Đi Hát ‘Show’ Trong ‘Nursing-Home’
Hình ảnh sinh hoạt “đi hát show” của Chân Quê tại những nhà điều dưỡng.
Chân-Quê
Có thể nói đó là những TRUNG-TÂM-ĐIỀU-DƯỠNG thì đúng nghĩa nhất cho chữ “Nursing-Home”. Điều: điều-trị. Dưỡng là nuôi-dưỡng, cũng có nghĩa: an-dưỡng.
Vì nếu gọi nôm-na “Nursing-Home” là “Viện Dưỡng Lão”: nơi chăm sóc người già yếu thì chúng tôi thấy không đúng. Bởi ở những nơi Chân-Quê đến sinh-hoạt có những thanh-niên rất trẻ như cô Tina, hơn 20 tuổi đầu. Sau một vụ đụng xe, cô không còn trí nhớ lâu quá 20 phút. Nếu Bố-Mẹ bận đi làm để Tina ở nhà một mình thì rất nguy hiểm vì cô có thể mở bếp nấu nướng rồi quên tắt lửa sau đó. Hoặc như em Kiên, cũng ngoài 20 tuổi, bị tai-nạn liệt hai chân. Như em Tony toàn thân bất toại nhưng biết dùng miệng để vẽ những họa-phẩm tuyệt tác, thật kỳ-diệu… Còn rất nhiều các bệnh-nhân dưới 30 tuổi hiện đang điều-trị trong các Nursing-Home thuộc quận Cam, miền nam California.
Khoảng cuối năm 1997, khi hệ-thống truyền-hình của Cộng-Đồng Việt-Nam tại Hoa-Kỳ còn rất đơn-sơ. Hằng ngày chỉ có 1 tiếng buổi chiều lúc 5giờ, chuyên nói tin-tức của đài 18 (KSCI) do anh Lê-Bình phụ-trách. (Anh là người Việt-Nam đầu tiên có bằng “Television-Broadcasting” mà ít ai biết đến). Ngoài ra, mỗi sáng thứ bảy từ 9 đến 10giờ sáng cũng trên băng tần này có đài “Truyền-Hình-Văn-Nghệ-Việt-Nam” do ông Lương-Văn-Tỷ (Chủ-Nhân Truyền-Hình Vạn-Kim trước 1975 ở Saigon) thuê giờ phát hình và quảng-cáo.
Sau khi không còn điều-hành văn-phòng Luật-Sư ở Fountain Valley, tôi được ca-nhạc-sĩ Việt-Dzũng giới thiệu vào ngành truyền-hình khoảng thời-gian này để thế chỗ cho anh; vì Việt-Dzũng và Minh-Phượng lúc bấy giờ mới bắt đầu bận rộn phụ-trách đài phát thanh “Radio Bolsa” băng tần 106.3FM (vẫn còn cho đến nay).
Sau này tôi tự đứng ra mua giờ làm chủ chương-trình phát hình mỗi sáng thứ Bảy, lấy tên đài là “Việt Ti-Vi”*. Bước vào lãnh-vực này, phức-tạp hơn nhiều so với làm Radio. Vì xuất hiện trước ống kính, phụ-nữ như chúng tôi phải mất hơn 1 tiếng để make-up, làm tóc và nhất là thay áo thường xuyên cho mỗi lần phát hình. Nhất là phần chương-trình, làm thế nào để đổi mới, mang những tin-tức sinh-hoạt thiết-thực đến khán-giả cũng như kêu gọi tình đồng-hương tương trợ lẫn nhau trong kiếp tha-hương nơi xứ người.
Năm 1999, trong dịp Tết Nguyên-Đán, tôi tự mua mấy trăm cặp bánh chưng làm quà cho các bệnh-nhân và đi cùng anh Lưu-Ngọc-Hà (người quay phim - cũng là “Producer” cho ba bộ phim tài-liệu Những Ngôi Nhà Thờ Cổ: Bắc, Trung, Nam Việt-Nam đã phát hành năm 2000 do tôi thực-hiện)*. Tôi tổ chức đi thăm các Nursing-Home có đông người Việt-Nam điều-trị tại quận Cam. Sau đó cho trình chiếu lên truyền-hình* về sinh-hoạt của những bệnh-nhân và kêu gọi các hội-đoàn, cá nhân bớt chút thời-gian đến thăm nom, an ủi, sinh-hoạt, phá tan sự cô-đơn và cảm-giác bị bỏ quên của những người Việt-Nam trong các “Trung-Tâm-Điều-Dưỡng” này.
