ÚC: Một nhóm tiêu thụ hàng đầu nói rằng các tổ chức từ thiện, bác ái đã không kê khai rõ là họ đã chi tiêu bao nhiêu trong số tiền quyên tặng được vào các khoản chi phí. Một bản nghiên cứu của CHOICE đã cho rằng nhiều cơ quan từ thiện đã thông báo tổng phí “có vẻ thấp hơn thực tế” để cho số tiền bạc quyên tặng được chuyển đến tay những người cần thiết trông có vẻ nhiều hơn. Phát ngôn nhân của CHOICE là Christopher Zinn nói rằng, nhiều cơ quan từ thiện đã đưa ra những định nghĩa riêng của họ về các hạng mục như phí tổn hành chính và chi phí lạc quyên và nhào nặn, xáo trộn những khoản chi này để đạt được một tỉ lệ ít tốn kém hơn.
Một đại diện của một tổ chức từ thiện, người không muốn được nêu tên đã nói với CHOICE rằng các báo cáo về “phí tổn” thường không phải là những chi phí thực tế. Người đại diện này nói rằng, các tổ chức từ thiện thường đã lấy đại một con số nào đó để kê khai về chi phí lạc quyên của họ. Không có thỏa ước nào quy định về những gì cấu thành phí tổn hành chính cả… một số sẽ nói rằng, nó chỉ là những người trong bộ phận lạc quyên của bạn mà thôi; trong khi một số khác có thể bao gồm cả các phần hành về tin học, nhân sự, tiếp thị,…. không hề có một sự nhất quán nào cả.
Trong số chín tổ chức từ thiện được xem xét trong cuộc nghiên cứu, Hội đồng Ung thư ở NSW (Cancer Council NSW) đã kê khai một tỉ lệ chi phí chi tiêu về hành chính và phí tổn lạc quyên cao nhất so với mức thu nhập. Khoảng 30 phần trăm lợi tức của tổ chức từ thiện này đã được chi tiêu vào hai khoản phí tổn hành chính và lạc quyên trong năm tài chính vừa qua. Thấp nhất là tổ chức Salvation Army, khu vực lãnh thổ phía đông đã kê khai khoảng hai phần trăm tổng lợi tức được chi tiêu cho phí tổn hành chính và lạc quyên. Một phát ngôn nhân của Salvation Army nói rằng, tổ chức từ thiện này cố gắng để bảo đảm rằng càng có nhiều tiền đến tay những người khốn khó càng tốt. Phát ngôn nhân này nói rằng, chúng tôi rất tự hào với nỗ lực lạc quyên và giữ cho chi phí hành chính ở mức thấp của chúng tôi.
The Smith Family (24 phần trăm) và Oxfam Australia (20.9 phần trăm) đều nằm trong số những tổ chức từ thiện có tỉ lệ cao nhất về chi phí so với mức lợi tức. Tuy nhiên giám đốc điều hành của The Smith Family, Paul Henderson nói rằng, tỉ lệ này sẽ nhỏ hơn nhiều nếu thu nhập từ khu vực thương mại của tổ chức từ thiện này được tính chung vào. Ông Henderson nói rằng, bởi vì không có một tiêu chuẩn kế toán nào được quy định chung cho các tổ chức từ thiện nên rất khó để đưa ra sự so sánh chính xác. Một phát ngôn nhân của Oxfam thì nói rằng các quy định kế toán tiêu chuẩn để giúp những người hiến tặng nên được áp dụng. Từ lâu nay, Oxfam đã là tổ chức yểm trợ cho Ủy ban Các tổ chức Từ thiện Quốc gia (National Charities Commission) để giúp chỉnh đốn và cải thiện việc quản trị, trách nhiệm và trong sạch trong khu vực này. Simone Wilson, quyền giám đốc về lạc quyên và phát triển doanh nghiệp của Cancer Council nói rằng tổ chức từ thiện của bà luôn “công khai tất cả mọi thứ” và điều này nên là một cách làm việc chung. Bà Wilson nói rằng, chúng tôi cũng thường xuyên khuyến khích thực hiện việc kiểm toán định kỳ.
Trong số các tổ chức từ thiện báo cáo một tỉ lệ lợi tức thấp chi tiêu vào tổng phí tổn là hội Hồng Thập Tự Úc (8 phần trăm) và Mission Australia (6.1 phần trăm).
Ông Zinn nói rằng cuộc nghiên cứu của nhóm tiêu thụ này không tìm thấy điều gì sai trái về những số liệu được mỗi một tổ chức từ thiện xử dụng nhưng một hệ thống báo cáo tiêu chuẩn chung là điều cần thiết để giúp cho người ta biết được có bao nhiêu phần trăm trong con số hiến tặng của họ đến được tay người nhận. Đây là quyền được biết của những người hiến tặng các hội từ thiện. w
Ông Zinn nói rằng, trong khi các phương pháp kế toán của các tổ chức từ thiện rất là hợp pháp, CHOICE nghĩ rằng, những người hiến tặng có quyền có được thông tin rõ ràng, nhất quán để cho họ có thể có được quyết định đúng đắn về tổ chức nào mà họ muốn hỗ trợ.