Mỹ-Hoa Dàn Trận - Bài Sáu
Nguyễn Xuân Nghĩa
Những Lỗ Túc và Trọng Thủy...
Ngày 15 tới đây, bộ Ngân Khố Hoa Kỳ (tương đương với bộ Tài Chánh xứ khác) sẽ phải nộp Quốc hội phúc trình về vị trí đồng "Nhân dân tệ" (đồng Nguyên, hay Yuan) của Trung Quốc.
Sau khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2000, Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton phải trấn an giới Lập pháp bằng cách cho thành lập một cơ chế có nhiệm vụ giám sát quan hệ Mỹ-Hoa, xem Hoa Kỳ có thể bị ảnh hưởng những gì từ Trung Quốc về kinh tế và an ninh hầu đề nghị Quốc hội và Hành pháp biện pháp ngăn ngừa. Cơ chế độc lập ấy là Hội đồng "U.S. - China Economic and Security Review Commission", quy tụ các nhân vật có thẩm quyền chuyên môn do các Dân biểu Nghị sĩ thuộc cả hai đảng cùng bổ nhiệm. Họ thường xuyên mời thêm chuyên gia độc lập tới điều trần kết quả nghiên cứu và đệ nạp khuyến cáo nếu thấy cần thiết.
Quốc hội cũng đòi hỏi bộ Ngân khố phải điều tra và sáu tháng một lần trình bày báo cáo về ảnh hưởng của chánh sách kinh tế Trung Quôc đối với quyền lợi Hoa Kỳ.
Tháng trước, Thượng viện Hoa Kỳ đã đệ nạp một dự luật do năm Nghị sĩ lưỡng đảng bảo trợ, với sự ủng hộ của sáu nghị sĩ khác, nhằm trả đũa việc Bắc Kinh giàng giá đồng Nguyên vào tiền Mỹ với hối suất quá thấp để chiếm lợi thế bán hàng vào Mỹ với giá quá rẻ. Hạ viện cũng nhảy vào cuộc với một dự luật khác nhằm lập hàng rào quan thuế để chặn hàng Trung Quốc. Vì vậy, bộ Ngân Khố Mỹ sẽ phải đưa ra kết luận là Bắc Kinh có lũng đoạn hay thao túng thị trường hối đoái hay không. Bộ này đang nghiên cứu và nghe ngóng để có khi xin trì hoãn.
Xin có vài chữ chuyên môn ở đây. "Currency manipulation" là trò can thiệp vào thị trường hối đoái với dụng ý dùng hối suất ngoại tệ để thao túng hay lũng đoạn thị trường thay vì để thị trường quyết định về tỷ giá đồng bạc theo quy luật cung cầu. Theo luật Mỹ, đây là việc phi pháp. Chữ "manipulation" rất khó dịch, nhưng khi có người dịch là "thao tác" thì ta... bật cười! "Thao tác" là một từ của Trung Quốc mà Việt Nam ngày nay học lại, với nội dụng là dùng cử động tay chân để làm một việc gì đó. Dùng trong nghĩa rộng thì "thao tác" có thể hiểu là "kỹ thuật", nhưng không có ý nghĩa tiêu cực của chữ "manipulation" mà Quốc hội Mỹ đang nêu ra về chánh sách hối đoái của Trung Quốc. Chữ với nghĩa! Viết như vậy mà đòi "cận tiếp" - cũng lại là một... thao tác khác của tác giả - về trận chiến Mỹ-Hoa! Có khi tác giả muốn dùng chữ thao túng mà quên mất chăng"
Đầu năm ngoái, khi ra điều trần trước Thượng viện để được phê chuẩn làm Tổng trưởng Ngân Khố, ông Timothy Geithner có phát biểu rằng Trung Quốc có lũng đoạn thị trường hối đoái. Sau đó, ông cố tránh dùng chữ "currency manipulation" này nhưng Quốc hội ngày nay đều nghĩ như vậy và chờ đợi phúc trình của Tổng trưởng Geithner. Trước kỳ bầu cử, họ phải chứng tỏ là mình quan tâm tới quyền lợi và việc làm của dân Mỹ.
Cả thế giới cũng chờ đợi chuyện ấy vì nếu Bắc Kinh có can thiệp với chủ đích cạnh tranh bất chính thì Hoa Kỳ sẽ phải trả đũa. Nghĩa là một trận chiến mậu dịch sẽ bùng nổ giữa hai quốc gia.
Đấy là lúc mà giới chuyên gia và các nhà bình luận nhảy vào cuộc.
