Đọc Sách Mới: Bản dịch Việt ngữ từ nguyên tác "The Chau Trial" của tác giả Elizabeth Pond / Hậu quả III:
vụ án Khởi đầu sự cáo chung của CHẾ ĐỘ
Tác giả
Elizabeth Pond
Là một tác giả và diễn giả danh tiếng chuyên về các vấn đề quốc tế, tên tuổi Elizabeth Pond (hình bên) được nể trọng ở Âu Châu và Hoa Kỳ, trong cả hai lãnh vực báo chí và hàn lâm. Ngoài công việc giảng dạy tại các đại học Đức và Mỹø, bà còn là thành viên nhiều hội đồng tham vấùn và viện nghiên cứu chiến lược quốc tế và là tác giả của 11 cuốn sách có nội dung đã đụng tới các vấn đề nóng bỏng nhất tại nhiều khu vực của thế giới như bức tường Bá Linh, Chính sách Mỹ đối với nước Đức; Biến động vùng Balcans; Nhận thức về nước Nga; Sự tái sinh của Âu châu...
Sự nghiệp của Elizabeth Pond bắt đầu bằng "The Chau Trial". Đúng 40 năm trước đây, sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân, cô dành nửa năm để ở lại Saigon theo dõi tại chỗ. Và "The Chau Trial" trở thành tác phẩm đầu tay của Elizabeth Pond, với kết luận "Đây là bước khởi đầu sự sụp đổ của ông Thiệu."
Cho tới nay, 40 năm sau "Vụ án Trần Ngọc Châu", tác giả và nhân vật chính trong vụ án - Pond và Châu- vẫn chưa hề gặp nhau.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ "Vụ Án Trần Ngọc Châu" do THANH NGUYỄN và HOÀNG NGỌC TRÁC chuyển ngữ từ nguyên tác "The Chau Trial".
***
Elizabeth Pond nhận xét về Hậu quả vụ án
Muốn mường tượng ra hình dạng thay đổi như thế nào thì cần bắt đầu với một số giả định về khuôn khổ suy luận. Những giả thuyết của tôi là:
1. Tình hình đàm phán có xoay chuyển thế nào đi nữa, Mỹ tiếp tục rút quân, chắc chắn tới cấp độ của những lực lượng canh gác, có khi thấp hơn. Và tốc độ triệt thoái trước mắt sẽ tùy vào những chỉ dẫn của Nixon về giảm quân để chủ yếu giữ vai trò yểm trợ tác chiến vào mùa Xuân tới.
2. Ít nhất qua năm tới, Hoa Kỳ tiếp tục ngăn chặn mọi cuộc đảo chính tại Sàigon - với hiệu quả.
3. Việc Mỹ tiến quân qua Cămbốt là ngoại lệ hơn là chiều hướng của tương lai và Hoa Kỳ sẽ không đảo ngược quyết định xuống thang chiến tranh, trừ phi Cộng sản mở những cuộc tấn công lớn.
Về phía Bắc Việt và Mặt trận:
1. Bắc Việt chưa bị kiệt quệ tới cùng, lại còn được Trung Quốc cung cấp mọi yêu cầu về võ khí nhỏ nên vẫn có thể tiếp viện chiến trường miền Nam theo sát với mức độ tác chiến mong muốn.
2. Vốn đã thành công tại nhiều nơi, đặc biệt trong vùng châu thổ đông dân ở miền Nam, việc Chính phủ phá vỡ lực lượng võ trang bảo vệ cán bộ Cộng sản sẽ giảm dần nhưng vẫn không ngăn được Mặt trận xây dựng lại cơ sở với các bộ đội Cộng sản mới tăng cường.
Về phía miền Nam:
1. Ông Thiệu tiếp tục nghi ngờ các đồng minh đến tối đa và vì vậy sẽ còn duy trì việc khống chế đối lập hơn là vận động sự ủng hộ hay tìm thế phòng thủ qua sự dung hoà với các nhóm xã hội chính trị (không cộng sản.)
