Cách đây ít tuần, chúng ta đã có dịp cập nhật tình hình chạy đua nước rút vào Nhà Trắng, và nhận thấy:
“Tính trung bình kết quả tất cả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Obama trước đây thắng ông McCain tám điểm, bây giờ tuột xuống còn có một điểm.”
Đó là nhận định trước khi hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa họp đại hội để chính thức tấn phong “tổng thống tương lai” (the next president) như cả hai bên đều quảng bá, là các thượng nghị sĩ Barack Obama và John McCain.
Bây giờ đây, hai tuần sau đại hội của hai đảng và sáu tuần trước khi bầu cử, chúng ta thử xem lại tình hình.
Thông thường thì sau mỗi đại hội đảng là đảng đó luôn luôn thấy hậu thuẫn của mình nhẩy vọt vài điểm, có khi chỉ hai ba điểm, có khi mười mấy điểm.
Năm nay cũng không tránh khỏi quy luật này. Đảng Dân Chủ sau đại hội tại Denver, với bài diễn văn của ứng viên Obama đọc trước hơn 80.000 người hiện diện tại sân vận động, và gần 40 triệu người theo dõi trên truyền hình, đã thấy con số hậu thuẫn Obama nhẩy vọt lên khoảng sáu điểm.
Nhưng sự vui mừng của ông Obama rất ngắn ngủi. Chỉ đúng một ngày.
Một ngày sau bài diễn văn được giới truyền thông ca tụng như lời rao rảng của Đấng Cứu Thế tái sinh thì ứng viên Cộng Hòa tung ra trái bom nguyên tử Sarah Palin.
Năm xưa, tổng thống Truman bí mật chế bom nguyên tử, chẳng ai biết gì hết. Bất ngờ, ông tung ra hai trái tại Nhật và chấm dứt ngay Thế Chiến Thứ Hai, mang lại chiến thắng cho Mỹ.
Ngày nay, ông McCain âm thầm “chế” bom Palin, rồi bất ngờ tung ra tại Saint Paul. Chưa ai biết được bom này sẽ mang lại chiến thắng cho ông hay không, nhưng không ai chối cãi được hỏa lực khủng khiếp của nó.
Bom Palin gây chấn động ngoài mức tưởng tượng của mọi người, kể cả giới truyền thông là những người rất giàu tưởng tượng, đã bàn ra tán vào đủ kiểu đủ cách để tiên đoán sự lựa chọn của McCain.
Không ai ngờ McCain lại có thể lựa bà Palin đứng cùng liên danh với mình khi bà là nhân vật hoàn toàn vô danh, chẳng ai biết, chẳng ai nghe tên, ngoài tiểu bang Alaska. Cũng không ai ngờ được cái bà nội trợ tầm thường, thống đốc một tiểu bang khỉ ho cò gáy này đã đọc được một bài diễn văn nẩy lửa, có tới hơn 40 triệu người nghe, chẳng thua gì Obama. Và cũng chẳng ai ngờ cái bà vô danh lại được sự ủng hộ nồng nhiệt của khối bảo thủ, các bà xồn xồn, và mấy ông thợ thuyền da trắng.
Thiên hạ quên bẵng bài diễn văn của Đấng Tiên Tri Obama và cũng quên luôn không nhớ ứng viên phó tổng thống của ông là ai nữa!
Một tuần lễ sau đại hội đảng Cộng Hòa, tất cả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy liên danh McCain-Palin thắng liên danh Obama-Biden. Tuy thắng không xa, nhưng rõ ràng là thế cờ đã bị lật ngược.
Đây không còn là hậu quả của sức bật sau đại hội nữa mà là kết quả của một sự chuyển hướng quan trọng của quần chúng.
Nhìn vào bối cảnh chung của tình hình chính trị Mỹ, chưa bao giờ đảng Cộng Hòa rơi vào tình trạng đen tối như bây giờ.
Sự thành công của chiến thuật đôn quân tại Iraq, điểm mạnh của ông McCain, đã đi vào lãng quên. Tình hình tương đối khả quan hơn, báo chí cấp tiến chống Bush lờ đi, tin Iraq biến khỏi trang nhất.
