Robert S. McNamara - Nguyễn Kỳ Phong
Tổng Trưởng Quốc Phòng McNamara là một huyền thoại trong nội các của tổng thống John F. Kennedy. Một huyền thoại với nhiều giai thoại. Hai giai thoại về McNamara được nhiều sách sử ghi lại có liên hệ đến Chiến tranh Việt Nam. Năm 1961 tân đại sứ Frederick E. Nolting phàn nàn với McNamara là những kế hoạch và đường lối mà Hoa Kỳ muốn VNCH phải làm theo, không phù hợp với văn hóa và lề lối ở Việt Nam. Đại sứ Nolting nói, người Mỹ không thể gắn một đầu máy xe hơi Ford vào cổ xe bò Việt Nam và làm cho nó chạy! Nghe xong, McNamara trả lời, “chuyện đó khó.” “Nhưng chúng ta làm được.”
Sau khi đắc cử, tổng thống John Kennedy cho người liên lạc với McNamara để mời ông tham gia nội các. Kennedy nói McNamara có quyền chọn một trong hai chức vụ: Tổng trưởng Tài Chánh, hoặc Tổng Trưởng Quốc Phòng. McNamara từ chối, nói với người đại diện tổng thống là: ông không biết gì về tài chánh, và lại càng không biết gì về quốc phòng. Kennedy bèn đề nghị: Được, nhận việc hay không, đó là quyền của McNamara. Nhưng có thể nào McNamara đến tòa Bạch Ốc để gặp nhau một lần, vì Kennedy thật sự mến mộ tài năng và tên tuổi của McNamara. McNamara đồng ý và bay từ Detroit, Michigan, về Washington, DC, gặp Kennedy. McNamara thú nhận lần đầu gặp nhau, ông “thích người tổng thống trẻ tuổi này.” (lúc đó McNamara 46 và Kennedy 43 tuổi). Ngược lại Kennedy cũng thích lối nói chuyện thẳng thắn của McNamara. Khi chia tay, Kennedy một lần nữa mời McNamara về phục vụ cho chánh phủ. Về lại Detroit, sau vài ngày suy nghĩ, McNamara viết cho Kennedy một lá thư đồng ý nhận việc. Ông sẽ tham gia nội các Kennedy với hai điều kiện: (a) ông sẽ nhận chức Tổng Trưởng Quốc Phòng, và ông muốn toàn quyền bổ nhiệm những phụ tá làm việc cho ông (thường thì phần lớn những phụ tá tổng trưởng đều do tổng thống bổ nhiệm). (b) Trong thời gian làm việc ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ông không muốn tham dự nhiều tiệc tùng do chánh phủ tổ chức hàng tuần, và cũng không muốn xuất hiện ở những tiếp tân có tính cách ngoại giao và xã hội. Nếu cho ông được hai điều kiện đó, thì ông sẽ nhận việc. Và nếu ông tổng thống đồng ý, thì ký tên vào lá thư, gởi lại cho ông. Chữ ký của Kennedy trong lá thư sẽ như là một khế ước giữa hai người. Tổng thống Kennedy đồng ý theo điều kiện của McNamara. Đó là hai giai thoại về McNamara.
*
Robert Strange McNamara sanh năm 1916 tại San Francisco, California. Học bậc cử nhân về môn kinh tế, toán, và triết học ở đại học Berkely; sau đó hoàn tất bậc cao học về quản trị thương mại ở đại học Harvard. Đang là giảng sư về môn kế toán ở trường Harvard thì Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật và Đức năm 1942. McNamara được trường điều động về làm giảng viên cho ngành xác xuất thống kê cho Không Lực Lục Quân (Army’s Air Corps. Đến năm 1947 Hoa Kỳ mới thành lập Quân Chủng Không Quân). Làm giảng viên được một năm, McNamara tình nguyện gia nhập quân đội và được nhiệm chức đại úy, phục vụ cho Không Lực 8 ở Luân Đôn. Đây là lực lượng phụ trách dội bom trên lãnh thổ Đức quốc. Nhiệm vụ của McNamara là nghiên cứu kết quả oanh tạc và điều nghiên phương pháp oanh tạc cho hiệu nghiệm để có thể triệt tiêu kỹ nghệ sản xuất của Đức. Với tài quản trị và lòng háo hức làm việc, McNamara được thăng thiếu tá nhiệm chức không đầy một năm sau. Giữa năm 1944, McNamara được thuyên chuyển về mặt trận Ấn Độ, phục vụ cho Không Lực 20 ở Calcutta. Đây là không lực phụ trách chuyển vận cho quân đội của Tưởng Giới Thạch ở Trung Hoa, và dội bom các căn cứ Nhật ở Đông Nam Á. Nhiệm vụ của McNamara là tiên liệu đường bay, số phi công cần thiết, ước lượng tổn thất, nhiên liệu, và hiệu quả các phi vụ. Dù với “tánh tình kiêu ngạo, nóng nảy, nhưng rất kỷ luật và muốn thấy kết quả,” McNamara chứng tỏ được khả năng với cấp trên. Phương pháp làm việc của McNamara là quan sát và thực hiện mọi kế hoạch qua sự tương quan của xác xuất, thống kê, và lượng định. Với McNamara, những con số là biểu tượng của mọi thực thể. Ở Calcutta, mang lon thiếu tá chưa đầy sáu tháng, McNamara được thăng trung tá.
