Thường Tung là thầy của Lão Tử. Một hôm ngồi ở hoa viên, bất chợt thấy trong người hơi oải liền cho gọi Lão Tử đến mà nói rằng:
- Con người dù có khổ cực sang giàu, hoặc khỏe mạnh ốm đau, thảy đều phải xuôi tay đi vào miên viễn. Nay ta thấy trong người mõi mệt, tâm trí bất an. Ắt chữ xa chia sẽ về trong sớm tối.
Lão Tử nghe vậy mới trố mắt ra mà quan sát, thời thấy mắt thầy bớt lộ tinh anh, da dẻ có phần xanh mướt, má lại hóp vào, liền rúng động tâm can. Hoảng hốt nói:
- Đã làm đổ nước ra nhà thì phải đi lau. Chớ không thể khoanh tay mà đứng ngó. Nay thầy đang tâm nửa đường dứt bỏ, mà không kể số đến đám môn đệ chung quanh, thì hổng biết có là… hiền nhân không nữa!
Thường Tung nhìn ra cuối sân, thấy lá bàng rơi tá lả theo chiều gió, bèn cảm nỗi quạnh hiu. Rầu lo nói:
- Học phí các ngươi ta đã nhận. Quà lễ ta đã thâu, mà kiến thức của ta chưa thể đong đầy cho các ngươi được, thì trước là hổ thẹn với bản thân, sau lỡ các ngươi đòi lại thì lấy gì cho hiền thê sinh sống!
Rồi gắng gượng nói rằng:
- Uống nước chừa cặn. Chớ cạn tàu ráo máng với nhau thì thiệt là không phải. Thôi được, bây giờ ta nhắc lại với ngươi, rồi ngươi truyền lại cho chúng bạn đồng môn, thì chuyện vướng mắc sẽ thông hoài thông tới.
Đoạn, hắng giọng hỏi:
- Qua chỗ cố hương mà xuống xe, là nghĩa làm sao"
Lão Tử thưa:
- Có nghĩa là không quên nơi quê cha đất tổ, bởi quê hương là nơi cha ông ở đấy, cũng là nơi mình mập mạnh lớn lên, nên không thể gặp… chút quê hương mà không tỏ lòng tôn kính.
Thường Tung thở ra một cái, rồi lắc đầu nói:
- Đồng tiền có hai mặt, mà mặt nào cũng xài được. Ngươi mới bàn mặt ngoài. Còn mặt ở phía sau. Sao hổng bàn luôn cho tới"
Lão Tử trố mắt đáp:
- Đệ Tử thật thà hổng biết. Xin ân sư khai mở cho.
Lúc ấy, Thường Tung mới nhỏ giọng mà rằng:
- Bày tỏ lòng yêu mến quê hương là chuyện nhỏ, nhưng khoe được chiếc xe với mấy thằng cùng quê mới là chuyện lớn. Ngươi theo ta bao ngày, chứng kiến bao nhiêu chuyện, mà lẽ được thua vẫn ù ù cạc cạc, là cớ làm sao"
Lão Tử đưa tay ôm lấy đầu. Hoảng hốt thưa:
- Đệ tử trong lúc sợ cảnh chia ly, nên bỗng quên mất điều hệ trọng. Thiệt là đáng trách!
Thường Tung thấy vẻ phục thiện của Lão Tử hiện tràn trên nét mặt, bèn dịu mối tâm tư. Từ tốn nói:
- Tấn về nội, thối về ngoại. Tuy rằng có sáu chữ ít oi, nhưng đạo lý làm người… nó nằm chơi trong đó.
Rồi chậm rãi hỏi:
- Qua chỗ có cây cao thì phải bước nhanh nhanh, là nghĩa làm sao"
Lão Tử thưa:
- Có nghĩa là kính trọng người già cả, cao niên, bởi vì cây cao thường thấy ở miếu xã đình làng. Kính trọng miếu xã đình làng, là nhớ đến công lao khai phá của tiền nhân mà sinh lòng ái quốc. Người mà có lòng ái quốc thì đáng gọi là người có bản lĩnh. Trước là vẹn chữ giang sơn, sau đối với thê nhi cũng trào tuôn son sắt.
