NHÀ TRANH ĐẤU NHÂN QUYỀN NGUYỄN TỰ CƯỜNG TỬ NẠN
Tâm Việt
Một nhân-vật hoạt-động mạnh cho nhân-quyền VN vùng Hoa-thịnh-đốn, anh Nguyễn Tự Cường, đã tử nạn ở Thái-lan vào đầu tuần qua. Tin này đến với người thân và bạn bè như một tiếng sét đánh ngang tai bởi anh Cường được xem là một trong những người sống hết mình và hài hoà với mọi người, đặc-biệt nổi bật trong lãnh-vực nhân-quyền.
Sang Hoa-kỳ vào tháng 4 năm 1979, anh Nguyễn Tự Cường đã sớm đi vào ngành giáo-dục ở quận Fairfax, Virginia. "Cường đến với chương-trình ESL (dạy tiếng Anh cho người nói tiếng khác) trong ngành Giáo-dục Tráng-niên của Quận khi chương-trình này còn nhỏ xíu, chỉ có mấy lớp," bà Elaine Bausch, người "boss" dễ thương của anh nói. "Chính anh là người trông ra nhu-cầu cần phải phát triển ngành này. Anh đã bỏ công ra viết nhiều dự-án lấy quỹ về cho Quận, để cho chương-trình ESL ở Fairfax giờ đây là một trong những chương-trình nổi nhất trong ngành Giáo-dục Tráng-niên."
Để phát triển song song sự tham-gia của các phụ huynh gốc di-dân vào việc học của con em, anh Nguyễn Tự Cường không chỉ tìm cách có lớp dạy tiếng Anh cho họ ở khắp nơi trong quận. Anh còn đẻ ra chương-trình trên truyền-hình của quận dành cho việc giới-thiệu các dịch-vụ của nha học-chính nhằm làm cho các phụ huynh hiểu rõ hơn về các chương-trình và cách giảng dạy trong học-đường Mỹ. Nhân dịp này các phụ huynh VN cũng làm quen được với những nhà giáo gốc Việt phục-vụ trong hệ-thống trường công-cộng Fairfax như Tiến-sĩ Phó-hiệu-trưởng Bùi Hữu Thư, các cô thầy dạy ở đây như G.S. Phạm Vân Nga, G.S. Đào Thị Hợi, G.S. Đặng Đình Khiết, cùng nhiều nhân-viên trong các ngành (xã-hội, y-tế
) trong vùng.
Bên cạnh những sinh-hoạt trong ngành giáo-dục, anh Nguyễn Tự Cường được biết đến nhiều nhất như một người hoạt-động không mệt mỏi cho nhân-quyền VN, nhất là khi những quyền căn-bản của con người ở VN bị chà đạp, vi-phạm. Bởi thế khi hai nhà sư VN, Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ, bị tuyên án tử hình vào giữa thập niên 1980 vì tham-gia trong một phong trào chống đối chính-quyền CS ở quê nhà, anh và những người bạn như G.S. Đặng Đình Khiết đã lao mình vào tìm cách cứu sống cho hai ông. Qua một cuộc vận-động thật rộng lớn trên khắp thế-giới, nhà cầm quyền CS ở Hà-nội đã phải nhượng bộ để chuyển án xuống thành chung-thân rồi 20 năm tù. Đến khi Mỹ tái-lập bang-giao với VNCS vào giữa thập niên 1990 thì cả hai, ông Lê Mạnh Thát (đã cởi áo tu) và Thượng-toạ Tuệ Sỹ, đã được trả tự do.
Cũng vì sư tha thiết của anh đối với vấn-đề nhân-quyền, anh Cường đã cùng với một số bạn bè như nhà báo Ngô Vương Toại, cụ Huỳnh Thanh Hưng, ông Trần Tử Thanh v.v. lập ra Uỷ-ban Helsinki Việt-nam (Vietnam Helsinki Committee) để theo dõi những vi-phạm nhân-quyền ở trong nước. Ấn-phẩm đầu tiên của VHC là cuốn Chính sách đàn áp Tôn giáo của CSVN, 1975-1995, một cuốn được đón nhận khá tốt bởi tính-cách cụ-thể và đầy đủ do những dữ-kiện và hình ảnh được đưa ra ở trong đó. Cuốn sách cũng có một ấn-bản trong tiếng Anh được đón nhận khá nồng-nhiệt bởi các tổ-chức về nhân-quyền của ngoại-quốc.
Cùng với một số tổ-chức bạn, VHC đã tổ-chức một hội-nghị quốc-tế về nhân-quyền VN và ở Đông-Á tại Viện Đại-học George Washington University, trong đó có sự tham-gia của ông Harry Wu, người đã đưa được ra bằng-chứng chính-quyền Trung-Cộng giết tù-nhân để bán các cơ-quan trong những nạn-nhân này, và của bà Nina Shea, người có lúc đã cầm đầu Uỷ-hội Hoa-kỳ về Tự do Tôn-giáo Quốc-tế (U.S. Commission on International Religious Freedom). Hội-nghị này sau đó đã được báo Newsweek đưa tin rộng khắp, đi ra khắp thế-giới.
Bởi sự quan-tâm của anh đối với vấn-đề nhân-quyền VN, anh Cường đã trở thành một bộ mặt quen thuộc trên một số văn-phòng Quốc-hội Hoa-kỳ như văn-phòng của Dân-biểu Frank Wolf (chuyên về tự do tôn-giáo trên thế-giới), Dân-biểu Chris Smith, người đã đưa ra mấy dự-luật về Nhân-quyền VN ở Hạ-viện, lần nào cũng được thông qua với một đa-số áp-đảo. Cũng vì vậy, anh làm việc tay trong tay với những người như Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng của Uỷ-ban Cứu người vượt biển (Boat People S.O.S.).
Anh còn rất tích-cực trong những sinh-hoạt dân-chủ và tuổi trẻ như mùa hè năm 1987, anh đã tham-gia trong ban tổ-chức Đại-hội Thể-thao Bắc-Mỹ của cộng-đồng người Việt ở Canada và Hoa-kỳ, quy tụ được trên 1000 lực-sĩ và gần 20 nghìn khán-giả tại sân vận-động của Viện Đại-học Maryland, ngoại-ô Hoa-thịnh-đốn.
Anh cũng rất mê ngành truyền-thông nên khi còn ở VN trước năm 1975, anh làm bí-thư cho tổng-giám-đốc Việt Tấn Xã và gần đây, dưới tên Nguyễn Duy, anh đã phỏng vấn được nhiều nhân-vật quan-trọng trên đài SBTN của Trúc Hồ và Đỗ Phủ, gần đây nhất là phỏng vấn ông Rufus Phillips, tác-giả cuốn sách nổi tiếng Why Vietnam Mattered ("Vì sao VN là chuyện quan-trọng").
Anh Nguyễn Tự Cường tử nạn trong một chuyến đi vãn cảnh ở Bangkok, bị té xuống sông và chết đuối khi chuyến đò máy đã về đến gần bến. Anh ra đi, để lại người vợ hiền là chị Phụng Anh và cháu gái, Lệ Cơ, nay đã trưởng thành.