Cái chết của Hariri ảnh hưởng thế nào đến tình hình Trung Đông" Lebanon là yếu tố then chốt cho thế hòa Israel-Palestine và thế hòa này cũng liên hệ mật thiết đến công cuộc xây dựng dân chủ đang manh nha ở Iraq sau cuộc bầu cử mới đây. Syria có quan hệ chặt chẽ với Lebanon vì trước thế chiến II cả hai đều là thuộc địa của Pháp, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp. Năm 1976, Syria đã đem quân chiếm đóng Lebanon vào lúc nội chiến bắt đầu. Năm 1981 Syria ép buộc chính phủ Beirut phải ký một thỏa ước tuyên bố Syria giữ vai trò chủ yếu trong chính sách đối ngoại. Hiện nay Syria có 14,000 quân đóng ở Lebanon, do đó có thể trực tiếp viện trợ cho Hezbollah, một phong trào dân quân có trụ sở ở Nam Lebanon, chủ trương chống Do thái và đã nhiều lần phóng phi đạn tầm ngắn vào miền Bắc Israel.
Harriri là người chống đối các nhóm thân Syria ở Lebanon. Trước ngày bị ám sát, ông đã cùng phe đối lập kêu gọi Syria rút hết quân ra khỏi Lebanon trước khi nước này mở cuộc tổng tuyển cử. Sau vụ bom nổ, Syria vội vã lên tiếng cải chính, nói không hề dính líu đến vụ này. Cả Hezbollah, Hamas và Jihad ở Palestine cũng lên án vụ đánh bom. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi là cái chết của ông Hariri có lợi cho Syria và các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Các nhóm Hồi giáo cực đoan đã thấy lo ngại về viễn tượng hòa bình giữa Israel và Palestine, sau khi Thủ tướng Do thái Sharon và Chủ tịch Palestine Abbas ký kết thỏa ước đình chiến. Cả hai bên đều đã chứng tỏ có khả năng giữ được sự tự chế trong phe mình để duy trì thỏa ước. Sau khi rút các trại đinh cư Do thái ra khỏi Gaza, Sharon cam kết sẽ rút quân ra khỏi một số thành phố lớn ở Tây ngạn. Nhưng đáng kể nhất, Chủ tịch Abbas, người thay thế Arafat, đã cách chức một loạt 9 Chánh và Phó Chỉ huy An ninh ngay sau khi có những nhóm cực đoan bắn rốc kết và tấn công Israel nhằm phá hoại thỏa ước đình chiến. Trước đây Arafat không dám đụng đến mấy tay trùm an ninh đó. Hai phe Hồi giáo Hamas và Islamic Jihad, chuyên đánh bom khủng bố, tuy không chịu ký vào thỏa ước, nhưng cũng đã tuyên bố chấp nhận ngừng bắn. Cố nhiên mọi con đường hòa bình đều không trơn tru thẳng tắp, nó còn nhiều gập ghềnh khúc khuỷu và mỗi cuộc đình chiến thường là một dịp để hai bên gò ép lẫn nhau hầu kiếm được nhiều lợi thế trước có hòa bình thực sự. Nhưng thỏa hiệp Sharon-Abbas là hy vọng tốt nhất cho hòa bình kể từ khi người Palestine nổi dậy lần thứ hai 5 năm trước đây.
Thế hòa Isreal-Palestine gián tiếp ủng hộ cho cuộc bầu cử Iraq. Theo kết quả được công bố tuần này, phe Hồi giáo Shi-a chiếm nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc hội chuyển tiếp Iraq, nhưng cũng không nhiều lắm như dự tưởng trước đây. Liên minh Đoàn kết Iraq, chịu ảnh hưởng tinh thần của Đại trưởng giáo Ali al-Sistani, được 48% số phiếu. Đảng Liên minh Kurd của người gốc Kurd ở Bắc Iraq đã từng bị đàn áp đẫm máu dưới chế độ Saddam Hussein, chiếm 26%, còn đảng của Thủ tướng Allawi (một nhân vật Shi-a thế tục) chiếm 14%. Số còn lại gồm các nhóm chính đảng nhỏ hay cá nhân độc lập. Trước sự phân bố đó, người ta thấy nhóm Shi-a chiếm 60% dân số, bắt buộc phải lập một chính quyền liên minh với các nhóm đảng khác, nhất là Liên minh Kurd. Nhiệm vụ đầu tiên của Quốc hội là bầu một Tổng Thống và hai Phó Tổng Thống với 2/3 số phiếu. Với cách bầu đó, hai phe Liên minh Đoàn kết và Liên minh Kurd bắt buộc phải thỏa hiệp mới có đa số. Phe Sun-ni hầu như không có số phiếu nào đáng kể. Như vậy ba nhân vật được bầu ra cầm đầu cả nước sẽ lựa chọn một Thủ tướng với sự chấp thuận của Quốc hội. Sau đó trong vòng 10 tháng, Quốc hội sẽ phải thảo ra Hiến pháp để đưa ra trưng cầu dân ý vào cuối năm nay.
Sau cuộc bầu cử, các nhóm khủng bố do al-Zarqawi cầm đầu liên minh với bin Laden vẫn tiếp tục đánh phá, nhưng cường độ đã có chiều hướng suy giảm. Khủng bố trên thực tế đã hụt hơi sau khi không ngăn cản được cuộc bầu cử. Trong những ngày tháng tới, khủng bố có thể còn đánh nhiều đòn nữa, nhưng họ cũng không thể nào cản được bánh xe dân chủ đã lăn. Lá phiếu đã thắng bom khủng bố. Vụ ám sát ông Hariri ở Lebanon có thể nuôi thêm hy vọng cho các nhóm khủng bố ở Iraq, nhất là khi nước Syria ở ngay sát bên Iraq với mội biên giới dài hiểm trở, khó kiểm soát, sự tiếp tế ngầm của những phần tử Hồi giáo cực đoan ẩn núp ở Syria có thể còn tiếp tục về vũ khí cũng như về người. Nhưng nếu bọn khủng bố cho rằng họ có thể dùng bom tự sát để thúc đẩy việc thành lập một chế độ giáo quyền Iraq, họ đã đi vào con đường tuyệt vọng.
Syria là lá bài tủ của canh bạc Trung Đông. Bọn khủng bố muốn dùng lá bài này để phá thế hòa Palestine-Israel và viễn ảnh dân chủ ở Iraq. Nhưng việc giết ông Hariri ở Lebanon có thể sẽ quật ngược lại họ. Mỹ đã từng cảnh cáo Syria không được ngầm ủng hộ cuộc nổi loạn ở Iraq và phải chấm dứt viện trợ nhóm Hezbollah ở Lebanon. Nay vụ bom nổ ở Beirut tạo cho Mỹ một cơ hội hiếm có để ép chế độ bạo quyền Assad ở Syria phải rút hết quân ra khỏi Lebanon và chấm dứt can thiệp vào việc nội bộ của nước này. Người dân Ả rập sẽ chọn bom hay chọn lá phiếu" Không lẽ Mỹ đã đổ biết bao tiền và xương máu cho hòa bình và dân chủ ở Trung Đông, lại chịu để cho một nhóm khủng bố ra lệnh bằng bom chỉ thị cho đa số dân các nước Ả rập phải làm gì.