LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
*
Khi nghe thấy tiếng mở cửa buồng số 2, rồi số 13, tôi đã hiểu. Đây lại là một phái đoàn tham quan nào đó, chúng đang bịp bợm đưa đến Hỏa Lò, nơi xà lim án chém. Tôi đang nghĩ ngợi mông lung, đột nhiên một giọng miền Trung rành rọt từng lời:
- Kính thưa các đồng chí, nơi đây thực dân Pháp vô cùng dã man, tàn bạo đã dùng những loại cùm thế này để cùm các đồng chí Hoàng Văn Thụ và Trần Đăng Ninh. Hai đồng chí ấy đã kiên trì chịu đựng gian khổ, lấy máu xương để nhuộm thắm tình giai cấp. Hai đồng chí đã quyết tử, để cho đảng ta quyết sinh. Chúng ta ngày nay được thừa hưởng những thành quả của cách mạng vinh quang do máu xương của các đồng chí đã nằm xuống.
Một vài tiếng phụ nữ xụt xịt, rồi nức nở. Trong cảnh vắng lặng, tiếng nức nở làm xao xuyến xà lim. Nghe những tiếng xụt xịt run rẩy của mấy người phụ nữ, óc tôi miên man liên tưởng đến những phương pháp dắt, lái tư tưởng quần chúng của cộng sản thật đáng nể. Chúng áp dụng một phương pháp tinh vi và tuyệt vời, tạo những điều không có trở thành có theo ý muốn của các tên lãnh đạo.
Muốn có những người chảy nước mắt khóc lóc trong các cuộc biểu tình phản đối Mỹ, hoặc chính quyền miền Nam đã tàn sát (") dân làng, đàn bà và trẻ em ở đâu đó, chúng chỉ cần phóng đại sự việc thành ghê tởm, thảm khốc.
Cụ thể như vụ Phú Lợi ở Biên Hòa chẳng hạn, trước đây, ở trên đài, trên báo, thậm chí ở các cơ quan nhà máy, chúng bắt quần chúng phải học tập, mổ xẻ phân tích nữa. Rằng thì là, trong một cuộc biểu tình của một huyện nào đó ở Nghệ An, để phản đối sự tàn bạo dã man của chính quyền Sài Gòn, chính quyền đã cho thuốc độc vào thức ăn để giết hại hàng nghìn tù nhân ở Phú Lợi. Chúng sẽ diễn tả quần chúng trong cuộc biểu tình đó đã phẫn uất vô cùng với nhiều tiếng gầm thét, la ó, kêu gào, đau xót,…Như vậy, bây giờ sự “khóc” đã thành sự thật. Chúng đến gặp từng người, hỏi tên, phỏng vấn đưa lên đài, lên báo.
Chưa có sự thật, chúng còn làm ra thành có. Bây giờ, đã có sự thật rồi, chúng sẽ biết cách phát huy tối đa. Từ điểm đó, ta không lạ gì lắm khi xem những cuốn phim có nhiều người khóc nức nở để tỏ tình thương yêu những người bị tàn sát hàng loạt. Thậm chí, ta còn thấy những người đàn bà Ý, Pháp, Thụy Điển, khóc lóc, nước mắt chảy long tong, phản đối Mỹ đã ném bom tàn sát trẻ con, và đàn bà, v.v… Nhất là vụ Mỹ Lai sau này. Về mặt chính trị, điều này, chúng đã thu hoạch được những thành quả vô cùng to lớn. Những hình ảnh ấy có sức thu hút, lôi cuốn lòng người ghê gớm, và nhất là còn có… tác dụng dây chuyền.
Tôi phải thừa nhận, đấy là một nghệ thuật của chúng. Vậy, việc mấy con mẹ đang xụt xịt chảy nước mắt ở xà lim này, cũng không ngoài những tâm lý và điều kiện trên.
