Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
*
(Tiếp theo...)
Tới lúc xe đò đã chạy, tôi mới trách mình sao lại không hỏi tên"... Nhưng tôi lại nghĩ: hỏi để làm gì" Chính mình còn đang quay cuồng trong gió bão của quê hương, biết lúc nào rụng rơi"...
Mãi 8 giờ tối, tôi mới về đến Sài Gòn. Chưa dám về nhà, tôi thuê xích lô đạp về nhà em Xuân, bên Lăng Cha Cả hết 4 đồng. Nếu chân tôi không đau, thì tôi đi bộ dù năm mười cây số. Tôi lặc lè bước vào nhà, các cháu không nhìn ra tôi, tóc tai, râu ria bùm sum, quần áo lếch thếch lôi thôi. Em Xuân ở dưới bếp bước lên, nhìn tôi rồi miệng mếu xệu ôm chầm lấy, nói trong nước mắt:
- Anh ơi! Sao anh khốn khổ thế này"
Chú Tuất đi làm đêm, ở nhà chỉ có mấy mẹ con, một đứa lấy xe đạp sang báo cho ông bà. Tôi căn dặn nói cho ông bà, chưa để cho hàng xóm biết. Tôi mệt qúa vì thiếu ngủ, cô Xuân đun một thau nước nóng cho tôi ngâm rửa chân, vì buốt nhói qúa! Tôi lên gác nằm ngủ cho lại sức, ngày mai còn đối ứng với CA phường, khu vực.
Sáng hôm sau, cô Thu đã đến sớm, cứ ôm tôi khóc sướt mướt như trẻ con ngày nào. Mắt em Thu sáng, nên đã khêu lấy ra được, ba cái gai chà nà, ở hai bàn chân tôi. Tôi đã mang chúng mấy ngày trời, từ dưới khu rừng ở ghềnh Hào, Minh Hải về Sài Gòn. Cả một buổi sáng, cô chú Tuất và cô Thu, các cháu ríu rít mua bán đồ ăn, để gọi là bồi dưỡng cho tôi, sau 10 ngày trăn trở, quặt quẹo với chuyến vượt biên không thành. Gần chiều, tôi phải trở về bên bố mẹ và còn phải đi trình diện CA khu vực, lúc 7 giờ tối.
Sau khi thăm hỏi và chào thầy tôi, tôi vào trong mùng với mẹ tôi. Hai mẹ con không nói ra được một lời nào, chỉ ôm nhau hàng giờ, để cho những giòng lệ vàng đục, từ những cõi lòng dúm dó, quặt quẹo chảy ra. Cuối cùng mẹ tôi lần tay sờ lên đầu tôi thều thào:
- Con hãy dâng hết niềm khốn khó, nỗi khổ đau cho Chúa và mẹ Maria.
Gần 7 giờ tối, tôi mò đến nhà cô Ngọc Anh, thoáng thấy tôi bước vào buồng, cô trợn mắt nhìn tôi. Cái bánh "xèo" của cô hôm nay nhăn nhúm, mắt của cô càng trắng ra, gằn giọng:
- Sao anh không đi luôn, về đây làm gì nữa"
Mặt tôi xìu xuống, chảy dài ra, chậm chạp ngồi vào chiếc ghế bên cạnh, thiểu não:
- Cô hãy nhìn con người tôi cô đã rõ, gần năm tháng nay, ngày nào tôi cũng đi làm, không có tiền mà cũng không có một hạt gạo nào. Chẳng lẽ tôi chỉ uống nước lã rồi đi làm" 43 - 44 tuổi rồi, mà còn ăn bám bố mẹ mù lòa già yếu. Cô là CA, người đại diện của Đảng và chính quyền của khu vực này, xin cô hãy xét cho điều kiện và hoàn cảnh sống, của tôi.
Theo lệnh của phường, tôi phải làm một bản kiểm điểm: Mười ngày đã bỏ đi đâu" Tại sao đi" Đi những chỗ nào" Viết chi tiết đưa cho CA khu vực ký, rồi đưa ra phường! Vẫn đi làm tổ mành trúc như mọi khi! Viết kiểm điểm vào buổi tối và sáng sớm! Phải nộp bản kiểm điểm trong ngày thứ sáu (hôm nay là thứ ba). Họ không cho tôi ăn, mà còn không cho tôi thở nữa. Thôi! Mình là kẻ chiến bại, thì hãy nhắm mắt lại, cho kẻ thắng nó hành, nó đầy đọa.
