Đọc "Lên Tiếng Hay Không Lên Tiếng" - Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
Non một tuần sau vụ Đồng Chiêm, nay ta đã có bài “Lên tiếng hay không lên tiếng” đề ngày 13-01-2010 của Ban Biên Tập WHĐ trên trang mạng của HĐGM/VN. Như thế là sau non một tuần chờ đợi, sau khi “trang điện tử của HĐGM/VN nhận được nhiều thư góp ý và một thắc mắc thường được nêu lên là: tại sao HĐGM không lên tiếng"”, ta đã có được câu trả lời. Người viết bài này không có cao vọng làm một bài phân tích tỉ mỉ văn thư nói trên, mà chỉ xin đưa ra mấy nhận xét.
Tiêu chí Hiệp thông. Ông bà ta vẫn nói “máu chảy ruột mềm”. Trước những biến cố đau thương đã xảy đến qua các vụ Toà Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Toà… và nay là Đồng Chiêm, việc đầu tiên mọi người chờ đợi là sự hiệp thông, là lời cầu nguyện. Ở đây, chỉ nói đến riêng chuyện Đồng Chiêm. Tất cả các giám mục giáo tỉnh Hà Nội, với một giám mục giáo tỉnh Huế, đã có thư hiệp thông. Các giám mục khác thì không. Tiêu chí của Năm Thánh 2010, cũng như mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh, dừng lại nơi lằn ranh địa lý. Một câu nói, một lá thư, đâu tốn kém gì mà phải để cho người người thắc mắc. Sao có thể chấp nhận thái độ lạnh lùng cách dễ dàng như thế được! Đất địa phương nào, địa phương đó lo. Dựa theo bài “Lên tiếng hay không lên tiếng”, có vẻ như nguyên tắc đề ra là: chuyện địa phương nào, địa phương đó lo. Tại sao chấp nhận để cho Nhà Nước “bẻ đũa từng chiếc” mà không có được một tiếng nói chung, khi tất cả mọi địa phương đều có chung vấn đề đất" Tại các nước khác, các HĐGM có Uỷ Ban Công Lý Hoà Bình để có thể trợ giúp HĐGM, mà ở Việt Nam thì không. Nếu HĐGM chưa bao giờ đặt vấn đề thì đừng đổ lỗi cho Nhà Nước. Còn nếu Nhà Nước không chấp nhận thì cũng nên nói cho bàn dân thiên hạ biết để khỏi thắc mắc và phiền trách các giám mục. Để biện minh cho sự thinh lặng của các giám mục, bản Lên tiếng có nhắc đến bản “Quan điểm…” công bố ngày 27.9.2008. Nhưng đâu phải chỉ cần ra một văn bản với vài ba trang giấy là giải quyết được vấn đề.
Không chỉ là chuyện đất. Bản “Lên tiếng” cũng như bản “Quan điểm” đều nhấn mạnh đến đất, trong khi ngay từ đầu, người khởi xướng phong trào cầu nguyện để đòi đất, là Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, đã minh định: mục tiêu nhắm tới là công lý hoà bình, mục tiêu này đã được nhắc lại trong các buổi cầu nguyện khắp nơi. Vậy thì đất nhà thờ, đất tôn giáo chỉ là khởi điểm cho một mục tiêu cao hơn, rộng hơn, vượt xa khỏi ranh giới những mảnh đất nhà thờ.
Nét đặc thù của vụ Đồng Chiêm. Có vẻ như bản “Lên tiếng” cố tình không đề cập đến nét đặc thù của vụ Đồng Chiêm là: Cây Thánh Giá bị đập phá, biểu tượng thiêng liêng nhất của Ki-tô giáo bị xúc phạm trầm trọng. Đây quả là một chuyện động trời, khiến bất cứ Ki-tô hữu nào cũng sững sờ và đau xót, nhưng lại chỉ có các giám mục giáo tỉnh miền bắc với một giám mục giáo tỉnh miền trung lên tiếng. Còn tất cả các vị khác thì hoàn toàn lặng thinh. Đây mới là điều gây thắc mắc và bất bình cho mọi Kitô hữu. Khi đánh vào Thánh Giá Đồng Chiêm, chính quyền cộng sản Việt Nam đã muốn làm một phép thử nhằm đo sức mạnh của khối Công Giáo Việt Nam. Và nay thấy thái độ của các giám mục trong vụ việc này, chính quyền có thể kết luận rằng nếu không hẳn là một con cọp giấy, thì Công Giáo Việt Nam cũng chỉ là một con cọp con chưa đến tuổi mọc răng.
