Hôm nay,  

Trang Phạm Phong Dinh: Giòng Đời Cát Bụi

16/07/200700:00:00(Xem: 2823)

(Tiếp theo...)

Thằng Sáng đói quá, nó run rẩy đưa bàn tay vào chén bốc lấy một nhúm phở cho vào miệng nhai ngấu nghiến. Lành đưa cho thằng bé chiếc muỗng:
-Sáng, lấy cái nầy mà múc.
Nhìn thấy tia mắt của Lực rơi lên cái chân què của thằng nhỏ, Hiền lắc đầu thở ra:
-Thằng nhỏ bất hạnh!
Lực ngạc nhiên quay lại hỏi:
-Nó sinh ra đời đã bị tàn tật như thế phải không"
Hiền cắn môi ngần ngừ:
-Không phải vậy đâu, nó... nó... Mà thôi, mầy muốn nghe làm gì, nhắc lại chỉ tội nghiệp cho thằng nhỏ.
Thái độ úp mở của Hiền càng gợi lên trong lòng Lực nỗi tò mò, nó nhìn chằm chằm vào vào cái chân què kỳ dị của thằng Sáng. Chỗ cái khuỷu gối bên chân trái, cái cẳng chân dưới bị bẻ quặt ngược lên về phía trước đến nỗi những cái ngón chân gần như chạm vào mặt thằng bé. Chỉ còn một bên chân phải lành lặn, làm cái trục chống cho toàn cái thân hình ốm tỏng của thằng nhỏ bò trườn trên mặt đất trông thật thảm thương. Lực xót xa lắm, trong lòng đinh ninh chắc thằng Sáng bị một tai nạn thảm khốc nào đó, như bị xe va phải chẳng hạn, nhưng nó vẫn cố van nài thằng Hiền:
-Anh kể cho em nghe đi.
Thằng Sáng đã vét sạch cái chén phở trong nháy mắt, dường như những nhúm phở đã tan biến nhanh chóng trong cái đáy dạ dày sâu thăm thẳm của nó mất rồi, ánh mắt thằng nhỏ dán chặt vào cái hộp nhựa với vẻ còn rất thèm thuồng. Lành lấy cái chén trút hết chất nước và phần phở thừa còn sót lại chút ít đưa cho thằng nhỏ. Sáng chộp lấy, chiếc muỗng hối hả khoắng vào đáy chén tạo nên thành những tiếng leng keng. Thằng bé đã nhịn đói suốt một ngày, lẽ ra nó phải bò đi ra chợ xin ăn, nhưng mấy ngày qua nó bị sốt nóng bởi dầm mình trong những vũng bùn ngập ngụa rác rến dưới những con mưa dầm. Cố lết về được đến đây thì thằng bé đã lả người, nó chui vào mấy cái bao bố rách cuộn tròn, rên ư ử như một con chó mất mẹ. Chẳng đứa trẻ nào đoái hoài đến Sáng, vì đứa nào đứa ấy cũng đều có cùng một hoàn cảnh thê thảm như nó, đói khổ cùng cực và bệnh hoạn triền miên như nhau. Ở trong cái hành lang u ám và tối tăm này, là thế giới của những con người không ra người, là những kiếp sống bọt bèo còn cố nấn níu bám vào cái xã hội hào nhoáng tràn ngập ánh sáng ở bên ngoài, nên nếu Sáng hay bất cứ một thằng bé hay con bé nào bệnh và chết đi, thì cái xác thân của chúng cũng chẳng hơn gì những con chuột nằm chết dí trong những cái ống cống hôi thối.
