"Sao lúc rày tôi hay mệt quá bác sĩ, bác sĩ làm ơn đo máu dùm coi, có phải tại tôi bị cao máu không""
Đó là lời than và yêu cầu mà BS thường nghe từ bệnh nhân. Mệt, một triệu chứng rất phổ biến của bệnh nhân, theo sách, trong 4 người vào phòng mạch thì có 1 người than mệt. Nghe câu than trên thì BS cũng bắt đầu thấy hơi "mệt", thưa bà con, đó là vì hai lý do.
Thứ nhất, trong lúc còn đi học, một giáo sư đã dạy rằng nếu một người than mệt mà bạn bỏ dưới nửa tiếng để hỏi bệnh và khám bệnh thì khó có thể định bệnh chính xác. Và, cái mệt thứ nhì của BS là vì bệnh nhân ấy có một suy nghĩ sai lạc, cho rằng áp huyết cao gây mệt mỏi. Kỳ thực, áp huyết cao thường không gây triệu chứng nào cả, nhưng cái nguyên nhân gây ra mệt mỏi có thể cũng là nguyên nhân tạo nên áp huyết cao. Khi bệnh nhân nghĩ vì áp huyết cao mà mệt, gặp phải vị BS ít thời gian, đo sơ áp huyết, hay trị áp huyết cao, thì bệnh nhân ấy đã không được định bệnh chính xác và trị liệu đúng mức. Nhưng mà tại sao BS phải mất nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân của "mệt""
Lý do là vì có quá nhiều nguyên nhân làm cho chúng ta mệt, từ bị bệnh AIDS, ung thư, thiếu máu, nhiễm trùng (siêu vi khuẩn), bệnh phổi, bệnh tim, bệnh thận, rối loạn tuyến nội tiết, bệnh về hệ thống miễn nhiễm vân vân, nhưng kính thưa bà con, tất cả những nguyên nhân kể trên đều không phải là nguyên nhân thông thường nhất gây ra triệu chứng mệt. "Mệt" hơn nữa cho BS là tuy rằng các nguyên nhân ấy không phải là nguyên nhân thông thường nhất, nhưng lại là các nguyên nhân trầm trọng, cần được loại ra trong quá trình định bệnh. Song, như vậy thì nguyên nhân thông thường nhất của mệt là gì"
Tinh thần, tâm lý, căng thẳng trong đời sống hàng ngày, thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ không được là nguyên nhân lớn nhất. Thiếu ngủ, mất ngủ hay ngủ không được, phần lớn, cũng liên quan đến tinh thần, tâm lý hay sự căng thẳng trong đời sống hàng ngày. Trong một cuộc nghiên cứu người ta nhận thấy có đến 70% người bị mệt không hề có một bệnh lý về sinh lý cả (sinh lý ở đây có nghĩa là sự hoạt động của cơ thể, không có nghĩa liên quan đến tình dục). Mười nguyên nhân nhân thông thường nhất của mệt là (1) ngủ không đủ (không đủ thời giờ để ngủ), (2) ngủ không được, (3) căng thẳng trong đời sống (như thiếu nợ, gánh nặng tài chánh cho gia đình), (4) làm việc đổi ca, (5) thất tình (hay hôn nhân có vấn đề), (6) có con mọn, (7) mang thai, (8) làm việc quá nhiều, (9) bệnh trầm uất, (10) bệnh lo lắng (hồi hộp). Hầu như các nguyên nhân trên đều có thể làm tăng áp huyết, nhưng không phải áp huyết cao làm ta mệt, hay gây ra các nguyên nhân trên.
Điều khó khăn hơn nữa đối với BS là rất ít khi nào bệnh nhân than "tôi thiếu nợ nhiều quá", hay "tôi làm 2 jobs", hay "ông xã tôi cứ đòi đi VN một mình hoài", hay "con tôi hút xì ke", hay "tôi đang bị sở thuế hạch hỏi", hay "tôi bị bệnh lo lắng vô cớ", "tôi bị bịnh rầu". Đại đa số bệnh nhân lại nghĩ rằng mình ôm một chứng bệnh sinh lý nào đó, và nếu không nghe BS định bệnh thì thường cho rằng "BS cũng không biết tôi bị bệnh gì nữa". Cho nên, thưa bà con, nếu vào phòng mạch than mệt mà không nghe BS hỏi về chuyện ăn ngủ, căng thẳng tinh thần, về việc làm, về tình duyên, về tình trạng tài chánh... thì BS ấy định không ra bệnh là phải rồi. Không ít lần, khi hỏi đến chuyện tình thì bệnh nhân bật ra nước mắt, hỏi đến chuyện nợ nần thì bệnh nhân có sẵn một câu chuyện dài nhiều tập để kể cho BS nghe.