2. Thành phần quốc gia chống Thiệu và không cộng sản sẽ còn ngại ngần đoàn kết và sự phân hoá tiêu biểu của miền Nam còn tiếp tục.
Về đánh và đàm:
1. Không đạt thoả thuận rồi tôn trọng ngưng bắn cho tới khi có lắng dịu kiểm chứng được tại một số chiến trường (có thể ở Cămbốt hay cả tại Việt Nam). Và điều kiện này khó xảy ra cho tới khi Mỹ coi như đã hoàn tất việc triệt thoái và tới khi các lực lượng Cộng sản đã giành lại cân bằng và phục hồi những gì họ đã mất trong trận đánh năm 1968 và trong đợt bình định 1968/1969.
2. Những xung đột sẽ tiếp tục trong khoảng một năm nửa với cường độ tương đối thấp như trong hiện tại - và với giao tranh ngoài biên giới hay các đợt tấn công trong khu đông dân. Trong hoàn cảnh đó, quân Bắc Việt và Mặt trận sẽ không dại dột trì hoãn việc Mỹ rút quân bằng những trận đánh lớn, nhưng sẽ tăng cường lực lượng cho các đợt tấn công ráo riết vào cuối giai đoạn triệt thoái của Mỹ.
3. Washington và Sàigòn sẽ không thương thuyết một giải pháp liên minh không phản ảnh lợi thế Mỹ-Việt đang có ngoài chiến trường (đo lường ở khả năng kiểm soát tình hình tại các khu đông dân).
4. Trong khi Bắc Việt và Mặt trận - dù quyết liệt phản đối - có thể đồng ý với thế liên minh của chính quyền trung ương gồm có Thiệu, Kỳ hay Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, chắc chắn là họ không bao giờ chấp nhận quyền đại diện của các dân biểu địa phương hoặc của từng khối dân cử trong Quốc hội hiện hành. Và vì vậy, việc đàm phán sẽ gặp bế tắc chính trị trong ít nhất một năm nữa.
Những giả thuyết ấy đúng hay sai về thời điểm thì vẫn là điều mơ hồ. Cho nên hình như người ta có được một năm, đôi khi là hai năm, xoay trở trước khi sức ép quân sự và - hay là - chính trị sẽ lại gia tăng. Sau đó ra sao thì không thể đoán được. Về phía Hoa Kỳ thì điều ấy hàm ý là ông Thiệu có thể ổn định đủ tình hình cho Hoa Kỳ rút khỏi cuộc chiến, tương tự như ông Kỳ đã tạm ổn định tình hình cho Mỹ nhảy vào cuộc.
Ảnh hưởng về phía Việt Nam thì khó biết hơn. Trong hoành cảnh giả định ấy, thời điểm thay đổi chính trị có vẻ thuận lợi nhất là vào mùa hè tới, khi mọi người chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống vào mùa thu.
Một vụ đảo chánh sớm như vậy là hơi khó. Ông Thiệu vẫn có vẻ kiểm soát đủ tình hình - và Mỹ vẫn còn đủ ảnh hưởng - để chặn được mọi cuộc đảo chánh. Đã thế, trong hiện trạng, những tay muốn thử thời vận lại cũng chẳng nhiều. Không có ai chịu làm đảo chánh, một chính khác than vãn như vậy; nếu có người thì đỡ hơn nhiều. Ông ta nói tiếp, khi ấy mình sẽ có trật tự thay vì sự hỗn loạn sau Thiệu.
Trong ngắn hạn thì đây không phải là mùa đảo chánh. Tình hình chính trị sẽ thay đổi mạnh tới độ đảo chánh sẽ dễ hơn với thời gian. Vì vậy thời điểm này chưa phải là lúc các chuẩn ứng viên đảo chánh xuất hiện. Ngoài ra, vẫn còn tràn trề hy vọng là Hoa Kỳ sẽ bất ngờ đi tìm một thỏa hiệp chính trị và sẽ chiếu cố một đối thủ nào đó của ông Thiệu, cho nên các đối thủ vẫn tự chuẩn bị cho tình huống đó.