Sờ trán thằng bé, má Tư biết nó bị cảm lạnh nặng, nàng lục trong cái hộp gỗ nhỏ tìm được mấy viên thuốc aspirin đem ra cho nó uống, rồi lấy một ít cơm thừa nấu thành một món cháo, mà đến cả những con heo đói cũng lắc đầu chào thua, đút cho Sáng. Chẳng phải đột nhiên mà từ đáy sâu thẳm trong lòng má Tư đã lóe lên tia sáng của lương tâm và tình người, mà chỉ đơn giản là mụ còn muốn kéo dài mạng sống của thằng Sáng được đến chừng nào hay chừng ấy, để, trời ơi, mỗi ngày nó đem tiền về giao nộp cho vợ chồng mụ. Bởi nếu không bị bệnh nằm ở "nhà", thì thường thường thằng Sáng kiếm được khá nhiều tiền từ lòng thương hại của người đời nhờ cái chân kỳ dị của nó. Lẽ ra cái hành lang này là nơi công cộng, ai đến ngụ cư cũng được, nhưng ở cái xã hội mà con người không còn sống bằng lý trí và lương tâm nữa, mà chỉ sống bằng bản năng, thì nó nảy sinh ra những loại người hung ác gớm ghê như dượng Tư. Hắn tự xưng là chủ nhân của cái hành lang, đứa trẻ nào muốn ngủ đêm hay chọn nơi này làm "nhà" đều phải nộp tiền chỗ cho vợ chồng hắn với một cái giá nào đó. Vợ chồng má Tư hả hê đếm những đồng tiền đẫm đầy nước mắt và mồ hôi của bọn trẻ mà không sợ bọn chúng bỏ ra đi, vì nơi nào cũng thế, cũng đều có những con thú người với móng vuốt của loài cọp dữ và hàng nanh nhọn sắc của loài cá mập chờ đợi. Đi đâu thì cũng đến thế mà thôi, có khi còn tệ hơn, nên bọn trẻ đành bằng lòng với cái gọi là số phận. Tiền lột da rút ruột bọn trẻ sau vài năm đủ để dượng Tư mua được một chiếc xe gắn máy mới bóng loáng nhại kiểu Honda của Trung Quốc cỡi đi đây đi đó khắp thành phố từ mãi sáng sớm đến tận tối khuya, để làm những chuyện bí mật gì bọn trẻ cũng chẳng biết nữa, nhưng chắc chắn là những chuyện tày trời.
Hiền muốn kể cho thằng bạn mới câu chuyện bi thương của Sáng, nhưng nó còn ngại ngần, vì cùng với sự bất hạnh, còn có tội ác đi kèm theo, mà nếu không khéo, cả tính mạng nó cũng sẽ bị đe dọa. Hiền kéo Lực nằm nép sát vào vách tường trong một góc tối tăm và kín đáo nhất thì thầm:
-Tao kể cho mầy nghe, nhưng mầy phải giữ kín, mầy bép xép tao giết mày...
Lực rùng mình ớn lạnh không dám nhìn vào ánh mắt xanh biếc như mắt mèo hoang của thằng Hiền, nó lắp bắp:
-Em... không... dám đâu...
Sau đây là câu chuyện của Hiền kể về câu chuyện bi thương, khiến Sáng bị tàn tật như thế nào.

*

Cơn mưa giông đầu mùa trút xuống thành phố Sài Gòn một màn nước dầy đặc trong tiếng sấm rền trời, cùng với những tia chớp sáng lóe cắt ngang bầu trời đêm thành những đường gãy khúc loằng ngoằng, xoèn xoẹt như tiếng lụa xé. Hàng trăm nghìn giọt nước mưa bắn xiên chéo vào mái hiên hắt lên người hai anh em Hiền đang nằm còng queo ngủ say. Bị ướt lạnh, Hiền giật mình nhỏm dậy kéo con bé Lành rút sâu vào bên trong. Mỗi lần tiếng sấm nổ, Lành tái mặt bấu vào vai Hiền tìm sự che chở, thằng anh ôm lấy con bé vào lòng ép nó nằm sát vào vách, dùng cái tấm thân còm cõi của nó che lấy cho em. Được một lúc, cơn mưa nguôi dần, nhưng vẫn rơi rỉ rả, những giọt nước vỗ bồm bộp vào chiếc máng xối chạy dọc theo bên hông tòa cao ốc, như còn tiếc nuối cuộc nhảy múa giữa đêm trường. Trong chuỗi âm thanh rì rào dìu dịu, bọn trẻ túm tụm nép sát vào nhau, đứa này gối đầu lên người đứa kia chìm sâu vào giấc ngủ. Đến nửa đêm, đột nhiên Hiền giật mình sực tỉnh, ngạc nhiên tự hỏi lòng, tại sao nó lại tỉnh thức một cách bất ngờ và dễ dàng như vậy, chứ thằng bé có cái tật ngủ say lắm, đến sấm chớp đầy trời mà nó còn chẳng nhúc nhích nữa là. Tựa người vào vách, trong cõi đêm nhập nhoạng ánh đèn mờ từ mãi ngoài lề đường hắt vào, Hiền đưa mắt nhìn quanh. Bọn trẻ con đang nằm xếp lớp bên nhau trên những mảnh chiếc rách trong một tư thế bất động, trông như những cái xác chết. Con bé Lành cũng đang ngoẹo đầu ngủ say. Vậy thì cái gì đã đánh thức Hiền dậy nhỉ.
