TẾT TA, NÓI CHUYỆN MÌNH
Vi Anh
Tết này nữa là Tết thứ 33 của người Việt Nam Hải ngoại. Ba mươi năm là khoản thời gian xã hội học gọi là thế hệ. Nhưng đối với người Việt tỵ nạn CS ở hải ngoại, đó là cả ba thế hệ chụm lại thành một cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang.
Cuộc di tản sau 30 tháng Tư năm 1975 là một cuộc di tản, đông đảo, nguy hiễm, kéo dài, ra khỏi nước nhà, ít hy vọng trở lại. Nhưng đó cũng là một biến cố vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt, phát triễn nền văn minh trong lòng Tây Phương, lan toả và liên kết thành một Việt Nam Hải Ngoại tự do, dân chủ, phồn thịnh tác động và ảnh hưởng rất mạnh cho tiến trình tự do, dân chủ hoá nước nhà VN.
Riêng phong trào dùng thuyền nan vượt đại dương đã chấn động lương tâm Nhân Loại. Theo ước lượng của Phủ Cao Uy Người Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc, có bao nhiêu thuyền nhân (boatpeople) đến được bến bờ tự do thì ít nhứt phân nửa đã chết dưới biển vì du kích và biên phòng VC rượt bắn, vì sóng biển, vì hải tặc. Nếu tính gian khổ chết chóc trong khi đi và vinh quang phát triễn văn minh VN khi định cư ở hải ngoại, có thể so sánh với cuộc di tản của dân Do Thái ra khỏi Cỗ Ai Cập, ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn minh Tây Phương; Kinh Cựu Uớc của Công Giáo là túi khôn của người Do Thái.
Phàm trong cái rủi có cái may. Trong dòng lịch sử dài của người Việt, chưa bao giờ dân tộc Việt lại có cái may như cái may này. Định cư ngay trong lòng văn minh Tây Phương với khoa học kỹ thuật tiền tiến nhứt hoàn cầu. Nhờ tự do và dân chủ ở các quốc gia định cư, người Việt đã đạt được nhiều kỳ tích. Đi vào dòng chánh chánh trị. Tại Mỹ đi vào Quốc Hội tiểu bang đông dân nhứt Mỹ là Cali, đi vào Quốc Hội Liên bang sau 33 năm. Về kinh tế ăn nên làm ra, tổng sản lượng gộp cao, gởi giúp cho bà con ở quê nhà mỗi năm cả năm bảy tỷ bạc. Về văn hoá khó mà kể hết những tác phẩm ca nhạc, văn chương, văn học đã phát hành. Truyền thông đại chúng Việt ngữ, báo chí, phát thanh, phát hình phát triễn vượt bực. Nhiều đại học Mỹ, nhiều cơ quan chánh phủ và ngoài chánh phủ đã cấp quỹ tài trợ những dự án nhân dạng về người Mỹ gốc Việt. Viện bảo tàng Tiểu bang Cali, Viện Bảo Tàng Simithsonian của Mỹ chuyên về nghệ thuật Nhân Loại đang hình thành phòng trưng bày về người Mỹ gốc Việt.
Khó khăn nhứt cho người Việt hải ngoại là bảo tồn và phát huy tiếng Việt vì như ở Mỹ tiếng Anh là chuyển ngữ làm chìm tiếng Việt là tiếng của một sắc dân trong xã hội đa sắc tộc Mỹ. Khó vì tiếp nối tiếng nói liên tục theo điệu người Việt đã xài trước khi Hà nội mất, Saigon mất vào tay CS. Nhưng với quyết tâm sắt đá, riêng tại Mỹ quốc gia người Việt định cư đông nhứt, tại các vùng người Việt quần cư như California, tiếng Việt được thừa nhận như một sinh ngữ thứ hai, có lớp dạy từ ở đại học nổi tiếng như Berkley và trường trung học như Bolsa Grande. Truyền thanh, truyền hình, báo chí tiếng Việt lên vệ tinh, lên Internet nhờ vậy loan truyền khắp thế giới, liên kết cộng đồng VN ở Tây Au, Bắc Mỹ và Uc Châu lại với nhau trên cảm nghĩ thuộc về nhau (sense of belonging).
Chẳng những thế, người Việt hải ngoại còn nỗ lực dùng ngôn ngữ để truyền đạt văn hoá cho các thế hệ mai sau. Nhiều tờ báo, nhiều cơ sở tôn giáo, hội đoàn mở hết lớp dạy tiếng Việt này đến lớp khác. Nhưng có một đặc điểm chung, một đồng thuận mặc thị, là không chịu dùng những sách học vần, tập đọc, lịch sử do các Toà Đại sứ Việt Công tìm cách đưa vào. Còn trong ngôn ngữ viết và nói, tránh không dùng những chữ CS Hà nội du nhập vào Miền Nam. Những chữ thường dùng như chữ đồng tình, hồ hởi, phấn khởi sơ tán (setaner), sô vanh (chauvin ) bắt chước của Pháp, hay hồ hởi, phấn khởi, ưu việt, xã hội chủ nghĩa, bắt chước của Tàu Cộng, đã thành từ ngữ, người Việt Hải ngoại dùng để ngạo, chớ không phải để nói hay viết bình thường.