Mãi gần một tiếng đồng hồ, khi chúng đã đi ra rồi, cán bộ mới mở cửa buồng cho xà lim ra đổ bô. Nghe tiếng mở những chốt cùm, và đóng cùm ở các buồng, tôi chợt nghĩ, không biết các người tham quan lúc nãy có biết được xà lim này có 14 buồng. Vậy còn 12 buồng nữa, bên trong hiện giờ có bao nhiêu người đang bị những cái cùm của thực dân Pháp dã man ấy, khóa đôi chân không" Cho nên ở trên đời này, nhất là thời đại ngày nay, người ta lầm nhiều lắm, mà vẫn cứ đinh ninh là mình sáng suốt, đã biết rõ mới chết chứ!
Càng gần về trưa, trời càng sáng dần, có lẽ bên ngoài đã có mặt trời. Ban ngày về mùa Đông, ở miền Bắc, mặt trời hay ngượng ngập che màn, cho nên cảnh vật càng lạnh lẽo, đìu hiu.
Tiếng loa trưa đang ra rả nói về tên Nguyễn Đức Thuận nào đó, vì vậy, tôi lắng nghe. À! Chúng nó đang ca ngợi tinh thần kiên trì chịu đựng của Thuận trước sự đàn áp dã man vô nhân đạo, tàn ác nhất loài người, hơn cả phát xít Hitler, của chế độ Ngô Đình Diệm. Theo chúng, Nguyễn Đức Thuận đã bị giam hãm gần 3 năm trong xà lim buồng tối, thiếu thốn hết mọi thứ, đến nay mới được thả và chỉ còn da bọc xương. Nhân dân miền Bắc đang săn sóc, bồi dưỡng sức lực lại cho Thuận, để Thuận sẽ viết lại những ngày gian khổ cùng cực trong bàn tay đầy máu của Ngô Đình Diệm, để tố cáo với thế giới loài người. Đó là một tấm gương bất khuất trong nanh vuốt của kẻ thù…
Hàng tháng trời, chúng cứ ra rả về Nguyễn Đức Thuận, y đang viết tác phẩm hồi ký “Bất Khuất”. Y là cán bộ trung ương, bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt. Sau gần 3 năm ở xà lim, chẳng hiểu vì sao bây giờ y được tha. Và được đưa về miền Bắc. Rồi cuối cùng, y làm Phó chủ tịch Tổng Công Đoàn, mà Hoàng Quốc Việt là chủ tịch.
Tôi không muốn nghe, mà cứ phải nghe, đầu tôi muốn nóng lên. Ít ngày sau, tôi đi cung, trên đài vẫn còn nói nhiều về tên Nguyễn Đức Thuận, với cuốn hồi ký “Bất Khuất” của y. Khi vào gặp chấp pháp, tôi chẳng sợ quái gì, tôi hỏi thẳng:
- Ở trên đài, dạo này, các ông đang nói về Nguyễn Đức Thuận bị chế độ vô nhân Ngô Đình Diệm bắt giam trong buồng kín xà lim gần 3 năm. Các ông bảo là Ngô Đình Diệm dã man tàn ác. Vậy trường hợp của tôi cũng đã gần 3 năm rồi, và còn chưa biết đến bao giờ thì sao"
Mắt tên Thành quắc lên. Từ trước, y vẫn là người có vẻ có cảm tình với tôi, chưa bao giờ nổi nóng như vậy. Y đập mạnh tay xuống bàn:
- Anh không được nói láo" Anh dám ví anh với người cách mạng à"
Thấy y nổi sùng, tôi im lặng, rồi nhỏ nhẹ nói:
- Thưa ông, tôi không bao giờ dám ví tôi với ông Nguyễn Đức Thuận. Nhưng, tôi thấy ông Nguyễn Đức Thuận ở cấp Trung Ương Đảng, mà Ngô Đình Diệm bắt được lại còn thả ra, cũng như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Bình, Đào Sĩ Chu, v.v…ddều đã bị bắt, nhưng rồi cũng đã được Ngô Đình Diệm thả hết. Có lẽ, vì ông Diệm thấy họ là cán bộ Trung Ương của đảng, nên không dám giam lâu. Tôi thắc mắc, không biết, nên hỏi ông vậy thôi. Chứ tôi là loại “tép riu”, đời nào tôi dám ví với ông ấy.
Năm mươi tám: Một người tù Mỹ!.....
