Điện thoại trong túi của tôi rung lên từng hồi, khi tôi đang làm thủ tục lên tàu về lại D.C từ phi trường Los Angeles. Bạn tôi, ông Đặng Thủy gọi từ Virginia cho biết: Giang Hữu Tuyên (GHT) vừa đi. Tôi nói: Ở đây ồn quá, không nghe gì cả, Tuyên đi đâu"
- Đi về đất. - Có nghĩa là thằng Tuyên chết". Ông có nói chơi không"
- Tôi không nói chơi, mà nói thật là Tuyên có thể chết!!.Ông nên về sớm thăm nó, trước khi quá trễ. Tôi bàng hoàng cả người, hoang mang tự hỏi: Tại sao, người bạn trẻ lại có thể bị tai nạn ghê gớm như thế... Và tôi đã vội vã đến nhà thương thăm Tuyên cùng những người bạn báo của anh. Tuyên đang nằm bất động, hơi thở yếu ớt qua bộ máy trợ sức để chờ một một hy vọng sống.
Ngót ba mươi năm qua, khoảng giữa năm 75, tôi đã gặp GHT tại nhà Trung Tá Nguyễn Văn Phán, khi có một cuộc tập họp những quân nhân. Người thanh niên cô đơn này đã sống những ngày mất nước, mất quê hương, bạn bè qua những cơn phẫn nộ. Tuyên càng nóng nảy hơn khi đối thoại với những người chạy loạn đến Mỹ chỉ biết nói về cơm áo.
Theo Tuyên: Tuổi trẻ cần phải có lửa, để sống, đấu tranh, và đòi lại quê hương, đất nước. Cái hào khí căm hờn mất nước của Tuyên đã làm nhiều người ngại gần anh, nhưng ngược lại, cũng có một số anh em cùng chí hướng, không biểu lộ lòng căm phẫn mãnh liệt như Tuyên, nhưng bên trong vẫn âm thầm cùng Tuyên dựng nên tổ chức anh em quân nhân hải ngoại.
Nhiều đêm thao thức, anh em đã thành hình được một tổ chức với danh hiệu Lực Lượng Quân Nhân Việt Nam Hải Ngoại. Hăng hái nhất là anh Tuyên, anh Nguyễn Văn Tâm (binh nhì), anh Tâm nói rõ anh là binh nhì, nhưng mất nước anh cũng có quyền yêu nước và đóng góp như bất cứ ai, không có gì là mặc cảm.
Anh Tâm đã làm vịệc sát cánh cùng GHT, và đã đi thuê được trụ sở cho tổ chức. Anh Tuyên đã lội tuyết trong những tháng mùa đông giá buốt của cuối năm 75 với đôi giày thủng lỗ dưới chân để khiêng bàn ghế đồ đạc vào trụ sở.
Tôi hỏi anh Làm sao có thể chịu lạnh thấu xương để khiêng những bàn ghế nặng nề trên con đường tuyết với đôi giày thủng lỗ " Tuyên nói là Có thể chịu cái lạnh tê cóng dưới chân, mà không chịu nổi những con người giá áo túi cơm trong cơn rối loạn tủi hờn của đất nước.
Tuyên là người thẳng tính. Anh sẵn sàng gây gỗ, và sùng sục tìm người để gây gỗ mỗi khi tranh luận về đất nước.
Đô đốc Hoàng Cơ Minh đã nhìn thấy nhiệt tình trong con người Tuyên, trong con ngựa bất kham đó, ông đã bỏ thì giờ sinh hoạt, giải thích tường tận lý tưởng và cuộc sống cho Tuyên, cũng như cho anh em chúng tôi.
Thật tài tình ! Những lời khuyên nhủ đã giúp con người Tuyên biến những bực bội, thành công việc hữu ích. Tuyên trở thành một người đằm thắm, hữu dụng. Anh em quân nhân thời đó thành lập ra 3 tổ, đặt tên Đ18, Đ19, và Đ20. Anh Trần Xuân Lan, trưởng Đ18, anh Trung tá Mỹ, Đ19, và nghiễm nhiên, Tuyên là trưởng Đ20 để hướng dẫn anh em sinh hoạt hàng tuần.
Từ đấy, những người lính tha phương, trong đó có Tuyên, được tình bạn, tình thương, tình huynh đệ chi binh bao bọc. Người sáng kẻ tối chung nhau học hỏi. Tập thể quân nhân đã trưởng thành nhanh chóng. Tuyên đã trở nên đầm tĩnh, cộng thêm máu nghệ sĩ, Tuyên đã thành một nhà thơ khá nổi tiếng qua những bài thơ đượm tình quê hương dân tộc như Dẫu Vườn Xưa Có Thành Hoang Phế, hay Màu Tím Mồng Tơi... Và nhiều nữa như Người Chiến Sĩ Vườn Ngâu Tân Phúù (Viết chung với Anh Thanh em Trần Văn Mạnh).
Trong cái Apartment ồn hơn cái chợ nằm sát đường 50 cũng là nơi tạm trú đầu tiên của GHT và Nguyễn Đình Hùng. Tôi thường đến đây chơi, có khi bỏ vợ con ở nhà để chơi suốt đêm với Tuyên, với Hùng. Tôi và Hùng đã chứng kiến hội Thơ tao đàn tay đôi lý thú giữa GHT và Lê Mạnh Đường. Anh Đường có biệt danh mặt sắt đen sì này là dân thuộc hàng thích đấm đá, từng làm Tiểu đoàn Trưởng Nhảy dù, thế mà làm thơ hay cóc chịu được. Nguyễn Đình Hùng thường trầm ngâm với những giòng thơ quê hương miền Nam miệt vườn thiệt ngộ của GHT, còn tôi như gợi lại cả một thời chinh chiến xa xưa với thơ của Lê Mạnh Đường.