Từ phía Trung Quốc, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa 11 vào ngày 14 tháng trước, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng nhiều viên chức khác của Chính quyền Bắc Kinh phủ nhận chuyện thao túng và coi rằng việc ấn định hối suất đồng bạc thuộc về chủ quyền quốc gia. Nhưng sau đó hai tuần, tuần trước, hai học giả đã tốt nghiệp các đại học Tây phương vừa được mời làm cố vấn cho Hội đồng Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã lập tức nói giọng nhỏ nhẹ (xin xem bài "Mỹ-Hoa Dàn Trận - Bài Năm" trên cột báo này trong số ra ngày 31 vừa qua): 1) Trung Quốc nên chủ động tự ý điều chỉnh lại hối suất đồng Nguyên trước Tháng Chín này để khỏi bị kẹt vào cuộc tranh luận trong mùa tranh cử sắp tới của Mỹ, và 2) Trung Quốc nên trở lại chế độ điều chỉnh tiệm tiến đã từng áp dụng từ tháng Bảy năm 2005 đến tháng Bảy năm 2008.
Khách quan mà nói và vì quyền lợi của Trung Quốc - và cả quyền lợi của lãnh đạo Bắc Kinh - việc điều chỉnh ấy là cần thiết và có lợi.
Nói chung, trong hoàn cảnh thất quân bình hiện nay của kinh tế thế giới, với người dân các nước đang phát triển cứ thắt lưng buộc bụng để xuất cảng qua các nước kỹ nghệ hóa, thì việc điều chỉnh này là cần thiết ở cả hai vế. Các nước công nghiệp hoá sẽ phải tiêu thụ ít đi, tiết kiệm nhiều hơn, nhập cảng ít đi và xuất cảng nhiều hơn; trong khi các nước kia nên đi theo chiều hướng ngược là cho dân được tiêu thụ nhiều hơn, nhập cảng nhiều hơn và ít lệ thuộc hơn vào xuất cảng như trước đây...
Phần mình, Bắc Kinh cũng cần nâng hối suất để nâng mức sống người dân khi họ đem về một đồng đô la - trao cho nhà nước đưa vào kho dự trữ ngoại tệ - thì sẽ được một đối giá cao hơn. Nhờ đó mà nâng cao khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa, hầu bớt lệ thuộc vào thị trường xuất cảng vẫn èo uột vì khả năng tiêu thụ và nhập cảng còn giới hạn của Hoa Kỳ và Âu Châu. Và việc ấy cũng phần nào san bằng dị biệt quá lớn về lợi tức của người dân, là mục tiêu mà thế hệ lãnh đạo thứ tư là những người như Hồ Cầm Đào hay Ôn Gia Bảo đã theo đuổi từ năm 2003 nhưng chưa thấy kết quả.
Nhưng, cho dù nguyên tắc lý tưởng thì như vậy, việc Bắc Kinh nâng hối suất đồng Nguyên là chuyện không dễ. Thứ nhất là phải tiệm tiến, chậm rãi từng bước nhỏ để khỏi gây chấn động trong một xã hội đã đầy nguy cơ động loạn và bong bóng đầu tư sắp bể. Thứ hai, quan trọng hơn vậy, phải làm ra vẻ lãnh đạo chủ động tiến hành chứ không do áp lực của bọn tư bản quốc tế!
Chúng ta trở lại chuyện nhận thức và thực tại rất cổ điển của Trung Quốc và nét văn hoá đầy mặc cảm của giới lãnh đạo! Ta nên hiểu đề nghị của Tiến sỹ Lý Đạo Quỳ trong Hội đồng Chánh sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Bắc Kinh theo hướng đó: hãy làm như ta chủ động quyết định để khỏi bị kẹt vào cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ. Vấn đề là thể diện của Thiên triều.
Trong khi chờ đợi, Tổng thống Barack Obama cũng có hướng hòa dịu khi nói với tân Đại sứ Bắc Kinh về những bước tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Nhưng, ông không thể quên được tâm tư của dân Mỹ, với thất nghiệp chưa tuột khỏi mức 9,7% theo thống kê hàng tháng vừa được công bố sáng Thứ Sáu. Dân thất nghiệp là nhiều vị dân cử của đảng Dân Chủ của ông có thể thất nghiệp sau ngày mùng hai tháng 11 này. Và bản thân ông cũng vậy, sau cuộc bầu cử năm 2012.
Mà không chỉ có Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và cả Nhật Bản đều than phiền về chế độ hối đoái của Bắc Kinh mà nhiều người cho là định giá quá thấp, từ 20% tới 40%.
Nếu điều chỉnh lại cho cao hơn, may ra các nước khác sẽ xuất cảng được nhiều hơn và tạo thêm được công ăn việc làm ở nhà. Và lãnh đạo sẽ không thất cử. Nhưng hơn được chừng nào là từ dự phóng của giới chuyên gia kinh tế, tức là từ những phỏng đoán thật ra còn mơ hồ... "Kinh tế gia là người đoán ra chín trong sáu trận suy trầm đã xảy ra", ở trong nghề, họ thường tự châm biếm như vậy!