Bây giờ thiên hạ quay qua vấn đề kinh tế tài chánh, lại là điểm sở đoản của ông McCain.
Trong những ngày qua, cả nước và cả thế giới xôn xao về cuộc khủng hoảng tài chánh của Mỹ, hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng địa ốc. Giới truyền thông, đi tìm tin giựt gân cũng như tìm cách đánh Bush, lớn tiếng hô hoán đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất, ngang hàng với cuộc khủng hoảng năm 1929. Năm đó, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ toàn diện, rớt 90% trong vòng một tháng, tạo nên khủng hoảng kinh tế lớn nhất lịch sử thế giới, với 9.000 ngân hàng và công ty tài chánh lớn nhỏ sập tiệm, cả chục triệu người mất việc, mất nhà, và mất mạng.
Trong thời gian gần đây, cuộc khủng hoảng nhà cửa đã dẫn đến khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng vì khó khăn của các ngân hàng và công ty tín dụng quá liều lĩnh trong vấn đề tài trợ nợ mua nhà. Vài công ty lớn như Countrywide, Bears Stearn, và Lehman Brothers xập tiệm, trong khi Nhà Nước phải bỏ ra cả trăm tỷ để cứu Fannie Mae, Freddie Mac, và AIG Insurance. Thị trường chứng khoán rối loạn, tăng sụt bất tử.
Tình hình chung thật nghiêm trọng, nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với năm 1929.
Nếu tính về số người mất việc và mất nhà, thì chưa bằng một phần trăm cuộc khủng hoảng 1929. Chưa ai mất mạng. Chưa tới một chục ngân hàng sập tiệm. Nhưng cũng đủ để báo chí cấp tiến la hoảng là nghiêm trọng như 1929.
Đã vậy, cuộc khủng hoảng lại rơi vào đúng cao điểm của mùa tranh cử tổng thống. Dĩ nhiên Obama lớn tiếng đổ lỗi cho đảng cầm quyền Cộng Hòa.
Điều ông không nhắc đến là tiến trình khủng hoảng này bắt đầu năm 1993, khi tân TT Clinton và dân biểu Dân Chủ cấp tiến cực đoan Barney Frank của Massachusetts (Chủ Tịch Ủy Ban Tài Chánh Hạ Viện lúc đó) thúc đẩy thay đổi luật lệ, cởi mở Fannie Mae với mục đích giúp càng nhiều người mua được nhà càng tốt. Fannie Mae là ngân hàng mua lại phần lớn các nợ thứ cấp (subprime mortgage loans) của các ngân hàng thương mại, để các ngân hàng thương mại này có tiền cho vay kiểu thứ cấp nhiều hơn nữa. Do đó, Fannie Mae là cơ quan có trách nhiệm lớn nhất trong vụ khủng hoảng, và mới đây đã bị quốc hữu hóa để khỏi sập tiệm. Hai vị cựu chủ tịch tổng giám đốc của Fannie Mae là các ông Jim Johnson và Franklin Raines. Cả hai ông đều là người da đen, do cựu TT Clinton bổ nhiệm để bảo đảm dân da màu có cơ hội mua nhà tối đa, dù không đủ tiêu chuẩn tài chánh, và cả hai ông hiện đều là cố vấn cho… Obama!
Ông Jim Johnson cũng là người chịu trách nhiệm tìm kiếm ứng viên phó tổng thống cho Obama, đưa đến việc tuyển lựa TNS Joe Biden.
Không cần biết, vẫn là lỗi của Bush hết.
Tình hình chung không có gì đáng hồ hởi cho ông McCain. Đã vậy lại còn hiện tượng Bush và hiện tượng Obama.
TT Bush là một chính trị gia ít chính trị nhất, khác xa với một Clinton, làm gì cũng cân nhắc tác dụng chính trị. Ông Bush này, muốn làm gì là làm chẳng cần biết thiên hạ nghĩ sao, ủng hộ hay chống đối. Kết quả, ông hiện bị chống đối mạnh nhất trong các tổng thống cận đại Mỹ. Nhưng ông bất cần.