Nói như vậy không có nghĩa là lúc nào mệt cũng vì đời sống và tâm lý. Nếu không có một yếu tố rõ rệt để định bịnh thì những BS cần làm các cuộc thử nghiệm. Mệt và khó thở có thể do bệnh tâm lý, nhưng cũng có thể do bệnh tim, bệnh phổi, và cần được chụp hình phổi hay thử tim. Mệt, ăn không được, xuống ký có thể do bệnh tâm lý, cũng có thể do ung thư hay bệnh liệt kháng, cần soi ruột hay thử máu. Cho nên bước kế tiếp, sau khi hỏi bệnh, khám bệnh là thử nghiệm, nếu cần. Trong cuộc thử nghiệm này có rất nhiều hình thức, không nhất thiết lúc nào cũng là thử máu, mặc dù thử máu là một trong những thử nghiệm thông thường nhất.
Kính thưa bà con, bệnh thì thiên hình vạn trạng, theo một website về y khoa thì có đến 166 nguyên nhân của triệu chứng MỆT. Nếu trung bình cần một câu hỏi để loại một nguyên nhân thì BS cần hỏi 166 câu, nhưng trên thực tế không có ai có thời gian hỏi đến 100 câu hỏi. Do đó, để giúp BS định bệnh cho chính xác, chúng ta cần khai những triệu chứng khác như khó thở, ho, tiêu chảy, đau đớn vân vân, và đặc biệt là các yếu tố gây căng thẳng trong đời sống. Khai bệnh rõ ràng là điều tiên quyết giúp BS định bệnh chính xác.
Trước khi dứt lời, chúng tôi xin chia sẻ một mẩu chuyện có thật, xảy ra cách đây khoảng 7, 8 năm trước. Hôm ấy, một bà mẹ trẻ bồng một đứa bé dưới một tuổi vào khám bệnh.
Cô ta nói "Em nó bệnh BS". Tôi hỏi "Vậy em nó bệnh ra sao"". Cô ta nói, "Dạ, nó bệnh BS". Có lẽ câu hỏi đầu của tôi không được rõ, nên tôi hỏi kỹ lại "Vậy cháu nó có triệu chứng gì"". Cô ta nói, "Dạ, nó không khỏe BS." Tôi thấy cần phải nói rõ hơn nữa, nên hỏi tiếp "Vậy cháu nó có nóng sốt, tiêu chảy, ói mửa, ho, sổ mũi hay gì không"". Cô ta vẫn một mực "Dạ, hỏng biết nữa BS". Thưa bà con, sau gần 10 phút hỏi đi hỏi lại, vẫn không nghe được một triệu chứng cụ thể nào hết, tôi thấy hơi... mệt, nên nói thẳng, "Chị à, chị nuôi em bé mà em bé có dấu hiệu bệnh hoạn gì chị cũng không biết là làm sao"". Thấy tôi bắt đầu nổi quạu, cô ta mới thỏ thẻ nói thật, "Dạ, trước khi đi BS bà nội em nhỏ dặn là tới BS đừng có nói gì hết, để cho BS khám từ đầu tới đuôi, chớ nếu nói nó ho BS chỉ nghe phổi sơ sơ hà". Thưa bà con, lúc ấy tôi chịu hết nổi, đã nói "Chị à, chừng nào đi thầy bói thì mới không kể ra để cho mấy ổng đoán, chớ gặp BS mà đố kiểu này thì tôi làm sao mà đoán cho ra".
So với các thầy lang trong phim Tàu, những ông chỉ cần bắt mạch một cái là biết bệnh gì, sanh trai hay gái, trúng độc hay trúng gió, các vị vừa làm y sĩ vừa làm bốc sư, thì có lẽ BS Tây y trong trường hợp này còn kém vài bực!
BS Nguyễn văn Hoàng (Hoàng Nguyên)
(*) Mọi thắc mắc về y tế, quý vị có thể liên lạc trực tiếp với BS Nguyễn văn Hoàng qua email hoang4eb@yahoo.com.auhoặc qua toà soạn SGT.