Điệu Múa Hoa-Mỹ
Nguyễn Xuân Nghĩa
Trò Hoa-Mỹ giữa mớ bòng bong Hoa-Nhật, Hoa-Ấn, Hoa-Úc và Hoa-Việt...
Thứ Sáu 24 vừa qua, Ủy ban Chuẩn chi Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật yêu cầu Bộ Thương mại phải công nhận việc Bắc Kinh ghìm giá đồng Nhân dân tệ là một biện pháp trợ giá xuất cảng. Nghĩa là Trung Quốc phải bị trả đũa. Sau đó, dự luật sẽ ra trước khoáng đại Hạ viện vào tuần tới, trước khi Thượng viện cũng sẽ có một đề nghị tương tự.... Và nhiều phần là cho chìm xuống.
Các nhà làm luật Hoa Kỳ đang lo tranh cử - và các chính khách đương nhiệm bên đảng Dân Chủ đang lo thất cử - hơn là đòi tranh hơi với Trung Quốc. Chính quyền Barack Obama cũng thế. Phải đợi đến 2012 này cơ.
Nhưng trong khi chờ đợi thì Hoa Kỳ vẫn có thể chuẩn bị...
***
Đến năm 2012 này, Trung Quốc và cả Hoa Kỳ sẽ có lãnh đạo mới, sau Đại hội đảng Khoá 18 tại Trung Quốc và Tổng tuyển cử tại Hoa Kỳ. Khi đó, nước Mỹ có thể chú ý hơn đến cục diện Á Châu và sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực Đông Á.
Từ nay đến đó thì vẫn chỉ là mấy màn giáo đầu tuồng.... kể cả việc Tổng thống Barack Obama gặp gỡ các nguyên thủ của Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc vào Thứ Sáu 24 Tháng Chín và việc Hạ viện Mỹ trong tay đảng Dân chủ đòi có biện pháp với Trung Quốc để tranh thủ hậu thuẫn của các nghiệp đoàn.
Chuyện đáng nói làtừ nay đến thời điểm 2012 đó, sự bành trướng của Trung Quốc cũng thành rõ rệt hơn.
Cường quốc này cho là mình đã đủ mạnh để chú trọng tới cái vế "quật khởi" hơn vế "hòa bình" trong khẩu hiệu "quật khởi hòa bình" - peaceful rise, Zho-ngguó hépíng juéqi( . Gần 10 năm bận rộn của Hoa Kỳ với cuộc chiến chống khủng bố là một cơ hội. Vụ khủng hoảng tài chánh, suy trầm kinh tế và khủng hoảng chính trị tại Mỹ trong hai năm qua là một cực điềm không thể bỏ lỡ, trước khi nước Mỹ lồm cồm bò dậy nhìn ra ngoài.... trong hai năm tới.
Điều ấy có thể giải thích vì sao trong mấy tháng qua, ta thấy ra sự bành trướng "toàn phương vị" rất ngang nhiên của Trung Quốc. Và vì sao Bắc Kinh công khai nói tới điều họ dự tính từ 10 năm trước: minh định khu vực thuộc "quyền lợi cốt lõi" hay "hạch tâm lợi nghĩa", hexin liyi, bao trùm lên Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan - cùng với Đông hải của Việt Nam mà họ gọi là Trung Nam Hải.
Nếu nhìn theo chiều kim đồng hồ, ta có thể thấy ra điều ấy.
Trung Quốc kiểm soát được xứ Nepal với lực lượng "Mao-ít" đã lật đổ chế độ quân chủ xứ này. Trong bán đảo Nam Á vào tới Trung Á, binh đội Trung Quốc đã vào "bảo vệ" các công trường xây cất của Trung Quốc trong khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Tuần qua, trực thăng Trung Quốc còn tham gia cấp cứu nạn lũ lụt tại Pakistan! Chuyện ấy khiến Ấn Độ chột dạ và phản ứng mạnh. Quan hệ Ấn-Hoa bỗng căng thẳng và New Dehli muốn xiết chặt hợp tác với Washington.
