Tổ Minh Giác Thiền Sư
(Ghi chú của Thượng Tọa Thích Tuệ Uy: Bài này do một thiện Tăng tại Tu Viện Hộ Pháp thuộc Tăng Ni Phật Giáo Hải Ngoại, nhân nhịp Ngày Về Nguồn Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ 4 năm 2010 tại Đức Quốc, biên tập theo sử liệu ghi khắc trong Bia Ký tại Tổ Đình Phước Lâm, Hội An, Quãng Nam Đà Nẵng, và đăng tải trên mạng lưới điện toán Internet toàn cầu www.HoPhap.net. Nhất tâm cầu nguyện Thánh Tăng Hòa Thượng Tổ Sư thượng MINH hạ GIÁC Thiền Sư hiển hóa oai quang soi sáng cõi lòng nhiều người dân Việt theo gương Đức Ngài cứu nước cứu Giáo Hội...)
Tổ nguyên hiệu đời thứ nhì Tổ Đình Phước Lâm. Tôn hiệu là Lực Oai Minh giác Thiền Sư. Một bia ký tại ngôi Chùa Phước Lâm ghi rằng: "Khi Tổ đã xuất gia ở chùa vào lúc thời bấy giờ (Triều Nhà Nguyễn 1802- 1945), giặc Chiêm Thành hay quấy rối cướp phá giết dân vô tội ở phía Nam (từ Phú Yên đến Đồng Nai). Nơi đây, người Chiêm Thành vẫn còn tranh giành và luôn luôn có những cuộc chiến tranh xảy ra. Bởi vậy, luật lệ Triều Đình thời đó là "Tam đinh nhất hữu" nghĩa là trong gia đình có 3 người đàn ông thì phải có một người đi lính tòng quân đánh giặc.
Tổ Minh Giác là người con thứ hai trong một gia đình 3 người con. Ngài có một người anh và một người em đã lập gia đình và lo cung dưỡng cha me già. Cổ nhân thường nói, xưa nay người đi chinh chiến ít có người quay về. Vì lòng từ bi thương 2 gia đình của người anh, Ngài không muốn họ phải hy sinh để gia đình con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ già không ai phụng dưỡng, nên Ngài tình nguyện gánh nhận phần tòng quân đánh giặc bảo vệ sơn hà yên ấm.
Bia ký đã kể về Tổ Minh Giác Thiền Sư rằng: khi Ngài nhập vào quân ngũ, với tài thao lược, mưu trí, và tinh thần dũng mãnh quả cảm yêu nước, Ngài đã được Triều Đình phong chức chỉ huy một đạo quân và Ngài đã lập nhiều công trạng hiển hách.
Trong cuộc chiến tất nhiên có người thắng kẻ bại, kẻ thua người hơn. Người thắng trận vui vẻ sung sướng, người bại trận khổ đau uất hận. Ngài luôn trầm tư suy nghĩ điều này ngộ lẽ. Sau khi bình Chiêm xong đất nước thanh bình, đồng bào không còn bị thống khổ, Tổ Lực Oai Minh Giác Thiền Sư dâng chiếu lên Vua xin hoàn trả phẩm tước về quê. Trong thời gian quân ngũ, Ngài đã phát nguyện làm một việc gì đó để bù lại những chuỗi ngày chinh chiến.
Thuở ấy ở phố thị Hội An có chợ Cẩm Phô, người ta thường thấy một người quét dọn chợ lặng lẽ, ban ngày thì họ thấy người quét chợ ấy ngủ trong đình miếu hoặc âm thầm trầm tư như thiền định. Khi hoàng hôn buông xuống, họ thấy người ấy lại quét dọn trong chợ từ những người buôn bán tạp tục nhất đến ngoài biên chợ, với cử chỉ cần mẫn và lặng lẽ.