Tác giả SaPy Nguyễn Văn Hưởng nhận giải Viết Về Nước Mỹ |
Sau đây là bút ký của ông về biến cố 30-4-1975 tại doanh trại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin thuộc sư đoàn 21 Bộ Binh VNCH, ngoại ô Bạc Liêu. Ông Hưởng hiện là cư dân San Diego và vị cựu Thiếu tá Lương Duy Thanh, Tiểu Đoàn Trưởng trong hồi ký của ông hiện là cư dân Los Angeles.
Đoạn Ba: Danh Dự - Trách Nhiệm
(tiếp theo)
Không ai che dấu được nét ưu tư trên gương mặt. Chợt tiếng chuông điện thoại reo vang. Thượng sĩ Thanh uể oải nhắc ống nghe lên. Nói chuyện điện thoại, nhưng người Hạ sĩ quan già này vẫn quen với giọng điệu nói trên máy vô tuyến. Mắt ông mở thật to, còn miệng há hốc ra, cứ lập đi lập lại mỗi điệp khúc:
- Nhận rõ...nhận rõ...nhận rõ.
Buông ống nghe xuống, giọng ông nói như lạc đi:
- Thằng Hòa “Tổng Đài” vừa báo tin: Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam và Chuẩn tướng Lê Văn Hưng, đã dùng súng lục bắn vào đầu tự sát hồi rạng sáng hôm nay rồi!
Hai mí mắt tôi tự nhiên khép lại, đứng như bất động. Một lát sau, tôi bước trở lại bàn làm việc, buông mình xuống ghế, tâm tư hướng về hai vị tướng vừa nằm xuống.
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn IV - Quân Khu IV mới gần được nửa năm, nên tôi chưa có dịp gặp mặt. Ai cũng biết, ông là một vị tướng suốt đời xông pha nơi trận tuyến, lập biết bao chiến công. Ông được mọi người ngưỡng mộ không chỉ vì là một cấp chỉ huy có tài, mà còn là một người đạo đức thanh liêm. Ông sống độc thân, nên dành hết thời giờ cho đời binh nghiệp và cho quốc gia dân tộc.
Còn với Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, đã lần lượt đảm trách các chức vụ Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Trưởng, Trung Đoàn Trưởng và Tư Lệnh của Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Nhưng hình ảnh oai hùng nhất của ông trong tôi chính là 2 tháng dài ông tử thủ An Lộc. Những ngày ấy, tôi lo việc thiết lập hệ thống liên lạc cho Bộ Chỉ Huy Tiền Phương Sư Đoàn 21 Bộ Binh, đóng tại Tân Khai, cách hầm trú ẩn Tướng Hưng chỉ hơn mươi cây số. Tôi đã thấy hàng ngàn đồng bào Bình Long gồng gánh, bồng bế, dắt dìu nhau, men theo quốc lộ 13 tìm về vùng Quốc Gia. Chúng tôi đã bất chấp quy luật hành quân, cho dân chúng tràn vào tuyến phòng thủ, để họ có nơi trú ẩn, hầu tránh bị thương vong mỗi khi phải hứng chịu những trận pháo kinh hồn.
Cơn mưa pháo có ngày lên tới 7,500 trái, đã biến An Lộc thành bình địa, nhưng không làm nổ tung được ý chí quyết giữ An Lộc, quyết bảo vệ mấy chục ngàn đồng bào Bình Long bị kẹt giữa vùng lửa đạn của Đại tá Lê Văn Hưng. Nhưng hôm nay, vận nước ngả nghiêng, một viên đạn súng lục đã cướp đi cuộc đời vị Tướng anh hùng.
Tôi ôm mặt, cúi đầu nhắm mắt cầu nguyện, tiễn đưa hương hồn hai vị chỉ huy đáng kính. Trang sử Việt oai hùng có thêm hai vị tướng chết theo thành. Chắc anh linh Tướng Nam, Tướng Hưng giờ này đang hội ngộ cùng Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản,... nơi miền tiên cảnh.
