. Cô nói:
-Tôi là Latino chứ không phải Mexican.
Có lẽ cô muốn phân biệt cô sinh trên nước Mỹ chứ không phải là dân mới từ bên Mễ qua.
Đàn bà Mễ khi còn trẻ, đa số có khuôn mặt rất đẹp. Mái tóc dầy, chân mày rậm, vô wax thường xuyên, bàn tay cũng thường xuyên xài móng giả, thỉnh thoảng vô làm facial. Nhưng khi họ qua tuổi hăm lăm ba mươi trở lên thì hởi ơi, đa số họ bị nở bề ngang. Hể bề ngang nở ra thì làm như bề cao bị rút ngắn lại.
Cô khách này làm việc trong văn phòng nên thường diện áo đầm mang giày cao gót. Cô sợ mập lắm. Lúc nào gặp cũng nghe cô nói về những chương trình cữ kiêng. Hình như cô đã theo rất nhiều chương trình. Cữ bằng thuốc, cữ bằng thức ăn mua theo đường bưu điện thức ăn giao tận nhà mỗi tháng. Nhiều kiểu nhiều cách, trừ một. Đó là, thể dục thể thao.
Khi chị Ngà hỏi sao cô không đi tập thể dục, có hiệu quả hơn nếu đi kèm với kiêng cữ thức ăn thì cô than:
-Tôi làm việc toàn thời gian, về đến nhà thì đã mệt rồi, còn hơi sức đâu nữa mà đi tập thể dục.
Rồi cô trề môi nói thêm:
-Tôi đâu phải như cái đám tháng tháng lãnh check xã hội rồi đi làm móng tay rồi vô câu lạc bộ tập thể dục. Thuế thì không đóng một đô la nào. Cái đám qua lậu từ bên Mễ, sinh con cả dọc rồi ăn welfare đấy. Tôi làm hồ sơ cho họ tôi biết rõ.
Trong tiệm chắc chắn ai cũng thầm nghĩ (ủa! cổ người Mễ mà cổ nói xấu người Mễ dữ vậy ta" ủa, mà nhân viên làm về việc đó có được quyền nói vậy không hà" Mà nếu không có những người ấy thì cô còn việc làm không") Ối thôi chuyện rắc rối của xã hội.
Góp vào chuyện cữ kiêng là cô Năm Danh. Kim đang uốn tóc cho cô. Từ bàn bên kia cô nói vói qua:
-Con Xì nầy nói chuyện chảnh bỏ bà! Hứ. Sanh ở đây hay sanh ở Mễ rồi qua đây cũng cùng giống dòng. Khinh khi người ta. Hứ. Con này không biết câu tục ngữ của mình là:
"Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy không một giống nhưng chung một dàn" đó.
Mấy cô nghe nè, coi chừng cữ ăn quá, tới chừng thèm món gì thì ăn dữ tợn xả dàn hơn ai đấy nhá. Như tôi đây, cũng đang ăn cữ, nhưng hôm trước thèm lạp xưởng muốn chết, tôi đã chạy ra chợ mua liền gói lạp xưởng loại mặn còn lựa thứ nhìn thấy có mỡ hạt lựu chạy về vặn lửa lên hơ qua hơ lại vàng lớp bọc bên ngoài hơi cháy cháy thơm bể nhà cầm ra cắn ăn ngon lành. Ăn luôn nguyên hai cặp. Xong leo lên cân cây cân cho hay mới tăng lên ba ký lô! hối hận quá xá nhưng hôm đó ngủ một giấc tới sáng! Hò Hò Hò…
Cả tiệm cùng cười với cô Danh. Hò hò hò…
Cô khách Mễ thấy cười quá thắc mắc hỏi mấy người cười chuyện gì, nghe Sương dịch xong, cô cũng cười rung rinh bộ ngực núi lửa luôn. Có phải cũng trúng ý cô không" Có phải cô cũng đã từng thèm quá quất luôn một lúc nửa lố bánh burrito không"
Chị Ngà nói:
-Ừa. Cữ đi, cứ việc cữ. Món gì cũng cữ, tới chừng thèm quá thì ăn còn hơn người ta nữa. Làm sao xuống cân"
Cô Danh nói:
-Ăn uống cữ kiêng khó lắm mấy người ơi. Cứ như tôi bây giờ, làm phần ăn ít hơn phân nữa, thét rồi bao tử cũng quen đi. Như vậy đở hại tớới sức khoẻ. Thử vậy đi mấy cô.
Mấy cô cũng gật gật đầu. Ừ. Thử thì thử. Ăn ít lại, nhứt là cơm, mỗi bữa chỉ nửa chén thôi, ăn nhiều rau vào.
Thử coi há.
Trương Ngọc Bảo Xuân