Trong vài tuần qua, sau khi chương trình thời sự Four Corners nhắc đến vấn nạn mà máy đánh bạc (poker machine gọi tắt là pokies) gây ra cho xã hội Úc, và chủ nhân câu lạc bộ dã cầu Souths là nam tài tử Russell Crowe (hình trái) và triệu phú Peter Holmes a Court (hình phải) tuyên bố dự tính dẹp bỏ loại máy này khỏi câu lạc bộ thì chuyện kéo máy và tệ nạn cờ bạc trở thành một đề tài nóng bỏng cho giới truyền thông chính mạch cùng nhiều chính trị gia thời cơ bàn bạc, thảo luận. Nhật báo Sydney Morning Herald ngày thứ Năm 20/9/07 cho chạy một bài trên trang năm với tựa đề “Community Links Drug Trafficking To Gambling Debts” và trích đăng lời tuyên bố của Bác sĩ Tiến, chủ tịch CDDNVTD/UC rằng tệ nạn người Úc gốc Việt buôn lậu bạch phiến là hậu quả của tệ nạn cờ bạc: “Vấn nạn cờ bạc càng nặng thì lại càng có nhiều người làm chuyện ngu xuẩn để trả nợ vì tật ghiền của họ. Tôi dám cam đoan rằng cứ 10 tay buôn lậu nha phiến thì có 9 kẻ là người ghiền cờ bạc – họ cho rằng chỉ 1 chuyến buôn lậu là đủ trang trải mọi nợ nần!” Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài nhận định của giáo sư Peter Saunders, giám đốc nghiên cứu về các vấn đề xã hội của Trung Tâm Nghiên Cứu Độc Lập Centre For Independent Studies, được đăng trên nhật báo Sydney Morning Herald thứ Bảy 22/09/07 vừa qua.
*
Máy kéo pokies quả thật độc hại cho linh hồn của con người. Người ta ngồi thẫn thờ trên cái ghế đẩu, mắt lờ mờ như vừa mới bị uống một liều thuốc lú. Nó không có sự sinh động náo nhiệt của bàn đổ xí ngầu ở sòng bạc. Nó cũng khác hẳn với chuyện đánh cá ngựa ở TAB khi người đánh cá sử dụng kiến thức của họ để lựa con ngựa mà họ cho là có cơ chiến thắng. Với máy kéo pokies hoàn toàn không có sự tác động này. Người chơi máy kéo không làm gì cả, chỉ ngồi chực chờ xem định mệnh, may rủi mang đến cho mình một cái gì đó. Họ trở thành một thứ bộ phận bằng xương và thịt của cái máy rồi.
Thế nhưng, tuần qua, một nữ đồng nghiệp của tôi đi du ngoạn trong suốt cuối tuần với gia đình bà ta. Bà ghé vào câu lạc bộ RSL địa phương để ăn tối rồi bà ngẫu hứng, quyết định thử thời vận trên máy kéo với $5. Ngay lập tức, bà thắng được $177. Bà thích quá và rút ngay tiền ra. Số tiền thắng này được dung để trả tiền ăn và tiền phòng ngủ đêm hôm đó. Và có lẽ bà ta sẽ không đến gần một cái máy kéo nào nữa trong vòng 12 tháng tới đây.
Thế thì có phải chính máy kéo có vấn đề hay người chơi máy mới thật sự là vấn nạn" Có phải các câu lạc bộ có trách nhiệm ngưng hẳn việc dụ dỗ chúng ta, hay chính phủ phải có trách nhiệm hạn chế giấy phép cho máy kéo, hay chính chúng ta phải có trách nhiệm biết tự chế" Là người trưởng thành chắc hẳn chúng ta phải nhận lấy trách nhiệm về việc tiêu xài sử dụng tiền bạc của chính mình mà không cần phải nhờ mấy anh tài tử, mấy ông doanh nhân hoặc mấy ngài chính trị gia chỉ bảo cho chúng ta phải làm gì chứ"
Đồng chủ nhân của đội dã cầu Souths, các ông Russell Crowe và Peter Holmes a Court, được ngợi khen hết mực vì nỗ lực dẹp máy kéo pokies ra khỏi câu lạc bộ South Sydney League Club. Họ muốn dẹp máy đi để có thể thu hút khách hàng mới.
Khi giải thích vì sao ông muốn dẹp máy, ông Peter Holmes a Court ước lượng rằng khoảng phân nửa só tiền người ta thua cho máy kéo của câu lạc bộ là từ tiền trợ cấp xã hội. Ông nghĩ rằng việc câu lạc bộ cố bảo trợ cho những dự án phúc lợi xã hội cho cộng đồng địa phương trong lúc bòn rút tiền bạc của chính những người mà câu lạc bộ cố giúp đỡ quả thật là một sự phi lý.
Nước Úc quả thật có vấn nạn về máy kéo pokies. Gần 250,000 người bị ghiền bài bạc (have a gambling problem) như một hậu qủa của việc chơi máy kéo. Không phải chỉ có họ mới ghiền mà thôi. Phần lớn các câu lạc bộ và các quán nhậu phải lệ thuộc vào lợi tức từ các máy này. Ngay cả các chính phủ tiểu bang cũng cần chúng để thu hoạch thuế má.