*
Mãi đến lúc ngồi nhìn mấy anh em binh sĩ lăng xăng dọn bữa cơm trưa nóng sốt lên bàn, tôi mới tự hỏi: Thường ngày nhà bếp sĩ quan chỉ nấu cho Thiếu Tá Thanh và vài ba anh em độc thân ăn thôi. Thế mà kể từ trưa hôm qua đến giờ, con số người ăn tăng lên gấp bốn năm lần, chợ búa thì không nhóm họp. Chẳng hiểu Trung sĩ Hỷ làm cách nào để lo tươm tất, đầy đủ từng bữa ăn cho bao nhiêu con người ấy" Tôi muốn hỏi thăm cùng nói đôi lời cám ơn Hỷ, nhưng Hỷ bận việc luôn tay. Cho nên mãi đến bây giờ, lời cám ơn ấy vẫn còn nằm nguyên trong lòng tôi và điều tôi muốn biết cũng sẽ vĩnh viễn là một bí ẩn. Tôi chỉ suy ra được một điều là mọi anh em trong đơn vị tôi, đều cố gắng chu toàn nhiệm vụ của mình cho đến khi phải ngậm ngùi từ giã đời lính.
Nếu tính cho đến giây phút những dòng chữ này được viết ra, tôi đã sống qua hơn nửa thế kỷ, nói chính xác hơn là đã sống gần hai vạn một ngàn ngày, ăn trên bốn vạn bữa cơm. Nếu chỉ được chọn ăn một bữa cơm duy nhất trong đời, tôi không ngần ngại chọn ngay bữa ăn cuối cùng của cuộc đời lính trong ngày 30-4-1975. Tôi vẫn biết bữa ăn hôm ấy không có sơn hào hải vị, không rượu ngon, còn miệng tôi cay đắng nuốt không trôi hết nửa bát cơm. Nhưng lòng tôi no đầy tình đồng đội, cái tình “sống chết có nhau là huynh đệ chi binh”. Tôi cũng ghi tạc từng lời Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng tỏ lòng mình ra cùng các sĩ quan thuộc cấp:
- Tôi rất hãnh diện về tinh thần kỷ luật của anh em trong đơn vị. Trọn ngày hôm qua, tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều về việc ra lệnh cho mọi người đi đâu thì đi hay ở lại đây chờ họ vào" Phủi tay bỏ đi lúc này thật quá dễ. Tôi đã thầm trách các cấp lãnh đạo, các cấp chỉ huy bỏ mặc đồng bào, bỏ rơi đồng đội. Nay chính tôi lại làm như vậy hay sao" Rồi tôi nghĩ đến câu “Tổ Quốc - Danh Dự - Trách Nhiệm” trên huy hiệu người chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Chúng mình đã bị trói tay không bảo vệ được Tổ Quốc, nhưng còn Danh Dự - Trách Nhiệm, tôi phải bảo vệ vẹn toàn. Nghĩ thế nên tôi quyết định ngồi lại đây chờ họ đến, cho họ nhìn thấy tận mắt và hiểu rằng người lính Việt Nam Cộng Hòa không hèn yếu, khiếp nhược. Riêng bản thân tôi, tuy không dám chết vinh như hai vị tướng Nguyễn Khoa Nam và Lê Văn Hưng, nhưng tôi quyết không chịu sống nhục.
Nói xong, ông quay sang bảo Đại úy Chinh và tôi:
- Khi bọn họ đến đơn vị mình, tôi sẽ ngồi trong văn phòng, anh Chinh và anh Hưởng ra cổng hướng dẫn họ vào gặp tôi.
Một ngày mà không một người Việt Quốc Gia nào tưởng tượng có thể xảy đến đã đến. Chỉ còn vỏn vẹn vài giờ nữa đơn vị tôi chính thức bị giải thể, đời lính của tôi cũng kể như xong. Hơi thở tôi vẫn còn, súng đạn vẫn còn...Nhưng tôi đành bất lực đứng chờ giờ phút cuối của đơn vị, giờ phút cuối của đời lính mình. Trong giờ phút sau cùng này, tôi thấy rõ hơn lúc nào hết cái tinh thần bất khuất không khiếp sợ Cộng Sản của từng người trong đơn vị tôi. Riêng những người trực tiếp trông coi hệ thống liên lạc, mỗi lần nhắc điện thoại lên, các anh đều báo ngay cho chúng tôi biết, người đầu dây bên kia là Quốc Gia hay Cộng Sản. Các anh còn nắm vững và báo cáo đầy đủ tình hình các nơi, nên tuy chỉ lẩn quẩn trong vòng rào đơn vị, nhưng mọi diễn biến bên ngoài tỉnh Bạc Liêu chúng tôi đều hay biết.