Bắc Kinh tiếp tục dung dưỡng chế độ Cộng sản Bình Nhưỡng sau khi ngư lôi Bắc Hàn bắn chìm một chiến hạm Nam Hàn hồi tháng Ba. Chính quyền Nam Hàn có phản ứng và liên tục thao diễn với Hải quân Hoa Kỳ, kể cả tập trận... đổ bộ để giải phóng Bắc Hàn! Quan hệ Hoa-Hàn bỗng thành chuyện nóng! Bên cạnh đó, Đài Loan của Tổng thống Mã Anh Cửu cũng tạm hoãn trò hoà hợp hòa giải của Quốc dân đảng với Bắc Kinh. Và ráo riết mua võ khí của Hoa Kỳ.
Suốt tuần qua, đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh đã hết sức bận rộn vì năm lần bị bộ Ngoại giao Trung Quốc mời vào nghe than phiền việc một toà án Nhật Bản tiếp tục tạm giam thuyền trưởng một ngư thuyền Trung Quốc để đưa ra toà. Hai tuần trước, ngư thuyền Trung Quốc tông vào tầu tuần duyên Nhật Bản trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền - và đang đàm phán việc khai thác khi đốt bên dưới - là đảo Senkaku (Tiêm Các Ngư Đảo) của Nhật mà Trung Quốc gọi là Quần đảo Điếu ngư đài. Cũng lại chuyện ngư thuyền chơi bạo như ngoài Đông hải của Việt Nam! Trong khi ấy, dân chúng Hoa lục thì bận rộn biểu tình chống Nhật và kiều dân Nhật bị bắt theo kiểu con tin để Chính phủ Nhật phải trả tự do cho viên thuyền trưởng.
Vì đó, quan hệ Hoa-Nhật đi vào khúc quanh rất căng thẳng.
Nhìn sâu hơn xuống vùng biển Nam Thái bình dương, Bắc Kinh bỗng tích cực viện trợ quân sự cho xứ Đông Timore - bằng cái mắt muỗi nằm giữa Nam Dương quần đảo và Úc Đại Lợi. Chính quyền Úc quan tâm, lên tiếng. Tân Ngoại trưởng Úc là cựu Thủ tướng Kevin Rudd bỗng quên mất là mình biết nói tiếng Quan hoả mà lại nhắc Ngoại trưởng Hillary Clinton là nhớ phải tham dự hội nghị mở rộng của ASEAN với các nước đối tác khác.
Diễn ra bạch văn: quan hệ Hoa-Úc cũng xôi xục và Úc muốn Hoa Kỳ chú trọng hơn tới tình hình Đông Á.
Nhìn vào nội tình Trung Quốc thì một số nhà quan sát chú ý tới vai trò của Giải phóng quân, của các tướng lãnh. Họ cho là trong khi các lãnh tụ dân sự của đảng Cộng sản Trung Quốc bận rộn về hồ sơ kinh tế và nhiều khúc mắc đa diện trong quan hệ quốc tế - chưa nói tới việc tranh thủ hậu thuẫn hoặc tranh giành quyền lực trước Đại hội đảng khóa 18 - thì lãnh đạo quân đội Trung Quốc lại là một khối thuần nhất. Họ có thực quyền, có kỹ thuật cao và có chủ đích rõ rệt. Nên xoay trở rất nhanh và rất mạnh để khẳng định tư thế lãnh đạo Á Châu của Trung Quốc.
Có thể lắm.
Nhưng nếu lãnh đạo dân sự càng lúng túng với các vấn đề nội trị bên trong thì họ cũng cần tới khẩu hiệu huy động toàn dân trước "ác tâm" của các thế lực thù nghịch bên ngoài. Vì vậy, "quật khởi" mới thành khẩu hiệu hấp dẫn.
Khi ấy, Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao"
Chúng ta không quên Hoa Kỳ là một xứ đa nguyên. Cái khó nhất là thống nhất ý chí - thường dễ đạt khi tổ quốc lâm nguy, quyền lợi bị đe dọa. Sau cơn hoạn nạn thì mỗi người mỗi nhóm lại nhìn theo một hướng, và cãi nhau om xòm. Trong quan hệ đối ngoại cũng vậy.