Đến năm 2000, nhạc-sĩ Thái-Nguyên chỉ với một cây đàn guitar thùng, cùng với vợ chồng chị Thanh-Mỹ (em gái Nữ Ca-Sĩ Thanh-Thúy) bắt đầu sinh-hoạt âm-nhạc cuối tuần tại các Nursing-Home. Nhạc-Sĩ Thái-Nguyên không ngừng nghỉ sinh-hoạt thường-xuyên từ đó đến cuối năm 2004 thì phối hợp cùng ca-nhạc-sĩ Diamond Bích-Ngọc thành lập nhóm “Chân Quê” đem tiếng nhạc, lời ca như một hình-thức trị-liệu tâm-lý đến mọi người cho đến ngày nay và hy vọng là mãi mãi.
Khi nói rằng đi hát Show trong các Nursing-Home có người đã hỏi chúng tôi: “Tiền Show là bao nhiêu" Liệu các bệnh-nhân có đủ minh-mẫn để thưởng thức âm-nhạc" Có bị lây bệnh hay không" v.v…
Có những người bạn của chúng tôi đã thẳng thắn từ chối không “đi Show ở Nursing-Home” vì bị “Depress” khi nhìn thấy cảnh người người chung quanh đều bệnh hoạn. Có những người đến sinh-hoạt vài lần cho biết rồi thôi, hoặc bận đi làm, hoặc ở xa. Có một lý-do nữa rất hữu-lý là: “Ca-Sĩ KHÔNG BAO GIỜ hát buổi sáng”. Buổi sáng không có giọng, phải thức dậy từ 7, 8 giờ sáng cho những người không phải là “Morning Person” cũng là một điều vô cùng cực hình…
Đến sinh-hoạt ở Nursing-Home phải khuân-vác, nối dây điện, sắp xếp nhạc-cụ trước và sau khi trình-diễn. Chúng tôi vẫn thường nói đùa là “Làm Khuân-Sĩ Trước Khi Thành Ca-Nhạc-Sĩ Chân-Quê”. Có người bệnh-nhân nhìn thấy nói rằng; “Nội nhìn mấy anh-chị khuân vác nhạc-cụ từ xe vào phòng sinh-hoạt sắp xếp cả tiếng đồng-hồ là tui thấy đủ điểm lên Thiên-Đàng rồi…”
Nếu so sánh “Chân-Quê” như một gốc cây đã có gốc rễ hơn mười năm qua, thì người tham-gia thiện-nguyện như những bông hoa kết trái tươi nguyên. Có những trái yêu-thương ngon ngọt cho các bệnh nhân thưởng thức trường-kỳ. Cũng có những trái chua, trái đắng ngắn hạn... Có những hoa vừa đơm bông chưa kịp kết trái thì lại rụng rơi trên đoạn đường chia xẻ tình-thương mênh mông không đoạn kết.
Nếu lâu lâu mới có một show ở Nursing-Home thì dễ quá. Đằng này chúng tôi có một “Thời Khóa Biểu” sinh-hoạt thường trực hàng tháng, hàng năm tại các “Trung-Tâm Điều-Dưỡng” thuộc quận Cam. Phải đúng giờ, đúng giấc theo quy-định sinh-hoạt của từng nơi. Nhạc-Sĩ Thái-Nguyên, đầu đàn; đã hết sức cố gắng duy trì không ngừng nghỉ suốt những chặng đường đi qua. Một thời-gian dài đáng kể đúng nghĩa hai chữ “Thiện-Nguyện”: không dùng việc làm thiện-nguyện này để thu tiền, tổ-chức show bán vé, không mưu cầu lợi ích phe nhóm, cá-nhân. Tất cả chỉ là một tấm lòng “Chân-Quê” chân chất, thật-thà. Ước mong được chia xẻ tình-thương đến những bệnh-nhân rất cô-đơn trong các Trung-Tâm-Điều-Dưỡng tại quận Cam.