Không tìm được câu trả lời, thằng bé lắc đầu, nó nhoài người định nằm xuống nhắm mắt tìm lại giấc ngủ, thì bỗng nhiên nó nghe tiếng thầm thì của người nào đó. Giữa đêm khuya vắng lặng, đến tiếng muỗi vo ve trên da thịt bọn trẻ bụi đời chỉ êm nhẹ như những sợi tơ mà Hiền còn nghe rõ ràng, thì cái âm thanh từ hơi thở của con người ấy cứ len vào tai Hiền từng chuỗi một như một mũi dùi xoắn sâu vào màng nhĩ. Ở giữa những tiếng thì thầm đó, dường như, Hiền còn nghe được tiếng khóc oe oe của một đứa trẻ nhỏ. Hiền áp tai lên sàn xi măng nằm im cố lắng nghe, bỗng nó giật mình nghe tiếng hỏi của má Tư với giọng lo lắng:
-Anh nhất định phải làm như vậy à, rủi có ai biết họ đi tố cáo là vào tù đó"
Hiền nghe dượng Tư trả lời:
-Sợ gì, ai cũng làm như vậy hết, nhân đạo quá chết đói cả lũ. Mình phải sống cho mình chớ. Vợ chồng mình bỏ tiền ra mua nó thì mình toàn quyền muốn làm gì thì làm.
Má Tư ngần ngừ:
-Thì mình cứ để nó như thế, nó đi ăn xin cũng được, đâu cần phải...
Dượng Tư chận lời má Tư ngay:
-Không được, nó phải tàn tật thì mới xin được nhiều tiền, chớ lành lặn đẹp đẽ thì ai cho tiền làm gì...
Má Tư thở dài trong bóng tối:
-Mình tính sao thì tính...
Dượng Tư xoay người ôm cái thân thể ấm áp của má Tư vào lòng thủ thỉ những lời ngọt mật:
-Vợ chồng mình phải ráng dành dụm mua một miếng đất nhỏ rồi cất nhà ở, chớ chẳng lẽ suốt đời sống vất vưởng ngoài hè phố như thế này sao. Anh mới vừa đặt cọc một miếng đất ngoài ngoại ô ở gần bãi rác thành phố...Tư giật mình kêu khẽ:
-Trời ơi, hết chỗ rồi sao mà anh mua đất gần bãi rác, hôi thúi chịu làm sao nổi"
Dượng Tư vuốt ve vợ:
-Mình không biết đâu, anh bắt được nguồn tin cái bãi rác đó nay mai đây thành phố họ dọn sạch sẽ bán cho tụi nước ngoài đầu tư xây nhà máy, dân cư ở đó được bồi thường và được nhà nước cho ra ở trong một khu gọi là tái định cư. Vợ chồng mình cứ cất tạm một cái chòi, khi nào đến giai đoạn tái định cư thì nhà nước cho mình ra một miếng đất lớn hơn và một số tiền bồi thường đủ để cất một cái nhà gạch kha khá đó em, chẳng lâu la gì đâu.
Nghe dượng Tư vẽ vời cứ như là thật, Tư sướng tê người. Hóa ra nhà nước ta cũng có lòng lo lắng cho dân quá đi chứ. Nhưng má Tư không biết rằng, cái mảnh đất thiên đường cho những người tái định cư đó chỉ có thể là một nơi chốn hoang vu thiếu vắng bóng người, đầm lầy lau sậy, là những cánh đồng nước mặn phèn chua tít mù xa nào đó mà bọn tư bản nước ngoài chưa thèm để mắt tới. Nhưng đối với dượng Tư, thì chỉ cần cần có một cái nhà, không phải để xây dựng hạnh phúc vĩnh cửu với cô vợ già đã tàn phai nhan sắc, mà nó chỉ là một cái nơi để hắn đi đi về về làm những cú áp phe tội ác cho được kín đáo và an toàn hơn. Gã hung đồ vẽ ra trong ý nghĩ một viễn ảnh huy hoàng, trời phật với ông bà phù hộ cho công việc làm ăn được thuận lợi phát đạt, tiền bạc rủng rỉnh trong túi, thì hắn dại gì mà không lao vào những cuộc truy hoan thâu đêm suốt sáng với những giai nhân trẻ trung mơn mởn đầy dẫy trong các khách sạn, phòng trà ca nhạc hay vũ trường. Chỉ nghĩ đến đó thôi mà phía bụng dưới của dượng Tư đã rần rật một nỗi khoái cảm tê điếng mất rồi.
