Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.
*
(Tiếp theo...)
Sáng hôm sau, tôi dậy sớm, hỏi thăm đường đến nhà ông MN. Hỏi ba người trong ga, cả ba đều lắc đầu không biết. Đi ra ngoài sân ga, nhìn đường phố vắng vẻ, không có một ai, cả thị trấn giống như một thành phố đã chết. Băng sang bên kia đường, tôi gặp một cụ già, bị cụt mất một chân, mặc chiếc áo của người thiểu số, không hiểu là áo của người Nùng hay Mèo, nhưng lại mặc chiếc quần bộ đội cũ đã bạc mầu. Nghe tôi hỏi, cụ ngạc nhiên, nhìn tôi từ đầu đến cuối rồi nói, giọng lạnh lùng:
- Phố xá đây đi tản cư hết rồi. Chẳng còn ai ở đó đâu mà kiếm.
Chỉ tay một vòng chung quanh ga, cụ tiếp:
- Cả cái thị trấn Đồng Đăng này, cả cái huyện Cao Lộc này đều được lệnh tản cư hết rồi. Tất cả bây giờ là vườn không nhà trống để chống tụi Trung cộng bá quyền xâm lăng. Bộ anh không biết chuyện đó sao"
Nghe cụ nói đi nói lại hai lần chữ "tản cư" tôi ngạc nhiên. Thông thường, người ở Miền Bắc hay dùng chữ "sơ tán". Còn "tản cư" là từ thông dụng thời trước 1954. Nghe cụ hỏi, tôi lúng túng:
- Thưa cụ, tôi từ xa tới, tìm kiếm người bà con, nên không biết...
Cụ nhìn tôi từ đầu đến chân một lần nữa, rồi gật gù:
- Anh không phải người Hoa. Tôi biết. Vậy làm sao anh lại có họ hàng với hắn. Anh đến tìm thằng MN làm gì" Hắn bị công an bắt cả tháng nay rồi. Bị bắt về tội buôn lậu trâu qua biên giới.
Tôi ngạc nhiên lẩm bẩm, "Bị bắt về tội buôn lậu trâu!"
Cụ già nhìn tôi lắc đầu, rồi thấp giọng thì thầm:
- Thì đó là tội mà mấy người dân ở đây họ nói như vậy, chứ lão biết hắn ta bị bắt vì tội làm gián điệp cho Trung cộng...
Tôi giật mình, nhưng cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Ông cụ tiếp:
- Nói đúng ra thì hắn cũng chẳng có làm gián điệp gì đâu. Đi buôn lậu trâu qua biên giới thì phải quen biết, quà cáp, kết thân cả hai bên. Chuyện đó lâu lắm rồi, cả chục năm trước lận, ai mà chả biết. Nhưng đến lúc lộn xộn, hai nước thành thù nghịch thì công an họ phải tóm cổ hắn trước để đề phòng làm nội gián cho địch đó mà.
Chỉ tay vào chiếc chân cụt, cụ già nói:
- Còn lão cũng may, vì cái chân cụt này nên tụi nó tha, chứ không thì lão cũng bị họ bắt rồi. Trước đây lão cũng bị bắt lên bắt xuống chỉ vì cái tội đi lính cho Pháp. Mà thời đó gia đình lão không đi lính cho Pháp thì lấy gì ăn. Vậy mà từ khi hoà bình lập lại (1954) cho đến nay, họ cũng bắt lão cả thẩy mấy lần rồi. Hễ tình hình rục rịch, an ninh bất ổn là họ lại bắt lão vài tháng, có khi cả năm. Đợt lâu nhất là cái năm máy bay Mỹ bắn phá Miền Bắc, lần đó lão cũng bị họ bắt giam 4 năm lận...
Sau khi nói chuyện với cụ, tôi hoàn toàn chán nản. Như vậy là việc đến gặp ông MN để nhờ ông giúp đỡ cho tôi vượt biên sang Trung quốc đã không thể được. Trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, tôi chỉ có hai cách. Một là tiếp tục trốn tránh ở lại Đồng Đăng, chờ cơ hội khi nào Trung cộng mở cửa biên giới cho người Hoa về nước thì tôi sẽ trà trộn với họ qua biên giới. Hai là tôi phải tìm cách vượt biên giới một mình. Bằng không, tôi phải trở lại Hà Nội, tìm đến "lão Z" để nhờ lão giúp đỡ, vượt biên theo ngả Hải Phòng, Móng Cái.
Tối hôm đó, tôi nằm nghĩ miên man. Việc trốn tránh ở lại Đồng Đăng tôi thấy rất nguy hiểm, và không biết phải chờ đợi cho đến bao giờ. Mà mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tôi có thể bị công an VC phát hiện. Đó là chưa kể những khó khăn khác như ăn ngủ, tiền bạc thiếu thốn... làm sao đủ sống để tôi có thê ăn dầm nằm dề ngày này qua ngày khác. Vì vậy, tôi thấy chỉ còn có cách vượt biên giới một mình. Bình thường, chuyện này không có khó. Chỉ cần định phương hướng, rồi cắt rừng mà đi, gặp núi thì trèo, gặp sông suối thì lội, nhanh thì một vài giờ, lâu thì vài ngày đêm, tôi sẽ vượt qua được biên giới Việt Trung. Nhưng hiện tại, toàn bộ vùng biên giới ở các các cửa khẩu, việc canh gác vô cùng nghiêm mật, nên chuyện cắt rừng sẽ vô cùng nguy hiểm. Nếu chẳng may bị lọt vào tay bộ đội biên phòng VC thì dám mất mạng như chơi.
Giữa lúc đang lo lắng tìm cách vượt biên, tình cờ tôi quen được một anh chàng người Hoa, tên là A Coóng, ở phố Hàng Bạc, Hà Nội. Anh cho tôi biết, cả gia đình họ hàng nhà anh đã trở về Trung quốc từ tháng trước. Riêng anh bị kẹt lại vì phải chờ lấy chiếu khán nhập cảnh của toà đại sứ Trung cộng ở Hà Nội. Anh bảo, nếu anh về nước có giấy nhập cảnh của toà đại sứ Trung cộng thì sẽ được đãi ngộ xứng đáng hơn, không phải đi về "nông xường" (công trường) sản xuất, mà được ở thành phố, thị xã, thị trấn làm ăn.
Sau một hồi trò chuyện, tôi mới biết A Coóng cũng là dân buôn dọc qua biên giới. Khi ga Đồng Đăng bị đóng cửa vì những xung đột giữa hai quốc gia, A Coóng vẫn tiếp tục buôn bán qua biên giới ở vùng Bản Tả, cách Đồng Đăng khoảng 60 cây số về phía bắc. Chuyện trò thân mật và tin tưởng ở quyết tâm vượt biên sang Trung quốc bằng mọi giá của tôi, A Coóng mới rủ tôi đi bộ đến Bản Tả, rồi từ đó sẽ vượt qua biên giới Việt Trung.