Hơn thế nữa, ông Bush lại như là một thứ vua có quá nhiều hung tinh, thuộc loại "tướng sát quân". Dưới triều đại Bush, thiên hạ không chết cũng ngắc ngư. Hết khủng bố tấn công đến chiến tranh Trung Đông, hết bão đến lụt, hết cháy rừng đến động đất.
Hậu thuẫn của Bush xuống đến mức kỷ lục. Báo hại ông McCain chẳng biết phải tránh xa hay lại gần ông đảng trưởng của mình.
Trong khi đó, TNS Obama lại là nhân vật xuất chúng thực sự. Trẻ tuổi, thông minh sắc xảo, ăn nói ít người sánh kịp, có khả năng thu hút sự hậu thuẫn đến độ cuồng tín của giới trẻ, giới trí thức, giới da màu, giới cấp tiến, và giới truyền thông.
Nhìn vào cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, người ta có cảm tưởng McCain đang lội ngược dòng và cũng chỉ là một Bob Dole mới, ra tranh cử cho có, trong khi hy vọng đắc cử là con số không vĩ đại. Ít nhất đó cũng là cảm tưởng của những người thường đọc báo Time, Newsweek, New York Times, Washington Post hay Los Angeles Times. Hay nghe tin các đài truyền hình ABC, CBS, NBC, và CNN.
Nhưng thực tế có hơi khác.
Bất chấp những núi đất khổng lồ trước mặt, ông McCain từ đầu cuộc chạy đua vẫn chỉ thua ông Obama khít nút, có vài điểm không đáng kể vì nằm trong khoảng sai trật xác xuất thống kê. Đấng Tiên Tri vẫn không bay bổng lên trời được vì vẫn bị cái ông McCain này ôm chặt lấy chân.
Ông Obama được sự ủng hộ gần như cuồng tín của các thành phần nêu trên thật. Nhưng thành phần đó có cộng chung lại vẫn chưa là đa số dân Mỹ. Cái đa số là các thành phần trung lưu và lao động Mỹ trắng. Và cái đa số đó cũng chưa sẵn sàng tin lời rao rảng của thầy pháp Obama. Một phần vì ông này da đen, một sự thật không đẹp mả vẫn là sự thật của xã hội Mỹ. Một thăm dò dư luận mới nhất cho thấy 40% dân Mỹ có thành kiến với dân da đen, cho là họ lười biếng, ưa bạo động, khoác lác và ưa khiếu nại.
Và một phần nữa là họ vẫn nhìn ông Obama như là một thứ thùng rỗng kêu to.
Tình trạng ngang ngửa giữa hai ông McCain và Obama chính là hậu quả của một thế tiến thoái lưỡng nan. Thiên hạ quá chán ngán Cộng Hòa và muốn thay đổi, nhưng lại thấy khó có thể tin Obama trong khi McCain thì vừa là Cộng Hòa vừa quá lớn tuổi. Đã vậy, phe bảo thủ cũng không hồ hởi gì với ông McCain, là người không có vẻ bảo thủ cho lắm lắm. Lưỡng lự và lưỡng lự.
Rồi ông McCain tung ra trái bom Palin.
Cuộc diện thay đổi toàn diện.
Bà Palin có đầy đủ chứng minh thư bảo đảm tính bảo thủ nên lập tức trở thành điểm tập hợp của phe bảo thủ. Bà cũng có đầy đủ quá trình cải cách chống lại các lãnh tụ già nua tham nhũng bất tài của Cộng Hòa, khiến phe độc lập có cảm tình và chiêu bài “McCain là Bush nhiệm kỳ ba” của Obama mất ngay ý nghĩa. Bà Palin cũng thay đổi ngay hình ảnh của đảng Cộng Hòa, từ trước đến giờ vẫn nổi danh là đảng của mấy ông Mỹ già da trắng.
Ngay khi bà Palin được tuyển lựa, phe Dân Chủ cấp tiến đã thấy nguy cơ, và hấp tấp đánh phủ đầu. Họ sỉ vả và bôi lọ bà liền. Bà bị tố một loạt những tội không có. Nên chẳng hề hấn gì. Ngay cả Obama cũng lên tiếng chê bà thiếu kinh nghiệm, nhưng thấy hố to nên hết nói thêm gì nữa. Nhưng ông cấp tốc gửi một phái đoàn hơn ba mươi luật sư và chuyên gia điều tra đến Alaska cùng hàng trăm ký giả báo lớn nhỏ, để cố quét nhà cho ra rác.