Kỳ này đã cuối Đông rồi, thế mà trời càng lạnh dữ. Có khi cả tuần lễ không thấy ánh mặt trời. Gió lạnh như cắt da, cắt thịt. Bên ngoài, mưa phùn rả rích, nhì nhẹt suốt ngày đêm.
Vì vậy, trong xà lim lại càng tối tăm, vả lại đôi bàn tay cũng sưng buốt, không cầm được kim khâu, cho nên hầu như suốt ngày tôi nằm đắp chăn là nhiều. Chỉ khi nào nằm nhiều quá đau lưng, tôi mới ngồi lên một lúc, rồi lại nằm xuống. Không còn cách gì khác, trong cảnh này, tôi lại nằm suy nghĩ mông lung hết chuyện nọ, tới chuyện kia. Tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại nhiều lần câu chuyện chiếc khăn choàng tàng hình trong phim “Tên Trộm Thành Bát Đa”… Tôi thấy, để diệt chủ nghĩa cộng sản trên trái đất này, phải mất ít nhất sáu tháng. Trong sáu tháng ấy, tôi phải nỗ lực đi theo máy bay nhiều lần, hết nước cộng sản này sang nước cộng sản kia. Tôi phải cắt tai và giết nhiều lãnh tụ cộng sản. Nghĩa là… tôi phải vất vả nhiều lắm.
Vậy, đã mơ ước, thì mơ ước cho… đã. Sự ước mơ có giới hạn nào đâu" Cho nên, tôi lục lọi, tìm tòi một thần thông khác, sao cho nhẹ nhàng, đỡ vất vả và hữu hiệu, thần kỳ hơn… Tôi nghĩ đến “Cây Đèn Thần của Aladin”! Hiện giờ, với cảnh trong cùm, dạ dày luôn luôn “giặt sạch phơi khô” 23 giờ 40 phút trên 24 giờ, nghĩa là chỉ 10 phút vào buổi sáng và 10 phút vào buổi chiều, dạ dày bị ướt vì có tí cơm; chân tay lại sưng mọng đỏ, ngứa buốt ngày đêm;… và với những cảnh huống như vậy, trong mùa Đông lạnh giá này, nếu… tôi có đèn thần của A La Đanh, tôi sẽ làm gì"
Cái gì cần làm trước, làm trước. Tôi lấy cây đèn ra, gãi gãi mấy cái vào thân đèn cho ông thần hiện ra. Sau khi ông thần hiện ra, khoanh tay cúi đầu, lễ phép thưa:
- Kẻ này là tôi tớ của chủ nhân, tuyệt đối phụng mệnh của chủ nhân!
Tôi phải ra lệnh ngay là hãy bẻ cái cùm này ra, và chữa cho tôi khỏi đau và sưng ngón tay, ngón chân đã; bởi vì tay chân còn đau, ăn gì cũng không ngon. Khi thần đã chữa xong, bấy giờ mới làm như A La Đanh, sai thần dọn một bữa ăn thịnh soạn, “chén” ngay tại sàn xà lim này. Nhưng, thần còn phải làm sao cho tôi khỏi rét, run quá! Sau đó, mang ngay tôi về một khách sạn nào đó, ở miền Nam, để tôi tắm rửa, thay quần áo tàm tạm, bình thường. Nghỉ ngơi cho khỏe. Ngày hôm sau, sai thần đưa về nhà thăm cha mẹ và các em; nếu thấy nhà túng thiếu, tặng ít tiền để tiêu xài tàm tạm. Nói chung, phải căn dặn thần không được để một dấu vết gì cho bất cứ một ai nghi ngờ có chuyện lạ lùng của Thần Đèn.