Thường Tung nghe vậy, mặt bỗng xụ xuống một đống. Bực bội gắt:
- Người ta sống được là nhờ có ngày có đêm. Còn ngươi. Chỉ thấy có ngày, là cớ làm sao"
Lão Tử thất sắc đáp:
- Đệ tử trả đúng bài thầy dạy. Sao lại cho sai"
Thường Tung thở hắt ra một hơi mấy cái, rồi chán nản đáp:
- Ngươi học một biết một, thì suốt đời làm lính. Học một biết hai, thì sẽ được làm quan. Còn học một biết hơn hai, thì áo mão công danh thiệt hổng biết bao nhiêu mà tính. Ta có dạy ngươi điều đó thật, nhưng đó là những điều ta dạy trên bàn, còn… thâm sâu ở dưới bàn ngươi lại không nhớ, thì thiệt khiến cho ta ôm nhiều thất vọng. Khó yên lòng nhắm mắt!
Rồi uất ức nói:
- Thời tiết thay đổi. Khí hậu bất thường. Bão lụt liên miên. Nếu đi dưới cây cao bóng cả mà không chịu bước cho nhanh thì sẽ có ngày không thấy mặt vợ con. Chốn tuyền đài hối tiếc.
Lão Tử nghệch mặt ra một chút rồi sửng sốt hỏi:
- Đi qua miếu xã đình làng mà bước vội, thì làm sao nhớ đến công khai phá của tổ tiên mà sinh lòng ái quốc. Chẳng lạ lắm ư"
Thường Tung nhếch mép đáp:
- Bất luận ngươi muốn cái gì, thì phải giữ được tấm thân ngươi mới tìm muốn được. Chớ bị cây trốc gốc hoặc cành to rơi trúng, thời yêu nước được hay sao" Lại nữa, lòng ái quốc tuy là đáng quý, nhưng nếu bị người ta lợi dụng, để mưu lợi cá nhân, thì hông biết ở dưới xa tổ tiên có mừng reo không nữa"
Đoạn Thường Tung há miệng cho Lão Tử coi mà hỏi rằng:
- Lưỡi ta còn không"
Lão Tử mau mắn thưa:
- Dạ còn!
Thường Tung lại há miệng cho Lão Tử coi và hỏi rằng:
- Răng ta còn không"
Lão Tử rụt rè thưa:
- Rụng hết. Tóm tắt là chẳng còn em nào hết cả.
Thường Tung nghiêm mặt hỏi:
- Thế ngươi có hiểu tại sao như vậy không"
Lão Tử lẹ làng đáp:
- Lưỡi còn là do ở lưỡi mềm. Răng rụng hết là do răng quá cứng. Có phải vậy chăng"
Thường Tung gật gật đáp:
-Lạt mềm buộc chặt. Đại để lối cư xử ở đời đều từ đó mà suy ra cả. Ngươi thấu được điều này, thì coi như ta không còn gì để dạy nhà ngươi nữa.
Lão Tử nhìn thầy, thấy Thường Tung đã xuống sắc hẳn, thì biết sắp biệt ly, liền lo âu nói:
- Thầy dạy lạt mềm buộc chặt, nhưng không phải lúc nào cũng có lạt mềm cho xài. Trong trường hợp không có cái gì để buộc, đệ tử phải làm sao"
Thường Tung yếu ớt đáp:
- Không có thì vay mượn. Không mượn được thì… chôm. Tóm tắt là phải vượt qua mọi nghịch cảnh đang bày ra trước mắt.