Nhận ra rằng vợ đã xiêu xiêu, dượng Tư trở lại chủ đề chính:
-Thằng nhỏ đang ngủ say phải không"
Tư nhìn sang thằng bé mười hai tháng tuổi mà vợ chồng nàng vừa mới mua lại của một đôi vợ chồng ăn xin lúc ban chiều với giá một triệu đồng.
-Nó mới vừa cựa mình khóc đòi bú, có lẽ nó nhớ mẹ nó.
Người đàn bà ăn mày cứ nhì nhằng kèo nài xin cho một triệu rưỡi, Tư mềm lòng đã muốn thuận, nhưng dượng Tư đã lạnh lùng trao đứa bé lại cho mụ:
-Chị không bán thì thôi, chúng tôi cũng chưa cần mua nó lắm, thôi để khi khác vậy.
Người đàn bà ngần ngừ nhìn đứa con, không phải bằng ánh mắt chan chứa tình mẫu tử thiêng liêng của một người mẹ, mà chỉ để tiếc rẻ công khó nàng đã mang nặng thằng bé trong bụng ngần ấy thời gian dài đằng đẳng, khi sinh nó ra cho bú mớm cực khổ là thế mà chỉ bán được có một triệu đồng. Dượng Tư giả vờ đứng dậy định dắt chiếc xe gắn máy ra đi:
-Thôi anh chị về, tui đi công chuyện làm ăn chút, hôm nào anh chị suy nghĩ dứt khoát thì đến đây. Lúc đó thì tụi tui chỉ trả cho anh chị chừng tám trăm ngàn là cao lắm rồi. Nhưng nghĩ tình anh chị chịu khó tìm tới đây, tui hứa vẫn trả một triệu cho anh chị...
Vợ chồng người ăn xin đau khổ nhìn nhau, thầm nghĩ không thể nào van nài thêm một xu từ cái tên nổi tiếng gian hùng và độc ác này. Người đàn bà nắm lấy cánh tay cuồn cuộn bắp thịt như những sợi dây thừng của dượng Tư rên rỉ:
-Thôi, tụi em đành để thằng nhỏ cho anh chị, nhưng xin anh chị thương tình tụi em nghèo khổ quá, cho em xin thêm một trăm ngàn nữa.
Dượng Tư chỉ chờ có thế, hắn giả vọng đạo đức:
-Vợ chồng tui mua như vậy là được giá lắm rồi đó. Tui thách anh chị đi hết thành phố nầy xem thằng nào mua hơn thì trở về đây tui bù thêm mười phần trăm.
Người chồng rơm rớm nước mắt:
-Dạ tụi em biết thế nên mới đến bán nó cho anh chị, anh chị là những người giàu lòng nhân ái hơn những người khác mà tụi em đã gặp qua.
Dượng Tư dựng xe lên khoát tay:
-Anh chị đứng chờ đây, tui vào lấy tiền.
Hắn gọi vợ:
-Em bồng thằng nhỏ nầy đem vào trong đi.
Tư đón lấy đứa nhỏ đang ngủ say trong vòng tay ấm áp của me. Thằng bé giật mình mở choàng mắt nhìn lên. Nhận ra người lạ nó khóc thét lên trong một trạng thái sợ hãi, đôi mắt nhỏ xíu đảo quanh tìm kiếm bóng dáng của mẹ. Tư ghì chặt đứa nhỏ vào lòng xoay người để nó không trông thấy người đàn bà ăn xin. Trong tiếng khóc thê thảm của thằng nhỏ, vợ chồng người ăn xin tươi nét mặt đón lấy xấp tiền dầy cộm từ tay dượng Tư. Bỏ mặc đứa con trong vòng tay của những người xa lạ, hai vợ chồng lạnh lùng kéo nhau ra đi. Dượng Tư nhìn theo nhổ một bãi nước miếng xuống đất:
-Bọn bán con chuyên nghiệp, thật chẳng còn tình nghĩa gì...


