ƯU TIÊN KINH TẾ
Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Tổng Thống George W. Bush ra đi để lại cho người kế vị ông một di sản khá nặng nề, một cuộc suy thoái kinh tế chưa từng thấy ở Mỹ từ 80 năm qua cho đến hai cuộc chiến còn dở dang và một cuộc diện thế giới đầy biến loạn có khả năng nổ lớn ở Trung Đông. Vậy Tổng Thống kế nhiệm Barack Obama phải quan tâm đến chuyện gì trước hết" Chúng tôi thiết nghĩ ưu tiên là vấn đề kinh tế. Nếu kinh tế Mỹ không có hy vọng ngóc đầu lên được, hãy tạm quên đi việc giải quyết các vấn đề đối ngoại kể cả cuộc chiến tranh chống khủng bố mà tiêu biểu là tấn công Afghanistan và Iraq theo chiến lược của ông Bush từ 8 năm qua.
Còn một tuần lễ nữa đến ngày tựu chức Tổng Thống, Barack Obama đã bắt đầu hành động chuẩn bị kế hoạch cứu nguy kinh tế. Đầu tuần này Obama yêu cầu Bush giải tỏa luôn một nửa số tiền còn lại của ngân quỹ 700 tỷ đô-la dành cho việc cứu nguy các ngân hàng tư nhân bị phá sản. Obama hứa với Quốc hội ông sẽ làm việc này tốt hơn Bush, dùng số tiền 350 tỷ để trực tiếp giúp giới trung lưu. Ông nói với báo chí: "Chúng tôi nhắm vào vấn đề tiền nợ mua nhà của người dân và nguy cơ bị mất nhà. Chúng tôi nhắm giúp giới tiểu thương, nhìn vào những gì cần làm để bảo đảm cho tiền tín dụng được cấp cho người tiêu thụ và giới kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm ở Mỹ". Như vậy làm tốt hơn Bush có nghĩa là làm lợi cho người dân mua nhà thay vì làm lợi cho các công ty tài chính cho vay tiền.
Nhưng để cứu vãn nền kinh tế Mỹ đang xuống dốc, quan trọng nhất vẫn là mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân. Năm 2008, 2.6 triệu người đã mất việc, số thất nghiệp này là lớn nhất kể từ năm 1945. Số người mất việc hiện nay là 7.2%, tỷ lệ lớn nhất từ gần 16 năm qua. Số việc làm bị mất này nhiều nhất không phải là việc làm ở công sở hay các công ty kinh doanh mà là việc làm trong giới tiểu thương. Theo những thống kê mới nhất vào tháng 12 vừa qua, giới tiểu thương chỉ còn 85.2% lạc quan cho nghề làm ăn của họ. Đến tuần này lại mất thêm 2.6%. Như vậy ngành tiểu thương đã suy thoái gần bằng mức năm 1980 là 80.1%. Mỹ là nước có xã hội tiêu thụ, tiểu thương sống được nhờ người tiêu thụ. Nay số người thất nghiệp quá lớn và một viễn tượng kinh tế khá bi quan, các gia đình người dân nói chung đều có khuynh hướng dè sẻn, tiết kiệm, không tiêu xài như trước, thành ra ảnh hưởng dây chuyền đến cả nền kinh tế.
Vậy kế hoạch cứu nguy kinh tế của Obama như thế nào" Tuần này, ông Ben Bernanke, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang, đã nhìn nhận trọn gói dự án kinh tế của Tổng Thống sắp tới và Quốc hội mới có thể đem lại một "thúc đẩy" cho nền kinh tế đi lên. Nhưng ông cũng cảnh cáo sự hồi phục đó sẽ không dài lâu nếu không có những bước kế tiếp để ổn định nền tài chính đã lung lay. Đây là lần đầu tiên Bernanke nói đến cái gói 800 tỷ đô cứu nguy kinh tế do Obama dự liệu, trong đó bao gồm các dự án như giảm thuế, giảm chi của chính quyền, đồng thời với việc tạo ra những dự án chính phủ xây dựng các công trình công ích lớn. Bernanke là ông "sếp" của đồng đô-la, nên ông quan tâm đến nền tài chính là lẽ dĩ nhiên. Việc giảm thuế không thể tạo ra một sự phục hồi kinh tế lâu bền nếu không kèm theo một loạt những biện pháp mạnh mẽ để ổn định và tăng cường nền tài chính. Ông nói: "Lịch sử đã chứng minh cụ thể một nền kinh tế hiện đại không thể tăng trưởng nếu nền tài chính không làm việc hiệu quả".