Đa số máy kéo được đặt ở những khu vực ngoại ô tương đối nghèo và phần lớn những người mất tiền cho máy kéo là những người có lợi tức thấp và ít học vấn. Từ đó đưa đến một vấn đề nan giải, một sự giằng co giữa ý tưởng tôn trọng tự do cá nhân, để cho mỗi con người quyền tự lo liệu lấy cuộc đời của họ và nỗi quan ngại đầy tính kẻ cả (paternalistic concern) muốn ngăn chận không để cho họ huỷ diệt cuộc đời họ vì những quyết định sai lầm. Vận đề nan giải này không phải chỉ xảy ra trong vấn nạn máy kéo mà thôi.
Cứ thử nghĩ đến các loại nha phiến được xem là “nha phiến giải trí” (recreational drugs). Rất nhiều người trong giới trung lưu thỉnh thoảng hút một điều cần sa vào một buổi tối thứ Bảy và quả thật là khó khăn để tranh luận rằng chuyện này sẽ mang đến nguy hại trầm trọng cho họ. Thế nhưng cách đây vài năm, tôi có tổ chức nhiều nhóm thảo luận nghiên cứu với thiếu niên thiệt thòi (disadvantaged youngsters) ở Melbourne, và quả thật tôi đã bị chấn động khi thấy được ảnh hưởng tàn hại mà sự sử dụng cần sa quá mức mang đến cho họ. Cần sa chế ngự cuộc sống hàng ngày của họ khiến họ không thể nào được thuê mướn cả (unemployable).
Và rượu bia cũng thế. Thị trưởng Sydney, bà Clover Moore, muốn nới lỏng luật cấp giấy phép để cho phép mở những hàng quán bán rượu kiểu Âu Châu. Melbourne đã có những quán nhậu kiểu này, và lập luận cho việc cải tổ luật pháp này có vẻ hữu lý, chỉ có giới chủ quán nhậu mới mạnh mẽ chống đối thôi. Thế nhưng, tại một số cộng đồng thổ dân xa xôi hẻo lánh thì tệ nạn bia rượu lại đang gieo rắc quá nhiều tai ương và chính phủ liên bang đã phải cấm bán rượu trong nỗ lực tái tạo trật tự ở những nơi này.
Thế thì có phải đây là trường hợp đạo đức giả, một loại luật riêng cho người giàu và một loại luật khác cho người nghèo chăng" Có phải chúng ta cảm tháy thoải mái khi để cho mấy bà mẹ ở các khu trung lưu thảnh thơi giải trí với máy kéo trong khi chúng ta giới hạn việc sử dụng loại máy này tại những vùng thuộc tầng lớp thấp hơn" Có phải việc giới trí thức đại học có thể hút cần sa và nhấm nháp tý rượu vang thì chấp nhận được trong khi chúng ta ra lệnh nghiêm cấm rượu và nha phiến cho thổ dân Northern Territory chăng"
Câu hỏi này đi thẳng vào trọng tâm của chính sách xã hội đương đại. Chính phủ liên bang nắm giữ lại một phần của tiền trợ cấp xã hội từ những gia đình “thiếu trách nhiệm” và dùng tiền này để trả tiền thuê nhà và tiền mua thực phẩm cho họ hơn là để họ phung phí vào việc cờ bạc, hút sách hay rượu chè. Rất nhiều cộng đồng ở Northenr Territory đã trở thành mục tiêu như thế và một số chương trình tương tự đang được thử nghiệm tại một số khu vực không có người thổ dân.
Chính sách này sở dĩ tạo nhiều tranh luận bởi vì nó mang tính kẻ cả (paternalistic). Nó cho rằng người ta vô dụng, bất lực, không đủ khả năng và thẩm quyền để tự quyết định về cuộc đời của mình và vì thế cần phải được chính phủ dạy dỗ cho cách sống. Đối với rất nhiều người, điều này hoàn toàn không đúng.
Một trong những sự chỉ trích thật mạnh mẽ về sự can thiệp của chính phủ ở Northern Territoy là việc chính phủ đã nắm giữ lại tiền trợ cấp của mọi gia đình thổ dân, ngụ ý rằng tất cả mọi người đều vô dụng, không đủ khả năng. Đây là một sự sỉ nhục cho những gia đình đã khéo léo thu vén sử dụng tiền bạc của họ và chăm sóc cho con em họ đàng hoàng, đầy trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng có một vài người thật sự vô tài, thiếu khả năng, bất lực và thiếu trách nhiệm. Đối với những người này thì có lẽ sự can thiệp đầy tính kẻ cả này là hy vọng sáng sủa nhất cho tương lai họ.
Từ đó đưa đến một vấn nạn. Trong lãnh vực đề đạt chính sách xã hội thì chắc chắn không thể nào có một giải pháp duy nhất thích hợp với mọi trường hợp cả. Đai đa số chúng ta có thể tự điều hành lấy đời sống của mình, nhưng một vài người sẽ cần được hướng dẫn, dìu dắt để họ không trôi giạt vào những cơn đại nạn.
Thế thì làm cách nào chúng ta có thể phân biệt được ai là người có khả năng và đủ trách nhiệm để sống tự lập và ai là kẻ vô dụng, thiếu trách nhiệm" Và chuyện đối xử khác biệt đối với hai nhóm, can thiệp vào một số người của nhóm này trong khi để nhóm kia ung dung tự tại, có phải là một chuyện đúng đắn, hợp đạo lý hay không"
Nếu chuyện này không đúng, không hợp lý thì bằng cách nào chúng ta có thể tránh được hoàn cảnh trong tương lai khi tất cả chúng ta sẽ bị ngột ngạt vì sự ôm ấp che chở thật chuyên quyền kẻ cả từ một chính phủ vốn tin rằng nó có trách nhiệm phải bảo vệ chính chúng ta khỏi những nguy hại do chính chúng ta tạo nên"