Chúng tôi luôn trân trọng các khán-giả, nên mỗi một show trình-diễn phải y như hoặc hay hơn sân-khấu thật ở các hí-viện ngoài xã-hội. Trang-phục, hóa-trang phải đúng theo mùa lễ, bài hát cũng vậy. Như “Vu-Lan” phải hát những bài về Nghĩa Mẹ, Tình Cha. 30, tháng Tư hoặc ngày Quân-Lực-Việt-Nam-Cộng-Hòa là những bài hát nói lên niềm tri-ân, sự hy-sinh, lòng can đảm của các chiến-sĩ Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa cho một thời chiến-tranh bom đạn; dù phải ngậm ngùi trong thân phận kẻ lưu-vong nơi đất khách nhưng vẫn mang niềm hãnh-diện của một dân-tộc kiêu-hùng Việt-Nam. Mục đích chính là nhóm “Chân-Quê” dùng âm-nhạc trong sáng, sinh-hoạt nói chuyện để nâng tâm-hồn các bệnh-nhân vốn dĩ yếu đuối, bệnh hoạn. Cho họ nhìn thấy tin-yêu. “Sinh-Lão-Bệnh-Tử” là sự tất-yếu như điều kiện “Ắt Có và Đủ” không thể chối cãi cho một kiếp người. Phải bình thản đón nhận trong sự bình-an, tin tưởng. Rằng giữa bôn ba, sóng gió vẫn có những tấm lòng thiện-tâm đi sát bên đời của họ. Mang tiếng cười và sẵn sàng chia xẻ những giòng nước mắt cay, đắng, ngọt, bùi trong cuộc sống hôm nay.
Nhạc-Sĩ Tom-Sĩ-Lê có lần chia xẻ tâm-sự như sau: “Tôi cảm thấy đi theo nhóm Chân-Quê gần 5 năm qua như là đi TU vậy. Vì phải bền-bỉ, kiên-trì. Dù bao nhiêu công việc phụ-thuộc, bao nhiêu thú vui tiêu-khiển buổi sáng thứ Bảy, Chúa-Nhật cuối tuần phải gạt sang một bên hết. Nhường thời-gian cho công việc thiện-nguyện này. Thật không phải dễ chút nào!”
Bác-Sĩ Đệ (Dr. David Bui, M.D) hết sức nhiệt tâm từ khi cộng-tác với nhóm “Chân-Quê”. Đôi khi phải trực ở bệnh-viện cuối tuần, anh cũng cố-gắng đến Nursing-Home hát ba, bốn bài yêu-thương dành cho các bệnh-nhân rồi bắt tay chúc lành từng người trước khi chạy vội về làm công việc “Lương-Y Như Từ-Mẫu”.
Ca-Sĩ Kim-Vui và người mẫu Diễm-Phương cũng thế. Nghĩ đến sự mong chờ, trông đợi của các bệnh-nhân trong “Nursing-Home” nên dù bận làm chủ những “Beauty Salons”, những cơ-sở thương-mại. Vẫn cố-gắng hết sức duy-trì sinh-hoạt này như những công-đức vô biên để rồi Ơn Trời sẽ bội-hậu đáp đền đến tất-cả.
Một giọng ca ấm nồng vô cùng truyền cảm của ca-sĩ Hồng-Mai. Chị là em ruột cố-nhạc-sĩ Lê-Uyên-Phương đã và đang dàn trải tấm lòng chị trong sinh-hoạt không hề gián đoạn những cuối tuần qua với “Chân-Quê”. Thật quý hóa vô vàn!
Xin thay mặt cho các bệnh-nhân đang trị liệu tại các Nursing-Home quận Cam. “Chân-Quê” được gửi những bông hồng tươi thắm đến các Thiện-Nguyện-Viên, dù một hay vài lần đến rồi đi hoặc vẫn đang duy-trì đem tiếng nhạc lời ca, gieo rắc tình-thương miên-viễn đến mọi người.
Đặc biệt, trong mùa lễ Vu-Lan 2010 năm nay. Bông hồng trắng xin cài lên áo cho các Thiện-Nguyện-Viên “Chân-Quê” không còn Mẹ và bông hồng đỏ cho những ai đang còn Mẹ để yêu-thương và xẻ chia.
Xin chúng ta cùng chung lời cầu-nguyện trong giao-cảm tâm-linh. Cho linh-hồn những bà Mẹ đã khuất núi được yên vui nơi cõi hằng-Vĩnh-Cửu và những bà Mẹ còn tại-thế luôn sức khỏe vạn-an. Cũng xin cầu-nguyện cho các thành-viên trong nhóm “Chân-Quê” chúng tôi được hồn-an, xác mạnh. Nhiều nghị lực để tiếp tục trên bước đường thiện-nguyện, chia xẻ tình-thương đến mọi chốn, mọi người./.
Chân-Quê (mùa Vu-Lan 2010).
(*) Quý vị có thể xem tất cả những phim tài-liệu của chúng tôi trên Web: www.diamondbichngoc.com