Một Độc Giả - NSW
Vừa qua tôi đọc báo, thấy Quý Báo có đăng liên tiếp nhiều kỳ về vụ án ông John Newman và việc ở tù của ông Ngô Cảnh Phương. Chẳng những vậy, Quý Báo còn đến tận nhà tù Goulburn để tìm câu trả lời từ ông Ngô Cảnh Phương. Theo tôi, đây là một việc làm đáng hoan nghênh, có ý nghĩa thiết thực và chính đáng của Quý Báo. Trong khi vụ án chưa tìm được thủ phạm đã nổ súng, và chứng cớ về người chủ mưu còn mập mờ; mà tòa án đã vội kết án tù chung thân sau khi bắt giam một người trong nhiều năm, thì tôi thấy có phần bất công cho người đó. Nếu ông Ngô Cảnh Phương thật sự hàm oan thì việc làm của Quý Báo sẽ rất có ý nghĩa sau này. Ngoài ra, vì vụ án chưa được sáng tỏ, tôi nghĩ Quý Báo nói riêng, và tất cả chúng ta nói chung, nên theo dõi đóng góp phần để làm cho công lý được sáng tỏ. Đó là sự thể hiện tinh thần Dân Chủ, tin tưởng vào Công Lý của chúng ta trong một đất nước có Tự Do, Dân Chủ.
Liên quan đến việc ông John Newman, tôi có vài nhận xét xin được tóm tắt như sau:
1) Từ trước đến nay, mỗi khi nói đến vụ án ông John Newman, người ta thường nêu lý do ông Ngô Cảnh Phương ám sát ông John Newman vì cạnh tranh, thù óan chính trị. Tôi có cảm tưởng đây là lý do duy nhất mà người ta đề cập đến và ngay cả lý do này cũng không được trình bày một cách rõ ràng, cụ thể; cũng như có phần không vững. Liệu đây có đủ là động cơ để khiến người ta giết người hay không. Ngoài ra, đừng quên rằng nước Úc có nền văn hóa, chính trị ổn định lâu đời. Họ làm việc trên nguyên tắc tôn trọng nhân quyền cao độ, nhất là ở các bộ, sở chính phủ lấy nguyên tắc "equal opportunities" làm căn bản cho mọi công ăn việc làm. Lẽ nào một Nghị Viên Hội Đồng Thành Phố mà không từng được thông qua điều này để đến nổi phải hành động như vậy… Tôi nghĩ, có lẽ chỉ vì ông John Newman là một Dân Biểu, cho nên với sự việc xảy đến cho ông như vậy; người ta đã không khỏi bối rối, lùng túng, hấp tấp mà kết án khi chưa có đủ bằng cớ.
2) Vào thời của ông John Newman, hình như cảnh sát chưa có những chương trình dẹp các băng đảng xì ke, ma túy, drug… đang ngày càng lộng hành ở Cabramatta. Đây là những nhóm người có nhiều thù oán với ông John Newman, tại sao người ta không tìm hiểu xem có phải nguồn gốc từ đây không" 3) Tôi đơn giản không tin chắc ông Ngô Cảnh Phương có thể, hay là, dám hành động như vậy. Vài ý kiến thô thiển gởi đến Quý Báo và Quý Độc Giả, mong sao sự thật sớm đươc tìm ra.