Lão Tử biết là thầy đã mệt. Trong bụng muốn dừng, nhưng sự tò mò cứ ào xô thúc tới, nên vọt miệng hỏi rằng:
- Thầy. Trên thông hiểu thiên văn, dưới am tường địa lý, giữa thấu hiểu lời dạy của Thánh nhân, mà vẫn vất vả vì chén cơm manh áo, là nghĩa làm sao"
Thường Tung nghe câu hỏi xoáy vào nỗi oan khiên của mình, toan từ chối cho yên, nhưng khi nghĩ đến âm dương đôi đàng cách biệt, bèn cúi mặt thở ra. Buồn hiu nói:
- Đời ta trôi qua. Bây giờ hồi tưởng lại, ta vẫn nghĩ: Cuộc đời không có lạc thú. Không có cái gì cảm thấy thích, tất cả chỉ là con số không - dù ta có tận lực kiếm thêm - vẫn nghèo y như rứa, bởi cái ta muốn thì không có được, còn cái không muốn lại mang nặng trên lưng. Cuộc đời con người ta ngẫm cho kỹ thời giống như bài ba lá. Tưởng đỏ hóa đen. Tưởng chắc cú hóa thành xuôi xị.
Lão Tử, sau khi thấu hiểu phần nào tâm sự của thầy, lòng chưa cho là đủ, liền hấp tấp nói:
- Vậy lời dạy của Thánh nhân chẳng giúp được gì cho thầy hay sao"
Thường Tung uể oải đáp:
- Thánh nhân dạy: Quân tử vụ ư nghĩa. Tiểu nhân vụ ư lợi. Cả đời ta tự cho mình là quân tử, nên vì nghĩa mà làm. Mãi mới nhận ra tình nghĩa không trả được… "biu", thì cũng là lúc tóc mang nhiều sợi bạc. Sửa lại thì sợ miệng thế cười chê, mà không sửa thì e mỗi ngày thêm mỗi tối.
Lão Tử nghe thầy giải bày như vậy, bụng dạ bỗng chợt lo, bèn ưu tư nói:
- Vậy theo ý của thầy. Đệ tử phải làm sao"
Thường Tung nhỏ giọng đáp:
- Muốn cơ thể được mạnh khỏe thì ăn uống điều độ, bia rượu vừa phải, thức ngủ đề huề. Chữ Thánh nhân cũng không ra ngoài nguyên tắc đó.
Lão Tử nghe đến đó cảm như tim ngừng đâp, bèn ấp úng nói:
- Vậy thì đạo Thánh hiền chỉ xài theo… liều lượng thôi sao"
Thường Tung gắng sức đáp:
- Cây thẳng thì bị đốn trước, còn cong cong lại có thể sống thọ đến ngàn năm. Con người vốn nhân vô thập toàn, lại chuộng thất tình lục dục, nên thích làm điều trái hơn là điều phải. Thích thỏa mãn những mong muốn của bản thân, bất kể những mong muốn đó có gây tổn thương đến tha nhân cũng chẳng nhằm chi hết ráo. Nay ngươi lại muốn đem lễ nghĩa trí tín ra làm quà, thì trước là không theo kịp bước tiến của xã hội văn minh, sau nghèo túng muôn năm sẽ ôm chầm đeo dính!
Rồi nhìn thẳng vào mắt của Lão Tử. Mạnh miệng nói rằng:
- Về xin tiền vợ đi buôn mà kiếm sống. Còn lời của Thánh nhân thì cất kín một bên, mới là kẻ thức thời đó vậy.
Lúc Lão Tử đi rồi, vợ của Thường Tung là Uyển thị từ trong bếp chạy ra. Giật giọng nói:
- Thiếp ngồi bắt bánh bột lọc, ngẫu nhiên nhìn qua khe cửa, thấy chàng khuyên đệ tử bỏ bớt việc rao truyền Chân lý, là nghĩa làm sao"
Thường Tung yếu ớt đáp:
- Lúc nàng về với ta. Ta nghèo khổ không đủ tự lập. May nhờ nàng liều mạng bán xôi, mà đời ta có ngày no đủ, Nay sửa soạn ra đi, ta không đành lòng thấy đứa đệ tử thân yêu bị cái nghèo vây đánh, nên tình thật tỏ bày, với hy vọng nó hiểu được ra, sẽ bớt ngày… tắt bếp.