Dượng Tư nói đúng. Ở cái thành phố sa đọa này, không có một thứ tội ác nào mà người ta ghê tởm không chịu làm, thậm chí cái gọi là dịch vụ đẻ và bán con. Người ta sinh nở xoành xoạch như gà, không phải để nuôi mà là... để bán. Có những tổ chức buôn người, chúng mua trẻ sơ sinh bán lại cho những người nước ngoài cần con nuôi, hoặc cấu kết với các cơ quan gọi là môi giới cung cấp trẻ nuôi. Càng có nhiều nhu cầu thì giá trẻ càng lên cao theo, những người bán con chuyên nghiệp càng cố đẻ nhiều hơn, cứ sòn sòn năm một để có được nhiều tiền hơn. Phong trào bán con rộng khắp đến nỗi người ta không còn coi đó là một tội ác, mà chỉ là một loại dịch vụ như trăm ngàn dịch vụ kinh khủng khác. Những đứa trẻ nào mãi không bán được cho người ngoại quốc thì thật bất hạnh, chúng đã rơi vào tay những hạng người không tim như vợ chồng dượng Tư, để làm những con vật hái ra tiền cho chúng dưới dạng trẻ ăn mày. Càng nhếch nhác lem luốc, càng còi cọc tàn tật dị dạng bao nhiêu, thì càng gợi tình thương của người đời, tiền kiếm được nhiều bấy nhiêu. Cho nên, bỗng dưng, ở cái thế kỷ thứ hai mươi mốt này, cái thành phố mang tên một lão già râu đầy dẫy những trẻ em tàn phế lê la trên khắp nẻo đường. Thật hết sức mỉa mai, người ta ca tụng lão già như là một anh hùng đem đến hạnh phúc ấm no cho dân tộc, mà ở đây, ở thành phố mang tên lão, dưới những tấm chân dung to lớn vĩ đại của lão với nụ cười đểu cáng, hàng trăm ngàn trẻ em thất học, những đứa bé mồ côi, tàn tật, người ăn xin, mù lòa, què cụt kéo nhau lang thang lếch thếch, lan tràn hàng đoàn khắp thành phố. Ở những bãi rác lớn hàng trăm, hàng ngàn đứa trẻ nghèo đói, rách rưới, hì hục từ giữa trưa đến tận nửa đêm bươi móc tìm kiếm những thứ cặn bả ghê tởm mà người ta vứt đi nhưng đối với chúng là nguồn sống, hối hả tranh nhau với đàn ruồi nhặng và dòi bọ bám đầy trên những đống phân súc vật và phân người.
Hiền lắng nghe tiếng hối thúc của dượng Tư:
-Mình đưa thằng nhỏ cho anh...
Hiền có cái cảm giác, rằng máu trong người nó đang sủi bọt vì sợ hãi, nó biết gã hung thần đó sắp thực hiện một chuyện gì đó rất rùng rợn, mà Hiền không thể nghĩ ra được, hoặc không bao giờ có thể tưởng tượng ra được. Thằng bé đang ngủ say, bị chuyền sang tay người lạ bất ngờ, nó giật mình khóc i ỉ, đôi bàn tay nhỏ xíu của nó quờ quạng trong không khí tìm lấy cái vùng ngực ấm áp quen thuộc của mẹ. Trong bóng tối đôi mắt của dượng Tư lóe lên hai đốm lửa đỏ khé như mắt của loài dã thú, hắn nhìn trừng trừng vào tấm thân gầy guộc của thằng bé. Những đứa trẻ sơ sinh, chúng có cái thính giác cực nhạy và linh tính đặc biệt. Ngửi thấymùi mồ hôi nồng nặc và mùi da thịt hăng hắc của dượng Tư, thằng bé dãy dụa khóc thét lên, dường như nó hiểu cái giờ phút bất hạnh và lâm nạn của nó đã điểm. Nhưng đượng Tư nào đâu chịu để cho thằng bé được khóc thoải mái, mà nó sẽ làm kinh động bọn trẻ nhỏ, bàn tay to lớn như một nải chuối của hắn bóp chặc lấy miệng thằng nhỏ xấu xố. Hiền trườn người bò tới gần hơn, nó ngạc nhiên với chính bản thân bởi cái sự can đảm liều lĩnh đột phát từ sự tò mò. Hiền hiểu rằng, nếu gã hung đồ phát giác ra sự dòm ngó của nó, thì đời nó sẽ khốn nạn đến tận cùng ngay. Hiền không dám bò quá xa, nó chỉ muốn đến gần một chút nghe ngóng xem chuyện gì vậy thôi. Hiền không còn nghe thằng bé Sáng khóc nữa, chỉ có một vài âm thanh nấc nghẹn, ằng ặc len lỏi qua mấy ngón tay của dượng Tư thoát ra ngoài cõi đêm im ắng. Đột nhiên, tóc tai Hiền dựng ngược lên tua tủa, trái tim gần như muốn vỡ nát ra thành trăm mảnh, khi, trời ơi, nó nghe từ phía sau tấm màn vải hoa vang lên một tiếng rắc ghê rợn, giống như một thanh tre bị người ta bẻ gãy gọn, cùng với tiếng kêu tắc nghẹn của thằng bé như trong cơn dẫy chết. Hiền rùng mình chết điếng, không biết Tư đã làm gì thằng Sáng, chỉ nghe thấy đôi chân của đứa nhỏ chòi đạp vào tấm màn vải kịch liệt, chắc là nó đau đớn lắm. Được một lúc, Hiền nghe tiếng dượng Tư thở phào:
-Xong rồi, nó đã ngất đi rồi, ngày mai mình đem tới ông thầy Tàu bó thuốc cho nó...