Một người (FBI đang điều tra con của một dân biểu Dân Chủ của Tennessee) còn mò ra được bí số email trên Yahoo của bà và phổ biến emails riêng tư của bà trên mạng, và dĩ nhiên hàng trăm ký giả nhẩy bổ vào tìm tin giựt gân hay tin xấu. Quên hẳn việc mình đang bị điều tra vì trốn thuế, Dân biểu Dân Chủ da đen Charles Rangel của New York miệt thị Palin là người “tàn phế” -disabled- (con út của bà bị tàn phế vì bệnh Down syndrome).
Trong khi bà Palin bị Dân Chủ đánh tới tấp, không thấy ông Obama lên án những chuyện quá đáng trên, mà chỉ thấy ông tố McCain đánh đòn hạ cấp.
Dù sao cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy tội tầy trời nào của bà Palin, ngoài chuyện mà báo gọi là “troopergate”.
Cách đây ít lâu, bà Palin bị Quốc hội Alaska điều tra về một vụ lạm quyền. Bà có một bà em có chuyện lộn xộn với ông chồng làm cảnh sát địa phương (trooper), và ly dị ông này sau một thời gian đấm đá nhau rất kỹ. Sau đó ít lâu, ông xếp của ông cảnh sát này bị bà Palin sa thải. Phe đối lập tố bà Palin áp lực bắt ông xếp phải sa thải ông cảnh sát cựu em rể của bà, nhưng ông xếp này từ chối, do đó bà Palin đuổi ông ta.
Bà Palin thì nói hai chuyện chẳng dính dáng gì đến nhau hết và chính bà yêu cầu cho điều tra để chứng minh bà vô tội. Quốc hội Alaska bổ nhiệm một dân biểu Dân Chủ làm chủ tịch ủy ban điều tra.
Cuộc điều tra đang tiến hành theo kiểu thủ tục hành chánh bình thường, tức là chậm hơn rùa bò. Nhưng bất ngờ bà Palin được lựa làm ứng viên phó tổng thống. Thế là ông dân biểu Dân Chủ, chủ tịch ủy ban điều tra, cho xúc tiến gấp cuộc điều tra và ra hạn phải có kết quả đầu tháng Mười, một tháng trước ngày bầu cử. Ông còn lớn tiếng khoe đây sẽ là trái bom bất ngờ rớt xuống đầu phe Cộng Hòa trước ngày bầu cử.
Thái độ phe đảng quá lộ liễu của ông gây phản ứng ngược đến độ ông phải lên tiếng xin lỗi vì lời khoe khoang của mình, nhưng ông vẫn duy trì hạn cuối cuộc điều tra. Bà Palin tuyên bố cuộc điều tra đã chuyển hướng vì áp lực của Obama, do đó không hợp tác nữa.
Chẳng biết kết quả cuộc điều tra sẽ như thế nào, chỉ biết vụ này đã không có tiếng vang như phe Obama và báo chí hy vọng.
Và ông McCain cũng đã thay đổi chiến lược tranh cử.
Xét theo kinh nghiệm tranh cử của bà Hillary, ông nhận thấy chỉ trích Obama thiếu kinh nghiệm không là một chiến lược ăn tiền. Dân phiêu lưu Mỹ không cần kinh nghiệm, mà chỉ thích đổi mới. Ông tung ra chiêu bài thay đổi, cải cách Hoa Thịnh Đốn, và đưa bà Palin ra làm bằng chứng về chủ trương của ông.
Và liên danh McCain-Palin qua mặt liên danh Obama-Biden!
Nếu tính trên toàn quốc thì ông McCain thắng từ hai đến mười điểm, tùy theo thăm dò dư luận. Nhưng thực tế, thống kê này không có ý nghĩa nhiều vì tổng thống được bầu qua kết quả của từng tiểu bang chứ không qua kết quả của cả nước.