Sau đệ nhị thế chiến, năm 1946 McNamara cùng 10 sĩ quan thân thiết, đồng gia nhập công ty xe Ford. Với tài quản trị của McNamara, chỉ 14 năm sau, năm 1960, ông được bầu làm Giám Đốc công ty Ford, một chức vụ mà giòng họ Ford chưa bao giờ giao cho người ngoài gia quyến. Năm đó McNamara được 44 tuổi, một trong những giám đốc trẻ nhất của các đại công ty trên đất Mỹ, nếu không nói là trên toàn thế giới. Khi gia nhập nội các Kennedy, McNamara có một phần nào lý tưởng. Ông phải lý tưởng vì sẽ hy sinh nhiều lợi lộc cá nhân để đi làm công chức cho chánh phủ Hoa Kỳ: Lương của Tổng Trưởng Quốc Phòng (TTQP) một năm (năm 1961) chỉ có 25 ngàn mỹ kim. Trong khi lương giám đốc công ty Ford ông đang lãnh là 410 ngàn; cộng thêm vào những tiền thưởng qua chứng khoáng và những hưu bổng khác, lương của ông có thể lên từ hai đến ba triệu mỹ kim một năm. Càng lý tưởng hơn khi ông bỏ lề lối làm việc quen thuộc để đi vào một thế giới hoàn toàn khác lạ. Thế giới thương mại, kinh tế mà McNamara từng quản trị khác với thế giới chính trị và quân sự McNamara sẽ đối diện. Với chức vụ giám đốc một công ty tư, ông có thể đuổi nhân viên lập tức; nhưng một TTQP không thể đuổi tướng lãnh hoặc chính trị gia bất đồng ý kiến với mình một cách dễ dàng.
Nhưng không giống như lúc quản trị công ty Ford, về chỉ huy Ngũ Giác Đài, thanh danh của McNamara bị ô uế. Với lối suy nghĩ chủ quan; với thái độ “tôi nói là phải đúng,” McNamara gây nhiều bất mãn cho giới tướng lãnh ngay những tháng đầu tiên ở Bộ Quốc Phòng. Theo nhiều nhân viên cao cấp có dịp hội họp với McNamara, đôi khi ý kiến và quyết định về quân sự của ông ngây thơ đến độ mắc cỡ được. Nhưng McNamara dựa vào thẩm quyền của chức vụ - và sự tin tưởng tuyệt đối của tổng thống Kennedy và Johnson vào ông - ông buộc các viên chức ở Ngũ Giác Đài phải đi theo kế hoạch của ông. Mới nhiệm chức năm 1961, để tiết kiệm ngân quỹ quốc phòng, McNamara ra lệnh cho Không Quân và Không Lực Hải Quân (Naval Air Force) phải mua cùng một loại oanh tạc cơ, thay vì như trước đây, mỗi quân chủng vẫn thường mua máy bay biến chế theo nhu cầu và chiến thuật riêng của họ. Máy bay của Hải Quân, vì phải đáp trên hàng không mẫu hạm, trọng tấn không được hơn 50 ngàn cân Anh (25 tấn). Trong khi đó, phía Không Quân, vì muốn có khả năng trang bị hai loại bom vừa nguyên tử và quy ước, nên trọng lượng tối thiểu của chiến đấu oanh tạc cơ nặng trên 63 ngàn cân. Hai quân chủng dùng mọi ảnh hưởng để làm áp lực cho McNamara hủy bỏ quyết định. Nhưng McNamara không nhường nhịn. Sau 5 năm phác họa - và nhiều xung đột giữa hai binh chủng Không, Hải Quân, vì bên nào cũng muốn phi cơ được phát họa theo ý riêng - phản lực cơ F-111 ra đời. F-111 kiểu của Không Quân thì “xài” được; kiểu F-111B của Hải Quân, vì quá nặng không thể đáp trên mẫu hạm, nên bị hủy bỏ. Giới chỉ trích (nhất là các đô đốc phụ trách không lực hải quân) coi chương trình F-111 là một thất bại lớn nhất trong các vũ khí chiến lược của Hoa Kỳ. Tên tuổi của McNamara bị nhắc hoài theo thất bại đó. Tuy lúc nào cũng chủ trương tiết kiệm ngân sách quốc phòng, nhưng trong thời gian McNamara ngự trị ở Ngũ Giác Đài, ngân sách quốc phòng hàng năm của Hoa Kỳ bằng tổng số ngân sách quốc phòng của Anh, Pháp, Tây Đức và Ý cộng lại.