Tấn thảm kịch đã buông màn, Hiền cuống cuồng trườn lui về chỗ cũ nằm im thin thít không dám động đậy gì, nhưng Hiền biết, nó là nhân chứng duy nhất đã nhìn thấy một tội ác ghê rợn diễn ra giữa đêm khuya trong một bối cảnh hãi hùng. Sáng hôm sau, Hiền trông thấy vợ chồng má Tư bọc thằng Sáng trong một tấm khăn lông cũ gọi xích lô chở đi, mà chỉ có mỗi nó biết là đến chỗ một ông thầy Tàu nào đó. Mấy ngày sau, thu hết can đảm, Hiền giả vờ vào gặp má Tư, trong lòng đã chuẩn bị trước một lý do hữu lý nhất để trả lời. Tư đang lúi húi với nồi cháo sáng, ngồi quay lưng ra phía Hiền, thằng bé nhân dịp đảo mắt tìm kiếm thằng Sáng. Hiền thất vọng trông thấy một đống vải bùng nhùng cuộn tròn quanh thằng Sáng, chẳng nhìn rõ được gì. Má Tư nghiêng đầu nhìn ra hỏi:
-Đứa nào đó"
Hiền tiến thêm mấy bước:
-Dạ, con là Hiền đây...
-Mầy vào đây làm gì, lần sau mầy vào phải báo cho tao biết trước nghe.
Hiền làm bộ gãi đầu:
-Dạ, xin lỗi má Tư, lần sau con sẽ kêu trước.
Má Tư xoay hẳn người ra, trừng trừng nhìn Hiền:
-Mầy muốn gì"
-Dạ, con muốn xin má Tư cho con mượn vài ngàn ra chợ trời mua đôi dép, đôi dép cũ của con đã mòn quá rồi.
-Tiền của mầy đâu mà mầy hỏi tao"
Hiền càng vò đầu dữ hơn:
-Dạ, mấy ngày nay đánh giày ế quá, con không có tiền.
Má Tư vẫn nhìn Hiền bằng ánh mắt nghi ngờ:
-Đánh giày mà cũng đòi đi dép mới, sang quá hả"
-Dạ, buổi trưa trời nóng đi xuống đường phỏng muốn lột da chân luôn má Tư ơi.
-Mượn tiền là phải trả thêm tiền lời đó con!
Hiền biết chứ, vợ chồng má Tư chưa hề giúp tiền ai không lời bao giờ, nó định lựa lời thoái thác để rút lui, vì cái điệp vụ do thám của nó xem như đã gần chấm dứt trong thất bại hoàn toàn, thì thật may mắn làm sao, thằng bé Sáng bị động, nó giật mình khóc thét, Hiền nhanh chóng khuỵu người xuống bồng thằng nhỏ lên giả giọng nịnh bợ lấy lòng:
-Má Tư để con ru thằng Sáng cho...
Tư vội vã chồm tới giật lấy thằng nhỏ, trợn mắt:
-Ai mượn mầy chớ hả, đi ra đi.
Trong lúc giằng co, Hiền giả vờ như vô tình, nó kéo cái khăn lông tuột ra, để trợn trừng mắt hãi hùng nhìn thấy, cái chân trái của thằng Sáng bị bẻ quặt ngược về phía trước và bị bó trong một cuộn vải the quấn đầy lá thuốc. Má Tư giật lấy chiếc khăn phủ lên thằng Sáng xua tay đuổi thằng Hiền:
-Nhìn cái gì, nó bị té ngã từ trên cao xuống, bó thuốc vài ngày là hết, đừng có bép xép là ăn đòn nát thây nghe con...