Việc cá nhân coi như tạm ổn, cũng phải mất hai ngày đấy chứ, bây giờ phải bắt tay vào nói chuyện đến cộng sản và thế giới loài người. Trước hết, tôi sai thần đèn đưa tôi xuống vùng rừng U Minh, chỗ không người, làm ngay một căn nhà rộng, chứa được độ từ 100 đến 150 người. Căn nhà để trống trơn, chỉ duy nhất có một cái bàn và hai cái ghế. Căn nhà rộng thênh thang sơn ba phần màu trắng, một phần màu đen. Chỉ trong chốc lát, giữa vùng U Minh vắng vẻ, hoang dã, đã có một căn nhà theo ý tôi muốn. Khi đã sắp xếp xong mọi việc, tôi ra lệnh rõ ràng cho Thần Đèn:
- Trước khi đưa ai về đây, đều làm họ bất tỉnh!... Hãy lần lượt bắt những tên Chủ tịch đảng cộng sản, hoặc Bí thư thứ nhất, hay Tổng bí thư của tất cả những nước cộng sản về đây đặt ở chỗ màu đen. Tên nào cũng khóa chân và tay. Không để bất cứ một loại vũ khí gì trong người chúng.
Xuân đã sang rồi, ai có hay
Tình Xuân chan chứa, ý Xuân đầy
Xà lim buồn lắm…Xuân không đến
Sao chẳng về đi, lại ở… đây"
Cửa sổ nhỏ xoạch mở, giọng tên Dư, vẻ sừng sộ:
- Ngâm nga, hát cái gì đấy" Anh muốn phá trật tự phỏng"
Tôi nhìn y, rồi nhỏ nhẹ trả lời:
- Thưa ông, thật là buồn! Nhớ nhà quá!
- Tôi cấm anh không được làm ồn trong xà lim!
Nói xong, y đóng mạnh xánh cửa sổ nhỏ vào như vẻ rất nghiêm khắc. Nhưng, tôi đã thoáng thấy trong ánh mắt của y khi nhìn tôi, một góc có màu xanh nhạt, như một sự dễ dãi và cảm thông: "Tên này ở xà lim mãi, ngày Xuân nó cũng phải nhớ nhà một tí!”, mặc dù cái mồm của y quát tôi. Chính tôi, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có ý nghĩ như vậy khi tôi nhìn mắt y. Phải chăng, đã từ nhiều ngày, có nhiều hiện tượng nho nhỏ tổng hợp lại tôi nhìn ra được tự nơi y, tôi cảm thấy ở tận cùng của trái tim, y vẫn còn một số chất người"
Tối hôm nay, tiếng loa làm tôi phải chú ý lắng nghe với những bài bình luận, hoặc thông báo, cùng những lời cảnh cáo của chính phủ miền Bắc đối với Mỹ. Nào là, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng Liên Xô, Kosygin, đích thân đi Hà Nội; Mỹ quyết định dội bom bắn phá toàn Bắc Việt; nào hai Tiểu Đoàn đầu tiên của Quân Lực Mỹ đã rời Okinawa đi tới Nam Việt Nam, v.v…
Như vậy, sau bao nhiêu ngày đêm đe dọa, rồi chuẩn bị, rồi lại cảnh cáo lẫn nhau, bây giờ lửa cháy, đạn bay, bom rơi bắt đầu. Lúc này, tôi chỉ nhớ vào đầu 1965, có lẽ khoảng tháng 2, tháng 3 gì đó.
Tình hình miền Nam, tình hình miền Bắc đang như nước sôi lửa bỏng. Đất nước đang trong cảnh đầy vơi chìm nổi như thế, mà chân tôi vẫn đút trong cái cùm oan nghiệt. Ngày đêm, lòng tôi như lửa đốt. Tôi như con thú bị nhốt trong chuồng. Nhưng còn thú, dù là cọp, sư tử, hay voi đã ở trong chuồng, đâu có bị cùm nữa, và đâu có bị cho ăn đói.
Có những đêm, lòng ngổn ngang bao nhiêu nỗi niềm trăm hướng của đất nước, của gia đình, của cuộc đời, tôi không làm sao ngủ được. Cũng có khi, mệt quá thiếp đi trong đêm dài; rồi giật mình thức dậy, nằm nghe tiếng đêm thâu chầm chậm trôi qua, trong lúc hồn cứ dật dờ bay về phương Nam thân yêu với gia đình.