Và theo tiểu bang thì trên đại cương chỉ có khoảng một tá tiểu bang then chốt bản lề, phần lớn nằm trong vòng đai các đại hồ, là nơi có sự tập trung lớn của khối lao động và trung lưu Mỹ trắng.
Và cái tin đáng ngại cho Obama là “các tiểu bang đỏ đã trở thành đỏ xẫm, và các tiểu bang xanh đã đổi màu qua tím”, tức là có pha màu đỏ rồi. Đó là tựa đề của một bài báo của ký giả Andrew Romanof trên báo “phe ta” Newsweek. Màu đỏ là màu của Cộng Hòa và màu xanh dương là màu của Dân Chủ.
Có nhiều triệu chứng cho thấy bản đồ chính trị của cuộc tranh cử năm 2004 giữa Bush và Kerry không có vẻ gì là sẽ thay đổi lớn lao. Hai tiểu bang nhỏ bỏ phiếu cho Bush là Colorado và Iowa có nhiều hy vọng ngả về phe Obama năm nay. Colorado là tiểu bang đã tổ chức đại hội đảng Dân Chủ. Iowa là tiểu bang nặng về nông nghiệp, chuyên trồng bắp làm ethanol thay thế dầu xăng, được trợ cấp lớn của Nhà Nước. Ông McCain chống lại những trợ cấp này và bị các nông gia Iowa không ưa.
Nhưng vẫn chưa đủ để hạ McCain, nhất là khi tiểu bang lớn Pennsylvania, trước đây bầu cho Al Gore và Kerry, bây giờ có thể lọt vào tay McCain. Tại đây, McCain chỉ còn thua Obama có 1-2 điểm, không có ý nghĩa gì trên phương diện thống kê.
Và cũng có nhiều dấu hiệu khác báo nguy cho Obama. Tại New York, trước đây McCain thua Obama gần hai chục điểm, bây giờ còn thua có năm điểm.
Phe Obama và báo chí cấp tiến đi đến tình trạng hoảng hốt. Bôi bác bà Palin chẳng đi đến đâu, bây giờ bắt đầu tìm lý do giảng giải. Báo chí cho là tại Obama cao thượng không tích cực đấm đá, cho rằng McCain đánh mạnh mà Obama thì cứ lửng lơ, không chịu đánh lại. Sự thật phe cấp tiến là phe khui những chuyện không lấy gì làm sạch sẽ lắm, như phao tin láo khoét con út của bà Palin đích thực là cháu ngoại của bà, miệt thị bà là người tàn phế. Sự thật là phe Obama đã “đôn quân” lên Alaska và chui vào hộp thư điện toán riêng của Palin để tìm rác. Sự thật là phe Cộng Hòa chưa đả động bôi bác gì ông Biden, ứng viên phó TT của ông Obama. Và sự thật theo một nghiên cứu mới nhất của đại học Wisconsin, các quảng cáo của ông Obama có 77% là tiêu cực đả phá, so với các quảng cáo của ông McCain có 65% đả phá.
Ai cũng biết dân Mỹ là dân bốc đồng nhất thế giới. Sáng nắng chiều mưa, chẳng có gì là lâu dài bền vững. Cơn sốt Obama đã qua, bây giờ đến cơn sốt Palin. Muốn mua mắt kính trắng vuông không niềng giống như kính của bà Palin thì bây giờ phải ghi tên xếp hàng chờ khoảng hai hay ba tháng mới có!
Chắc chắn cơn sốt này cũng sẽ qua thôi.
Từ giờ đến ngày bầu cử còn khoảng sáu tuần nữa, chẳng ai dám khẳng định ai sẽ thắng, ai sẽ thua. Các con số thăm dò dư luận chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Hơn thua năm ba điểm vẫn là trong vòng xác xuất thống kê. Chỉ có điều là ông McCain hồi đầu năm bị coi như vô vọng, bây giờ có thể ca bài “Hy Vọng Đã Vươn Lên” với nhiều tin tưởng hơn, tuy cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay có thể có ảnh hưởng bất lợi cho ông nhiều hơn là cho ông Obama (20-9-08).