*
Đau buồn và khổ tâm quanh vụ án Newman
Người Lính Già - Brisbane QLD
Qua những bài viết gần đây trên báo Sàigòn Times về vụ án John Newman cùng những điều được coi là vô lý khi kết án ông Ngô Cảnh Phương được đài truyền hình của Úc đưa tin và quý báo đã dịch, tôi thấy rất đau buồn và khổ tâm và cái sự đau buồn và khổ tâm của tôi không phải có mới đây đâu, mà đã có từ khi ông Phương bước vào nhà tù với cái án chung thân trước cả khi ông kháng án lận. Tôi buồn và khổ tâm trong cái tâm trạng "Con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Buồn và khổ tâm lắm, nhưng mình thấp cổ bé họng, ngửa mặt lên trời kêu cũng không thấu đến ai, mà chỉ thấy nước mắt rưng rưng. Cái oan ức của ông Phương, ai ai cũng nhận thấy, nhưng tôi thương ông hơn vì chính tôi có thằng con cũng chịu oan ức tương tự cách đây mấy năm, bây giờ thì nó được tha vì người ta biết là nó vô tội. Vô tội mà phải chịu ngồi tù 2 năm trời. Vì vậy, tôi biết, công lý mà do Chúa thực hiện thì không sai, còn công lý mà do con người làm thì làm sao không sai cho được. Cũng vì vậy nên mới có chuyện huỷ bỏ án tử hình, mới có chuyện thiếu gì tử tội được minh oan. Nhưng tôi là đứa thấp cổ bé họng kêu không thấu đã đành một nhẽ, còn có những người khoa bảng, vai vế trong cộng đồng, những người hô phong hoán vũ cả một phương, những người lúc nào cũng kêu gọi mọi người đi theo để làm những chuyện lấp biển vá trời, nay vận động chính giới làm chuyện này, mai vận động bưu điện Úc làm chuyện khác, thì tại sao họ lại im lìm như thóc đổ bồ thế là thế nào. Ít ra thì cũng nói lên một tiếng, chớ sao cộng đồng mình lại êm re bà rù. Quý vị cứ thử nghĩ coi, trong thâm tâm ai cũng nghĩ là ông Phương oan, nhưng không ai nói lên một tiếng là làm sao" Rồi nghe đâu còn những người trước đây vẫn chạy theo ông Phương để hưởng ơn mưa móc thiếu gì. Ở đây cũng nhiều mà ở Sydney cũng không thiếu. Tôi không bảo quý vị được hưởng bổng lộc của ông Phương thì quý vị phải bênh ông ta khi ông ta làm điều sai. Nhưng nếu quý vị tin là ông ta bị oan thì quý vị cũng phải nói lên một tiếng chớ. Đã vậy tôi còn nghe có người làm cũng lớn lắm, khi ông Phương gọi điện thoại vào cái đêm oan nghiệt đó, vậy mà người đó từ chối không chịu ra tòa làm chứng cho ông Phương, thì đủ hiểu người đó đạo đức, tư cách thế nào. Tôi nói thiệt, trước sau gì qúy vị cũng chết, tôi cũng chết mà ông Phương cũng chết. Nhưng sống mà như vậy thì quả là sống nhục, sống hèn....
*
Tôi tình nguyện đóng góp cho qũy công lý của ông Phương
NKL - QLD
Tôi trước đây cũng tấp tểnh làm chính trị, rồi bị kỳ thị, bị ngáng chân, đá giò lái hoài, nên tôi hiểu cái đau của người Việt mình khi thành công ở đất khách. Tôi thì tôi không nghĩ cái ghế nghị viên là một sự thành công ghê gớm như báo SGT đã viết. Nghị viên mà là cái quái gì. Ông cụ nội tôi thời Pháp cũng là nghị viên hội đồng tỉnh mà còn chả thấm vào đâu thì nghị viên hội đồng thành phố FF đâu có đáng để coi là thành công. Nhưng cái tương lai, cái tham vọng của ông Phương đã khiến cho nhiều người ghen tỵ là cái chắc. Vì vậy, nên ông có nhiều kẻ thù cũng không lấy gì làm lạ. Vì vậy, cái chuyện giúp ông minh oan là điều khó lắm. Nhất là ở đây, mình thì giỏi ở đẩu ở đâu, chớ còn đụng tới cảnh sát, pháp lý ở Úc, là mình rét lắm. Tôi đã từng thấy có nhiều vị cũng làm to lắm, ăn nói cũng lớn lắm, nhưng khi đụng chuyện với cảnh sát là nhũn như con chi chi. Thôi thì bây giờ tôi đề nghị, nhân tiện có truyền thông Úc là chương trình 4CNs gì đó đã nói lên những điểm oan ức của ông Phương thì nhân cái chuyện này, người Việt mình nên ngồi lại với nhau thành lập quỹ công lý giúp cho công Phương. Tôi không giầu gì, nhưng cũng xin đóng góp $10,000 với điều kiện qũy đó phải do những người Úc, Việt có uy tín như bà Merion Le đứng ra thành lập.