Hiền thụt lùi:
-Dạ... dạ... thôi con không dám làm phiền má Tư nữa, con đi chân không cũng được.
Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, khi tấm màn vải buông xuống, Hiền kịp trông thấy đôi mắt vô hồn của thằng Sáng dõi nhìn theo. Chỉ có mười mấy tháng tuổi thôi, mà từ đôi thủy tinh rất ngây thơ của Sáng, Hiền vẫn có thể đọc thấy những nỗi u buồn thăm thẳm, mà Hiền biết rằng suốt cuộc đời nó, Hiền sẽ không bao giờ có thể quên được niềm đau hằn sâu trong đó...

*

Thằng Sáng được Lực với anh em Hiền giúp cho mấy chén phở, nó nắm tay con bé Lành, đôi mắt mờ đục, vì cơn sốt đang hành hạ thiêu đốt trong thân thể, ánh lên một đốm sáng:
-Em cám ơn chị với anh Hiền cho em ăn...
Lành rùng mình suýt nữa đã rụt tay về vì những ngón tay của thằng bé què nóng hừng hực như lửa. Sáng rên rỉ, nước mắt trào ra từ hai cái khóe đầy những vẩy ghèn đen sạm vì dính bụi đất, càng làm cho da mặt của nó lem luốc thêm lên:
-Chắc em chết quá chị Lành ơi...
Lành dịu dàng xoa đầu thằng bé tìm lời an ủi:
-Đừng nói bậy, mấy lần trước mầy cũng bịnh như vầy mà mầy vẫn sống đó.
Sáng khóc thút thít:
-Bịnh hoài làm sao sống nổi chị, em có chết thì em cho chị với anh Hiền đồ đạc của em...
Lành bùi ngùi không biết phải nói gì, trái tim nó chùng xuống trong một nỗi buồn tê tái. Thằng Sáng nó yếu lắm rồi, trông cứ như là một bộ xương biết cử động, cánh tay khẳng khiu như một cây que củi của thằng nhỏ run rẩy trong lòng bàn tay của con bé, từ cổ họng của nó phát ra những tiếng thở khò khè, đứt đoạn. Lành kéo thằng Sáng vào chỗ của nó, con bé tìm mấy mảnh vải cũ đắp lên cái thân thể gầy còm của thằng nhỏ cho nó được ấm. Lành ngậm ngùi nhìn những thứ gọi là dồ dạc của Sáng, mà nó có lòng tốt trối trăn trao lại hết cho anh em Lành. Nào có gì đâu. Chỉ toàn là những thứ của bỏ đi không có một chút giá trị gì, là những món cóp nhặt được từ những bãi rác thành phố. Những đồ vật này đối với thằng Sáng là cả một gia tài quý giá, nhưng đối với những con người đang đi đứng sinh hoạt ngoài kia, thậm chí với cả anh em Lành và bọn trẻ ở đây, thì chúng chỉ là những thứ vô ích cần được hoàn trả về cho cội nguồn của chúng, tức bãi rác. Thằng Sáng co rút trong đống bao bố nhắm nghiền mắt nằm bất động, trông như một cái xác chết. Lành nắm tay anh Hiền báo động:
-Anh Hai, coi bộ thằng Sáng nó sắp chết rồi, mình làm cái gì cứu nó đi.
Hiền nhoài người đến đặt tay lên cái trán nhớp nhúa của thằng Sáng, nó rụt tay về nhăn mặt chửi đổng:
-Mẹ nó, nóng thấy bà, chắc nó chết quá!
Lực chạm nhẹ mấy ngón tay lên trán Sáng, nó giật mình nói với Hiền:
-Anh Hiền, em còn mười ngàn của anh Việt kiều cho, mình đưa nó vào nhà thương đi.
Hiền cười nhạo thằng bé Bắc kỳ:
-Mười ngàn thì nhằm nhò gì, mầy có năm trăm ngàn đưa đây tao chở nó đi bịnh viện.