Hình ảnh người mẹ hiền lúc này đã sáng chói, che mờ nhiều bóng khác phía sau. Nhiều đêm, tôi nhớ mẹ tôi đến cái độ quắt quay, nỗi nhớ, niềm thương cứ cuồn cuộn trong lòng, ngút cao như núi. Niềm ước mong to lớn luôn luôn tràn ứ trong lòng là, được cầm tay người mẹ yêu quý mà vuốt ve, mà gục mặt vào cho những giòng nước mắt nhớ thương, nóng hổi tuôn tràn. Cho vơi đi phần nào cái se sắt của tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng, nào có được! Vẫn chỉ là ngút ngàn phương trời mờ mịt. Vẫn ngày đêm chỉ là những tiếng gọi thầm nỉ non, thiết tha từ trái tim rỉ máu. Mẹ ơi! Mẹ ơi!
Khi đang ngụp lặn trong một trời thương nhớ đó, đầu óc tôi chợt lóe lên một ý nghĩ. Phải rồi! Thịt chỗ đầu rốn của tôi, đúng là thịt của mẹ. Người ta cắt cái ruột truyền sự sống của mẹ tôi với tôi, khi tôi được sinh ra. Vậy rõ ràng cho tay xuống rờ mó, vuốt ve cái rốn của mình, mắt lim dim tưởng như được gần mẹ, như ngửi thấy hơi hướng ngọt ngào của mẹ. Một nguồn nóng ấm đang tỏa dần ra trong cõi lòng lạnh giá của tôi. Và từ đó, nhiều đêm, dõi theo mãi những ngày xa mẹ, nơi núi rừng biên cương đầy lam sơn, chướng khí sau này, mỗi khi nhớ đến mẹ, tôi lại sờ rốn … của mình.
Dạo này, tiếng loa la ó suốt ngày đêm. Mỹ đã đem quân chiến đấu vào miền Nam.
Tôi nhìn và suy lý lại toàn bộ những mấu chốt, dữ kiện tản mạn từ sau Thế Chiến Thứ II; sau Chiến Tranh Cao Ly; vụ nói chuyện sức mạnh của Tổng Thống Kennedy với Krouchev, bắt Liên Xô phải nhường bước, mang những đầu đạn hạt nhân từ Cuba về, và rồi vụ Vịnh Con Heo. Rồi, với thực tiễn tình hình miền Nam, miền Bắc Việt Nam lúc này… Tôi thấy ngay hai yếu tố nổi bật quyết định:
Thứ nhất: Bất kể tình huống ra sao, Mỹ mang quân vào miền Nam Việt Nam là sai lầm. Trong điều kiện giữa 2 miền hiện nay, nếu Mỹ mang quân vào miền Nam. Vô hình chung đã tạo cho miền Bắc, cũng như cho cái Mặt Trận Giải Phóng của chúng, trở thành có chính nghĩa. Và tất yếu, vế kia là chính quyền miền Nam lại trở thành mất chính nghĩa.
Thứ hai: Bây giờ, đã mang quân đội vào rồi, rút ra phải có điều kiện, không phải tự nhiên, bình thường mà rút ra được.
Vậy, để giải quyết vấn đề “ddã trót” này, chỉ có một biện pháp duy nhất. Nếu Mỹ không làm như vậy, chỉ trừ trường hợp là sau đấy, có những diễn tiến đặc biệt gì khác của thế giới, còn cứ bình thường Mỹ sẽ không giải quyết được vấn đề. Đôi khi còn nghiêng ngửa, khó khăn, dù sau đấy Mỹ có mang bao nhiêu quân vào miền Nam cũng vậy thôi.
Đó là: Một mặt, tương kế tựu kế, ngay trong lòng nước Mỹ, lợi dụng báo chí, Quốc Hội, (những cơ quan từ trước toàn vạch áo cho cộng sản xem lưng), bằng mọi cách làm sao để thế giới, và ngay báo chí của phe ta không hề biết. Tạo nên những tin tức để phe cộng sản, tin là Mỹ không bao giờ dám đem quân ra miền Bắc, sợ đụng Trung Quốc, có khi đụng cả Liên Xô nữa. Một mặt, bất ngờ, bằng nhiều đường hướng quân Mỹ và một số quân đồng minh, nhưng chủ chốt là của Việt Nam Cộng Hòa, chớp nhoáng, bất ngờ, thần tốc đổ bộ đánh ra miền Bắc, chấp nhận nếu có phải gặp Trung Cộng.