Đất là của toàn dân, tôn giáo cần thì phải xin. Những thửa đất tranh chấp, đất tư nhân hay đất tôn giáo, thường là đất sở hữu cách hợp pháp trước khi có cộng sản tại Việt Nam. Dưới chế độ cộng sản, trên nguyên tắc, theo Hiến pháp, đất đai thuộc về toàn dân, cá nhân cũng như bất cứ một tổ chức nào, chẳng hạn tôn giáo, có nhu cầu thì phải xin. Nhưng đã nói chuyện “đi xin” thì được hay không tuỳ ở người cho, và đây là mấu chốt của vấn đề. Nhưng làm sao tìm được một giải pháp căn cơ cho vấn đề" Vào năm 2002, tiếp theo sau Hội nghị thường niên, HĐGM/VN đã đưa ra một Thư ngỏ gửi các cơ quan lập pháp của Nhà Nước Việt Nam (xem tài liệu đính kèm), trong đó các giám mục phản bác cơ chế xin-cho của chế độ cộng sản hiện nay.
Đứa con vô thừa nhận. Lẽ ra văn kiện này phải là niềm vinh dự cho Giáo Hội VN, vì là một đóng góp có ý nghĩa cho Dân tộc, như chìa khoá để giải quyết tận gốc bao nhiêu vấn đề xã hội. Nhưng đây lại không phải là giải pháp được Nhà Nước độc tài chấp nhận. Và chắc cũng vì thế mà trong những năm gần đây, hầu hết các giám mục không buồn nhắc đến văn kiện này nữa.
Có vào trang mạng của HĐGM/VN để tìm cũng không thấy. Và thế là Thư ngỏ 2002 một thời nổi đình nổi đám, nay thành "đứa con vô thừa nhận”.
Giải pháp cho mọi vấn đề. Đến đây ta dễ dàng nhận ra giải pháp cho mọi vấn đề. Tự do tôn giáo không thể là một cái gì riêng lẻ. Phải có tự do cho hết mọi người thì mới có tự do tôn giáo. Khi linh mục Nguyễn Văn Lý nói: “Tự do hay là chết”, thì nhiều người trề môi bảo ngài làm chính trị. Nhưng nay nhìn lại, đã đến lúc ta phải khiêm tốn nhận rằng Nguyễn Văn Lý là người đã tìm được chìa khoá cho mọi vấn đề cốt lõi liên quan đến sự sống còn của Dân Tộc VN hôm nay. Người viết bài này không hề muốn “làm chính trị”, mà chỉ ghi lại suy nghĩ của mình từ những vấn đề thời sự.
Kết luận
“Chia để trị” hay “bẻ đũa từng chiếc” là sách lược của mọi chế độ độc tài. Khi chủ trương “chuyện địa phương nào, địa phương đó lo”, HĐGM/VN đã sa vào bẫy. Và trong hoàn cảnh đó mà mong đối thoại, là tự ru ngủ mình. Làm sao đối thoại khi ở vào thế yếu, khi bị coi thường, thay vì được kính nể! Nếu nhìn rộng ra hơn, ta phải công nhận rằng: mọi vấn đề liên quan đến tôn giáo chỉ có thể có được một giải pháp căn cơ, nếu các tôn giáo biết cùng nhau ngồi lại. Cuối cùng thì những người có tôn giáo cũng sẽ chỉ thành công, nếu có sự hỗ trợ từ phía nhân dân, nghĩa là nếu các tôn giáo có được tiếng nói chung với cả cộng đồng dân tộc. Từ đó chúng ta khám phá ra rằng: phương châm “Đồng hành với Dân Tộc” hay “Sống Phúc Âm giữa lòng Dân Tộc” đích thực là chiếc đũa thần cho mọi giải pháp. Với điều kiện: đó không chỉ là một nguyên tắc trừu tượng, một chủ trương trên giấy, nhưng đích thực là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của người Công Giáo Việt Nam. Bao lâu vì chăm chú “lo chuyện đạo” mà chúng ta lạnh lùng với các tôn giáo bạn, xa rời quần chúng nhất là đại đa số dân nghèo, hững hờ với vận mạng Dân Tộc, thì Đồng Chiêm chưa phải là điểm dừng.