Lực sửng sốt không tin là nó vừa nghe thấy con số vĩ đại đó:
-Cái gì, đến năm trăm ngàn cơ à"
Hiền xì một tiếng:
-Ừ, mà chỉ là tiền đóng vào cửa thôi đó, người ta gọi là viện phí, rồi còn tiền nằm giường, tiền thuốc men, tiền trả cho bác sĩ, y tá, sơ sơ chỉ chừng năm bảy triệu đồng thôi hà, có nhiều nhỏi gì đâu.
-Ủa, nhà thương là nơi chữa trị nhân đạo cho mọi bệnh nhân mà, họ lấy tiền của người nghèo làm gì"
-Nhân đạo cái mốc xì, mầy không có tiền thì đừng có mò vào nhà thương, bất cứ cái gì thuộc về nhà nước mà mầy muốn được phục vụ thì mầy phải lòi tiền ra, không có thì mầy đi chỗ khác chơi... Tốt hơn hết là mầy đừng bao giờ bày đặt bịnh hoạn nầy nọ như thằng què nầy.
Lực vẫn chưa chịu tin những điều Hiền nói là sự thực:
-Chẳng nhẽ nhà thương thấy chết mà không cứu.
Hiền nhìn Lực trừng trừng như nhìn một người mới từ trên cung trăng xuống:
-Mầy có ngon thì nhào ra đường cho xe nó đụng mầy đi, rồi tao chở mầy vào bịnh viện, để coi ai cứu mầy sống.
-Nhưng dù sao mình cũng phải làm một cái gì đó chứ"
Hiền lắc đầu chán nản:
-Mười ngàn của mầy chỉ mua được mấy viên thuốc cảm, chưa kể lát nữa đây mầy sẽ giao nộp hết số tiền đó cho má Tư.
Lực ngẩn ngơ hỏi:
-Em không giữ được chút nào à"
-Giữ gì được, tiền mướn hộp, tiền trả xi ra, vải đánh bóng với bàn chải, tiền chỗ ngủ đêm, tao sợ không đủ nữa kìa.
Lực rùng mình, một luồng lạnh giá chạy rần rật dọc theo sống lưng. Nó vừa nghe được những điều rùng rợn vượt quá mọi sự tưởng tượng mà Lực có thể nghĩ được. Nó không tin rằng giữa con người với nhau mà người ta có thể làm ngơ để cho những đứa trẻ tàn tật như Sáng nằm chết dúi trong cái xó tối này. Hóa ra những đứa trẻ bụi đời, nghèo nàn, bất hạnh như Lực, như Sáng, anh em Hiền và tất cả những đứa trẻ rách rưới lang thang trên khắp nẻo hè phố chỉ là những con người hạ đẳng, thậm chí thua sút luôn cả những con chó con mèo của những người nhà giàu sống trong những ngôi nhà to lớn lộng lẫy, là những sinh vật vô thừa nhận trong cái xã hội hào nhoáng đẹp đẽ này. Lực tự hỏi, chẳng nhẽ trong cái thế giới rực rỡ màu sắc ngoài kia, không có một con người nào còn giữ được nhân tính hay sao. Đột nhiên, một tia chớp lóe sáng trong ý nghĩ của thằng bé, gương mặt hình chữ điền với chiếc cằm vuông và nụ cười dịu dàng của Lãm hiện ra. Lực khẽ reo lên:
-Có rồi, có rồi...
Lành đang nằm gối đầu lên hai bàn tay thiu thỉu muốn ngủ, nó giật mình chồm dậy nhích lại gần Lực mừng rỡ:
-Cái gì, anh Lực nói cái gì"
Lực nắm bàn tay mềm nhỏ của Lành, trong lòng rộn rã một niềm hy vọng:
-Anh Lãm... anh Việt kiều tốt lắm, ngày mai em sẽ van xin anh Lãm cứu thằng Sáng.
Lành siết chặc những ngón tay thô ráp của Lực:
-Có thật vậy không anh"
Hiền xua tay:
-Thôi đi, người ta Việt kiều về đây ăn chơi, đâu có rãnh thì giờ lo chuyện tầm phào như mầy nghĩ. Tiền là để bao đào địch, gái ghiếc nầy nọ, nhảy nhót, bia ôm, gái gọi, có phải là tiền chùa đâu.
Lực sửng người ngẩn ngơ, câu nói của Hiền như một gáo nước lạnh tạt vào mặt buộc nó phải gãi đầu bối rối:
-Anh Lãm tốt lắm, em nghĩ rằng anh ấy sẽ giúp...
Lực cố tin rằng, trong thế giới của quỷ cũng sẽ có những thiên thần như anh Lãm của nó... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.