Tôi cố gắng chắt lựa thời gian, ngày hôm sau, (thứ tư) tôi phóng miết xe lên nhà thằng Lợi. Không ngờ cháu Mỹ Linh và cháu Hữu Lực còn bị giữ lại ở đồn Cỏ May. Đêm hôm đó (ở bến bãi) lộn xộn thằng Lợi đưa con lên bờ. Ra ngoài mà đi đông nguy hiểm, nó chia làm hai. Nó chỉ một đường cho các cháu lớn ra đón xe về Sài Gòn, còn Lợi dẫn hai cháu nhỏ đón một chuyến xe khác để tránh CA nghi ngờ.
Các cháu lớn có mang theo một chiếc va-li đựng quần áo, một số hình ảnh, thư từ mang đi (vượt biên) để làm kỷ niệm. Chẳng hiểu CA khám xe hỏi, chúng nghi ngờ, chúng tách hai chị em ra hỏi, truy nên phải ra sự thật: Đi không được nên quay về v.v… Cũng may các cháu không nói gì tới bố, nên chúng còn để ở đồn Cỏ May, chờ bố mẹ đến lãnh (một hình thức xoay tiền).
Cháu Thủy và cháu Thắng, con của vợ chồng Đạt thì vẫn còn bị giam ở trại Gáo Dừa, ruột gan của tôi lại càng bị vặn vò thêm. Đành rằng tôi không có lỗi trực tiếp, nhưng có lỗi trong gián tiếp. Vì thế, mỗi khi có điều kiện tôi lại đạp xe lên vợ chồng thằng Lợi, vợ chồng Đạt thăm hỏi như một sự chia xẻ. Như tôi đã nhiều lần thố lộ ở trên, tôi không có khả năng, tài cán gì mà lại còn gián tiếp làm thiệt hại đến bạn bè.
Tôi hiểu vợ chồng thằng Lợi, ruột còn đang rối như tơ vò, nên tôi cũng chưa dám nói gì, về chuyện phía bên kia, còn định thanh toán thằng Lợi. Nó sẽ càng buồn bực thêm, mà lại không thể giải quyết, trong hoàn cảnh này.
Nội dung bản viết kiểm điểm của tôi, chỉ quanh quẩn mấy ý chính: Là một đứa con đã 43- 44 tuổi rồi, bố mẹ mù lòa già yếu đã không hề giúp đỡ đấm bóp, cơm nước hầu hạ; lại còn ăn bám vào tiêu chuẩn gạo của bố mẹ, để rồi các người phải ăn cháo, bữa đói bữa no. Dù thương con nhưng khó khăn não nề qúa, nên có lúc các người đã chửi mắng tôi. Tôi biết bố mẹ tôi là đúng, tôi là sai. Biết mình sai nhưng tôi không biết và không có khả năng để sửa sai, cho nên tôi phẫn uất lắm! Tôi muốn bỏ nhà ra đi, dù có khổ cực hay đói khát mà chết, tôi cũng xin bằng lòng. Ở với bố mẹ tôi vừa buồn.... vừa đau xót.... vừa nhục! Đến ngày, tôi đem nộp lên phường, tên Mậu xem xong, xé ngay trước mặt tôi, bắt tôi về viết lại. Y nói:
- Viết những điều lăng nhăng, mà chưa thấy cái sai của mình. Nếu không viết đúng sự thật, y sẽ có biện pháp!
Tôi lại lủi thủi đi về, tranh thủ tối khuya ngồi viết lại. Tôi cũng chỉ có bằng ấy lý do chính, như tờ kiểm điểm trước. Ba ngày sau tôi lại phải lấy chữ ký của CA khu vực, của tổ khu phố, rồi mới đem lên phường nộp. Tên Mậu lại đập bàn, quát tháo là tôi viết lảm nhảm chưa thấy cái sai cái lỗi của bản thân, nó lại bắt tôi về viết lại nữa. Y bảo cho tới khi nào tôi thấy được cái sai, cái lỗi của mình mới thôi!.
Suốt ngày đi làm, ăn uống thì rau, mắm mà cũng không đủ no, tối về lại cặm cụi viết kiểm điểm. Đêm qua vừa buồn vừa mệt, tôi cứ trằn trọc đến 12 giờ, vẫn chưa chợp mắt được một chút nào. Đến khi vừa chợp ngủ được thì bất chợt, tôi nghe tiếng của thầy tôi la to:
- Giời ơi! Các ông phá nhà tôi à"
Mẹ tôi thì khóc nức nở kêu la:
- Ôi trời cao, đất dầy ơi! Tôi có làm cái gì đâu, mà các ông lục lọi nhà tôi như vậy"
Tôi choàng ngồi dậy, có tiếng giầy đi lên gác, hai ba người đèn pin loang loáng. Tiếng giầy đi nặng trên gác, sàn gỗ làm rung rinh cả căn nhà, một tiếng nghe lạ hoắc:
- Tên Bình đâu"