Bên cạnh hai nhà thơ, chúng tôi còn có hàng sư đoàn gián. Chao ôi, con nào con nấy to tổ mẹ, to cỡ móng chân người, chúng xếp hàng đều đặn ngược suôi trong căn nhà tồi tàn, không có đồ đạc để kiếm ăn. Ồn ào, kệ ồn ào, gián cứ bò từng đàn, từng đàn, và hai nhà thơ cũng chẳng cần để ý đến gián, cứ thơ tuôn ra bồi hồi rộn rực. Có một lần GHT cầm một cái tape nhỏ, đưa tôi và than phiền là nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc một bài thơ của anh mà không nói gì cả. Tôi phì cười bảo Tuyên: Đây là ông trách nhạc sĩ Phạm Duy hay là ông khoe anh em chúng tôi " Tôi bảo anh : Tuyên à, làm thơ cỡ nào thì mới được nhạc sĩ Phạm Duy để mắt, không phải ai cũng được như Tuyên đâu.
Ngoài cương vị trưởng Đ20, Tuyên còn được kiêm nhiệm thêm tờ báo Cờ Vàng, cơ quan ngôn luận chính thức của anh em quân nhân hải ngoại. Tờ báo này, trước đây do ông Luật sư Đinh Thạch Bích giúp làm, nhưng sau vì bất đồng quan điểm với Ông Minh, ông Bích làm reo không làm nữa. Tờ Cờ Vàng xuất bản tiếp tục ở Miền Đông và Tuyên là người đứng mũi chịu sào.
Về sau đó có một cây bút trác tuyệt là học giả Đào Mộng Nam về tiếp tay cho tờ Cờ Vàng nên Tuyên mới có thì giờ rảnh để làm tờ Bản Xứ. Đây là tờ báo mà Tuyên nâng niu và tận tụy hết mình với nó. Người ta thường thấy Tuyên có mặt trong tất cả các cuộc tập họp đông đảo của người Việt trong vùng để mời mua tờ Bản Xứ.
Nhưng vì nhu cầu đời sống, đồng bào vùng Thủ đô chú trọng đến nhữnng điều thiết thực nhiều hơn. Tờ báo Hoa Thịnh Đốn Việt Báo của Tuyên đã chính thức thay thế tờ Bản Xứ, làm công việc thông tin, nghị luận và phục vụ cộng đồng Việt Nam trong vùng.
Hoa Thịnh Đốn Việt Báo là một trong những tờ báo Việt đầu tiên xuất bản ở vùng Thủ Đô. Đây là tờ báo đứng đắn, loan tin trung thực, tạo dựng được cảm tình và lòng quý mến của cô bác trong vùng. Cái may mắn cho Tuyên khi làm tờ Hoa Thịnh Đốn Việt Báo là nhờ tài trợ giúp của vợ Tuyên (chị Sương). Chị Sương đã học xong Computer thời đó, không muốn đi xin việc làm, cùng chung sức với Tuyên để làm tờ báo, mưu sinh cho gia đình và phục vụ cộng đồng, văn chương cũng như nghệ thuật. Chính nhờ bàn tay khéo léo của Chị Sương mà tờ HTĐVB ngày càng khởi sắc và được nhiều người tìm đọc.
Nhưng cái vui chưa trọn thì cái buồn đã sồng sộc đến với anh làm bàng hoàng mọi người trong Cộng đồng. Thực tế phũ phàng này đã xẩy đến cho Tuyên hôm 4/11 bằng một cơn stroke nặng làm anh nằm mê man trên giường bệnh, với đủ các thứ ống ghim trên người.
Tôi đứng cạnh Tuyên, thương Tuyên nhưng không tìm được lời nào để an ủi chị Sương. Trong đám đông yên lặng đó, tôi chú ý đền chị Sương, người vợ anh Tuyên. Chị đã khóc thâm quầng cả đôi mắt. Tôi tiến gần chị để bày tỏ chút thương tâm ái ngại cho Tuyên, thì chị Sương đã nghẹn ngào nói với tôi: Thật khổ quá, anh Tuyên không có một sự chuẩn bị nào trước cả, tình thế này gia đình tôi quá bối rối.
Tôi chỉ biết giữ im lặng để thông cảm và chia xẻ nỗi khổ đau, lo lắng của chị và gia đình chị. Tôi nghĩ: Lời nói nào lúc này là thừa thãi và giả dối. Mấy anh bạn nhà báo cũng như tôi, tất cả chỉ biết im lặng và trầm ngâm nhìn Tuyên. Bạn bè, thân nhân anh Tuyên đến thăm đông quá, chúng tôi không muốn quẩn chân gia đình anh, chúng tôi từ giã chị Sương và gia đình Tuyên cùng ra về với lòng thương Tuyên .Và chỉ biết cầu xin ơn Trên cho Tuyên qua khỏi cơn hoạn nạn ngặt nghèo này.
Nhưng Tuyên đã bỏ chúng tôi ra đi. Riêng tôi không những đã mất một người Bạn mà còn mất một người Đồng đội luôn sắt son với lý tưởng Quốc gia. -/-
Đinh Hùng Cường
(Mùa Thu 2004)