Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK: Thông Điệp Xuân Canh Dần 2010
Phật lịch 2553
Nam mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật
Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni,
Kính thưa quý vị thiện hữu tri thức, nam nữ Phật tử,
Một mùa xuân nữa lại đến với chúng ta.
Theo vận hành tự nhiên của thời tiết, Xuân khởi đầu cho một chu kỳ mới, cũng như Sinh là sự bắt đầu cho tiến trình của sinh-trụ-dị-diệt. Do vậy, đón xuân là đón chào tất cả những gì mới mẻ, phong quang, tươi mát, hạnh phúc và hỷ xả.
Người học đạo quan sát vận hành của thời tiết thì có thể nghiệm thấy tính cách vô thường biến hoại của vạn hữu. Nhưng vô thường không chỉ nơi thời tiết bốn mùa, mà ở ngay trong từng sát-na của tâm thức và giới cảnh. Nếu không thường xuyên quán chiếu sự thực này, một khi mùa xuân hay cái “sinh” qua đi, con người có thể rơi vào khổ đau, bi lụy. Nói cách ấy vào những ngày đầu năm người ta sẽ lầm hiểu rằng người theo Phật có vẻ gì bi quan trước sự đổi thay, bất định của con người và vạn vật. Nhưng kỳ thực, cái nhìn của thiền giả trước mọi biến thiên là cái nhìn vô cùng lạc quan: không phải chỉ thấy diệt ở trong sinh, mà còn thấy sinh ở trong diệt. Không gì thường trụ vĩnh viễn, cũng không gì hoàn toàn hủy diệt, trống không. Chính ở nơi vô thường mà mùa xuân có thể qua đi và mùa xuân có thể trở lại.
Đó là lý do thiền sư Mãn Giác có hai câu thơ bất hủ:
“Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai”
Có nghĩa rằng mùa xuân không bao giờ mất đi hoàn toàn. Dù hoa kia sẽ tàn ở lúc này, nơi này, nhưng sẽ nở ở lúc khác, nơi khác. Và dù mùa xuân sẽ đi qua, có những cánh hoa vẫn nở. Xuân khứ hoa thường tại.
Hoa nào vẫn nở trước vô thường hoại diệt" – Đó là hoa tâm. Tâm bình thường là hoa. Tâm an nhiên là hoa. Tâm kiên cố là hoa. Tâm bồ đề là hoa.
Con người vì tham lam, sân hận và si mê đã khuấy động cả thế giới, biến cuộc sống thành ngôi nhà lửa bất an với chiến tranh, bom đạn, khủng bố, tranh giành, loại trừ lẫn nhau. Những biến động hừng hực do chính con người cố tình tạo nên ấy, tưởng chừng là cái gì kinh khủng lắm, có thể áp đảo, tổn hại, hủy diệt kẻ khác; nhưng thực ra, cũng không vượt khỏi bước tiến của thời gian. Không có sức mạnh nào, địa vị nào, có thể chịu đựng nổi sức tàn phá của thời gian.
Người học đạo chân chính là người nắm bắt được thời gian, kiểm soát được thời gian ở trong từng khoảnh khắc nhỏ nhiệm của hơi thở, của tâm niệm. Thế nên, trong mùa xuân thấy được mùa thu, trong mùa đông thấy được mùa xuân. Thời gian không là điều vướng bận. Ngay nơi sát-na hiện tiền mà thể nghiệm cái thường tịch bất sinh của chân tính. Từ đó, nhìn đâu cũng thấy Phật Pháp, nhìn đâu cũng thấy mùa xuân:
“Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân”
(Trúc biếc mai vàng chẳng phải ngoại cảnh
Mây trắng trăng trong hiển hiện toàn chân)
Không ngại gì xuân đi hay xuân đến. Chỉ ngại là ở nơi sự đến-đi, hoa có thường tại hay không. Hoa bất diệt phải tưới tẩm bằng Chánh Pháp, bằng sự huân tu Giới, Định, Huệ. Đây chính là thông điệp của mùa xuân, của Pháp Phật, gửi đến tất cả chúng ta.
Chắp tay nguyện cầu cho hòa bình an lạc như những cánh tâm hoa, nở rộ trên quê hương, và trên toàn hành tinh trong mùa xuân mới.
Nam mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát
California, ngày 12 tháng 01 năm 2010
TM. Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHK
Chánh Văn Phòng
(ấn ký)
Sa môn Thích Thắng Hoan