*
Đến giờ thứ 38, tức 2 giờ chiều ngày 1-5-1975, một Đại Đội Việt Cộng tiến vào đơn vị tôi. Tuy mang danh Đại Đội, nhưng quân số chỉ hơn hai mươi người. Họ đến bằng xe GMC. Chiếc xe ngừng ngay lại giữa cổng chính. Toán lính ngồi trên hai băng ghế phía sau đồng loạt nhảy xuống, làm ra vẻ xung trận, tấn công tiến chiếm mục tiêu, rải người cầm súng chạy chiếm giữ các điểm trọng yếu. Đêm qua dưới ánh điện le lói, tôi không nhìn rõ toán quân Cộng Sản. Lúc này giữa ban ngày, những nét rừng rú, quê mùa hiện rõ lên trên từng gương mặt. Họ ăn mặc lôi thôi lếch thếch, chỉ có vài người mang dép râu còn lại đều đi chân đất. Từ trên ghế trưởng xa, một người đeo khẩu K54, nhảy xuống xe, ông ta cố tạo cho mình dáng vẻ một cấp chỉ huy. Nhìn thấy tôi và Đại úy Chinh đứng trước phòng tiếp tân, ông tiến lại hất hàm lên tiếng hỏi:
- Hai anh có phải là người chỉ huy đơn vị này không"
Đại úy Chinh đáp:
- Không phải. Anh là ai, cho tôi biết tên và chức vụ để tôi vào trình cho ông Đơn Vị Trưởng tôi biết"
- Tôi là Thành Biển, Chính Trị Viên Đại Đội.
- Anh đi theo tôi.
Thành Biển bước theo sau Đại úy Chinh và tôi tiến vào văn phòng Tiểu Đoàn Trưởng.
Trong lúc Thiếu tá Thanh và Thành Biển ngồi nói chuyện. Binh sĩ hai bên Quốc - Cộng chỉ đứng lườm nhau.
Nửa giờ sau, kẻng tập họp vang lên, theo lệnh Thiếu úy Minh sĩ quan Trực, mọi người nhanh chóng xếp thành hàng lối. Điểm danh xong, Đại úy Chinh ra hiệu cho tôi vào văn phòng mời Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Thiếu tá Thanh cùng Thành Biển ra khỏi văn phòng. Đại úy Chinh dõng dạc hô to:
- Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng đến! Nghiêm! Chào tay! Chào!
Tiếng hô của Đại úy Chinh và những cách tay đồng loạt giơ lên chào kính người Đơn Vị Trưởng làm kinh ngạc toán lính Việt Cộng đến tiếp thu. Nhìn anh em trong quân phục chỉnh tề cùng lễ nghi quân cách trang trọng, đối nghịch hoàn toàn với toán quân ô hợp. Tôi ngậm ngùi tự hỏi. Tại sao chúng tôi lại phải bàn giao quyền lực cho một toán quân như vậy" Hỏi chỉ để cho lòng bớt thổn thức, cho vơi đi sự đau đớn chứ chúng tôi còn làm được gì trong giờ phút này, khi lịch sử đã sang trang. Rồi mai đây, tất cả chúng tôi còn phải phục tùng nghe theo một cách bất đắc dĩ mọi mệnh lệnh của những con người đang đứng đó.
Thiếu tá Thanh đứng nghiêm chào hàng quân xong. Đại úy Chinh lại dõng dạc hô lớn:
- Phất! Thao diễn! Nghỉ!
Thiếu tá Thanh tiến lên đứng riêng một mình trước mặt hàng quân. Với giọng thật cảm động ông nói lời từ giã:
- Thưa các anh em, đây là lần cuối cùng tôi đứng nói chuyện trước anh em. Tôi cám ơn tất cả quân nhân các cấp. Trong suốt thời gian tôi giữ nhiệm vụ chỉ huy đơn vị này, anh em đã giúp tôi chu toàn nhiệm vụ của một người quân nhân. Hôm nay, tuân hành nghiêm chỉnh lệnh thượng cấp, đơn vị chúng ta buông súng bàn giao cho quân “Cách Mạng”. Trước khi từ biệt, tôi có lời khen ngợi tất cả anh em đã giữ đúng tinh thần kỷ luật cho đến giờ phút cuối cùng. Tôi cầu chúc anh em và gia quyến được mọi điều an khang. Sau đây tôi xin giới thiệu anh Thành Biển, Chính Trị Viên Đại Đội đến tiếp thu đơn vị chúng ta.
(còn tiếp)